Toàn cảnh Đại hội. (Ảnh: TTXVN) |
– Ngày 27/12, Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ VIII đã được khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2015”. Tham dự Đại hội có 1.500 đại biểu đại diện các tập thể Anh hùng, các Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến của các địa phương, lĩnh vực, các dân tộc, tôn giáo… trên khắp Tổ quốc.
Các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã dự Đại hội.
Cùng dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng.
Thi đua góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nêu rõ: Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, 62 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ… Có thể nói, lịch sử cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra các phong trào thi đua yêu nước và cũng chính lịch sử đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tác dụng to lớn của phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nổi bật là: Chúng ta đã ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của khủng hoảng kinh tế thế giới, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, năm 2010 tăng trưởng 6,7%, bình quân 5 năm 2006 – 2010 tăng trưởng khoảng 7%/năm; Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, an sinh và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và bảo đảm ngày càng tốt hơn; Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao; Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố; Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII có nhiệm vụ tổng kết đánh giá những kết quả đã đạt được, những ưu, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua và làm tốt công tác khen thưởng trong thời gian tới. Đồng thời, Đại hội cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, những tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc đại diện cho các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhằm khơi dậy, cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sôi nổi, lan tỏa ở tất cả các ngành, lĩnh vực
Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2005 – 2010, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nêu rõ: 5 năm qua, kể từ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, công tác thi đua, khen thưởng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã có sự phối hợp chặt chẽ; các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua phong phú về nội dung và hình thức. Phong trào thi đua đã gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, việc lồng ghép các phong trào thi đua được tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy, động viên và tập hợp được sức mạnh, phát huy được sức sáng tạo, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành động lực, biện pháp quản lý hữu hiệu, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội và từng bước cải thiện đời sống nhân dân….
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thông qua các phong trào thi đua đều nổi lên những cách làm hay, sáng tạo, thông qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Điển hình như các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông… đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; Phong trào thi đua liên kết đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng trên các công trình trọng điểm quốc gia; Phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội…
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm; Phong trào thi đua “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”… phát triển ngày càng sâu rộng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đã giúp cho hàng triệu nông dân thoát nghèo. Ngành đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 10 tỷ USD.
Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”… góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… Trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, ngoại giao, văn hóa, thể dục thể thao, các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, phòng chống tham nhũng… đều có nhiều hình thức thi đua sôi nổi, đạt hiệu quả cao.
Qua các phong trào thi đua, 5 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng 97 Huân chương Sao vàng, 243 Huân chương Hồ Chí Minh, 5.740 Huân chương Độc lập, 268 Huân chương Quân công, 25.593 Huân chương Lao động, 456 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 178 Anh hùng Lao động, 61 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 2.711 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 159 Giải thưởng Nhà nước và nhiều danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú)….
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đánh giá công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua và khen thưởng đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn, thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất sắc, mang tính sáng tạo.
Tiếp tục quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiệt liệt biểu dương đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước mà tiêu biểu là các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến vinh dự về dự Đại hội, đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước và đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư cho rằng, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm và tình hình thực tế của từng bộ, ngành, đơn vị, khơi dậy được tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo, thu được nhiều kết quả thiết thực. Nhiều phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng như: Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân và người lao động”; Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực và sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn và rất quan trọng của 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và những thành tựu quan trọng của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Bên cạnh những thành tích xuất sắc đã đạt được, Tổng Bí thư cũng lưu ý cần thấy rõ và phấn đấu khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất về nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan trong việc tổ chức các phong trào thi đua.
Về nhiệm vụ công tác thi đua – khen thưởng 5 năm tới, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu cần tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về nhận thức để mọi người thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua… Thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo những quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, nhằm tập hợp vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện, biến đường lối của Đảng thành hiện thực sinh động trong thực tiễn, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Cần chú trọng đẩy mạnh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, động viên mọi người, mọi tổ chức các cấp, các ngành tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước. Phát huy vai trò của MTTQ, của các đoàn thể nhân dân, của cả hệ thống chính trị để tạo thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng, làm cho chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua không ngừng phát triển lên tầm cao mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, 5 năm tới, phong trào thi đua yêu nước cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, nhân rộng những mô hình, giải pháp hay đã được đúc kết tại Đại hội này. Bên cạnh đó, từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua với những nội dung, mục tiêu thi đua cụ thể, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia tạo thành phong trào hành động cách mạng mang tính quần chúng rộng rãi, thu được hiệu quả thiết thực; Gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát triển toàn diện về ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khỏe và lao động giỏi, sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc …
Theo Tổng Bí thư, để phong trào thi đua mang lại hiệu quả cao, việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến cần được chú trọng. Mỗi một phong trào thi đua đã phát động cần phải tiến hành sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu.
Tổng Bí thư nêu rõ, để công tác thi đua – khen thưởng không ngừng được nâng cao hiệu quả, các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua – khen thưởng…, đồng thời tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác này cho phù hợp yêu cầu thực tiễn; Kiện toàn tổ chức đi đôi với củng cố, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới hiện nay.
Tổng Bí thư cho rằng, để thi đua yêu nước không ngừng phát triển, điều quan trọng là phải tập trung sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ và toàn diện của các cấp ủy đảng. Các cấp ủy đảng tiếp tục quán triệt và triển khai tới các chi bộ Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến, từ đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiều nay, các điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực sẽ giao lưu với các đại biểu dự Đại hội.
Trước khi Đại hội diễn ra, đoàn đại biểu các Anh hùng, Chiến sỹ thi đua, các điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Hà Nội./.