Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc

1541

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào diệt “giặc dốt” và thường xuyên nhắc nhở toàn dân, coi đây là công việc cũng cấp bách như diệt “giặc đói” và diệt giặc ngoại xâm – Nguồn: vanhien.vn

TCCSĐT – Trong quá trình cùng với toàn Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm kháng chiến đi đôi với kiến quốc. Đây là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận Mác – Lê-nin về quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện chiến tranh, là sự kế thừa và nâng lên một tầm cao mới quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước trong công cuộc đấu tranh lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh của dân tộc ta.

1- Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”(1). Kháng chiến là công việc hệ trọng, được đặt lên hàng đầu khi đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược. Nhưng cùng với kháng chiến là phải tích cực thực hiện công cuộc kiến thiết đất nước, củng cố chính quyền cách mạng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng chế độ mới trong những vùng chiến tranh chưa lan tới, vùng căn cứ rộng lớn dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng. Có chủ động kiến thiết, xây dựng chế độ mới về mọi mặt, thì mới xóa bỏ được tàn tích của chế độ thực dân, phong kiến, củng cố chính quyền Nhà nước, phát huy được quyền làm chủ và sức mạnh của nhân dân để đẩy mạnh kháng chiến. Đồng thời, kiến thiết, xây dựng còn tạo tiền đề để đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên sau khi kháng chiến thắng lợi. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc – hai nhiệm vụ này được gắn kết chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình chống chiến tranh xâm lược.

Để đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ ta phải ra sức lao động sản xuất, thực hiện “thực túc, binh cường”. Người kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!… Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”(2). Người nêu rõ mối quan hệ khăng khít giữa kháng chiến và kiến quốc: “Vì cứu quốc, các chiến sĩ đấu tranh ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc, nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sĩ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sĩ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng”(3). Chủ trương kháng chiến đi đôi với kiến quốc quy định và yêu cầu mọi hoạt động của tất cả các tầng lớp xã hội phải đáp ứng yêu cầu đó; đồng thời, đòi hỏi các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều nhằm mục đích phục vụ cho nhiệm vụ quân sự; đấu tranh quân sự phải kết hợp với đấu tranh chính trị và kinh tế, bảo đảm kháng chiến thắng lợi.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc trở thành quan điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng ta là vừa tích cực đánh giặc ngoài mặt trận, vừa tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng chế độ mới ở hậu phương – căn cứ địa vững chắc, tạo cơ sở cho kháng chiến lâu dài giành thắng lợi. Có kháng chiến làm thất bại từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn bọn thực dân xâm lược và tay sai của chúng, thì chúng ta mới bảo vệ được thành quả cách mạng, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Khi kẻ thù xâm lược nước ta, thì kháng chiến là công việc cần kíp, hệ trọng, liên quan đến sự mất còn của nền độc lập dân tộc vừa mới giành được. Nhưng kháng chiến không phải là công việc duy nhất, mà cùng với kháng chiến, phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ xã hội mới, nhất là trong những vùng căn cứ địa cách mạng. Có đẩy mạnh công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, xây dựng chế độ xã hội mới về mọi mặt mới xóa bỏ được tàn tích của chế độ xã hội cũ, chế độ thực dân, phong kiến, củng cố chính quyền, huy động sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến mau giành được thắng lợi.

Kháng chiến và kiến quốc là hai nhiệm vụ khác nhau được thực hiện bởi những nội dung cụ thể khác nhau, nhưng lại thống nhất ở mục đích, ý nghĩa của hai nhiệm vụ đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ công cuộc kháng chiến, kiến quốc là của cả dân tộc. Mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc được biểu hiện sinh động trong quan hệ giữa hoạt động ở tiền tuyến và ở hậu phương trong chiến tranh. Người viết: “…muốn thắng quân địch, chỉ trông vào sức chiến đấu ở tiền phương chưa đủ. Tại sao? Vì ngày nay, một khi chiến tranh đã bùng nổ ở nơi nào, ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn khắp các nơi khác. Chẳng những thế, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các ngành hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa của toàn xứ. Có thể nói tóm tắt là chiến tranh không những chỉ phát động cả trong địa hạt quân sự mà còn phát động cả trong các địa hạt khác ở hậu phương. Vì vậy, muốn kháng chiến lâu dài để tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng… Nói tóm lại, muốn thực hiện toàn dân kháng chiến, ngoài việc động viên quân sự, chính trị, ngoại giao, còn phải động viên cả tinh thần lẫn kinh tế”(4).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc không ngừng được bổ sung, hoàn thiện cùng với mỗi bước phát triển của công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới và kháng chiến chống xâm lược. Khi Tổ quốc lâm nguy, nhiệm vụ kháng chiến mặc nhiên là được đặt ở vị trí hàng đầu nhưng đồng thời với nó và liền sau đó vẫn phải tích cực xây dựng đất nước, xây dựng chế độ xã hội mới về mọi mặt, tạo ra những tiền đề vật chất và tinh thần để tiến hành kháng chiến thắng lợi. Trong Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tư tưởng về mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc, chỉ ra những mặt khác nhau của nhiệm vụ cách mạng cấp bách. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hãy tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh việc chuẩn bị toàn diện các mặt để chủ động đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp cố tình gây ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tính chất và nội dung của chủ trương kháng chiến đi đôi với kiến quốc là “Kháng chiến và kiến quốc, một mặt phá hoại, một mặt kiến thiết. Phá để ngăn địch. Kiến thiết để đánh địch”(5).

Thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giải quyết được các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, không ngừng củng cố và tăng cường hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy cả hai mặt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vùng tự do được bảo vệ, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, vùng tạm chiếm bị thu hẹp; từng bước xây dựng và bảo vệ vững chắc chế độ mới trong vùng ta kiểm soát, thực hiện được “thực túc, binh cường” và giải quyết vấn đề vũ khí, trang bị, kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Bên cạnh việc cướp súng địch để đánh địch, Chính phủ đã phát động nhân dân tự tạo, sắm sửa vũ khí, đồng thời xây dựng các công binh xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí.

Để chuẩn bị về tư tưởng và lý luận cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Động viên kinh tế”, trong đó chỉ rõ mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc, nhất là vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế: “… kháng chiến lâu dài để giữ vững chính quyền của đất nước. Vì thế, chúng ta không thể không chú ý đến vấn đề động viên kinh tế. Chúng ta phải thu góp tất cả lực lượng của toàn quốc, khiến cho người có sức giúp đỡ, có tiền giúp tiền, có của giúp của,… chúng ta phải hết sức tăng gia sản xuất. Những việc tiêu xài vô ích, chúng ta phải cố gắng tinh giảm. Tóm lại, chúng ta phải tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến của ta mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng”(6).

Động viên kinh tế bảo đảm cho nhu cầu kháng chiến theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tổng hợp các hoạt động kinh tế tích cực, kiến thiết, xây dựng đất nước, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường xuyên của xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu cấp bách của chiến tranh. Trước hết là làm cho nước giàu, dân mạnh, phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Có như thế nhân dân và quân đội mới có đủ lương ăn, vật dụng để cầm cự với quân địch lâu dài. Lương đủ ăn, vật dụng thừa thì kháng chiến nhất định thắng lợi. Phải tích cực tiết kiệm và tăng gia sản xuất. Nếu không tích cực tăng gia sản xuất sẽ không đủ cung cấp cho dân chúng ở hậu phương và quân đội ngoài tiền tuyến. Đồng thời, còn phải tiết kiệm để có đủ mà cống hiến cho cuộc kháng chiến. Phải tập trung nhân lực, vật lực về quân sự, cần rất nhiều sức người là thanh niên trai tráng ra trận, nhân tài chuyên môn cùng nhân viên kỹ thuật tham dự các ngành hoạt động kinh tế, tài chính, văn hóa… Còn cần các vật dụng về quân sự, như tiền bạc, thóc gạo, vải sợi, đồ dùng, nhà cửa, ruộng đất, xe cộ… Chính phủ sẽ trưng dụng của dân chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra các loại hình động viên kinh tế, như động viên lao động, động viên giao thông, động viên công nghiệp, động viên nông nghiệp, động viên tài chính và tiết kiệm. Người khẳng định: “… chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta có biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này”(7).

Để chi viện cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến lâu dài, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh thành lập Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết đất nước về các mặt kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa… Ngay trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban, Người đã chỉ rõ mục đích đấu tranh giành độc lập, tự do là để đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Muốn vậy, theo Người, phải có kế hoạch kiến thiết, xây dựng đất nước. Do đó, phải cần đến đội ngũ trí thức tham gia kiến quốc cũng là góp phần tạo tiền đề cho kháng chiến thắng lợi. Người chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi. Và đang lo củng cố. Lúc này chúng ta có hai nhiệm vụ là kháng chiến và kiến quốc. Các chiến sĩ đã hy sinh cho cách mạng thành công và đang hy sinh để giữ vững đất nước. Còn các ngài, đã đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết… Chúng ta cố thực hiện khẩu hiệu kháng chiến, kiến quốc để thực hiện: Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng”(8).

2- Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, nhiệm vụ kiến quốc trở nên rất cấp thiết, khẩn trương bởi lẽ kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”. Là Người đứng đầu Chính phủ, tiếp quản gia tài hầu như đổ nát của chế độ cũ để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập tức xác định diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, diệt giặc ngoại xâm là những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết lúc này. Để kịp thời đẩy lùi nạn đói, khắc phục tình trạng kiệt quệ của đất nước sau chiến tranh, một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước với nghĩa tình đồng bào hãy “nhường cơm sẻ áo” cứu giúp những người đang trong lúc khốn quẫn; mặt khác, phát động phong trào tăng gia sản xuất, với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ nạn dốt “là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ”(9). Do đó, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào diệt “giặc dốt” và thường xuyên nhắc nhở toàn dân, coi đây là công việc cũng cấp bách như diệt “giặc đói” và diệt giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Chồng dạy cho vợ, con cháu dạy cho ông bà, cha mẹ… Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn hai triệu người dân biết đọc, biết viết.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”(10). Nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, thực hành đời sống mới làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ta trở nên lành mạnh, xứng đáng là người làm chủ xã hội mới.

Để phát huy sức mạnh tinh thần cho công cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm khơi dậy và phát huy sức mạnh của lòng yêu nước và ý thức cố kết cộng đồng, đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: “Sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”(11). Muốn đánh thắng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, nhất định chúng ta phải dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến để làm cho kẻ địch hao binh, tổn tướng, còn ta có điều kiện để phát triển lực lượng về mọi mặt, tăng thêm kinh nghiệm. Người yêu cầu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến… Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”(12).

Đi đôi với kiến quốc, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của kháng chiến chống thực dân xâm lược, thực hiện tốt vai trò là công cụ bạo lực vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh. Người đã ra nhiều sắc lệnh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân. Trong Tuyên bố Chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời tháng 4-1946 nêu rõ thống nhất các bộ đội võ trang dưới quyền chỉ huy của Chính phủ. Các đảng phái không được có quân đội riêng. Thiết lập quân đội quốc gia Việt Nam, phát triển lực lượng dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu. Tăng cường huấn luyện quân sự, chính trị, chuẩn bị động viên cho kháng chiến lâu dài. Đặc biệt, Người đã có nhiều bài viết, bài nói đăng trên Báo Cứu quốc về chiến lược, chiến thuật, khoa học, nghệ thuật quân sự để huấn luyện cho lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của công cuộc kháng chiến, bảo đảm cho lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực vũ trang sắc bén trong cuộc đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, giải phóng đất nước.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân, của quân đội nhân dân trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội nhân dân thành một quân đội anh hùng; bảo đảm cho quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất. Người quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân, đặc biệt là xây dựng và phát huy sức mạnh chính trị – tinh thần của quân đội. Người căn dặn: “Quân sự mà không có chính trị thì như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”; “một quân đội văn hay võ giỏi là một quân đội vô địch”. Người thường xuyên nhắc nhở quân đội từ nhân dân mà ra, phải vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, “vệ quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc”(13). Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội, là cội nguồn sức mạnh của quân đội nhân dân. Đồng thời, Người đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội, vừa có đức, vừa có tài; bảo đảm cho đội ngũ cán bộ quân đội có số lượng đủ, chất lượng cao, có cơ cấu hợp lý để lãnh đạo, chỉ huy, quản lý toàn quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc không những có giá trị lý luận chỉ đạo công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng sau khi nước nhà giành được độc lập và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà tư tưởng đó còn có giá trị lý luận to lớn tiếp tục chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất là chỉ đạo việc nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới./.

————————————

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 99
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 115
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 114
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 84
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 432
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 477
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 479
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 152
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 8
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 8 – 9
(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 151
(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 444 – 445
(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 115

PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng

Nguồn: Tạp chí Cộng sản (MH)