ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia

268

 

Ngày 8-8-2017, Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập. Đây là kết quả của một quá trình thực hiện từng bước các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, chia sẻ trách nhiệm xã hội. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số tư liệu về ASEAN.

Ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN

Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 là kết quả của gần 50 năm hợp tác khu vực, dựa trên ba trụ cột gồm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC).

AEC nhằm tạo một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn với đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài.

AEC có số dân 630 triệu người, GDP hằng năm đạt gần 3.000 tỷ USD và có mức tăng trưởng 4,7%/năm, hiện là nền kinh tế đứng thứ ba châu Á và đứng thứ sáu trên thế giới, có sức hấp dẫn đối với tất cả các nước có quan hệ kinh tế với Hiệp hội. Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN tăng mạnh từ ba năm qua. AEC có nhiều lợi thế khi các nước ASEAN thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn tại khu vực Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương. ASEAN đã tạo được vị thế quan trọng mà hiếm có liên kết tiểu khu vực nào xây dựng được. Đó là sự gắn kết không chỉ trong nội bộ ASEAN thông qua các cơ chế, mà ASEAN còn có được các cơ chế để các nước lớn, các nước quan trọng trên thế giới cùng tham gia. Đây là những cơ chế liên quan chính trị, an ninh, quốc phòng, là đặc trưng riêng của ASEAN và là giá trị của ASEAN cả ở khu vực và trên thế giới.

APSC ra đời với nguyên tắc hoạt động “tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc” của tất cả các quốc gia thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác chính trị – an ninh giữa các nước ASEAN với nhau, cũng như giữa ASEAN với các đối tác trở nên hiệu quả và thực chất hơn. APSC trở thành trụ cột để các nước thành viên bày tỏ lập trường, cùng thảo luận để tìm tiếng nói chung, thống nhất cách thức giải quyết các xung đột về chính trị và các thách thức an ninh. APSC có nhiều cơ chế và công cụ về hợp tác chính trị – an ninh, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), các Hội nghị cấp cao, cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của ASEAN…; Tuyên bố về Khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông – Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… APSC còn tạo nền tảng và khuôn khổ vững chắc giúp các nước thành viên thúc đẩy lòng tin, sự hiểu biết, đoàn kết thống nhất, cũng như nâng tầm hợp tác khu vực để xử lý các thách thức chính trị – an ninh. Bên cạnh đó, APSC là cơ chế để ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là với các đối tác lớn (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Liên hiệp châu Âu…).

Trụ cột APSC đang từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhu cầu về tăng cường hợp tác chính trị – an ninh của ASEAN, hướng tới mục tiêu để các quốc gia khu vực sống hòa bình trong một môi trường bình đẳng, dân chủ và hòa hợp.

ASCC với mục tiêu cơ bản là góp phần xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN, hướng tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, lấy người dân là trung tâm. Thành tựu chính của ASCC trong thời gian qua là tiếp tục có những kế hoạch đồng bộ phát triển nguồn lực con người trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN còn có sự chênh lệch khoảng cách về phát triển. Cơ chế này cũng ngày càng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Với những giá trị trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực, ASCC được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết và làm phong phú bản sắc của Cộng đồng ASEAN, tạo sức mạnh giúp Đông – Nam Á trở thành khu vực hòa hợp, phát triển đồng đều và hội nhập bền vững.

HẠNH VŨ

——————————————————————————–

Những dấu mốc lịch sử của ASEAN

Tròn 50 năm hình thành và phát triển (8-8-1967 – 8-8-2017), Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) đã khẳng định vị thế của một tổ chức khu vực vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước lớn trên thế giới.

– Ngày 8-8-1967, Bộ trưởng Ngoại giao năm nước Đông – Nam Á gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xin-ga-po và Thái-lan đã ký Tuyên bố Băng-cốc, khai sinh ra ASEAN. Năm 1984, Bru-nây gia nhập Hiệp hội. Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN. Năm 1997, ASEAN kết nạp thêm Lào và Mi-an-ma. Cam-pu-chia trở thành thành viên thứ mười của ASEAN vào năm 1999.

– Năm 1976: ASEAN có Ban Thư ký, đặt trụ sở tại thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a. Người đứng đầu Ban Thư ký ASEAN là Tổng Thư ký.

– Năm 1976: Hội nghị cấp cao ASEAN họp lần đầu, thể hiện mức độ quan tâm cao hơn và cam kết chính trị mạnh mẽ hơn dành cho hợp tác ASEAN.

– Năm 1992: Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) được thành lập, là thành quả của 25 năm đầu tiên hợp tác kinh tế ASEAN, đồng thời đặt nền tảng quan trọng xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau này.

– Năm 1994: Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ra đời với tinh thần “thúc đẩy hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương”. Sự kiện đã khởi đầu cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực.

– Năm 1999: ASEAN hoàn tất mục tiêu trở thành một tổ chức khu vực với đầy đủ mười quốc gia Đông – Nam Á.

– Năm 2003: Với Tuyên bố Hòa hợp Ba-li II, ASEAN xác định mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN gồm ba trụ cột.

– Năm 2007: Hiến chương ASEAN ra đời, tạo sự thay đổi sâu sắc về chất, đưa ASEAN từ một tổ chức hợp tác khu vực đơn thuần dựa trên các văn kiện chính trị trở thành một thực thể pháp lý.

– Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, mở ra một chương mới trong lịch sử của ASEAN, đưa hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới. Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột chính là chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, gồm hơn 630 triệu dân. Nền tảng vững chắc nhất, cũng là thành tựu lớn nhất chính của Cộng đồng ASEAN là bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

– Tháng 11-2015: Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra ở Ma-lai-xi-a, các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua “Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, kiến tạo tương lai ASEAN qua bản lộ trình mới cho mười năm tiếp theo, gồm Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên ba trụ cột.

– Ngày 8-8 hằng năm được lấy là Ngày ASEAN, đánh dấu ngày thành lập ASEAN theo Tuyên bố ASEAN năm 1967. Rất nhiều hoạt động được tổ chức để kỷ niệm Ngày ASEAN ở cấp độ quốc gia và khu vực.

VŨ ANH

——————————————————————————–

Mười quốc gia thành viên ASEAN

1. Quốc gia Bru-nây Đa-rút-xa-lem

Thủ đô: Ban-đa Xê-ri Bơ-ga-oan.

Diện tích: 5.769 km2.

Dân số: Hơn 422.000 người.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Mã-lai, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc.

Tôn giáo: Hồi giáo (chính thức) 67%, Phật giáo 13%, Thiên chúa giáo 10%.

Tăng trưởng GDP: 2,5% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 29-2-1992.

Ngày gia nhập ASEAN: 7-1-1984.

2. Vương quốc Cam-pu-chia

Thủ đô: Phnôm Pênh.

Diện tích: 181.035 km2.

Dân số: Hơn 15,8 triệu người.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Khmer (chiếm 95%).

Tôn giáo: Phật giáo được coi là quốc giáo (90% số dân theo Phật giáo), ngoài ra có các tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Hồi giáo.

Tăng trưởng GDP: 7% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 24-6-1967.

Ngày gia nhập ASEAN: 30-4-1999.

3. Cộng hòa In-đô-nê-xi-a

Thủ đô: Gia-các-ta.

Diện tích: 1.919.440 km2.

Dân số: Hơn 260 triệu người.

Tôn giáo: Hồi giáo chiếm 86,1% (không phải là quốc giáo), ngoài ra, có các tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Phật giáo.

Ngôn ngữ chính: Tiếng In-đô-nê-xi-a, ngoài ra còn có 583 ngôn ngữ và thổ ngữ.

Tăng trưởng GDP: Khoảng 5% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 30-12-1955.

Ngày gia nhập ASEAN: 8-8-1967.

4. Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

Thủ đô: Viêng Chăn.

Diện tích: 236.800 km2.

Dân số: Hơn 6,8 triệu người.

Tôn giáo: Phật giáo (chiếm 85%) và một số tôn giáo khác.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Lào.

Tăng trưởng GDP: Khoảng 7% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 5-9-1962.

Ngày gia nhập ASEAN: 23-7-1997.

5. Liên bang Ma-lai-xi-a

Thủ đô: Cu-a-la Lăm-pơ.

Diện tích: 329.847 km2.

Dân số: Hơn 30 triệu người.

Tôn giáo: Hồi giáo (60,4%); Phật giáo (19,2%); Thiên chúa giáo (9,1%).

Ngôn ngữ chính: Tiếng Mã-lai (quốc ngữ); tiếng Hoa; tiếng Anh (được sử dụng rộng rãi), tiếng Ta-min và một số ngôn ngữ địa phương khác.

Tăng trưởng GDP: 4,2% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 30-3-1973.

Ngày gia nhập ASEAN: 8-8-1967.

6. Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma

Thủ đô: Nây Pi Đô.

Diện tích: 676.577 km2.

Dân số: Hơn 53 triệu người.

Tôn giáo: Phật giáo (89,3%) và các tôn giáo khác.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Miến Điện.

Tăng trưởng GDP: 6,3% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 28-5-1975.

Ngày gia nhập ASEAN: 23-7-1997.

7. Cộng hòa Phi-li-pin

Thủ đô: Ma-ni-la.

Diện tích: 300.000 km2.

Dân số: Hơn 107,6 triệu người.

Tôn giáo: Thiên chúa giáo là quốc giáo (85% dân số), Hồi giáo 10% và các tôn giáo khác.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Ta-ga-lốc là tiếng bản địa.

Tăng trưởng GDP: 6,9% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 12-7-1976.

Ngày gia nhập ASEAN: 8-8-1967.

8. Cộng hòa Xin-ga-po

Thủ đô: Xin-ga-po.

Diện tích: 692,7 km2.

Dân số: 5,56 triệu người.

Tôn giáo: Phật giáo (43%), Hồi giáo (15%), Cơ đốc giáo (15%) và các tôn giáo khác.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Mã-lai và tiếng Ta-min (nam Ấn Độ).

Tăng trưởng GDP: 2% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 1-8-1973.

Ngày gia nhập ASEAN: 8-8-1967.

9. Vương quốc Thái-lan

Thủ đô: Băng-cốc.

Diện tích: 513.120 km2.

Dân số: Hơn 68,2 triệu người.

Tôn giáo: Phật giáo (95%) và các tôn giáo khác.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Thái (ngôn ngữ hành chính), tiếng Anh.

Tăng trưởng GDP: 3,2% (năm 2016).

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 6-8-1976.

Ngày gia nhập ASEAN: 8-8-1967.

10. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Thủ đô: Hà Nội.

Diện tích đất liền: 330.966,9 km2.

Dân số: Hơn 93,4 triệu người.

Tôn giáo: Phật giáo chiếm đa số và các tôn giáo khác.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Việt.

Tăng trưởng GDP: 6,21% (năm 2016).

Ngày gia nhập ASEAN: 28-7-1995.