Chàng trai tạo môi trường khởi nghiệp

359
Là một trong những người trẻ tiên phong về khởi nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa, Đỗ Trần Anh đã gặt hái được thành công bước đầu và thành lập hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên trong tỉnh.
Mới đây, dự án khởi nghiệp của Trần Anh (37 tuổi) đã xuất sắc giành giải nhất trong cuộc thi IoT Startup 2017, do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao – Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức.
 
 

a1 ostr 792ec

 Nhóm của Trần Anh tại cuộc thi IoT Startup 2017
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (năm 2011), Trần Anh làm rất nhiều việc khác nhau từ công chức, giảng viên đến nhân viên làm thuê cho công ty nước ngoài. Nhờ những năm làm việc cho một công ty tại Na Uy chuyên về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nên Trần Anh nhận ra nhiều nhược điểm của nền nông nghiệp nước nhà.
“Thị trường nông nghiệp của ta rất lớn với 3.000 doanh nghiệp, 20.000 trang trại, 24 triệu người VN sống nhờ nông nghiệp. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của ta lại là nền nông nghiệp với nhiều nhược điểm. Nông dân không biết tin vào ai, không kiểm soát được môi trường nuôi, công nghệ quản lý thì lạc hậu, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao đều nhập khẩu với giá cao. Để can thiệp và khắc phục các nhược điểm đó, chúng tôi thành lập dự án AEVISOR – giải pháp mạng xã hội nhà nông kết hợp thiết bị giám sát môi trường ứng dụng IoT”, Trần Anh lý giải nguyên nhân quay về VN để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Dự án mà Trần Anh cùng đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu nhằm thay đổi tư duy canh tác nhà nông, giảm thiểu được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do thiếu kiến thức canh tác và thay thế các thiết bị công nghệ cao nhập khẩu đắt tiền bằng thiết bị sản xuất tại VN.
Trong suốt 2 năm nghiên cứu và mày mò, hiện dự án đã thành công bước đầu với hệ thống mạng xã hội nhà nông Fman và 4 sản phẩm IoT phù hợp thị trường nông nghiệp VN.
Với hệ thống này, bà con nông dân có thể đọc tin tức đúng theo từng cây trồng, vật nuôi; nội dung được các chuyên gia cây trồng kiểm duyệt; kết nối trực tiếp giữa mạng xã hội Fman và thiết bị IoT; chia sẻ thông tin môi trường để các chuyên gia phân tích.
Hệ thống mạng xã hội nhà nông kết hợp thiết bị giám sát môi trường ứng dụng IoT bao gồm các sản phẩm như phần mềm mạng xã hội nhà nông (Fman), thiết bị giám sát môi trường nước, thiết bị giám sát môi trường đất và không khí, thiết bị điều khiển mở rộng.
Nhắc về những khó khăn để có được như ngày hôm nay, Trần Anh cho rằng cái khó lớn nhất là khởi nghiệp ở tỉnh lẻ. “Trong 2 năm qua tôi đã phải vất vả di chuyển liên tục đến các thành phố để sống cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhưng cũng nhờ những lần vất vả di chuyển nhiều nơi để học hỏi mà sản phẩm của chúng tôi mới có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người biết đến”, Trần Anh kể và cho biết thêm: “Chính vì khó khăn này tôi quyết định cùng Tỉnh đoàn Khánh Hòa thành lập không gian thúc đẩy khởi nghiệp Khánh Hòa A Accelerator để có thể tư vấn và kết nối các dự án tại Khánh Hòa. Đây là nơi các bạn trẻ có thể bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực với sự hỗ trợ của tôi”.
“Không gian này vô cùng quý giá với các bạn trẻ. Bởi đây sẽ là mạng lưới giúp các bạn kết nối những nhà đầu tư, điều mà bất cứ ai mới khởi nghiệp cũng cần đến. Là nơi ươm mầm và thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng. Không những thế, nó còn có các khóa học, đào tạo về khởi nghiệp, các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm cũng như có một xưởng nhỏ để các bạn làm ra những sản phẩm ban đầu ở dạng hàng mẫu”, Trần Anh bày tỏ.