Theo dấu chân tình nguyện

145

Những ngày tháng 3, về với vùng cao Khánh Vĩnh hay những đô thị ở vùng đồng bằng như: TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp bước chân hăm hở của những chàng trai, cô gái “áo xanh” tình nguyện. Những bước chân ấy đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của các địa phương.

. Sức trẻ tình nguyện nơi vùng cao

Đội Thanh niên tình nguyện Sơn Thái khơi thông kênh mương, dẫn nước về cánh đồng Bến Lội (xã Sơn Thái).
Thanh niên tình nguyện cắt tóc cho học sinh Trường Mầm non Anh Đào (xã Sơn Thái).

Có mặt tại xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh – nơi 8 đội viên Đội Thanh niên tình nguyện (TNTN) Sơn Thái đang dốc sức cho các công trình, phần việc thanh niên, chúng tôi mới thực sự hiểu hơn về tinh thần xung kích, lòng nhiệt huyết, quyết tâm đóng góp sức trẻ của các TNTN xây dựng vùng cao Sơn Thái ngày càng giàu đẹp. Đưa chúng tôi đến nơi các đội viên TNTN đang giúp người dân địa phương khơi thông kênh mương tại cánh đồng Bến Lội, bạn Phùng Quang Nhật – Đội trưởng Đội TNTN Sơn Thái giới thiệu: “Đội TNTN Sơn Thái có tất cả 8 đội viên (trong đó có 2 nữ), từ nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh cùng về đây, mang sức trẻ, lòng nhiệt huyết, góp phần xây dựng vùng cao ngày càng phát triển. Đến nay, Đội TNTN Sơn Thái đã có nhiều việc làm cụ thể, hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nơi đây”.

Đội Thanh niên tình nguyện Sơn Thái khơi thông kênh mương, dẫn nước về cánh đồng Bến Lội (xã Sơn Thái).
Đội Thanh niên tình nguyện Sơn Thái khơi thông kênh mương, dẫn nước về cánh đồng Bến Lội (xã Sơn Thái).

Trên cánh đồng Bến Lội – nơi các đội viên Đội TNTN Sơn Thái đang khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng để đưa nước về cánh đồng có diện tích khoảng 20ha (là nơi canh tác chính của người dân địa phương), xen lẫn trong những câu hát tươi vui là tiếng động viên nhau cùng nhanh tay hoàn thành công việc. Trò chuyện với chúng tôi khi đang phát quang những bụi rậm trên con mương dẫn nước, bạn Lê Thị Minh Tâm tâm sự: “Cuộc sống tình nguyện tuy còn khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, tuy nhiên chúng tôi đã xác định tư tưởng, xem đây là nhà và gắn bó với nhau như anh em thân thuộc”. Hiện nay, Tâm chỉ mới 22 tuổi nhưng đã có đến 4 năm gắn bó với Đội TNTN Sơn Thái, được anh em trong đội gọi với tên thân mật là “già làng”.

Sau bữa cơm trưa vội vàng với những món được Minh Tâm và “đầu bếp chính” Phạm Thị Hiền chuẩn bị từ mấy bó rau rừng hái được khi đi khơi thông kênh mương cùng mấy chú cá trê lai do Đội TNTN Liên Sang tăng gia được gửi tặng, các đội viên Đội TNTN Sơn Thái lại bắt tay vào việc chăm sóc đàn dế mà đội đang nuôi. Bạn Phùng Quang Nhật cho biết: “Mô hình nuôi dế thương phẩm được đội triển khai từ mấy tháng nay. Qua tìm kiếm nguồn dế giống, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi từ nhiều trại dế, khảo sát thị trường đầu ra ở nhiều nơi trong tỉnh, toàn đội đã quyết tâm dốc sức để chăm sóc đàn dế với hy vọng sẽø chuyển giao mô hình, kỹ thuật nuôi dế cho ĐBDTTS tại địa phương”. Đang chăm sóc đàn dế, điện thoại của Nhật rung lên. Đầu dây bên kia, anh Nguyễn Đức Tài ở thôn Bố Lang hoảng hốt: “Mấy ngày nay, đàn dế đang nuôi bụng cứ phình to, chết dần. Các anh em đến giúp tôi với”. Sau cuộc điện thoại của anh Tài, Cao Ngọc Hiếu, Nguyễn Quốc Ngân, Hà Đa – những “kỹ sư tay ngang” của đội vội vã đến giúp anh Tài trị bệnh cho dế; còn Đội trưởng Phùng Quang Nhật ở nhà tiếp một số người dân địa phương đến nhờ Đội TNTN Sơn Thái giúp họ thu hoạch củ mỳ.

1
Phùng Quang Nhật – Đội trưởng Đội Thanh niên tình nguyện Sơn Thái hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế cho anh Nguyễn Đức Tài, một hộ nuôi dế tại địa phương.

Đến UBND xã Sơn Thái, chúng tôi lại có dịp chứng kiến Lê Minh Đức, Bùi Minh Thọ – các đội viên TNTN đang giúp ĐBDTTS tại địa phương kê khai hộ khẩu. Anh Hà Va ở thôn Giang Biên cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở địa phương nhưng tôi vẫn chưa có hộ khẩu, do không biết chữ nên phải nhờ các TNTN Sơn Thái kê khai xin cấp hộ khẩu. Có như vậy, gia đình tôi mới được hưởng các chế độ chính sách mà Đảng và Nhà nước hỗ trợ”. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Những năm qua, các thế hệ TNTN Sơn Thái đã góp phần cùng địa phương xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức, đời sống cho người dân địa phương, nhất là các hộ ĐBDTTS thông qua các hoạt động cụ thể như: tuyên truyền vận động người dân gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ; hướng dẫn kỹ thuật, giúp dân phát nương, gieo trồng, thu hoạch nông sản; vận động học sinh ra lớp; tham gia tích cực các phong trào phát triển KT-XH của địa phương; giúp đỡ người già neo đơn, gia đình khó khăn, ốm đau, bệnh tật… Các đội TNTN đã tạo được niềm tin trong mỗi người dân địa phương”.

Một ngày theo bước chân Đội TNTN Sơn Thái, chúng tôi mới phần nào hiểu được những cống hiến của sức trẻ tình nguyện nơi vùng cao. Không riêng Đội TNTN Sơn Thái, trong những bước chân tình nguyện hăm hở, nhiệt tình của các TNTN thuộc 13 đội TNTN trên địa bàn toàn tỉnh, đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận được ý nghĩa thiết thực của từng công việc, từng đóng góp mà các đội đang ra sức cùng địa phương xây dựng và phát triển KT-XH.

. “Áo xanh” thắp sáng niềm tin

Nhờ những “áo xanh” thắp sáng niềm tin, chị T.X.H đã vượt qua mặc cảm, trở thành một thanh niên tình nguyện tiêu biểu ở phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa).
Nhờ những “áo xanh” thắp sáng niềm tin, chị T.X.H đã vượt qua mặc cảm, trở thành một thanh niên tình nguyện tiêu biểu ở phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa).

Không chỉ đóng góp sức lực của mình để chung tay xây dựng vùng cao, vùng khó khăn, những chiếc “áo xanh tình nguyện” còn xung kích trên nhiều “mặt trận” khác, nhất là thanh niên vì cuộc sống cộng đồng, “thắp sáng niềm tin” cho những thanh niên chậm tiến. Đến phường Cam Thuận (Cam Ranh) lần này, chúng tôi được nghe người dân địa phương kể nhiều về những thành tích “thắp sáng niềm tin” mà Đội Hoạt động xã hội tình nguyện (HĐXHTN) phường Cam Thuận đã làm được. Chị Trần Thị Được – Đội phó Đội HĐXHTN phường Cam Thuận cho biết: “Cam Thuận là phường trung tâm TP. Cam Ranh, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là nơi dễ phát sinh những tụ điểm ăn chơi và kéo theo các tệ nạn xã hội (TNXH), nhất là vấn nạn ma túy”. Trăn trở về thực trạng ngày càng nhiều thanh niên địa phương hư hỏng, sa vào các TNXH dẫn đến phạm tội nên khi nhận quyết định của UBND thị xã Cam Ranh (nay là TP. Cam Ranh) về việc công nhận Đội HĐXHTN phường Cam Thuận (cuối năm 2006), các anh em trong đội vui mừng khôn xiết. Phát huy vai trò xung kích của lực lượng thanh niên trong công tác bài trừ TNXH, Đội đã tập trung vào việc tuyên truyền, vận động, cảm hóa các đối tượng thanh niên sa ngã trở về con đường sáng, tái hòa nhập cộng đồng, tu dưỡng bản thân trở thành người có ích cho xã hội.

Giáo dục thanh niên đã khó, cảm hóa các đối tượng chậm tiến, sa ngã hoàn lương còn khó gấp nhiều lần. Sự né tránh vì mặc cảm của các đối tượng này luôn là rào cản lớn đối với các tình nguyện viên. Chị Được nhớ lại những ngày cùng các đội viên Đội HĐXHTN phường Cam Thuận vận động, giúp đỡ anh T.H.V (sinh năm 1985) cai nghiện ma túy: “Sau khi có quyết định của phường về việc giáo dục tại địa phương đối với thanh niên sử dụng ma túy vào năm 2004, anh T.H.V luôn mặc cảm, né tránh.

Nhờ sự quan tâm, động viên thường xuyên và chân thành từ các thành viên của Đội cùng sự hỗ trợ từ phía gia đình và nỗ lực của bản thân, anh T.H.V đã cai nghiện thành công. Hiện nay, anh V. đã lập gia đình, có việc làm ổn định và đang được Đoàn phường giới thiệu hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế”…

Một lần về phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi lại được nghe một câu chuyện khác về những “chiếc áo xanh” thắp sáng niềm tin nơi đây. Trong những câu chuyện ấy, chúng tôi ấn tượng mãi chuyện về chị T.X.H (sinh năm 1979) – một trong những đội viên tiêu biểu của của Đội TNTN vì cuộc sống cộng đồng phường Ninh Hiệp. Trong câu chuyện ấy, T.X.H là cô gái tuổi đời chỉ mới đôi mươi, một mình lăn lộn giữa “trường đời”, H. vô tình rơi vào cạm bẫy ma túy lúc nào không hay. “Sau quá khứ kinh hoàng với hơn 5 năm nghiện hút, 2 lần phải đi cai nghiện, với sự giúp đỡ của các đội viên TNTN vì cuộc sống cộng đồng phường Ninh Hiệp, đến bây giờ, tôi đã hoàn toàn rời xa “cái chết trắng”, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, trở về hòa nhập với cộng đồng” – chị T.X.H chia sẻ. Với mong muốn mang câu chuyện thật của đời mình để cảm hóa các thanh niên chậm tiến khác, chị H. đã mạnh dạn tham gia Đội TNTN vì cuộc sống cộng đồng phường Ninh Hiệp và là một thành viên tiêu biểu của Đội.

“Lắng nghe và thấu hiểu” là phương châm hoạt động của những Đội TNTN vì cuộc sống cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cũng chính từ sự lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ ấy, đã không ít những thanh niên chậm tiến được “cảm hóa” trở thành những người có ích cho xã hội. Có được kết quả ấy phải kể đến đóng góp không nhỏ của những “áo xanh” thắp sáng niềm tin.

BÍCH LA – NGỌC THẢO

Ông Hồ Văn Mừng – Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Từ khi thành lập (năm 2003) đến nay, phong trào TNTN tham gia xây dựng phát triển miền núi đã huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, phát triển KT-XH ở các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo nên sự chuyển rõ nét trong đời sống của người dân địa phương, nhất là ĐBDTTS. Kết quả của những đội TNTN đã được người dân địa phương cũng như các cấp lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao.

Thời gian tới, để phát huy tinh thần xung kích của lực lượng TNTN, Tỉnh đoàn sẽ xúc tiến thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong trên cơ sở các đội TNTN; phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, đóng góp công sức cùng các địa phương thực hiện chương trình các KT-XH lớn của tỉnh như: Xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; gắn hoạt động của các đội TNTN với chiến dịch TNTN Hè; thực hiện nhiều công trình thanh niên tại các địa phương; xây dựng 2 hợp tác xã thanh niên giúp người dân các địa phương tiêu thụ nông sản; xây dựng lại quy chế hoạt động Đội TNTN để có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương cơ sở…

Theo Báo Khánh Hòa