Tiếng còi tàu rền vang như lời chào đất mẹ. Trên boong tàu đang hướng ra cửa biển, những người lính kết vào nhau thành hàng huơ tay vẫy chào những đồng đội và người thân đang lưu luyến phía bờ. Ánh mắt những người lính trẻ ngời sáng tràn đầy quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương.
Nghĩa tình với đảo xa
Tròn 10 năm, tôi lại được đến với Trường Sa – một phần máu thịt của Tổ quốc ngoài khơi xa. Trước đó, năm 2007, tôi đã được đến quần đảo vào tháng 4, mùa biển lặng. Lần này, ra đảo trong mùa giông bão, sóng gió đang đón chờ nhưng chỉ nghe hai tiếng Trường Sa, lòng lại rạo rực, háo hức!
Giây phút phút chia tay.
Chiều 6-1, quân cảng Vùng 4 Hải quân nhộn nhịp hẳn lên. Những chuyến hàng Tết từ nhiều địa phương gửi về, người công tác, người đưa tiễn đổ dồn về quân cảng. Những lời hỏi han, cùng những cái bắt tay siết chặt giữa những người lính sao mà thân thiết. Khi tôi đến, trên cầu tàu, những người lính trẻ đang vận chuyển hàng Tết. Từ heo, gà, rau xanh, đến lá dong gói bánh chưng bánh tét, những cành hoa mai còn đương ủ nụ… tất cả lần lượt đưa lên tàu. Chuyến tàu cuối năm bao giờ cũng vậy, đầy ắp hàng, quà, mang nặng tình cảm của đất liền với Trường Sa.
Trên bến tàu, rất nhiều người lính trẻ lần đầu đi đảo. Họ cười nói vô tư trước chuyến đi được dự đoán sẽ nhiều sóng gió. Anh lính trẻ Nguyễn Quốc Huy – Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 ra Trường Sa thay quân. Tuy lần đầu đi đảo nhưng nhìn Huy rất tự tin, phong thái chững chạc. Nhìn Huy cười đùa với bạn bè, bất giác tôi nhớ đến thế hệ những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu giành chủ quyền ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao năm 1988. Trong số 64 người đã hy sinh ngày đó, có nhiều người tuổi mới đôi mươi như Huy hôm nay. Thế nhưng, trước mặt quân thù, họ đã chiến đấu can trường để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 30 năm là quãng thời gian đủ dài để một người lính tân binh thành người lính già, đủ để một đứa trẻ thành một người trung niên. Thế nhưng, cuộc chiến bi hùng ấy vẫn như mới ngày hôm qua. Những cái tên tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 cùng những người anh hùng như: Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương, Vũ Huy Lễ… đã trở thành niềm tự hào của lính đảo. Nhắc đến chuyện cũ, Huy bảo “sẽ luôn nỗ lực công tác, gắng xứng đáng với thế hệ cha anh”.
… xúc động phút chia tay
Chiều dần buông trên bến cảng. Ánh nắng ngày cuối năm làm không khí chia tay thêm bịn rịn. Ở một góc cầu cảng, anh Hoàng Đức Chiến ra công tác ở đảo Sơn Ca nấn ná thêm vài phút bên người thân. Đã quen với việc chồng hay đi công tác cuối năm, nhưng chị Vân Anh (vợ anh Chiến) vẫn rưng rưng nước mắt. Đi dọc cầu tàu, tôi bắt gặp nhiều người vợ trẻ tiễn chồng ra đảo. Ai cũng cố kìm nén cảm xúc để yên lòng người ra đảo nhưng mắt ai cũng ầng ậng nước… Mắt tôi cũng cay cay từ lúc nào. Chợt thấy thương làm sao, cảm phục làm sao hậu phương của người lính! Họ đã hy sinh rất nhiều để các anh hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lặng nhìn hai bờ thương nhớ đang trao gửi yêu thương cho nhau, tôi thầm chúc cho họ luôn bình an, hạnh phúc.
Giờ G đã điểm! Tiếng còi tàu rền vang giục giã những bước chân lên đường. Những đôi mắt bắt đầu rơi lệ, những lời nhắn nhủ yêu thương vang lên không ngớt. “Anh đi mạnh giỏi”, tiếng của cô gái trẻ gửi chào người yêu vang lên sau lưng. Trên boong tàu đang hướng ra cửa biển, những người lính kết vào nhau thành hàng huơ tay vẫy chào những đồng đội và người thân đang lưu luyến phía bờ. Tiếng những người lính chào đất liền, tạm biệt người thân vượt qua tiếng gió, tiếng máy hòa tan vào không gian bến cảng. Một người lính trẻ nghiêm trang đưa tay chào đất mẹ thân yêu. Vâng! Đã có một lời chào giản dị mà thiêng liêng như thế trong một chiều cuối năm. Còn hơn cả lời chào, đó còn là lời thề quyết tâm tiếp nối cha anh giữ đảo của những người lính trẻ hôm nay!
BÁO KHÁNH HÒA