Trường Sa – Khúc tráng ca trên biển

418

Cách đây 25 năm, ngày 14-3-1988, những người lính Hải quân Việt Nam đã không tiếc máu xương, xả thân bảo vệ đảo khi quân đội Trung Quốc đưa tàu chiến đến gây sự ở các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu ấy, nhiều người lính Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Đến hôm nay, hình ảnh cuộc chiến vẫn còn khắc sau trong tâm trí bao người. Nhân kỷ niệm 25 năm Hải quân Việt Nam chiến đấu bảo vệ Trường Sa (14-3-1988 – 14-3-2013), trong số báo này, Báo Khánh Hòa khởi đăng loạt bài “Trường Sa – Khúc tráng ca trên biển”.

Toàn cảnh đảo Len dao
Toàn cảnh đảo Len dao

Trong cuộc chiến đấu với Trung Quốc để bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, 64 người lính Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, để lại những trang sử bi tráng trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Kỳ 1: Quyết tử để giữ đảo

Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm các đảo: Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Huy Gơ, Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhận định Trung Quốc có ý đồ chiếm thêm các đảo: Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma (giống như 3 đỉnh tam giác có vị trí quan sát tuyến đầu, “mắt thần” của Trường Sa), quân ta đã điều lực lượng ra giữ đảo. Thế nhưng, bất chấp tất cả, Trung Quốc đã dùng pháo bắn vào các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605, bắn vào những người đang giữ cờ trên bãi Gạc Ma để quyết chiếm đảo.  

Máu các anh tô thắm cờ Tổ quốc

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ  (người đeo quân hàm) và các thành viên tàu HQ 505 tại Cam Ranh, tháng 4-1988.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ  (người đeo quân hàm) và các thành viên tàu HQ 505 tại Cam Ranh, tháng 4-1988.

Tuy đã trôi qua 25 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến sự kiện xảy ra ở Gạc Ma năm 1988, anh hùng Nguyễn Văn Lanh (quê ở Quảng Bình, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh) vẫn còn nhớ như in. Anh Lanh (khi ấy là Trung sĩ Công binh của E83, đi trên tàu HQ-604) nhớ lại: “Ngày 11-3-1988, chúng tôi xuất phát từ Cam Ranh. Đến chiều tối 13-3, tàu đến sát bãi Gạc Ma. Khi tàu HQ-604 vừa thả neo, phía địch đã cho tàu quần thảo xung quanh, bắc loa kêu gọi tàu ta phải nhổ neo. Trung tá Trần Đức Thông – Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (người chỉ huy cao nhất ở khu vực này) kêu gọi anh em bình tĩnh, tổ chức cắm cờ khẳng định chủ quyền của Việt Nam, hạ xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo…”. Nhóm cắm cờ do Thiếu úy Trần Văn Phương dẫn đầu đã hoàn thành việc cắm cờ ngay trong đêm.

Năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho: Liệt sĩ Trần Đức Thông (sinh năm 1944, quê Thái Bình, Trung tá, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân); Liệt sĩ Vũ Phi Trừ (sinh năm 1957, quê Thanh Hóa); Đại úy, Thuyền trưởng tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân); Liệt sĩ Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê Quảng Bình; Thiếu úy, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân); Thiếu tá Vũ Huy Lễ (sinh năm 1946, quê Thái Bình; thuyền trưởng tàu HQ-505, Lữ đoàn 125 Hải quân); Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh (sinh năm 1966, quê Quảng Bình; Tiểu đội trưởng Công binh thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân).

Ngoài ra, tàu HQ-505 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 14-3, phía Trung Quốc cho xuồng nhỏ áp sát bãi Gạc Ma, lính Trung Quốc lăm le vũ khí tiến vào đảo yêu cầu quân ta hạ cờ. “Trước tình thế nguy cấp, anh Thông ra lệnh anh em bơi vào đảo để hỗ trợ nhóm anh Phương giữ cờ. Ngay lập tức, tôi cùng một số động đội ra mạn tàu nhảy xuống nước bơi vào đảo…”, anh Lanh kể. Những chiến sĩ của ta lui dần, tạo thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc. Lính Trung Quốc với súng AK lưỡi lê sáng quắc lao vào giành giật để hạ cờ của Việt Nam, còn các chiến sĩ (phần lớn là lính công binh) với xà beng, cuốc, xẻng làm vũ khí vẫn quyết chiến đấu giữ lá cờ chủ quyền. “Trong khi hai bên giành giật ngọn cờ, lính Trung Quốc bất ngờ nổ súng vào đầu anh Phương khiến anh gục xuống; nhưng rồi anh vẫn cố ngoi lên mặt nước, tay giữ chặt lá cờ. Địch định cướp lá cờ nhưng tôi giành lại được. Khi tên chỉ huy của địch chĩa súng ngắn vào tôi để uy hiếp, tôi đã đá bay súng, một tay cầm cờ một tay cầm xà beng đánh trả. Lúc đó, một tên địch đằng sau đã đâm lê vào bả vai tôi, sau đó nổ súng bắn thẳng vào người tôi…”, anh Lanh xúc động kể lại.

Khi anh Phương, anh Lanh đổ gục vì loạt đạn của kẻ thù, các đồng đội của anh vẫn tiếp tục giữ cờ Tổ quốc. “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ của Quân chủng Hải quân anh hùng”, câu nói của anh Phương trước lúc hy sinh đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính. “Tuy trên người chúng tôi chỉ mặc quần đùi và áo may ô, nhưng vẫn quần nhau với địch”, anh Lê Văn Dũng (cựu binh Trường Sa, hiện sống ở xã Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) nhớ lại.

Sau trận giáp lá cà, phía Trung Quốc rút quân và cho tàu nã súng đại liên, pháo về phía những chiến sĩ giữ cờ của Việt Nam. Cùng lúc đó, tàu chiến của Trung Quốc dùng pháo bắn dồn dập vào tàu HQ-604. “Khi súng bắt đầu nổ trên bãi Gạc Ma, các chiến sĩ dồn sang một bên tàu nhưng bất lực, vì trong tay không có vũ khí. Lúc này, Trung Quốc cho các xuồng nhỏ chạy quanh tàu Việt Nam, buông lời đe dọa để tàu rời khỏi khu vực đảo. Chỉ ít phút sau đó, tàu bị pháo của địch bắn tới tấp. Nhiều người tử thương tại chỗ”, anh Lê Văn Đông (lính công binh có mặt ở trên tàu HQ-604) nhớ  lại. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bị trúng đạn khi đang vào hầm; Lữ đoàn phó Trần Đức Thông bị đạn bắn ở đầu khi đang chỉ huy chiến đấu. Tàu HQ-604 chìm nhanh xuống biển mang theo thi thể của thuyền trưởng cùng nhiều chiến sĩ trên tàu. Ông Phan Văn Hồng (hiện sống ở phường Phước Long, nguyên chiến sĩ công binh Vùng 4 Hải quân) hồi tưởng: “Từ đảo Sinh Tồn, tôi nhìn qua ống nhòm thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, một số anh em của ta thoát ra khỏi tàu. Thuyền của Trung Quốc chạy xung quanh dùng súng xả vào những chiến sĩ của ta đang bơi dưới nước… Lửa hận của chúng tôi cháy bừng bừng trong người, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhưng cấp trên không cho phép”.

Pháo đài Cô Lin

Đảo Cô Lin - 1 trong 3 điểm nóng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đảo Cô Lin – 1 trong 3 điểm nóng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Khi tiếng súng vang lên ở bãi Gạc Ma, ở phía đảo Cô Lin, địch cũng nổ súng vào tàu HQ-505. Từ Hải Phòng, Đại tá Vũ Huy Lễ (nguyên thuyền trưởng tàu HQ-505) thuật lại qua điện thoại: “Pháo 105 ly từ tàu của đối phương bắn thẳng vào mạn bên phải của tàu ta. Các khoang, hầm bốc cháy dữ dội. Toàn bộ tàu mất điện; anh em hầm máy mò mẫm đấu ắc quy sửa máy. Sau một hồi suy tính, trên đài chỉ huy, tôi chỉ đạo bằng mọi giá phải đưa tàu lên đảo, nếu để tàu chìm thì anh em hy sinh hết mà đảo cũng không giữ được”. Pháo của địch vẫn tới tấp bắn phá, một số anh em bị thương. Sau khoảng 20 phút, máy chạy trở lại, tàu quay mũi về phía đảo Cô Lin. “Họ thấy mình quay mũi nên bắn rất ác. Tôi lệnh cho tàu HQ-505 dùng hết tốc lực lao lên bãi Cô Lin, 1/3 thân tàu nằm trên bãi đá san hô. Đối phương bắn tiếp 5 phút nữa, nhưng không làm gì được khi cả con tàu đã trở thành pháo đài giữ đảo…”, Đại tá Lễ kể với giọng tự hào. Cũng trong buổi sáng đau thương ấy, Trung Quốc đã cho pháo bắn cấp tập vào tàu HQ-605 khiến tàu bốc cháy dữ đội; Trung úy Phan Hữu Doan – Thuyền phó Chính trị tàu HQ-605 bị thương nặng. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh cho anh nhảy xuống biển, bơi vào đảo Len Đao trụ lại ở đó.

Lễ mít-tinh phản đối Trung quốc dùng vũ lực đánh chiếm Gạc Ma tháng 3-1988,
Lễ mít-tinh phản đối Trung quốc dùng vũ lực đánh chiếm Gạc Ma tháng 3-1988,

Sau khi lên đảo Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã cho xuồng cứu sinh sang Gạc Ma để vớt các anh em bị thương. “Khi xuồng của ta đến, đối phương đe dọa, nhưng anh em vẫn quyết tâm nên vớt được một số thương binh đưa về tàu HQ-505 băng bó, sơ cứu, rồi chuyển về đảo Sinh Tồn”. Sau khi ổn định tình hình, thuyền trưởng Lễ điện báo về đất liền, đề nghị cấp trên cho phép ông ở lại đảo để bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Cô Lin. Khi ấy, rất nhiều chiến sĩ đã tình nguyện sát cánh ở lại cùng người thuyền trưởng quả cảm để giữ tàu, giữ đảo. Ông chọn 9 người ở lại tàu cùng mình…, rồi cho những chiến sĩ còn lại về đảo Sinh Tồn để vào đất liền. “Khi quyết định ở lại, tôi và anh em đã chấp nhận sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền, bởi trong tình hình nóng bỏng lúc ấy, chiến sự có thể bùng nổ bất cứ lúc nào…”, thuyền trưởng Lễ tâm sự. Tình hình ổn định trở lại. Gần 2 tháng sau, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và các thành viên còn lại của tàu HQ-505 mới rời Cô Lin về đất liền.

Sau ngày 14-3-1988, Trung Quốc chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma. Với lòng quả cảm, các chiến sĩ của ta đã giữ được đảo Cô Lin và Len Đao. 64 người con ưu tú đất Việt đã hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở quần đảo Trường Sa, đây là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau không thể nào quên.

Theo Báo Khánh Hòa