Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tuổi trẻ

698

Vào lúc 18 giờ 09 phút, ngày 4/10/2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam – đã từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi. Sự ra đi của Người đã để lại nỗi tiếc thương vô vàn trong lòng mỗi người dân Việt Nam; triệu triệu trái tim dường như thắt lại khi đón nhận hung tin ấy…

Tuổi trẻ cả nước hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cùng với cả dân tộc, tuổi trẻ cả nước hướng về vị Đại tướng kính yêu. Tại Hà Nội, hàng ngàn sinh viên tình nguyện ngày đêm túc trực giúp phân luồng giao thông, bảo đảm trật tự, giúp đỡ người dân từ mọi miền đất nước về viếng trong lễ tang Đại tướng. Từ những thanh niên áo xanh đến các em thiếu niên nhi đồng vai mang khăn quàng đỏ đều chung niềm xúc động, kiên nhẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để được vào thắp cho Đại tướng nén hương. Thay mặt tuổi trẻ miền Nam, 3 sinh viên đại học tại TP. Hồ Chí Minh không ngần ngại vượt quãng đường hơn 1.300 cây số bằng xe đạp, mang theo những nắm đất từ những miền quê đi qua về quê hương Quảng Bình đắp lên phần mộ của Người với tâm ý “nơi người nằm có tình cảm của các tỉnh miền Nam ruột thịt”. Ở những nơi khác xa xôi khác các bạn trẻ không đến được, họ “để tang” Đại tướng theo cách riêng của mình. Khắp các trang mạng đầy ắp những hình ảnh và thông tin về Đại tướng cùng những lời cầu chúc thành kính được chia sẻ. Trong 2 ngày Quốc tang diễn ra, nhiều chủ nhân facebook “treo cờ rủ” như một cách để tang và bày tỏ niềm tiếc thương vô bờ trước sự ra đi của vị Đại tướng kính yêu…

Những sinh viên để lại ấn tượng khó phai trong lễ Quốc tang Đại tướng

Nhằm bày tỏ tình cảm yêu mến, kính trọng của tuổi trẻ cả nước đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 08/10, Ban Bí thư Trung ương Đoàn có công văn gửi các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc và các ban, đơn vị thuộc Trung ương Đoàn chỉ đạo tổ chức các hoạt động thăm viếng, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, nhiều hoạt động tiếp tục diễn ra. Ngày 12/10, tuổi trẻ ở các tỉnh, thành Đoàn đồng loạt tổ chức các hoạt động thắp hương, dâng hoa tỏ lòng thành kính, biết ơn và tiếc thương vô hạn vị tướng của nhân dân. Trước đó, trong 2 ngày 8 và 9/10, sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên đã khiến bao người xúc động với việc lăn 5.000 dấu vân tay tạo bức chân dung Đại tướng. Tỉnh Đoàn Cao Bằng tổ chức hành trình “Theo bước chân Người anh hùng” thăm viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình; tuổi trẻ Thái Nguyên đến dâng hương tưởng niệm Đại tướng tại khu di tích lịch sử nơi làm việc của Đại tướng ở xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tuổi trẻ Nha Trang

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 18/10 Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tuổi trẻ Việt Nam”. Chương trình với sự tham gia tọa đàm của Đại tá Ngô Mậu Chiến – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh và đồng chí Hoàng Tư Nghi – Đại diện Ban Liên lạc 23/10 Nha Trang đã giúp các bạn sinh viên có thêm nhiều thông tin, hiểu biết đồng thời yêu quý, kính trọng hơn con người vị tướng tài ba lỗi lạc Võ Nguyên Giáp.

Sau một phút mặc niệm thiêng liêng tưởng nhớ công ơn người anh hùng dân tộc, các bạn sinh viên được xem những thước phim về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với quá trình hoạt động cách mạng của ông qua hơn 80 năm. Những hình ảnh gợi nhớ về Người – Vị tướng tài ba, lỗi lạc cũng là một con người dung dị và “rất người” – giờ đã nằm yên nghỉ trong lòng đất mẹ khiến ai nấy dâng trào một niềm xúc động khôn nguôi. Những bờ môi mím chặt như cố giữ cho mình không bật khóc.

toa dam vo nguyen giap 1
 Phút tưởng niệm thiêng liêng tưởng nhớ vị Đại tướng anh hùng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh ngày 25-8-1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 14 tuổi, ông giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Trong suốt cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đặc biệt là trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ  năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Với những chiến công oanh liệt trong sự nghiệp cầm quân, ông được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi. Hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, nghệ thuật cầm quân, quyết chiến và quyết thắng, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của kẻ thù. Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn ông là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam; báo chí phương Tây gọi ông là “vị tướng huyền thoại”; các nhà sử học quân sự đánh giá ông “sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua, ngang tầm với Alexander đại đế, vượt tầm Napoleon, vượt qua mọi vị tướng của chúng ta, là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại”. Thế nhưng, ông luôn khẳng định vị tướng mà ông khâm phục nhất là Tướng Nhân dân. Với nhân dân Việt Nam, ông là “vị tướng của lòng dân”.

vo nguyen giap 2

vo nguyen giap 3

vo nguyen giap 1

vo nguyen giap 4
Hình ảnh tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được trình chiếu gây xúc động cho các bạn sinh viên

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, Đại tá Ngô Mậu Chiến khẳng định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng thiên tài có nhiều đóng góp to lớn nhất cho cách mạng Việt Nam mà còn là một nhân cách lớn, hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam mà tiêu biểu là lòng yêu nước, trí tuệ và óc sáng tạo. Trong số những câu nói nổi tiếng của Đại tướng, ông tâm đắc nhất những câu: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”, “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”, “Công lao của tôi cũng có, nhưng nhỏ thôi. Công lao to lớn thuộc về nhân dân, thuộc về những anh hùng liệt sĩ”, “Nếu không có chiến tranh, tôi là người thầy giáo”… Những câu nói cho thấy rõ tấm lòng vì nước, vì dân và phẩm chất cao đẹp của một con người vĩ đại.

Đồng chí Hoàng Tư Nghi dù đã ngoài 80 tuổi vẫn nhớ như in những lần Đại tướng về thăm Khánh Hòa. Lần thứ nhất là theo chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ, ông trực tiếp thị sát mặt trận Nha Trang đầu năm 1946 thế kỷ 20, giữa lúc cuộc chiến đấu 101 ngày đêm tại mặt trận Nha Trang đang diễn ra vô cùng ác liệt. Những chỉ đạo chuyển hướng cách mạng của đại tướng lúc đó là kim chỉ nam quan trọng trong những ngày Nha Trang- Khánh Hòa kháng chiến. Sau hòa bình lập lại, Đại tướng cũng vài lần trở lại Khánh Hòa nhưng duy nhất một lần ông may mắn được gặp, đó là nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Nha Trang – Khánh Hòa kháng chiến (23/10/1945 – 23/10/1993). Ông nhớ mãi những lời dặn dò của Người gói trọn trong 3 chữ: Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo. Ông đặc biệt căn dặn Khánh Hòa phải giữ gìn tình đoàn kết, thủy chung sâu nặng, chia ngọt sẻ bùi như trước đây cả nước đã vì miền Nam, vì Khánh Hòa trong những năm dài kháng chiến. “Tôi tin tưởng rằng ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nha Trang – Khánh Hòa chắc chắn sẽ phát huy được truyền thống quý báu để cùng với cả nước lập nên những kỳ tích mới” (Trích lời Đại tướng căn dặn).

vo nguyen giap 6
Những người cựu chiến binh có nhiều chia sẻ và tình cảm dành cho Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Bạn Nguyễn Văn Tiến, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang bày tỏ cảm xúc: “Tôi cùng rất nhiều người trẻ trên đất nước Việt Nam may mắn được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở và những lời kể của ông bà. Và cũng như rất nhiều người trẻ, tôi chưa có cơ hội may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngoài đời. Nhưng từ những năm tháng đi học, biết về lịch sử dân tộc tôi khắc ghi trong tâm thức của mình lời dạy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài ba lỗi lạc, một thiên tài quân sự được cả dân tộc và thế giới vinh danh vì những chiến công lừng lẫy và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Hay tin Người mất, tôi cảm thấy vô cùng đau xót. Tôi và các bạn sinh viên cảm thấy rất vinh dự và tự hào có mặt trong buổi tọa đàm ngày hôm nay để để được nghe kể nhiều hơn và bày tỏ lòng thành kính, biết ơn dành cho Đại tướng. Chúng tôi nguyện ra sức học tập và công hiến hết mình cho đất nước, thực hiện lời căn dặn của Người đối với thanh niên: “Thế hệ cha ông đã rửa được cái nhục mất nước. Tôi mong thế hệ trẻ hãy rửa cái nhục nghèo hèn”.

Đại tá Ngô Mậu Chiến chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi thấy những tình cảm tốt đẹp mà thế hệ trẻ Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày qua. Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay hãy ra sức học tập Đại tướng ở nhiều góc độ, trong đó có việc học Sử (Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là giáo viên dạy Sử). Riêng với các bạn sinh viên ngành Sư phạm, hãy học tập nhân cách Đại tướng để trở thành những nhà giáo của nhân dân như cách Đại tướng đã trở thành “vị tướng của lòng dân”.

Ngọc Thảo