90 năm trước, hàng ngàn người dân huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) với dũng khí cách mạng đã đứng dậy biểu tình, áp đảo kẻ thù, góp phần khơi dậy truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, đất nước. Giờ đây, sau nhiều thập kỷ dựng xây, thị xã Ninh Hòa đã chuyển mình mạnh mẽ với sức sống và khí thế mới.
Âm vang hào khí 16-7
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về căn nhà 193 Trần Quý Cáp (thị xã Ninh Hòa) – nơi đã diễn ra những quyết sách quan trọng để làm nên tinh thần ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa (16-7-1930). Bên dòng sông Dinh thơ mộng, lọt giữa phố thị hiện đại, căn nhà xưa cũ của đồng chí Lê Dung – nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng bộ huyện Tân Định như níu lại ký ức của một thời đã qua. Tiếp chúng tôi, ông Lê Minh Quang (cháu nội của đồng chí Lê Dung) hồi nhớ những ký ức mà ông còn lưu giữ về ông nội: “Ngày xưa, ông nội tôi dùng căn nhà này làm căn cứ để hoạt động cách mạng. Ông cùng với các đồng chí của mình hay ngồi ở gian sau căn nhà giả đánh mạt chược để họp bàn công việc. Thời bấy giờ, bà nội tôi buôn bán la ghim nhằm che mắt mật thám Pháp và làm nhiệm vụ canh phòng. Hễ có người khả nghi, bà liền ra ám hiệu để ông nội biết mà đề phòng”. Cũng chính tại căn nhà lịch sử này, đêm 13-7-1930, đồng chí Lê Dung đã tổ chức hội nghị Đảng bộ bất thường để bàn kế hoạch thực hiện cuộc biểu tình vào ngày 16-7. Dưới hình thức một cuộc họp mặt hợp pháp, hội nghị làm việc đến 3 giờ sáng, thống nhất biểu tình để đáp ứng đòi hỏi bức thiết của quần chúng nhân dân đang rên xiết dưới sự thống trị vô cùng tàn bạo của bọn quan lại Pháp và tay sai phong kiến.
Chia tay gia đình ông Lê Minh Quang, lần theo địa danh cách mạng, chúng tôi tìm về Tượng đài 16-7, nơi đã diễn ra cuộc biểu tình lịch sử, đặt nền móng cho phong trào cách mạng Khánh Hòa. Thật may mắn, tại đây, chúng tôi được gặp gỡ các thanh niên của Thị đoàn Ninh Hòa và Hội Cựu chiến binh phường Ninh Đa khi mọi người đang tổ chức lễ dâng hoa tri ân. Trong cuộc gặp gỡ của 2 thế hệ trên vùng đất lịch sử, quá khứ hào hùng một lần nữa lại được tái hiện. Chính ở nơi này, khoảng 5 giờ sáng 16-7-1930, hơn 500 quần chúng ở các khu vực: Hòn Khói (các phường Ninh Hải, Ninh Thủy hiện nay), Suối Ré (Ninh Lộc), Xuân Hòa (Ninh Phụng)… xếp thành 5 hàng dọc, trương băng, cờ, khẩu hiệu tiến vào huyện đường Tân Định. Trên đường đi, cả ngàn người dân địa phương cũng hòa nhịp tham gia. Trước khí thế hừng hực của quần chúng, viên tri huyện Đinh Bá Cẩn im lặng, cúi đầu ký vào bản yêu sách bãi bỏ các sắc thuế.
Ông Trình Đại Mỹ – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ninh Đa bồi hồi tâm sự: “Rất mừng là thế hệ trẻ hôm nay vẫn tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông. Đứng tại địa chỉ cách mạng với thế hệ trẻ để ôn lại lịch sử cách mạng Ninh Hòa, những người lính già như tôi cảm thấy an lòng. Mong rằng ngọn lửa cách mạng sẽ tiếp tục được các thế hệ sau gìn giữ, nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”.
Những bước chuyển mình
Tròn 90 năm sau ngày diễn ra cuộc biểu tình, những địa danh như núi Ổ Gà, phủ đường Ninh Hòa, Tượng đài 16-7 vẫn còn đó như minh chứng cho sự trường tồn của dòng chảy lịch sử. Vùng đất cách mạng ngày ấy, hiện nay đã chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành một đô thị tầm vóc. Đi trên con đường 16-7 rộng thênh thang, cựu chiến binh Trình Đại Mỹ không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại: “Năm 1988, sau khi rời Quân đoàn 3 (Gia Lai), tôi về mảnh đất Ninh Hòa. Thời điểm ấy đất nước đang bước vào giai đoạn đổi mới, Ninh Hòa còn rất hoang sơ, dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm huyện và một phần tại Dục Mỹ (xã Ninh Sim). Nhà cửa lụp xụp, đường sá chủ yếu là đường đất, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, chỉ mấy mươi năm đổi mới, giờ đây, quê hương Ninh Hòa đã thay da đổi thịt từng ngày. Một đô thị rộng lớn được hình thành và phát triển, nhà cửa khang trang, đường rộng thênh thang. Cuộc sống của người dân ngày một nâng cao”.
Thật vậy, về Ninh Hòa bây giờ những nhà cao tầng mọc lên san sát, ven đô là những mái ngói đỏ tươi thay cho mái tranh năm nào. Những con đường khang trang tạo điểm nhấn cho đô thị như: đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh, 2-4, Trần Quý Cáp… Theo lãnh đạo phường Ninh Hiệp, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, toàn phường đã có hơn 1.200 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại; quá trình đô thị hóa cũng thu hẹp diện tích gieo trồng từ 122ha xuống còn 106ha; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, bình quân gần 12%/năm. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, hiện toàn phường chỉ còn hơn 60 hộ nghèo, chiếm 2,3% dân số.
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa khẳng định, 90 năm sau ngày biểu tình 16-7-1930, đặc biệt là sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ninh Hòa đang chuyển mình mạnh mẽ, từ một vùng đất nông nghiệp nghèo nàn, nay đã trở thành đô thị trọng điểm phía bắc của tỉnh. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại. Đến nay, tổng giá trị công nghiệp của thị xã đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm hơn 13,3%; giá trị ngành sản xuất dịch vụ – du lịch đạt 2.900 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm hơn 14,2%. “Những năm qua, các doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, địa phương cũng hình thành nên các sản phẩm có thương hiệu như: Hoa cúc Ninh Giang, dừa xiêm Ninh Đa, gạo Ngọc Quang…”, ông Thạnh tự hào chia sẻ.
Kỳ vọng vào tương lai
Ninh Hòa giờ đây không chỉ đơn thuần là phố thị khang trang, những khu phức hợp, công nghiệp – dịch vụ đã dần thành hình. Nằm trong Khu Kinh tế Vân Phong với 156 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, khu vực nam Vân Phong (các xã, phường: Ninh Hải, Ninh Thọ, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Phước và Ninh Vân) mang vai trò như một đòn bẩy cho sự phát triển chung của cả khu vực. Từ thời Pháp, nam Vân Phong đã có cảng Hòn Khói (phường Ninh Hải). Trong chống Mỹ, bãi biển Dốc Lết (phường Ninh Hải và Ninh Thủy) được biết đến như là một điểm du lịch có nhiều tiềm năng. Hiện nay, các dự án lớn đang hoạt động như: Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Khu Công nghiệp Ninh Thủy… đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh cho biết, nam Vân Phong chính là bàn đạp cho kinh tế Ninh Hòa phát triển trong những năm tiếp theo. Với lợi thế biển, đây sẽ là nơi thu hút đầu tư các dự án cảng biển, đóng tàu, lọc hoá dầu và du lịch. “Theo quy hoạch chung của tỉnh, thời gian tới, thị xã Ninh Hòa sẽ được đầu tư phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, văn hóa và cơ sở hạ tầng, trở thành một trong những khu vực kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm của tỉnh. Chúng tôi phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí cứng về kết cấu hạ tầng chuẩn đô thị loại 4 và hướng tới đưa thị xã lên đô thị loại 3”, ông Thạnh nói.
Còn nhớ, cách đây không lâu, trong chuyến công tác tại khu vực nam Vân Phong, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã rất vui mừng khi thấy hàng loạt dự án tỷ đô như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Khu Công nghiệp Ninh Tịnh, các dự án điện khí và Cảng tổng hợp Nam Vân Phong… đã và đang thành hình, thành khối. Khi tất cả các dự án này đi vào hoạt động sẽ là chất xúc tác để các nhà đầu tư lớn như: ASA Holding Inc, Livingstone, BCG… mạnh dạn đầu tư sau nhiều lần khảo sát. Vốn là người sinh ra và lớn lên tại Ninh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân luôn quan tâm đến sự phát triển chung của quê hương. “Với những tiềm năng đang có, chắc chắn thời gian tới Ninh Hòa sẽ có bước phát triển vượt bậc. Khi đã bắt được nhịp, trong tương lai gần, thị xã Ninh Hòa sẽ nhanh chóng vươn lên một tầm cao mới”, ông Nguyễn Tấn Tuân kỳ vọng.
Đình Lâm – Mạnh Hùng
https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202007/suc-song-moi-tren-que-huong-cach-mang-8173865/