THÀNH PHỐ NHA TRANG: Đã có địa điểm bán thực phẩm an toàn

609

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 3 địa điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn TP. Nha Trang, dự kiến đến cuối năm sẽ là 10 địa điểm.

Cái tâm của người kinh doanh

Vừa bước vào cửa hàng Thực phẩm sạch (số 10 đường Lý Tự Trọng), ấn tượng đầu tiên mà nhiều khách hàng cảm nhận là điều kiện kinh doanh của cửa hàng khá chuyên nghiệp: rau, củ được bảo quản tốt trong môi trường làm mát và hệ thống phun sương tạo độ ẩm; thực phẩm được sơ chế tiện lợi cho khách hàng… Ngoài ra, ngay tại quầy rau, củ luôn có một chiếc máy kiểm tra nhanh về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để khách hàng trực tiếp kiểm tra sản phẩm. Khi hỏi về nguồn gốc rau, củ và muốn xem hồ sơ truy xuất nguồn gốc, nhân viên nhanh chóng giới thiệu, đồng thời đưa các loại hóa đơn nhập hàng cho khách hàng xem. Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Quản lý cửa hàng Thực phẩm sạch cho biết: “Cửa hàng mới hoạt động hơn 6 tháng, đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với một số mặt hàng rau, củ lấy từ Đà Lạt, xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa). Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cửa hàng còn bán các loại thực phẩm khác như: cá, tôm, thịt gà… đều có nguồn gốc rõ ràng từ các địa phương trong tỉnh”. Xuất phát từ nỗi băn khoăn khi lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình, bà Quỳnh Anh và một số người bạn đã cùng thành lập cửa hàng với quan điểm “bán sản phẩm mình dùng và dùng sản phẩm mình bán”.

 

 Khách hàng mua sản phẩm gạo an toàn tại cửa hàng gạo Phước Long
Khách hàng mua sản phẩm gạo an toàn tại cửa hàng gạo Phước Long

Cũng xuất phát từ việc tìm kiếm thực phẩm an toàn cho gia đình, bà Huỳnh Nguyễn Minh Huệ (chủ cửa hàng gạo Phước Long, 160 đường Lê Hồng Phong) giới thiệu đến khách hàng loại gạo an toàn được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy xác nhận. Theo bà Huệ, đây là loại gạo được sản xuất từ ruộng lúa mà gia đình bà tự trồng tại xã Diên Bình (huyện Diên Khánh). Bà đã đưa sản phẩm gạo này đi kiểm tra tồn dư thuốc BVTV, cho kết quả an toàn nên bà dùng cho gia đình và bán tại cửa hàng. “Nhiều người luôn lo lắng mua phải gạo sử dụng chất làm bóng, tẩy trắng, tạo màu hoặc tồn dư nhiều thuốc BVTV. Do vậy, tôi muốn bán cho khách hàng loại gạo an toàn mà chính gia đình tôi đã và đang sử dụng”.    
Siêu thị Co.opmart Nha Trang cũng là siêu thị đầu tiên được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy xác nhận sản phẩm ATTP với các loại rau ăn lá. Phần lớn các loại rau này được siêu thị lấy tại vùng rau VietGAP ở xã Ninh Đông và TP. Đà Lạt.

Bước đầu được đón nhận

Tuy mới triển khai, nhưng các sản phẩm ATTP bán tại các địa điểm trên đã được người tiêu dùng đón nhận. Bà Lê Thị Bích Trâm (đường Nguyễn Trãi) chia sẻ, tuy sản phẩm bán tại cửa hàng Thực phẩm sạch chưa được phong phú như ở chợ và siêu thị, nhưng thực phẩm tươi ngon và sạch sẽ. Đặc biệt, các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng xác nhận và có thể truy xuất nguồn gốc nên bà rất yên tâm.

 

3 địa điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn TP. Nha Trang, gồm: cửa hàng Thực phẩm sạch (sản phẩm xác nhận là: khoai tây, cải thảo, cà rốt), cửa hàng gạo Phước Long (sản phẩm gạo Tía), siêu thị Co.opmart Nha Trang (cải ngọt, cải bẹ xanh, rau muống, rau mồng tơi). Giá các loại rau, củ của cửa hàng Thực phẩm sạch cao hơn so với giá ở các chợ từ 10 đến 20%.
 

So với thời gian đầu, hiện nay, số lượng gạo an toàn được cửa hàng gạo Phước Long bán ra đã tăng đáng kể (khoảng hơn 300kg/tháng). Theo chủ cửa hàng, tuy doanh thu của sản phẩm gạo an toàn chưa cao so với các loại gạo khác đang bán tại cửa hàng, nhưng người tiêu dùng đã bắt đầu đón nhận sản phẩm này. Ban đầu khách hàng chủ yếu là người quen, sau khi ăn thử gạo đã giới thiệu cho người thân, bạn bè.

Ông Nguyễn Văn Đẩu – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Chi cục đã cấp tem xác nhận sản phẩm ATTP để cơ sở dán lên sản phẩm. Định kỳ, chi cục tổ chức kiểm tra các cơ sở về thực hiện quy định đối với việc dán nhãn, quản lý nhãn, chất lượng sản phẩm được dán nhãn… Theo kế hoạch, năm 2016, chi cục sẽ thực hiện khoảng 10 địa điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh”. Trong thời gian sắp tới, người tiêu dùng sẽ có thêm các địa chỉ tin cậy để lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, con số này xem ra vẫn còn ít so với nhu cầu của người dân.

Nguồn Báo Khánh Hòa