Trường Sa – Khúc tráng ca trên biển

416

25 năm đã qua kể từ khi những người con đất Việt nằm lại ở biển khơi khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988, người thân, đồng đội vẫn luôn tự hào về các anh – những chiến sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình Tổ quốc.

1
Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao.

Trong câu chuyện về cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa năm 1988, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh nghẹn lời: “Dù thời gian có trôi qua bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không quên những gì đã xảy ra ở đảo Gạc Ma năm 1988. Mỗi lần nghĩ đến, tim tôi như thắt lại, bởi rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại ở vùng biển này, họ đều còn rất trẻ”. Nỗi lòng của anh Lanh cũng là nỗi lòng chung của những người có duyên nợ với Trường Sa, của tất cả những người dân Việt Nam. 64 người con đất Việt đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đồng nghĩa với 64 gia đình mất đi người thân, trong đó có nhiều  người không tìm được xác.  

1
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam – Tư lệnh Vùng 4 Hải quân viếng tượng đài Cam Ranh, nơi có bia khắc ghi tên các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988.

Mong được đến Trường Sa  

Trong những người lính hy sinh ở Gạc Ma ngày ấy có một người con của Khánh Hòa, đó là liệt sĩ Võ Đình Tuấn (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa). Trên tường nhà ông bà Võ Ta – Phan Thị Đay (thân sinh của liệt sĩ Tuấn), di ảnh liệt sĩ Tuấn được treo trang trọng bên Bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Chiến công; bàn thờ anh Tuấn luôn có hoa tươi… Nhắc đến người con hy sinh ở Gạc Ma, bà Đay (78 tuổi) không cầm được nước mắt. Trong ký ức của bà, anh Tuấn là đứa con hiếu thảo, luôn quan tâm đến mọi người trong gia đình. Ngày Tuấn có giấy gọi nhập ngũ, họ hàng khuyên anh nên xin ở nhà để giúp ba má nuôi em bởi 2 anh của Tuấn vẫn còn trong quân ngũ. Nhưng, anh vẫn đi. Cuối năm 1987, anh Tuấn về thăm gia đình. “Khi về, nó mua quần áo cho 2 em, mua cho má đôi dép. Nó hẹn năm sau sẽ về. Vậy mà…, nó đi mãi”, bà Đay nghẹn ngào.

1
Cụ bà Phan Thị Đay đang xem lại di ảnh liệt sĩ Võ Đình Tuấn.

Lần giở những kỷ vật anh Tuấn để lại, cụ Võ Ta cho chúng tôi xem ảnh và những lá thư anh gửi về gia đình trong thời gian quân ngũ. Cụ Ta cho biết, ngày nhập ngũ, anh Tuấn đã có người yêu đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Khi nghe tin anh hy sinh, chị N.T.D – người yêu của anh đứng chết lặng. Thời gian sau đó, chị đã viết thư cho anh. Những lá thư không người nhận với một hy vọng: “Biết đâu, anh Tuấn sẽ trở về”. 10 năm sau, chị D. mới lập gia đình… Nhắc đến người con đã ngã xuống ở Trường Sa, cụ Võ Ta xúc động: “Làm thân con trai phải có nghĩa vụ với đất nước. Tuấn đã sống một cuộc đời không uổng phí, gia đình luôn tự hào về nó”. Điều khiến cụ Ta canh cánh bên lòng là ước nguyện một ngày nào đó sẽ được ra Trường Sa, thắp hương nơi anh Tuấn và các đồng đội đã hi sinh vẫn chưa thành hiện thực.

Chúng tôi đến Cam Ranh, ghé thăm nhà chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (quê ở Hoa Lư, Ninh Bình) – người đã hy sinh trong trận chiến ở Gạc Ma năm 1988. Chị Hà cho biết, chị yêu anh Doanh là do anh Trần Văn Phương mai mối. Cả nhà xem anh Phương như người thân. “Ngày chuẩn bị lên tàu ra đảo, anh Phương nói với má tôi: “Hôm nay, con ăn cơm nhà má bữa cuối, má à!”, nên bị má mắng. Không ngờ, chỉ tuần sau, cả nhà nghe tin anh Phương và anh Doanh hy sinh”, chị Hà rưng rưng nước mắt khi nhắc lại chuyện cũ. Chồng mất khi con còn đỏ hỏn, chị đã nén nỗi đau vào lòng, bươn chải nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Chị tâm tình: “Anh Doanh hy sinh vì nghĩa lớn, tôi phải sống làm sao cho xứng đáng với anh… Con gái tôi cũng ý thức được mình là con liệt sĩ nên rất cố gắng học hành. Cháu rất tự hào về cha”. Thắp nén nhang lên di ảnh của liệt sĩ Doanh, chị Hà bùi ngùi: “Hồi trước, một số người từng là đồng đội với anh Doanh đến thăm tôi. Tôi hỏi, lúc ấy, anh Doanh ở đâu. Họ nói, anh ấy còn ở trong hầm tàu… Cách đây mấy năm, ngư dân vớt được hài cốt một số liệt sĩ ở tàu chìm gần Gạc Ma, tôi đã lấy mẫu xét nghiệm AND, hy vọng có hài cốt của chồng mình nhưng không phải. Năm 2009, tượng đài Cam Ranh xây dựng, tôi thấy có tên anh Doanh ở đó. Vậy là tôi có chỗ nhang khói, cũng ấm lòng hơn”.

1
Chị Hà và liệt sĩ Định Ngọc Doanh trong ngày cưới năm 1986.

Dòng máu Trường Sa

25 năm đã qua, ngần ấy thời gian đủ cho một lớp người trưởng thành. Nhiều con em của các liệt sĩ, cựu binh Trường Sa năm xưa đang tiếp bước cha anh, trong đó có Trần Thị Thủy – con gái Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương (hiện đang sống ở Cam Ranh). Ngày anh Phương hy sinh trong cuộc chiến giữ ngọn cờ chủ quyền ở Gạc Ma, anh không hề biết mình đang có một người con gái, bởi khi ấy, vợ anh Phương mới chỉ mang thai hơn 1 tháng. Những gì Thủy biết về cha đều qua lời kể của bà và ký ức đầy nước mắt của mẹ, với vài tấm ảnh còn lại. Lớn lên chút nữa, khi thi hài của cha được chuyển từ Trường Sa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà, Thủy càng thấm thía nỗi nhớ cha. Từ đó, chị ao ước được đến Trường Sa, được đến vùng biển mà người cha thân yêu đã ngã xuống.  

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy lặn lội từ Quảng Bình vào Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) xin làm một việc gì đó ở Trường Sa, để tiếp nối con đường mà cha đã đi. Các đồng đội của anh Phương đang giúp Thủy biến ước mơ thành hiện thực khi nhận Thủy vào làm cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146 – nơi anh Phương từng công tác. Năm 2010, chị Thủy đã được đến Trường Sa, đến vùng biển Cô Lin để nhìn tận mắt nơi cha mình ngã xuống khi bảo vệ cờ Tổ quốc trên bãi Gạc Ma. “Khi cả đoàn công tác làm lễ tưởng niệm, tôi hướng mắt về phía Gạc Ma thì thầm: “Ba ơi, con đang ở Trường Sa đây” rồi bật khóc thành tiếng…” – chị xúc động hồi tưởng. Càng ngày, Thủy càng gắn bó hơn với người cha của mình. Những khi cần quyết định một chuyện gì đó, chị thường tới Phòng Truyền thống của Lữ đoàn 146 – nơi có chân dung của Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương cùng đồng đội. Chị luôn tin rằng, bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, ba Phương cũng luôn phù hộ cho chị. Và chị đã tự hứa với lòng, phải sống xứng đáng với sự hy sinh của cha và những đồng đội của ông.

Cận ngày 14-3, tôi gọi điện cho anh Nguyễn Văn Lanh, anh nói đang trên đường đi Đà Nẵng gặp mặt các đồng đội năm xưa. Giọng anh chùng xuống khi nhắc lại chuyện cũ. Tuy 25 năm đã qua, nhưng ký ức về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn như vừa mới hôm qua. Trang sử bi hùng ấy đã không còn riêng của những người cựu binh Trường Sa năm xưa mà đã in sâu trong lòng dân tộc Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, dù 25 năm hay lâu hơn nữa, những trang sử ấy vẫn còn được nhắc mãi!

XUÂN THÀNH – QUANG ĐỨC


Đề cập đến sự kiện ngày 14-3-1988, Đại tá Nguyễn Văn Dân (khi ấy là Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người từng có mặt ở Trường Sa năm 1988) nhắc đi nhắc lại, đấy không phải là một “cuộc chiến đúng nghĩa”, bởi chỉ có phía Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, dùng vũ khí hiện đại để đánh chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. “Trường Sa là của Việt Nam, mình tăng cường lực lượng để giữ đảo chứ không phải để đối đầu, gây chiến. Trong khi chúng ta đưa ra những tàu hải vận, thì phía Trung Quốc đã huy động những tàu chiến có hỏa lực rất mạnh, dùng sức mạnh quân sự áp đảo để chiếm đảo… Khi không thể buộc chúng ta hạ cờ, đối phương đã dùng súng, pháo bắn vào các tàu, bắn vào các chiến sĩ của ta trên đảo Gạc Ma khi các chiến sĩ của ta (đa số là lính công binh) không có vũ khí trong tay”. Đại tá Dân nhớ lại, đêm 13-3-1988, ông được lệnh đưa tàu HQ-614 từ đảo Đá Đông lên cụm đảo Sinh Tồn, nhưng do bị tàu Trung Quốc theo kèm, chặn đường nên đến chiều tối 14-3 mới đến nơi. Sáng 15-3, ông chỉ huy anh em ra khu vực tàu của ta bị chìm để làm công tác cứu hộ, cứu nạn, thế nhưng 2 tàu khu trục của Trung Quốc đến ngăn không cho lực lượng của ta vào khu vực Gạc Ma nên đành phải quay về…“Đó là một nỗi đau không bao giờ quên”, ông Dân nói.

Theo Báo Khánh Hòa