Nhiều nước ASEAN “để mắt” tới thị trường Việt Nam

198

Mấy năm trước, ngành bán lẻ trong nước đã chứng kiến các nhà đầu tư Thái Lan thâu tóm thị trường Việt Nam. Và giờ đây, hoạt động thâu tóm này có dấu hiệu “bùng nổ” với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư khác trong khu vực ASEAN như Malaysia, Singapore hay Indonesia. Hệ quả là hàng hóa của những quốc gia này càng có thêm nhiều lợi thế thâm nhập thị trường Việt.
Năm 2016, xuất khẩu Việt Nam sang ASEAN giảm 9%, nhập khẩu tăng lên gần 40%, 
chuyển nhập siêu từ Trung Quốc sang ASEAN

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những tác động tiêu cực từ cuộc xâm lấn trên tuy chưa hiện hữu ngay và rõ nét nhất trong năm 2016, 2017, song về lâu dài sẽ tác động rất lớn tới Việt Nam.

Nhập siêu khủng từ ASEAN

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong ba tháng đầu năm, Việt Nam đã thâm hụt thương mại hơn 1,6 tỷ USD với tám nước có quan hệ thương mại trong ASEAN, tăng hơn 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng nhập siêu trên 18%.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi hơn 6,42 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ tám nước ASEAN, kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng hơn 900 triệu USD.

Điều này cho thấy tốc độ tăng nhập khẩu đang cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu, mặc dù nhiều hàng hóa Việt Nam được bỏ thuế quan xuất khẩu vào các nước ASEAN trước khi các nước ASEAN xuất sang Việt Nam.

Phân tích thị trường nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, ba thị trường Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD trong ba tháng qua là: Thái Lan với 2,1 tỷ USD, Singapore với 1,3 tỷ USD, Malaysia hơn 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, về thị trường xuất khẩu, Việt Nam chỉ có duy nhất thị trường Thái Lan, xuất khẩu trị giá 1 tỷ USD.

Dẫn tới, các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn và tăng mạnh thời gian qua là: Thái Lan, nhập siêu 1,1 tỷ USD, Indonesia hơn 180 triệu USD, Malaysia hơn 400 triệu USD và Singapore hơn 600 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam tăng thêm một thị trường nhập siêu là Indonesia.

Tổng cục Hải quan nhận định, việc nhập khẩu của khu vực ASEAN tăng lên do thuế quan nhiều mặt hàng có xuất xứ từ ASEAN đã và đang được dỡ và xóa bỏ nhiều dòng thuế suất nên lượng hàng nhập đã tăng mạnh vào Việt Nam, nhất là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao như ô tô nguyên chiếc, máy móc, phụ tùng, thiết bị, phụ kiện ô tô, xăng dầu…

Ngoài ra, những hàng hóa thông thường của ASEAN đang xâm nhập vào Việt Nam theo chuỗi bán lẻ lớn nói riêng và thông qua các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) nói chung như hàng tiêu dùng, hoa quả, thực phẩm, may mặc từ Thái Lan, Philippines hay gỗ từ Lào, Campuchia… cũng giúp nhập khẩu gia tăng, dẫn tới nhập siêu lớn.

Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong ba tháng đầu năm của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 4,9 tỷ USD, tăng 21,8%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 5,6%; sắt thép tăng 69,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 100,6%.

Nhập khẩu từ ASEAN đạt 6,3 tỷ USD, tăng 17,7%, trong đó chất dẻo nguyên liệu tăng 15,1%; xăng dầu tăng 26,1%; ô tô nguyên chiếc tăng 76,1%; điện tử, máy tính, linh kiện và hàng điện gia dụng cùng giảm 14,3%.

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội từ thị trường ASEAN, trong khi các doanh nghiệp ASEAN đang làm rất tốt. Nói về sự thua kém này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, năm đầu tiên Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN với những kỳ vọng lớn lao nhưng các kết quả cuối cùng như thế nào?; Năm 2016, xuất khẩu Việt Nam sang ASEAN giảm 9%, nhập khẩu tăng lên gần 40%, chuyển nhập siêu từ Trung Quốc sang ASEAN.

M&A tăng mạnh

Nguyên nhân đến từ đâu? Lý do đầu tiên là việc giảm thuế, thông qua các thương vụ M&A, hàng hóa của các nước ASEAN có nhiều lợi thế thâm nhập thị trường Việt. Theo khảo sát về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Á 2016 của ngân hàng UOB (Singapore), các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Singapore sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong vòng 3 – 5 năm tới.

Cụ thể, báo cáo này cho biết, 38% doanh nghiệp của Malaysia, 35% của Thái Lan và 29% của Singapore đã xếp Việt Nam vào nhóm ba điểm đến hàng đầu cho việc mở rộng kinh doanh. Các lĩnh vực tại Việt Nam được giới đầu tư những nước này quan tâm là công nghiệp sản xuất, y tế và dược phẩm, xây dựng và bất động sản, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

“Trong khi các doanh nghiệp Malaysia quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực sản xuất, phía Thái Lan lại tập trung vào lĩnh vực y tế và dược phẩm, còn Singapore chú ý đến lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên”, báo cáo này cho biết. Cách thức dễ thâm nhập thị trường được các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng là công cụ M&A.

Trên thực tế, các nhà đầu tư Thái Lan đã đặt chân sâu vào lĩnh vực xi măng, bán lẻ và bất động sản của Việt Nam từ mấy năm trước. Hiện nay, các doanh nghiệp Thái Lan không chỉ thâu tóm ngành xi măng, vật liệu, xây dựng, bán lẻ mà gần đây đã lấn sang cả thị trường bất động sản.

Điển hình như tập đoàn Amata (Thái Lan) đầu tư trên 600 triệu USD vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Còn với ngành xi măng, những doanh nghiệp Thái Lan như Siam City Cement, SCG đang thâm nhập thị trường xi măng Việt Nam bằng cách mua lại các nhà máy.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, lo ngại việc SCG liên tiếp mua các nhà máy xi măng ở Việt Nam sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất xi măng trong nước vì khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa của xi măng do SCG sản xuất rất lớn, nhất là trong bối cảnh ngành xi măng Việt Nam đang ở tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.

Trong khi đó, ngành bán lẻ cũng đang cho thấy kịch bản tương tự. Hiện nay, cả hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C đã về tay nhà đầu tư Thái Lan, dẫn tới 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đang nằm trong tay người Thái. Đây chính là lợi thế giúp hàng Thái thâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Đánh giá về điều này, bà Lan nhận định, việc mua bán và sáp nhập của các doanh nghiệp ASEAN vào Việt Nam thời gian gần đây rất nhiều. “Không phải của mỗi Thái Lan mà còn của nhiều nước khác, thông qua vị trí của họ để thâm nhập thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, điều này sẽ không tác động tiêu cực ngay trong năm 2016, 2017 nhưng về lâu dài sẽ tác động rất lớn tới Việt Nam”, bà Lan nói.

Sau những thương vụ thâu tóm “khổng lồ” như vậy, hàng hóa của khu vực ASEAN sẽ nối đuôi nhau sang Việt Nam từ hàng tiêu dùng cho tới nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Nói về mối nguy này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng thấp là do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt tại thị trường nội địa, khiến doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trên chính sân nhà. Trong khi đó, hội nhập ngày càng sâu rộng, các sản phẩm nước ngoài tràn vào Việt Nam rất lớn.

“Trên thực tế, nếu như trước đây Trung Quốc chi phối thị trường Việt Nam, nay hàng hóa Thái Lan và Malaysia cũng đang chiếm tỷ lệ cao tại thị trường Việt”, ông Thúy nói.

Phân tích dưới góc độ ngành bán lẻ, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, cho biết, cùng với việc các siêu thị nước ngoài thắng thế trong quá trình mua bán sáp nhập, trong 2 – 3 năm gần đây, khi các FTA của Việt Nam được ký kết, nếu doanh nghiệp không tận dụng tốt, đương nhiên hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam sẽ rất nhiều.

(Thời báo Kinh doanh)