Tính đến hết ngày 6-9, đã có 5.000 lượt người tham gia cuộc thi tìm hiểu truyền thống “55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2016)” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa phát động, theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến trên Internet, tại địa chỉ http://tuyengiaokhanhhoa.vn.
Cuộc thi nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh về chiến tích oai hùng của tuyến vận tải quân sự chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”; tri ân các anh hùng, liệt sĩ trên tàu C235 hy sinh tại vùng biển xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa cũng như những anh hùng, liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Nội dung câu hỏi cuộc thi gợi nhắc về một thời hoạt động đầy gian khó, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của những con tàu không số năm xưa.
Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, nhiều chiếc thuyền của các tỉnh Nam Bộ đã ra tới miền Bắc. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng đưa những tấn vũ khí đầu tiên đến với lực lượng vũ trang Cà Mau. Ngày 17-3-963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí cũng đã vào bến Trà Vinh an toàn. Từ năm 1961 đến 1975, cán bộ, chiến sĩ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh; mưu trí, dũng cảm; đưa hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc men và hàng chục nghìn lượt người từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn.
Hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển là nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ; thể hiện ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; là biểu tượng tự hào của cả dân tộc.
Ngày 23-10 hàng năm là ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay; cũng là ngày truyền thống mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tại sườn núi Bà Nam, Hòn Hèo, thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa hãy còn đó uy nghiêm miếu thờ và bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tàu C235. Gắn với tên tuổi người anh hùng Nguyễn Phan Vinh, tại xã Ninh Vân có một ngôi trường mang tên anh; trong quần đảo Trường Sa, có một đảo nhỏ mang tên anh. Các thế hệ hôm nay và mai sau của cả nước nói chung, của Khánh Hòa nói riêng ngày ngày vẫn cứ gọi mãi tên anh.
Trước tình hình thế giới, khu vực; tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, cuộc thi do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức góp phần khơi dậy truyền thống anh dũng, trung kiên của những người con làm nên Đường Hồ Chí Minh trên biển anh hùng; cổ vũ các lực lượng quân và dân ta, trọng tâm là các lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên các tuyến biển, đảo không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu; xây dựng đơn vị vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Theo Ban Tổ chức, cuộc thi kết thúc lúc 18 giờ ngày 9-10.
Trên giao diện website cuộc thi có chiếc đồng hồ đếm ngược. Khi bạn đọc cầm trên tay bài viết nhỏ này, con số chỉ thời gian còn lại của cuộc thi là 2 ngày.
Nguồn Báo Khánh Hòa