Đề cương tuyên truyền chào mừng 22 năm “ngày biên phòng toàn dân” (03.3.1989 – 03.3.2011), 52 năm ngày truyền thống bộ đội biên phòng (03.3.1959 – 03.3.2011) và 45 năm ngày truyền thống bộ đội biên phòng tỈnh Khánh Hoà (06.3.1966 – 06.3.2011)

1743

BỘ TƯ LỆNH BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH KHÁNH HOÀ

ĐỀ CƯƠNG

TUYÊN TRUYỀN CHÀO MỪNG 22 NĂM “NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN” (03.3.1989 – 03.3.2011),

52 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG (03.3.1959 – 03.3.2011)

VÀ 45 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH KHÁNH HOÀ (06.3.1966 – 06.3.2011)

 

Nha Trang, tháng 02 năm 2011

MỞ ĐẦU

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), trước đây là Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), thành lập ngày 03.3.1959. Trải qua 52 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng luôn nhận rõ trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tuỵ với nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu sắc bản chất, truyền thống của lực lượng BĐBP, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hoà biên soạn Đề cương “Tuyên truyền 52 năm Ngày truyền thống BĐBP và 45 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh Khánh Hoà” để làm cơ sở tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong BĐBP và các cơ quan, ban, ngành, lực lượng, quần chúng nhân dân. Qua đó xác định tốt trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ mới-thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

 

PHẦN I

LỊCH SỬ 52 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

 

I- SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LỰC LƯỢNG BĐBP:

Nước ta có đường biên giới đất liền dài 4.550km, tiếp giáp với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cămpuchia; có bờ biển dài 3.260km, với vùng biển rộng hơn một triệu ki-lô-met vuông, bao gồm hàng ngàn đảo và quần đảo, tiếp giáp với hải phận quốc tế và vùng biển của các nước: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Philippin, Inđônêxia, Brunây, Đôngtimo.

Biên giới quốc gia là bộ phận thiêng liêng, bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên giới đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Vì vậy đã thực hiện khéo léo chính sách “nhu viễn” (mềm dẻo để quy tụ các tù trưởng, tộc trưởng ở miền biên cương) làm cốt lõi đoàn kết các dân tộc chống ngoại xâm; kết hợp với đề ra chính sách “biên viễn”, coi nơi địa đầu biên cương xa xôi là huyết mạch cốt tử của triều đình để xây dựng thành luỹ, tích trữ lương thảo, vũ khí, lấy dân binh lập phên, trấn đồn trú canh giữ đêm ngày. Vua Lê Thái Tổ đã chỉ rõ phương sách lâu dài để bảo vệ biên cương đất nước:

Biên phòng hảo vị trù phương lược;

Xã tắc ưng tu kế cứu an

 

Thời nào các triều đại phong kiến Việt Nam cũng cử tướng giỏi cầm quân trấn giữ biên thuỳ nên đã khẳng định được một dải biên cương non xanh, nước biếc làm cương vực cho một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đó là gia tài thiêng liêng, vô cùng quý giá của ông, cha ta truyền lại cho con cháu muôn đời.

Đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong nhiều thế kỷ, nhà nước phong kiến Việt Nam với tư cách là người chủ đã liên tiếp cử nhiều đội thuỷ quân và thương thuyền tiến hành khảo sát địa hình, điều tra, khai thác tài nguyên, dựng bia, lập miếu, trồng cây để khẳng định chủ quyền của 02 quần đảo.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Tám thành công, công tác quản lý, bảo vệ biên giới cũng được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm. Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1952 đã chỉ rõ: “Công tác biên phòng là một công tác khó khăn phải giải quyết những vấn đề liên quan đến đường lối ngoại giao, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo…. Đến năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, nước ta bị chia thành 2 miền Nam-Bắc, với giới tuyến quân sự tạm thời là dòng sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị (vĩ tuyến 17). Ngay sau đó, Mỹ hất chân Pháp ra khỏi Đông Dương, cấu kết với bọn phản động và tay sai trong nước nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn ở khu vực biên giới Việt-Trung, Việt-Lào; cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam; cài cắm gián điệp, chỉ điểm và tung nhiều toán gián điệp, biệt kích ra miền Bắc…Vì vậy, công tác biên phòng và bảo vệ nội địa càng phải được tăng cường. Năm 1953 lực lượng Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an được thành lập theo Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, bố trí các đồn biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới. Năm 1956 lực lượng Cảnh sát Vũ trang thuộc Bộ Công an được thành lập theo Nghị định số 982/TTg, ngày 28/7/1956 của Chính phủ, làm nhiệm vụ canh gác trại giam, tiễu phỉ, trừ gian. Cùng với các lực lượng trên còn có các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Việt – Lào, Đại đoàn 350 (tức sư đoàn 350) làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng ở miền Bắc và tiểu đoàn 25 (sau này là tiểu đoàn 41) làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời.

Để có một lực lượng vũ trang chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng (khoá II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW và ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg của Chính phủ “Về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang”. Nghị quyết số 58 xác định CANDVT có nhiệm vụ “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hoá quan trọng”. Nghị định số 100/TTg đã nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới , giới tuyến và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CANDVT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.

Tại lễ thành lập CANDVT ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự, huấn thị và tặng cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng bài thơ.

“Đoàn kết, cảnh giác.

Liêm chính, kiệm cần.

Hoàn thành nhiệm vụ.

Khắc phục khó khăn.

Dũng cảm trước địch.

Vì nước quên thân.

Trung thành với Đảng

Tận tuỵ với dân”.

Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban chỉ huy CANDVT Trung ương (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT) do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ công an làm Tư lệnh, kiêm Chính uỷ; cấp tỉnh, thành có Ban chỉ huy CANDVT tỉnh, thành; cấp cơ sở có các đồn biên phòng và đơn vị cơ động. Do đó, từ năm 1959 đến nay, ngày 03/3 hàng năm chính thức trở thành Ngày truyền thống của BĐBP.

Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng, trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ BĐBP rất vinh dự tự hào, thường xuyên được đón nhận sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ. Ngày 02.3.1962, tại Đại hội chiến sỹ thi đua CANDVT toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã biểu dương thành tích và tặng toàn lực lượng bài thơ:

Non xanh nước biếc trùng trùng

Giữ gìn tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao

Núi cao sự nghiệp càng cao

Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu

Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.

Lời dạy của Bác Hồ đã trở thành phương châm hành động cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP và là những nội dung  rất cơ bản của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP” do Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh phát động (Chỉ thị số 07/CT-ĐU ngày 08/8/2007 của Đảng ủy BĐBP).

Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của BĐBP gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình cách mạng cả nước, được cụ thể hoá bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ. Trong đó có 4 nghị quyết đánh dấu sự ra đời và thay đổi tổ chức của BĐBP:

-Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) về việc “ Thành lập lực lượng CANDVT “ (nay là BĐBP)

-Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10.10.1979 của Bộ chính trị (khoá IV) về việc “Chuyển giao  nhiệm vụ và lực lượng CANDVT sang Bộ Quốc phòng”.

-Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị (khoá VI) về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Nghị quyết đã chỉ rõ: “Chuyển giao BĐBP cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”.

-Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị BCH TW Đảng (khoá VII) về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới” đã quyết định chuyển BĐBP  từ Bộ nội vụ sang Bộ Quốc phòng.

Ngày 22/12/2004, Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng (khoá IX) ra Thông báo kết luận số 165-TB/TW về tổ chức BĐBP đã nhấn mạnh: công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP phải đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Đảng ủy QSTW, Bộ Quốc phòng và các tỉnh ủy, thành ủy (nơi có BĐBP). Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị. BĐBP là một quân chủng thuộc BQP, được chỉ huy, đảm bảo thống nhất theo ngành dọc từ TW đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành và đồn biên phòng. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn; khi có chiến tranh thực hiện theo quy chế của BQP.

II- NHỮNG TRANG SỬ VẺ VANG CỦA BĐBP

1-Thời kỳ 1959-1965: Xây dựng phòng tuyến nhân dân, tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa.

Khi mới thành lập, tuy trang bị thô sơ, thiếu thốn mọi mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt…nhưng mọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã đòan kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, gom dân, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội, với truyền thống hy sinh, tận tụy “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”, “Trung với Đảng, tận tụy với dân” .

2- Thời kỳ 1965-1975: Ở miền Bắc, CANDVT tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp Bạn Lào; chi viện cho cách mạng Việt Nam. Ở miền Nam, các chiến sỹ an ninh vũ trang đã bám dân, bám đất, diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung Ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng hòan toàn miền Nam.

CANDVT miền Bắc thường xuyên hoạt động ở những địa bàn khó khăn, gian khổ, là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn tích cực tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, kiên quyết chiến đấu bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự, các mục tiêu quan trọng ở nội địa, lăn lộn trong bom đạn cứu dân, cứu tài sản Nhà nước; tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, góp phần bảo vệ an tòan tuyến hành lang vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển).  Từ 1965-1975, toàn lực lượng đã trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ và chi viện 5.000 cán bộ, chiến sỹ cho ANVT miền Nam. Ngoài ra các đơn vị CANDVT miền Bắc còn cử nhiều đội công tác đặc biệt sang giúp Bạn Lào xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia quân đội, ủng hộ cách mạng Lào và tổ chức tuyên truyền đặc biệt, tấn công chính trị, chiến đấu vũ trang phá nhiều cụm phỉ ở mặt trận K5 (đối diện Nghệ An, Hà Tĩnh), và các tỉnh đối diện Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị…

Trên chiến trường miền Nam, sau phong trào Đồng khởi Bến Tre, cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ mới-thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Tháng 7 năm 1960, Xứ ủy ra Chỉ thị 01 thành lập “Ban an ninh Miền”, trong đó nói rõ thành lập bộ phận ” an ninh vũ trang “do đồng chí Sáu Tùng trực tiếp phụ trách, lúc đầu là Đại đội 180, sau này phát triển thành Trung đoàn 180, làm nhiệm vụ bảo vệ Xứ ủy chuyển về chiến khu Đ; đến tháng 10/1960 Xứ uỷ chuyển về chiến khu ở Dương Minh Châu-tỉnh Tây Ninh. Lực lượng ANVT được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét đánh biệt kích, thám báo để bảo vệ các khu căn cứ và Trung ương Cục-cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng miền Nam. Về tổ chức, ở cấp khu biên chế tiểu đoàn, ở cấp tỉnh biên chế đại đội ANVT. Mặc dù phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan, ác liệt, với chiến thuật kìm kẹp “tìm diệt” vô cùng hiểm độc và tàn bạo của Mỹ, Ngụy nhưng lực lượng ANVT miền Nam luôn phát huy truyền thống sắc son, kiên trung với Đảng, với cách mạng, kiên trì, bền bỉ, bám đất, bám dân, trụ vững giữa lòng địch, xây dựng cơ sở, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù, tiến hành công tác binh địch vận, phá vỡ nhiều tổ chức tình báo, mật vụ cài cắm ở các thôn ấp, hỗ trợ đắc lực cho các cuộc nổi dậy của quần chúng phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; táo bạo, “xuất quỷ nhập thần” giữa sào huyệt địch, mưu trí tiến công phá hủy nhiều căn cứ quân sự, mục tiêu quan trọng của Mỹ, Ngụy và tiêu diệt bọn ác ôn đầu sỏ, thám báo, biệt kích bảo vệ an tòan tuyệt đối Trung ương Cục, các Khu ủy, Tỉnh, Thành ủy ở miền Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được sự chi viện của CANDVT miền Bắc, lực lượng ANVT niềm Nam đã cùng các đơn vị của quân đội nhân dân, công an nhân dân và các lực lượng khác chiến đấu bắt sống, tiêu diệt nhiều tên gián điệp, ác ôn nằm vùng khét tiếng, tiêu hao sinh lực địch và tham gia dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta, giải phóng hòan tòan niềm Nam, thống nhất Tổ quốc.

3- Thời kỳ 1975-1986: Triển khai quản lý, bảo vệ biên giới trên phạm vi toàn quốc, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch, chống chiến tranh biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Cămpuchia.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, nhưng bọn phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”: Lôi kéo người vượt biên, vượt biển di cư ra nước ngoài, sử dụng tàn quân FULRO chống đối chính quyền, tổ chức xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng lực lượng ngầm hòng chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương…Trước tình hình đó, tòan lực lượng đã tập trung triển khai hệ thống đồn, trạm biên phòng vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh trên chiều dài gần 8.000km biên giới, bờ biển, thuộc địa bàn của 1.012 xã, phường, thị trấn, 214 huyện, thị xã, 44 tỉnh, thành phố, thuộc 7/8 quân khu có biên giới, bờ biển; khẩn trương cùng các đơn vị của QĐND, CAND và nhân dân cả nước đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân FULRO, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố chính quyền cơ sở mới thành lập ở các tuyến biên giới, biển đảo phía Nam, trực tiếp đương đầu với 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1978), biên giới phía Bắc (1979) và chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an tòan xã hội khu vực biên giới, biển đảo, bảo vệ tòan vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Phẩm chất anh hùng cách mạng, sự hy sinh quên mình vì chủ quyền, biên giới quốc gia của BĐBP tiếp tục ngời sáng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước “giúp Bạn là tự giúp mình”, BĐBP đã triển khai 9 Trung đoàn (e2, e4, e6, e8, e10, e11, e14, e20, e180) phối hợp với các đơn vị QĐND và CAND, kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Cămpuchia đấu tranh chống Khơme đỏ, phá tan chế độ diệt chủng ở Cămpuchia, giúp Bạn bảo vệ chủ quyền biên giới trên các tuyến và cử nhiều đội công tác giúp nhân dân Lào đấu tranh chống phỉ và bọn phản động, góp phần giành lại độc lập, chủ quyền, củng cố hòa bình và đã để lại ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Lào và nhân dân Cămpuchia anh em.

4- Thời kỳ 1986 đến nay: Quản lý, bảo vệ biên giới và xây dựng BĐBP trong thời kỳ đổi mới

Trước tình hình mới, nhiệm vụ công tác biên phòng rất toàn diện và nặng nề: bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, chủ quyền tòan vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên biên giới. Do đó, BĐBP phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các biện pháp công tác biên phòng, trong đó xác định công tác trinh sát là mũi nhọn, công tác VĐQC là cơ bản, công tác tuần tra vũ trang là quan trọng, kết hợp chặt chẽ an ninh, quốc phòng và đối ngoại, lấy xây dựng nền biên phòng toàn dân làm cơ sở nền tảng, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới, giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão, lụt…Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ biên giới với thực hiện phương châm bảo vệ biên giới từ xa, vươn ra bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo.

Đảng ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tích cực nghiên cứu, đổi mới tòan diện các biện pháp công tác biên phòng. Trước hết là đổi mới tư duy lý luận về công tác biên phòng; đổi mới đối sách đấu tranh với các loại đối tượng; đổi mới về bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện và đổi mới hình thức, biện pháp phối hợp với các ngành, các lực lượng trong bảo vệ biên giới quốc gia…Do vậy, BĐBP đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.

Để phát huy trách nhiệm và sức mạnh của nhân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới ở các địa phương, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu với Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 16/HĐBT ngày 22/02/1989 về tổ chức “Ngày biên phòng” trong cả nước (bắt đầu từ 03/3/1989). Trong đó, đã nêu rõ 5 nội dung, yêu cầu của “Ngày biên phòng” là:

-Nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, của cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

-Tăng cường đòan kết hợp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa BĐBP và nhân dân, giữa lực lượng biên phòng với các lực lượng khác.

-Không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới chống mọi hành vi xâm phạm biên giới Tổ quốc Việt Nam XHCN.

-Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của các địa phương.

-Khen thưởng bằng các hình thức thích hợp cho các tập thể và cá nhân có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI) ngày 17/6/2003 đã thông qua Luật biên giới quốc gia, trong đó quy định lấy ngày 03/3 hàng năm là “Ngày biên phòng tòan dân”; ngày 13/7/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 881/CT-TTg v/v tổ chức sơ kết 20 năm thực hiện “Ngày biên phòng tòan dân” (03/3/1989-03/3/2009) ở các cấp, các ngành nhằm đánh giá những việc làm được và những việc chưa làm được theo 5 nội dung tại Quyết định số 16/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xác định nội dung, chương trình, biện pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.

Qua 22 năm thực hiện “Ngày biên phòng tòan dân”, phong trào “Quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới”, phong trào “Cả nước hướng về biên giới, hải đảo” đã được phát triển sâu rộng. Về phía BĐBP, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị trên các tuyến biên giới, biển đảo đã thực sự là những cán bộ dân vận giỏi; trở thành những “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sỹ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh” và nhiều cán bộ biên phòng tăng cường xã giữ các chức danh bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã hoặc cán bộ UBND xã…đã góp phần quan trọng trong xây dựng nền biên phòng tòan dân ở khu vực biên giới, biển đảo. Mặt khác, nhiều chiến sỹ biên phòng quên mình trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường…tiêu biểu là các anh hùng liệt sỹ: Phạm Văn Điền (hải đội 2 BĐBP Thừa Thiên – Huế), Nguyễn Cảnh Dần, Và Bá Giải (BĐBP Nghệ An), Lù Công Thắng (BĐBP Sơn La) là những tấm gương “Vì nhân dân quên mình” được nhân dân cả nước thương nhớ, tôn trọng, nhất là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, biển đảo góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người chiến sỹ biên phòng, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

III- NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ:

Trải qua 52 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, 02 lần tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND (tháng 12/1979 và thời kỳ đổi mới vào tháng 3/2009); được tặng thưởng 01 huân chương Sao Vàng (02/2004), 02 Huân chương Hồ Chí Minh (02/1979 và 02/1989), 02 Huân chương Độc lập: hạng nhất (01/1994), hạng Nhì (8/1966), 02 Huân chương Quân công: hạng Nhất (03/1977), hạng Ba (03/1974) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tòan lực lượng BĐBP đã có 135 lượt đơn vị và 62 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong đó, có 5 tập thể được tuyên dương lần thứ hai: Đồn BP Cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn), đồn BP Pò Hèn (Quảng Ninh), đồn BP Cù Bai (Quảng Trị), đồn BP Cầu Ván (Đồng Tháp), trạm kiểm sóat Cửa Hội, đồn BP cảng Cửa Lò (Nghệ An); có 27 tập thể và 06 cá nhân được tuyên dương trong thời kỳ đổi mới; 5.955 lượt đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công và Huân chương Lao Động; 13.243 lượt đơn vị và cá nhân được tặng Cờ, Bằng khen của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và hàng nghìn lượt đơn vị, cá nhân được công nhận danh hiệu “Quyết thắng”, “Chiến sỹ thi đua”, “Chiến sỹ giỏi” trong phong trào thi đua quyết thắng.

IV-TRUYỀN THỐNG  CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG ANH HÙNG:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trực tiếp là Đảng ủy QSTW, BQP, sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các dân tộc khu vực biên giới, biển đảo cả nước, trải qua 52 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ CB-CS BĐBP đã không ngừng kế thừa và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân để xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của BĐBP, tiêu biểu là:

1-Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

2-Cảnh giác, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, chủ động sáng tạo trong công tác, quyết thắng mọi kẻ thù và các loại tội phạm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

3- Gắn bó máu thịt với nhân dân; đòan kết, phối hợp với các ngành, lực lượng; phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ biên giới.

4-Đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn; thực hiện “liêm, chính, kiệm, cần”, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.

5-Giữ vững đoàn kết quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

 

 

PHẦN THỨ II

TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG KHÁNH HÒA

(1966-2011)

 

I- CÁC ĐƠN VỊ TIỀN THÂN VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH VŨ TRANG KHÁNH HÒA

Những năm 1962-1963 phong trào cách mạng ở Khánh Hòa có những bước phát triển mới. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, lực lượng Bảo vệ an ninh cũng phát triển theo. Ngày 01/02/1963 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định thành lập Ban An ninh tách khỏi Văn phòng Tỉnh ủy do đồng chí Tô Văn Ơn- Phó Bí thư làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Hoàng Hải làm phó ban, với nhiệm vụ: “Tích cực bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các hội nghị, canh giữ trại giam, bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ nhân dân. Phối hợp với các lực lượng nắm tình hình đánh địch , diệt ác, phá kìm, trừ gian, tấn công chính trị vào hàng ngũ địch, chống địch gom dân, lập ấp, phục vụ cho phong trào đồng khởi giải phóng đồng bằng”.

Mặc dù còn rất non trẻ và nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, đoàn kết trên dưới một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hy sinh chiến đấu dũng cảm ngoan cường, Lực lượng An ninh Khánh Hòa đã trưởng  thành nhanh chóng, lập nhiều chiến công xuất sắc ngay từ những ngày đầu đánh Mỹ.

Cuối năm 1965, Bộ tư lệnh Công an vũ trang chi viện cho Khánh Hòa 1 khung cán bộ gồm 10 đồng chí, do đồng chí Lê Bơi (Lê Hồng Nam) và đồng chí Cưu (Nguyễn Đình Quang) phụ trách. Có thêm lực lượng mới, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, với các tiền đề đã chín muồi và theo đề nghị của An ninh tỉnh, ngày 06/3/1966, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ký quyết định thành lập Lực lượng an ninh vũ trang tách ra khỏi Ban An ninh, lấy phiên hiệu là B63 hay còn gọi là B8. ANVT Khánh Hòa với tổ chức biên chế như sau: Ban Chỉ huy có đồng chí Lê Bơi (Lê Hồng Nam) là Đơn vị trưởng phụ trách đơn vị cơ động, đồng chí Nguyễn Đình Quang là Chính trị viên, đồng chí Bùi Ngọc Châu là Đơn vị phó phụ trách bảo vệ; bộ phận Bảo vệ trại giam do đồng chí Trần Văn Đông- cán bộ của Ban An ninh làm giám thị. Về tổ chức Đảng ANVT có hơn 10 đảng viên, được thành lập 1 chi bộ do đồng chí Nguyễn Đình Quang làm bí thư, sinh hoạt trong Liên chi bộ An ninh trực thuộc Tỉnh ủy.

(Ngày 05/11/2008, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có Quyết định số: 1942/QĐ-BTLBP về việc công nhận ngày 06/3/1966 là Ngày truyền thống của BĐBP tỉnh Khánh Hoà)

Lực lượng ANVT Khánh Hòa được Tỉnh ủy giao những nhiệm vụ cụ thể :

1- Trực tiếp bảo vệ căn cứ, bảo vệ các đồng chí cán bộ, lãnh đạo tỉnh, bảo vệ các cuộc họp của Tỉnh ủy.

2- Triển khai các đơn vị xuống địa bàn xây dựng cơ sở tham gia diệt ác, phá kìm cùng các lực lượng khác đánh địch.

3- Canh giữ trại giam góp phần cùng giám thị, quản giáo giáo dục cải tạo phân hóa bọn tội phạm, biến họ thành người có ích cho cách mạng.

4- Tham gia tăng gia sản xuất làm ra lương thực, thực phẩm góp phần tự túc để đánh giặc.

Với một lực lượng rất nhỏ, mỏng, địa bàn lại rộng, địch đánh phá hết sức ác liệt, nhiệm vụ nặng nề, song với bản chất là một lực lượng cận vệ các chiến sỹ An ninh vũ trang Khánh Hòa luôn đoàn kết, chiến đấu mưu trí dũng cảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sau 7 năm chiến đấu trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Tỉnh ủy Khánh Hòa, từ các đội vũ trang làm công tác bảo vệ hoạt động trong lòng địch, lực lượng An ninh vũ trang Khánh Hòa đã từng bước hình thành, phát triển, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng tỉnh nhà. Sự ra đời của An ninh vũ trang Khánh Hòa là bước phát triển phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, đồng thời cũng nói lên tính tất yếu, sự thống nhất của đội cận vệ luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Từ đây, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa có thêm 1 lực lượng vũ trang mới, làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai.

II- AN NINH VŨ TRANG KHÁNH HÒA CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH, GÓP PHẦN ĐƯA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC ĐẾN TOÀN THẮNG (từ năm 1966- 1975).

Năm 1966 tại Khánh Hòa quân Mỹ, chư hầu và quân ngụy lên tới 43.000 tên. Mỹ biến Cam Ranh thành căn cứ quân sự lớn nhất Đông Dương, chúng đưa lữ đoàn không vận 101 cơ động thiện chiến, sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên vào chiếm đóng ở những vị trí then chốt (Cam Ranh, Nha Trang, Ngã ba Ninh Hòa, Dục Mỹ, Vạn Giã, Đại Lãnh… ), ngoài ra còn có các đơn vị Hải quân ngụy như Duyên đoàn 26 ở Cam Ranh, Duyên đoàn 25 ở Hòn Khói, trung tâm huấn luyện ở Động Bà Thìn. Chúng đã mở hàng trăm cuộc càn quét lớn hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, các chiến sỹ an ninh không quản nguy hiểm hy sinh, kiên cường bám trụ, ngày đêm lăn lộn với chiến trường, tuần tra, canh gác, điều tra nắm tình hình địch, xây dựng hầm hào trú ẩn để bảo vệ cán bộ lãnh đạo, bảo vệ cơ quan tỉnh ủy, xây dựng các phương án đánh địch. Suốt 2 cuộc “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ các chiến sỹ ANVT đã bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của tỉnh, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo đi công tác cũng như ở căn cứ an toàn.

Sau Mậu Thân 1968, tương quan lực lượng trên chiến trường có nhiều thay đổi. Bị thất bại nặng nề đế quốc Mỹ và tay sai càng điên cuồng, chúng ra sức khủng bố phong trào cách mạng của ta. Trước tình hình này Tỉnh uỷ Khánh Hoà chủ trương chuyển hướng hoạt động đưa các tổ vũ trang đi sâu vào lòng địch “Diệt ác phá kìm”, xây dựng cơ sở chính trị hỗ trợ cho phong trào quần chúng. Thực hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, Nghị quyết của Ban An ninh, lực lượng An ninh vũ trang Bắc Ninh Hòa thành lập năm 1967 do đồng chí Nguyễn Đình Quang chỉ huy, hoạt động ở phía Tây Nam Hòn Hèo và 1 tổ ANVT khác gồm 03 đồng chí do đồng chí Minh chỉ huy hoạt động ở Diên An- Diên Khánh, Vĩnh Trung- Vĩnh Xương.

Tháng 8/1969, Đoàn Bắc Ân B47 đã về đến Gộp Bà Hạ- căn cứ Hòn Dù (Đại bản doanh của ANVT Khánh Hòa), lực lượng Bộ Tư lệnh Công an vũ trang bổ sung cho Khánh Hòa lần này 04 đồng chí gồm: Trung úy Nguyễn Đức Tuất, thiếu úy Chu Đình Thục, Nguyễn Văn Lắc và Nguyễn Văn Khoa. Đồng chí Nguyễn Đức Tuất được bổ sung vào Ban chỉ huy An ninh vũ trang. Tổ chức chỉ huy của B63 lúc này do đồng chí Nguyễn Đức Tuất làm Chỉ huy trưởng, Lê Hồng Nam làm Chính trị viên. Phân đội bảo vệ Tỉnh ủy do đồng chí Chu Đình Tục làm Phân đội trưởng; phân đội bảo vệ trại giam do đồng chí Dũng phụ trách, đồng chí Thành (Từ Viết Kỹ) phụ trách bộ phận hậu cần. Chi  bộ có 04 đảng viên, đồng chí Tuất được chỉ định làm Bí thư.

Tháng 10-1968 tại suối Nà Niu, Ban An ninh tỉnh đã quyết định thành lập Đội trinh sát vũ trang lấy bí số E9 do đồng chí Lê Phi Cơ làm Đội trưởng, đồng chí Cao Văn Diệm làm Đội phó, đồng chí Nguyễn Đức Tuất chỉ đạo chung cùng 1 số đồng chí khác. Dưới sự chỉ đạo của Ban an ninh tỉnh Đội trinh sát vũ trang E9 ra đời  có nhiệm vụ chỉnh huấn chính trị, tập huấn chiến thuật, cách đánh, phương pháp hoạt động rồi triển khai xuống địa bàn Diên Khánh.

Đầu năm 1969, LLVT ta tiếp tục mở nhiều trận tấn công trên khắp chiến trường Khánh Hòa, ở Diên Khánh các Tổ trinh sát vũ trang cũng khẩn trương bắt tay vào hoạt động. Với tinh thần quyết tâm đánh địch các Tổ trinh sát vũ trang đã kết hợp với các tổ công tác hoạt động rất tích cực, liên tục tấn công địch cả ban ngày lẫn ban đêm, làm cho địch không dám đi lại tự do mà phải co cụm thành từng điểm, tiến hành nhiều trận đánh táo bạo phục kích tiêu diệt bọn bình định ác ôn giữa ban ngày, đồng thời sẵn sàng đánh trả tiêu diệt bọn địch đến chi viện.

Giữa năm 1970 do phong trào ở Nam Ninh Hoà yếu, Tỉnh uỷ chỉ thị Ban An ninh điều động Đội trinh sát vũ trang ra địa bàn này hoạt động hỗ trợ cho phong trào của huyện.

Năm 1972  tỉnh đội Khánh Hoà bổ sung cho ANVT tỉnh 12 đồng chí, 5 đồng chí được điều về  Đội trinh sát vũ trang. Lúc này Đội trinh sát vũ trang chuyển địa bàn hoạt động từ Nam Ninh Hòa ra Bắc Ninh Hòa (chủ yếu gồm các xã Ninh Đông, Ninh Thượng, Ninh Thân, Ninh Phụng), những trận chiến đấu ác liệt diễn ra làm cho bọn địch mất ăn, mất ngủ, tổn thất nặng nề.

Đêm 26 rạng ngày 27/01/1973, Đội trinh sát vũ trang đã đột nhập xuống các thôn ở xã Ninh Thân, Ninh An, Ninh Đông …(huyện Ninh Hoà) tổ chức cắm cờ. Sáng hôm sau bọn địch phát hiện được đã cho máy bay, pháo cối, 02 đại đội bảo an và 04 trung đội nghĩa quân chia làm 02 mũi đánh phá vào làng. Nhằm phá tan ý đồ của địch, lực lượng trinh sát vũ trang đã chủ động phối hợp với các đơn vị bộ đội, các tổ công tác chặn đánh quyết liệt bọn địch. Trận đánh này làm cho bọn địch thất bại nặng nề, ta đã tổ chức tiêu diệt được 8 tên địch, làm 6 tên bị thương.

Cuộc chiến đấu của các chiến sỹ trinh sát vũ trang thuộc ANVT Khánh Hoà ngày càng thu được những thắng lợi to lớn, tình hình chiến trường có những dấu hiệu mới đầy triển vọng. Tháng 4/1973 Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban An ninh rút Đội trinh sát vũ trang về nhận nhiệm vụ khác: chuẩn bị tiến về giải phóng đồng bằng đô thị, giải phóng miền Nam. Đến đây nhiệm vụ của Đội trinh sát vũ trang kết thúc.

Ngày 02/4/1975, lực l­ượng ANVT cùng với các cánh quân tiến vào giải phóng Nha Trang, tham gia đánh chiếm doanh trại quân khu 2 ngụy, khu thẩm vấn trại giam, chi khu cảnh sát đặc biệt, canh giữ và bảo vệ thành phố vừa giải phóng. Khánh Hòa hoàn toàn được giải phóng, Lý Bá Phẩm- tỉnh trưởng Khánh Hòa chạy vào Sài Gòn ẩn nấp, cơ sở của ta phát hiện báo ra, ANVT đã cử 01 tổ phối hợp với cán bộ chấp pháp của tỉnh vào bắt về Nha Trang, đưa tổng số quân ngụy ở Khánh Hòa vừa bị bắt ra trình diện lên tới 62.119 tên. Khánh Hoà giải phóng chư­a lâu thì một số nơi tàn quân, tề diệp, ác ôn, Phun-rô đã nổi lên hoạt động dưới hình thức giả lực lượng của ta. Đặc biệt ở xã Giang Ly, huyện Vĩnh Sơn (nay là huyện Khánh Vĩnh) 185 tên Phun-rô đã nổi lên ở Gia Rít (ngã 3 Khánh Hoà- Ninh Thuận- Lâm  Đồng), chúng đốt 04 nhà dân, bắt heo, gà, lấy lúa gạo… Tỉnh uỷ chỉ thị cho ANVT đ­ưa 1 phân đội lên Gia Rít tiêu diệt, truy bắt các đối tượng, đồng thời xây dựng củng cố phong trào, ổn định tình hình an ninh chính trị.

Ngày 23/4/1975 đoàn cán bộ, chiến sỹ gồm 117 đồng chí do đồng chí thiếu tá Lê Nguyên dẫn đầu vào chi viện cho ANVT Khánh Hoà. Các đoàn công tác  của BTL. CAVT lần lượt vào làm việc với Tỉnh uỷ về việc triển khai tổ chức lực lư­ợng ra làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, hải đảo, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của tỉnh trong tình hình mới. Từ đây ANVT Khánh Hoà chuyển sang thời kỳ mới: Triển khai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên vùng biển, đảo Khánh Hoà trong bối cảnh đất nước hoà bình thống nhất, cả nước đi lên CNXH.

III- ANVT KHÁNH HOÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ANBG VÙNG BIỂN, ĐẢO CỦA TỔ QUỐC VÀ THAM GIA LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở CĂMPUCHIA (1975-1979)

Ngày 27/4/1975 Tỉnh uỷ ra Quyết định số 05 về việc sáp nhập bộ phận ANVT và số ANVT miền Bắc chi viện thành Đảng bộ ANVT, tách khỏi Đảng bộ Ty an ninh trực thuộc Tỉnh uỷ, chỉ định 3 đồng chí vào Ban chấp hành, đồng chí Lê Nguyên làm Bí th­ư, Phạm Đình Long làm phó Bí thư­. Bộ tư­ lệnh CAVT đã quyết định thành lập cơ quan chỉ huy Ban ANVT Khánh Hoà gồm: Thiếu tá Lê Nguyên- Chính uỷ kiêm Chỉ huy trư­ởng, Đại uý Phạm Đình Long- Phó Chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị, Đại uý Bùi Trọng Thấy (Bùi Ngọc Châu)- Chỉ huy phó kiêm Tham mư­u tr­ưởng. Các cơ quan Tham mư­u, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần được thành lập.

Ngày 30/4/1975 Đảng uỷ họp phiên đầu tiên ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tập trung: Bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân, kho bạc, trại giam…Trước mắt tập trung bảo vệ an toàn lễ kỷ niệm Quốc tế lao động 01/5 và mừng Xuân đại thắng. Tích cực tham gia truy quét tàn  quân, bóc gỡ cơ sở bí mật của địch. Củng cố cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang ở xã, phường. Tổ chức huấn luyện, bổ sung quân số cho các đơn vị cơ sở.

 

Tháng 5/1975 trước yêu cầu nhiệm vụ ANVT Khánh Hoà đã triển khai 7 đồn, 2 đại đội và các phân đội bảo vệ mục tiêu (mỗi đồn, đại đội, phân đội có 1 chi bộ Đảng).

Sau Ngày 30/4/1975, tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp, một số nguỵ quân, nguỵ quyền vẫn tìm mọi cách lẩn trốn trong dân, chui vào các nhà thờ, chùa chiền hoặc núp dưới bóng của các tổ chức từ thiện để dấu mình chờ thời cơ hoạt động, câu móc với nhau tổ chức vượt biển trốn ra nước ngoài… Bọn lợi dụng tôn giáo khoác áo thầy tu hoặc linh mục rao giảng kinh phật để  tuyên truyền nói xấu cách mạng, xuyên tạc đường lối của Đảng…

Được sự chi viện của CANDVT miền Bắc, ANVT Khánh Hoà ngày càng lớn mạnh, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ trên toàn tuyến biển, đảo của tỉnh, nắm bắt tình hình trên tại 27 xã, phường biên phòng, các tổ công tác thuộc các đồn đã nhanh chóng thâm nhập cơ sở nắm tình hình địch, tình hình dân, tham gia củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng các tổ chức quần chúng, phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh với các tổ chức phản động, xâm nhập từ nước ngoài với âm mưu hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam lâu dài và tổ chức vượt biển, trốn ra nước ngoài. Điển hình là Chuyên án ĐC-75,ta đã đập tan tổ chức phản động “Ấn đàn đại đạo” tại Đèo Cả- Núi Chúa, bắt 79 tên do Tôn Luân cầm đầu. Vụ án “Tàu Thương Tín 1”, ANVT Khánh Hoà đã đấu trí quyết liệt, làm thất bại toàn bộ âm mưu “Chim về tổ” của bọn phản động lưu vong hòng đưa người Việt di tản về nước gây mầm mống phá hoại.

Kết quả từ 30/4 đến tháng 11/1975 ANVT Khánh Hoà đã tham gia truy quét và bắt 412 tên tàn quân; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho 23 ngàn lượt người nghe; quần chúng đã cung cấp cho các Đồn biên phòng 105 nguồn tin, bắt 05 tên đi cải tạo, thu 102 khẩu súng các loại. Tuần tra phát hiện và ngăn chặn 03 vụ vượt biển/76 đối tượng, tham gia ngăn chặn 3 vụ khác thu 220 lạng vàng, 3 thuyền máy, 2 ôtô, và nhiều hàng hoá khác. Bảo vệ tuyệt đối các mục tiêu được phân công và 40 đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, khách nước ngoài đến Khánh Hoà công tác. Tổ chức nhiều lớp tập huấn quân sự, nghiệp vụ, huấn luyện 121 tân binh, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trinh sát cho 45 đồng chí.

Ngày 06/01/1976 Hội đồng cách mạng lâm thời miền Nam đã ra quyết định về việc bỏ cấp khu, sáp nhập một số tỉnh, huyện trong đó có tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Thực hiện quyết định hợp nhất, lực lượng ANVT 02 tỉnh cùng tiến hành tổ chức hợp nhất và đổi tên thành Công an vũ trang Phú Khánh. Ban chỉ huy CAVT Phú Khánh gồm : đồng chí Trung tá Phạm Nhu -Chỉ huy trư­ởng, Trung tá Lê Nguyên-  Chính uỷ, Đại uý Lê Đức Tân- CHP Hậu cần, Thiếu tá Đặng Ngọc Liễu – Phó chính uỷ. Đảng uỷ lúc này gồm có: đồng chí Lê Nguyên làm Bí thư, đ/c Pham Nhu làm phó Bí thư; Ban Thường vụ có 03 đồng chí: Lê Nguyên, Phạm Nhu, Phạm Đình Long. Toàn tỉnh đ­ược bố trí 14 đồn, 4 đại đội quản lý 420 km bờ biển, các đầm, vịnh và 28 đảo. Toàn tuyến biên phòng có với 39 xã phư­ờng, 5 khu dân phố gồm 176 thôn của 08 huyện, thị xã và thành phố với hơn 47.600  hộ = 159.313 khẩu.

Hoà bình chưa được bao lâu, thì chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc diễn ra. Tiếp sức với đồng đội trên tuyến đầu của Tổ quốc và chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh CAVT, tháng 01/1979 từ cơ quan đến các đồn, đại đội CAVT Khánh Hoà gồm 89 cán bộ, chiến sỹ đã có mặt tại Trung đoàn 180 bảo vệ Trung ương để tham gia đoàn 71 bảo vệ Trung ư­ơng và thủ đô Phnômpênh- Camphuchia. Tiếp đó 4/1979 được lệnh của cấp trên CAVT Phú Khánh đã cấp tốc thành lập 1c bộ binh và các phân đội trực thuộc (thông tin, vận tải, trinh sát) với tổng số 157 đồng chí do Thiếu uý Nguyễn Văn Thanh làm Đại đội trưởng, Thiếu uý Phan Văn Chiến làm Chính trị viên đã hành quân lên Gialai – KonTum cùng với các đơn vị bạn thành lập trung đoàn 20 làm nhiệm vụ ở chiến trường Đông Bắc Camphuchia. 10 năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh cán bộ, chiến sỹ CAVT đã tham gia nhiều chiến dịch truy quét lớn, mở rộng vùng giải phóng của nước bạn đến tận biên giới Camphuchia- Thái Lan.

IV- BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG PHÚ KHÁNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ BIÊN GIỚI BIỂN, ĐẢO TRONG ĐỘI HÌNH BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH (1980-1988)

Chiến tranh biên giới (1977-1979) kết thúc, trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhằm tăng cường sức mạnh phòng tuyến bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, ngày 10/10/1979 Bộ Chính trị BCH Trung ư­ơng Đảng ra Nghị quyết 22/NQ- TW, tiếp đó ngày 19/11/1979 Chính phủ ra Quyết định số 412/TTg chuyển giao toàn bộ lực lượng CAVT thuộc Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng thành BĐBP, chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Thực hiện NQ 22/NQ-TW của Bộ Chính trị, các quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư­ lệnh CAVT và Quân khu V, ngày 12/3/1980 CAVT Phú Khánh tiến hành bàn giao toàn bộ tổ chức, quân số, trang bị, cơ sở vật chất…sang Bộ Chỉ huy quân sự Phú Khánh. Lúc này CAVT Phú Khánh đ­ược đổi tên thành BĐBP Phú Khánh, nhiệm vụ cơ bản vẫn được giữ nguyên, song về bộ máy tổ chức chỉ huy, chỉ đạo quan hệ hiệp đồng với các ngành, các lực lượng được sắp xếp lại. Cấp tỉnh có phòng Biên phòng nằm trong BCH Quân sự, Trưởng phòng biên phòng là  đồng chí Thượng tá Lê Nguyên- Chỉ huy phó BCH Quân sự tỉnh. Phòng Biên phòng có chức năng: là cơ quan nghiệp vụ làm tham mưu cho BCH quân sự tỉnh về công tác biên phòng và là cơ quan trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ đối với các đồn, đại đội và chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của BTL Bộ đội Biên phòng.

Tổ chức Đảng: Đảng bộ phòng Biên phòng trực thuộc Đảng bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ có 07 đồng chí do Tỉnh uỷ chỉ định. Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ là tham mưu cho Đảng ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh về công tác biên phòng.

Để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết Đảng uỷ Phòng biên phòng năm 1980 đã xác định: Lãnh đạo đơn vị ổn định tư tưởng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đồn, đại đội hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an kiên quyết đấu tranh chống bọn phản động, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên phòng, chống xâm nhập từ biển vào và vượt biên trốn ra nước ngoài.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ, các đồn biên phòng đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiên trì bám dân, bám địa bàn, tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của ngư dân, đồng thời tổ chức hàng trăm ngày công lao động giúp dân, cấp cứu ngư dân gặp nạn, khám chữa bệnh… Qua đó quần chúng nhân dân đã cung cấp cho đồn biên phòng 345 nguồn tin, trong đó có 141 nguồn tin có giá trị. Các đồn đã phát hiện và xử lý 160 vụ việc, bắt 22 vụ vượt biển, 81 vụ buôn bán trái phép, 52 vụ đánh cá bằng chất nổ, thu nhiều tài sản của đối tượng nộp ngân sách nhà nước; đăng ký, kiểm soát hành chính hơn 950 ngàn lượt ghe thuyền với trên 7 triệu lượt người ra vào, làm ăn trên biển.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết  22/NQ-TW của Bộ Chính trị, để đánh giá đúng thực trạng của BĐBP, tháng 3/1981 Bộ Tổng tham mưu triệu tập Hội nghị BP toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Hội nghị đã đánh giá vai trò, vị trí của BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; Tính chất nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, đối tượng công tác của BĐBP và các biện pháp nghiệp vụ mà BĐBP sử dụng để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời hội nghị cũng xác định vị trí của BĐBP trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở những kết luận của hội nghị, Bộ Tổng tham mưu đã ra Chỉ thị 85, ngày 28/5/1981 về việc củng cố, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy của BĐBP. Theo đó phòng Biên phòng là cơ quan chủ nhiệm và đưa các đồn Biên phòng từ trực thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện hoặc trực thuộc BCHQS tỉnh về trực thuộc cơ quan chủ nhiệm Biên phòng tỉnh. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ nhiệm là tổ chức chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, đảm bảo hậu cần cho các đồn, đại đội biên phòng. Đảng bộ cơ quan chủ nhiệm là Đảng bộ cơ sở lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các chi bộ đồn, đại đội, chi bộ các ban.

Thực hiện Chỉ thị 85 của BTTM, ngày 17/7/1981 Bộ tư lệnh Quân khu V đã ra Quyết định số 74 về việc quy định tổ chức, biên chế của BĐBP Phú Khánh. Quy định tổ chức bộ máy cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng gồm Ban chỉ huy và 04 cơ quan (Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần). Toàn lực lượng BĐBP Phú Khánh gồm 13 đồn, 01 đại đội tàu thuyền, đ/c Thượng tá Lê Nguyên làm Chủ nhiệm.

Ngày 04/4/1986 Bộ trưởng Quốc phòng ra Quyết định số 419/QĐ về việc chấn chỉnh tổ chức chỉ huy, củng cố, xây dựng, kiện toàn tổ chức BĐBP, chuyển giao BĐBP thuộc BCH quân sự tỉnh, BTL quân khu về trực thuộc BTL Bộ đội Biên phòng. Thực hiện QĐ 419/QĐ của Bộ Quốc phòng, ngày 18/8/1986 đại diện BTL BĐBP và đại diện BTL QK V có sự chứng kiến của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tiến hành bàn giao BĐBP Phú Khánh từ BCHQS tỉnh về BTL BĐBP. Đảng bộ BĐBP tách khỏi Đảng bộ BCHQS tỉnh về trực thuộc Tỉnh uỷ (theo QĐ 77 của Ban Bí thư TW, ngày 25/7/1986). BCH BĐBP Phú Khánh gồm: Trung tá Trần Ngọc Anh giữ chức Chỉ huy trưởng; Trung tá Lê Văn Giàu giữ chức  Phó chỉ huy về Chính trị; Trung tá Nguyễn Thành Đồng giữ chức Phó chỉ huy trưởng- Tham mưu trưởng; Thiếu tá Nguyễn Quang Hồ giữ chức Phó chỉ huy-  Chủ nhiệm HCKT; Trung tá Nguyễn Bá Thiệu giữ chức Phó chỉ huy trưởng.

Để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Biên phòng Phú Khánh lần thứ 3-1987, nghị quyết chuyên đề của Đảng uỷ xác định mục tiêu lớn của BĐBP Phú Khánh phải tập trung thực hiện:

–         Tổ chức quản lý bảo vệ biên giới vững chắc.

–         Xây dựng Đảng bộ, đơn vị vững mạnh

–         Tổ chức tốt đời sống bộ đội.

Nhằm tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ngày 30/11/1987 Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng (Khoá VI) đã ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Nghị quyết Bộ Chính trị quy định Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất của BĐBP sang Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Lực lượng BĐBP đặt dưới sự chỉ đạo chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngày 11/6/1988 Hội đồng Bộ tr­ưởng ra Quyết định số: 104/ HĐBT chuyển BĐBP từ Bộ Quốc phòng về Bộ Nội vụ. Ngày 30/6/1989 Quốc hội khoá 8 ra Quyết định tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà theo đó BĐBP Phú Khánh cũng được chia tách  cả bộ máy lẫn biên chế, tổ chức thành BĐBP tỉnh Phú Yên và BĐBP tỉnh  Khánh Hoà.

V- XÂY DỰNG BĐBP KHÁNH HOÀ “CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI”, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO (1989- 2011)

Ngày 19/7/1989 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 759/QĐ-BNV bổ nhiệm các chức danh của Ban chỉ huy BĐBP Khánh Hoà gồm: Trung tá Nguyễn Thành Đồng giữ chức Chỉ huy trưởng, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thạch- Phó chỉ huy trưởng về chính trị, Thiếu tá Đặng Ngọc Ruân giữ chức Phó chỉ huy trưởng- Tham mưu trưởng. Để kịp thời ổn định biên chế, tổ chức, được sự uỷ quyền của Bộ Nội vụ, ngày 20/7/1989 Bộ Tư lệnh BĐBP đã ra quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ cán bộ cấp phòng (Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần). Theo đó biên chế quân số là 648 cán bộ, chiến sỹ, gồm 12 đồn, 1 đại đội, 1 hải đội huấn luyện và 1 bệnh xá.

Song song với quá trình củng cố, ổn định tổ chức biên chế, công tác xây dựng Đảng được Đảng uỷ BĐBP tỉnh đặc biệt chú trọng. Trong 2 ngày 12 và 13/12/1989 Đảng bộ BĐBP tỉnh đã tiến hành đại hội, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 15 đồng chí, do đồng chí Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thạch làm Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Trung tá Nguyễn Thành Đồng và Thiếu tá Đặng Ngọc Ruân làm Phó Bí thư, đ/c Thiếu tá Vũ Mạnh Tường làm Chủ nhiệm UBKT.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, BTL BĐBP, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, BĐBP Khánh Hoà đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ trên toàn tuyến biên phòng. Là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong công tác quản lý bảo vệ an ninh biên giới biển đảo. Bộ đội biên phòng đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu, phân tích đánh giá mọi diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, trên cơ sở đó xây dựng quyết tâm, kế hoạch. Hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn hình thành thế trận liên hoàn chống xâm phạm an ninh biển đảo. Thường xuyên coi trọng công tác nắm tình hình, tập trung nắm âm mưu, hành động trong chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực  thù địch, đi sâu nghiên cứu tổng hợp những hoạt động liên quan đến an ninh biên giới quốc gia, điều tra những đIểm nóng cùng các địa bàn trọng đIểm phục vụ cho công tác đánh địch trước mắt cũng như lâu dài,  bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh vùng biển, đảo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Lực lượng BĐBP đó độc lập và phối hợp với các lực lượng, ngành chức năng và địa phương phá, bắt hàng trăm vụ tổ chức vượt biển trái phép vào những năm 1989 và đầu những năm 1990, nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, đánh cá bằng chất nổ, khai thác cáp ngầm…thu hàng hóa và phạt hành chính hàng tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước đúng chính sách, đúng pháp luật. Tiêu biểu là vụ tàu Vân Đồn – Quảng Ninh buôn lậu hàng điện tử đó qua sử dụng; tàu Đà Nẵng chở gỗ không được phép xuất cảng, phá 04 đường dây mua, bán, vận chuyển, tàng trữ chất nổ liên tỉnh đến địa bàn biên phũng tỉnh thu  hơn 777,5 kg thuốc nổ, 209 m dây cháy chậm, 2.277 kíp nổ, hơn 50 tấn dầu DO.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, ngày 08/8/1995, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 11/NQ-TW về “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”, trong đó có quyết định chuyển giao lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW, từ cuối năm 1995, Ban Chỉ huy BĐBP Khánh Hoà được đổi thành Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hoà. Ngày 06/02/1996, Đảng bộ BĐBP Khánh Hoà tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 3, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1996-2001, gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trung tá Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chỉ huy về Chính trị được bầu lại làm Bí thư, đồng chí Đại tá Nguyễn Thành Đồng làm phó Bí thư. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Khánh Hoà lần thứ 13, đồng chí Nguyễn Thành Đồng được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1996-2000.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Khánh Hoà, Đảng uỷ BĐBP và sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh BĐBP, BĐBP Khánh Hoà đã chủ động phối hợp với các lực lượng, phát huy vại trò nòng cốt chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo. Phát hiện và đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn các hoạt động phá hoại môi trường và tài nguyên biển, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra vào làm ăn trên biển, góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu quốc tế, đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Tổng kết 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng” (1989-1999), nhiều tập thể, cá nhân đã lập được nhiều thành tích xuất sắc tiêu biểu Đồn Biên phòng 372 vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, BĐBP Khánh Hoà được BTL BĐBP tặng cờ thi đua xuất sắc 2 năm liền (1997-1998); 02 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 23 tập thể và 9 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng Khen.

Ngày 15/11/2000 Đại hội Đảng bộ BĐBP Khánh Hoà lần thứ 4 tiến hành khai mạc, sau 2 ngày làm việc Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2000-2005 gồm 13 đồng chí, Đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Á – phó Chỉ huy về Chính trị được bầu làm Bí thư, đ/c Đại tá Nguyễn Thành Đồng – Chỉ huy trưởng làm phó Bí thư. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Khánh Hoà lần thứ 14, đồng chí Nguyễn Thành Đồng được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2000-2005. Sau đại hội, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy BĐBP Khánh Hoà đã tập trung lãnh đạo triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết và làm tham mưu cho cấp uỷ chính quyền địa phương xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn không để xảy ra điểm nóng. Với những thành tích xuất sắc trong công tác, năm 2000 Phòng Trinh sát vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Ngày 19/5/2003 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 58/QĐ-BQP sáp nhập một số đồn thuộc BĐBP Khánh Hoà (đồn BP 376 sáp nhập vào đồn BP Cửa khẩu Nha Trang; đồn BP 360 sáp nhập vào đồn BP 358), BĐBP Khánh Hoà có 11 đồn, 01 Hải đội và 01 đại đội huấn luyện chiến sỹ mới.

Ngày 08/10/2005 Đại hội đảng bộ BĐBP Khánh Hoà lần thứ 5 tiến hành khai mạc, sau 2 ngày làm việc Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010 gồm 13 đồng chí, Đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Á- Phó chỉ huy về Chính trị được bầu làm Bí thư, đ/c Đại tá Hồ Văn Truyền- Chỉ huy trưởng làm phó bí thư, đồng chí Đại tá Lê Như HảI, Chủ nhiệm Chính trị được bầu làm Chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ. Tại đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà lần thứ 15 đồng chí Hồ Văn Truyền được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005-2010.

Bước vào giai đoạn mới, Đảng uỷ BĐBP Khánh Hoà coi trọng việc củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Chấp hành  nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hàng năm BĐBP tỉnh xây dựng quyết tâm, phương án chiến đấu bảo vệ biên giới vùng biển, đảo. Duy trỡ nghiờm tỳc chế độ, nề nếp sẵn sàng chiến đấu, chế độ trực chiến đấu, quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tổ chức tuần tra bộ trung bỡnh hàng năm đạt 2.008 lượt tổ/ 6.224 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia với quóng đường  13.275 km. Tuần tra biển 11.121 lượt tổ/6071lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia với quóng đường 10.810 hải lý. Tổ chức đăng ký, kiểm chứng, kiểm tra, kiểm soát 134.231 lượt  phương tiện/595.350 lượt người làm ăn trên biển. Làm thủ tục xuất – nhập Cảng cho 2.360 lượt tàu với 36.969 lượt thuyền viên/ 2,9 triệu tấn hàng hóa, hàng quá cảnh 1,9 triệu tấn, trong đó tàu nước ngoài 541 lượt với 8.487 lượt thuyền viên. Tổ chức bảo vệ tàu chuyển tải dầu từ 8 đến 10 chuyến/năm. Làm thủ tục quá cảnh cho 4 đến 6 chuyến tàu khách du lịch với số lượng 32.647 người. Trong quá trỡnh kiểm tra, kiểm soỏt đó phỏt hiện, xử lý hàng trăm lượt người trong và ngoài nước vi phạm quy chế biên phũng.

Tổ chức lực lượng nắm địa bàn, xây dựng phong trào quần chúng tham gia tố giác, tấn công, truy quét tội phạm góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xó hội. Trong những năm qua BĐBP đó độc lập xóa 32 tụ điểm chứa chấp, môi giới mại dâm, triệt phá 14 tụ điểm mua bán, sử dụng các chất ma túy, phá bỏ 527 m2trồng cây cần sa, tập trung là địa bàn Đại Lónh, Vạn Long, thị trấn Vạn Gió, Nha trang và thị xó Cam Ranh. BĐBP đó xử lý 849 vụ/1.949 đối tượng, trong đó khởi tố 29 vụ/50 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 257 vụ/506 đối tượng với số tiền 429.920.000 đồng, chuyển các cơ quan chức năng xử phạt 253.210.000 đồng, tiền thanh lý tang vật 313.342.000 đồng, thiờu hủy 6.180 bao thuốc lỏ ngoại, thu 02 sỳng quõn dụng, 03 quả bom, 05 quả đạn 105 ly, 116.949 kg cáp ngầm, 22,84 kg cần sa khô, 236 tộp và 1,24 gam Hờrụin, trờn 184 m3 gỗ các loại, 87 lán trại đốt than, 8.462 kg than củi và một số tang vật khỏc. Sơ kết 20 năm thực hiện “Ngày Biên phũng toàn dõn”, phũng Trinh sỏt được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba, Đồn 368 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Có 04 tập thể, 03 cá nhân được Bộ Quốc phũng tặng Bằng khen; nhiều tập thể và cỏ nhõn được các cấp bộ, ngành, địa phương khen thưởng.

Ngày 28/7/2010, Chủ tịch nước Cộng hoà xó hội chủ nghĩa Việt Nam cú Quyết định số: 1131/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba cho cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh về những thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phũng, gúp phần vào sự nghiệp xõy dựng Chủ nghĩa xó hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 27/7/2010, Đại hội đảng bộ BĐBP Khánh Hoà lần thứ 6 tiến hành khai mạc, sau 02 ngày làm việc, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 15 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 05 đồng chí, đồng chí Đại tá Lê Như Hải, Chính uỷ được bầu làm Bí thư, đồng chí Đại tá Hồ Văn Truyền, Chỉ huy trưởng làm Phó Bí thư, đồng chí Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Chính uỷ làm Chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà lần thứ 16, đồng chí Hồ Văn Truyền được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP tỉnh đó xỏc định phương hướng trong nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục phỏt huy sức mạnh tổng hợp xõy dựng nền biờn phũng toàn dõn, thế trận biờn phũng toàn dõn vững mạnh, kết hợp thế trận quốc phũng toàn dõn và an ninh nhõn dõn, tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh vựng biển, hải đảo; đấu tranh chống “Diễn biến hoà bỡnh”, bạo loạn lật đổ và hoạt động của các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật trự an toàn xó hội địa bàn; xây dựng lực lượng vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại, có sức chiến đấu cao, thực hiện tốt vai trũ nũng cốt, chuyờn trỏch trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo Tổ quốc trong mọi tỡnh huống; tham gia xõy dựng khu vực phũng thủ vững chắc; tớch cực tham gia xõy dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-văn hoá-xó hội địa phương, thực hiện tốt chương trỡnh phối hợp với 11 sở, ban, ngành. Phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết thống nhất, không ngừng nâng cao đời sống cho bộ đội. Xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lónh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”.

Kết quả thành công của Đại hội đã tạo ra luồng sinh khí mới trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng lực lượng. Trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, BĐBP tỉnh đã tích cực triển khai lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, tổ chức nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, vận động quần chúng, trinh sát, đó phỏt hiện, xử lý 01 vụ thuyền buồm/02 thuyền viờn nhập cảnh Việt Nam trỏi phộp, tổ chức đấu tranh thắng lợi 05 chuyên án, 21 vụ án án hình sự/45 đối tượng (án ma túy 17 vụ/39 đối tượng; án thuốc nổ 04 vụ/07 đối tượng);thu giữ 24,2872gram hêrôin, 2,02 kg cần sa; 0,485g ma túy tổng hợp, 3.000 USD giả, 52.673.000đ; 1100 USD; 105,88 kg thuốc nổ, 21 kíp nổ, 47,7m dây cháy chậm, 12 xe máy, 32 điện thoại di động. Xử lý vi phạm hành chính 81vụ/110 đối tượng vi phạm Nghị định 128/2005/NĐ-CP, phạt tiền 199.400.000đ, tang vật thu giữ: 9.750 kg cao lanh, 18m3 gỗ, 75,3m3 san hô, 15.950 lít dầu diezen, 945 lít nhớt, 1.895 lít xăng, 212.600.000đ; tham mưu địa phương xử phạt 10.500.000đ. Bảo vệ an toàn 03 chuyến tàu trung chuyển/350.000 tấn dầu an toàn tại vịnh Vân Phong. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn 05 vụ/ 40 người/ 11 phương tiện; kịp thời phát hiện và huy động 50 CBCS  chữa cháy 60 ha đồi rừng. Phối hợp với các sở, ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Vùng 4 Hải quân tổ chức vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo và Quần đảo trường Sa.

Trong đợt thiên tai lũ lụt từ ngày 20/10 đến 08/11/2010, BĐBP tỉnh đó giỳp đỡ nhân dân chằng chống nhà, đê, kè, thu hoạch mùa màng tránh lũ. Phối hợp hướng dẫn, sắp xếp phương tiện neo đậu tại các bến bói, thông báo vận động, cưỡng chế, di dời hơn 300 hộ dõn khỏi khu vực nguy hiểm, (trong đó có 98 hộ/ 338 lượt người tránh bóo, lũ trong  các đơn vị). Duy trỡ 12 đài canh hoạt động liên tục 24/24 và 03 điểm bắn pháo hiệu báo bóo. Điều động 80 lượt CBCS/12 lượt phương tiện phối hợp với các lực lượng tại chổ tổ chức tỡm kiếm cứu nạn được 05 vụ/40 người/05 phương tiện.

Hưởng ứng cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” do Bộ Tư lệnh phát động, trong 02 năm 2009- 2010, BĐBP tỉnh đó vận động quyên góp cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh triển khai xõy dựng 110 căn nhà “Mái ấm biên cương” cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 03 cụng trỡnh dõn sinh, vượt 50 căn nhà và 01 công trỡnh dõn sinh so với chỉ tiờu Bộ Tư lệnh giao, với trị giỏ 3.377.273.420đ (trong đó Quỹ “Vỡ người nghèo” của tỉnh hỗ trợ 480.000.000đ, kinh phớ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị, thành phố đóng góp 160.400.000đ, vận động các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp 1.013.889.420đ, cán bộ chiến sỹ BĐBP tỉnh đóng góp 216.574.000đ, vận động nhân dân địa bàn, bà con, dũng tộc cỏc hộ khú khăn đóng góp 1.518.410.000đ). Xõy tặng 02 nhà tỡnh nghĩa cho gia đỡnh chớnh sỏch trờn địa bàn biên phũng, trị giỏ 65.000.000đ. Tổ chức khám cấp thuốc miễn phí cho 125 lượt người, trị giá 3.200.000đ, hỗ trợ các hộ nghèo tại địa phương 600 kg gạo. Thăm, tặng quà gia đỡnh chớnh sỏch 226 xuất, trị giỏ 96.300.000đ, thăm tặng quà cán bộ, nhân dân Quần đảo Trường Sa 23.000.000đ.  Tổng kết Cuộc vận động năm 2010, UBND tỉnh đó tặng Bằng khen cho 02 tập thể và 03 cỏ nhõn cú thành tích xuất sắc. Đ/c Lê Thanh Quang- Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đó đến dự và biểu dương thành tích của BĐBP và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh.

Chỉ tớnh riờng trong đợt thi đua đột kích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và mừng 45 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh Khánh Hoà từ ngày 01/01/2011 đến ngày 05/02/2011, BĐBP tỉnh đó phát hiện, điều tra xử lý 09vụ/17 đối tượng (buôn lậu- gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển ma tuý trái phép, trộm cắp, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép…), khởi tố 04 đối tượng, thu giữ gần 300 tép hêroin, 15.950 lít dầu diezen, 945 lít nhớt, 1.895 lít xăng, 212.600.000đ; 2,5 m3 đá san hô; 3,8m3 gỗ  nhóm 3; 450kg sắt, 14 thùng sơn tàu thủy, 02 ụ tụ. Phối hợp với các lực lượng và địa phương xử lý giải quyết 04 vụ/11 người, ổn định tình hình địa bàn. Xử lý vi phạm hành chớnh và phạt tiền 45.500.000đ; tổ chức cứu nạn thành công 04 thuyền viên trên phương tiện QNg 98676 TS của Quảng Ngói bị nạn, chỡm tại khu vực biển Đông Nam tỉnh Khánh Hũa.

Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trư­ởng thành (06/3/1966-06/3/2011), d­ưới ánh sáng đư­ờng lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự lãnh đạo trực tiếp, về mọi mặt của Tỉnh ủy Phú Khánh, Khánh Hoà; lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ và BTL Bộ đội Biên phòng; đư­ợc sự giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành, các lực l­ượng vũ trang trong tỉnh, đặc biệt là sự c­ưu mang đùm bọc của nhân dân, lực l­ượng An ninh vũ trang, Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà đã vư­ợt qua bao khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. Nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước,Chính phủ, các bộ, ngành tặng th­ưởng:

–   BĐBP Khánh Hòa được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba (07/2010).

–    02 tập thể đ­ược tặng th­ưởng Huân ch­ương chiến công hạng Nhất:

+ Đồn Biên phòng 368 – năm 1996.

+ Phòng Trinh sát – năm 2001.

–         01 tập thể đ­ược tặng th­ưởng Huân ch­ương chiến công hạng Nhì:

+ Đoàn Đèo Cả – năm 1976.

–         03 tập thể đ­ược tặng th­ưởng Huân chư­ơng chiến công hạng Ba:

+ Đại đội 1 – năm 1979.

+ Đồn Biên phòng 368 – năm 1994.

+ Đồn Biên phòng 372- năm 1998.

–    01 tập thể được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba:

+ Phòng Trinh sát – năm 2009.

–   03 tập thể đ­ược tặng Bằng khen của Thủ tư­ớng Chính phủ:

+ Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa –  năm 2000.

+ Phòng Trinh sát – năm 2004.

+ Đồn 368 – năm 2009.

–    54 l­ượt cá nhân đ­ược tặng Huân chư­ơng chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba của Chủ tịch n­ước.

–         10 cá nhân đ­ược tặng Bằng khen của Thủ t­ướng Chính phủ.

–         Hàng trăm l­ượt tập thể đư­ợc tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, Bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành Trung ­ương, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Phú Khánh, Khánh Hoà.

–         Tổng kết 04 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chớ Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”, Đảng bộ BĐBP tỉnh được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen; 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 02 cá nhân được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen.

–         Hàng ngàn lượt cá nhân đ­ược tặng th­ưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua, Bằng khen, Giấy khen của các cấp.

VI- GIỮ VỮNG VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG ANH HÙNG TRONG THỜI KỲ MỚI

Thời gian tới tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng trong xu thế chung là hòa bình, hợp tác và phát triển, song luôn tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố, tranh chấp biên giới, lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi ngày càng phức tạp hơn, đặc biệt là việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên khu vực Biển Đông và 02 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Nước ta sẽ tích cực, chủ động hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, đón bắt những thời cơ thuận lợi phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá phát triển đất nước nhanh và toàn diện hơn. Song điều này cũng đặt ra những thách thức gay gắt không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh. Những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, của tòan cầu hóa sẽ ngày càng tác động sâu sắc tới đời sống mọi mặt của đất nước, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” điên cuồng chống phá sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước bằng những thủ đoạn mới hết sức nguy hiểm, thâm độc. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn diễn ra nghiêm trọng, là những nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, chế độ và là những vấn đề bức xúc của xã hội, tác động không nhỏ đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở khu vực biên giới.

Đặc điểm trên làm cho tình hình các tuyến biên giới, biển, đảo và nhiệm vụ công tác biên phòng thời gian tới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn, đòi hỏi BĐBP tỉnh Khánh Hoà phải không ngừng được xây dựng VMTD, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. Để tiếp tục xây dựng, phát huy truyền thống của BĐBP anh hùng trong thời kỳ mới, mỗi cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh cần tập trung phấn đấu thực hiện những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, có hiệu quả Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác đối với BĐBP”; cụ thể là đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”; Cuộc vận động 10 xây – 10 chống. Phấn đấu ngày càng hoàn thiện hơn nữa những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng nhằm tuyên truyền sâu rộng về lịch sử, truyền thống vẻ vang của BĐBP, từ đó nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sỹ trong xây dựng và phát huy truyền thống BĐBP trong thời kỳ mới. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tư tưởng, hành vi sai trái, khắc phục kịp thời những yếu kém khuyết điểm trong công tác, chiến đấu và xây dựng đơn vị, làm tổn hại đến bản chất, truyền thống của lực lượng.

Hai là, trên cơ sở xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức biên chế, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của BĐBP. Đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự – nghiệp vụ, giáo dục chính trị, làm cho cán bộ, chiến sỹ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng nâng cao năng lực toàn diện, nắm vững đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tinh thông nghiệp vụ, quân sự, giỏi về công tác vận động quần chúng, đủ sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống. Động viên cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần chủ động tiến công, phát huy nội lực, tự lực, tự cường, tích cực tham gia xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Ba là, thường xuyên nắm chắc tình hình trên các vùng biển, đảo, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác biên phòng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành, các cấp, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội của tỉnh nhà trong hình hình mới.

Bốn là, xây dựng các tổ chức đảng TSVM, giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bảo đảm cho BĐBP luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn vững vàng và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Năm là, giữ vững và không ngừng tăng cường đòan kết nội bộ, đoàn kết quân dân, làm tốt công tác đối ngoại biên phòng theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng, quân đội.

Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những truyền thống vẻ vang của BĐBP tỉnh Khánh Hoà hôm nay là tài sản tinh thần vô giá được các thế hệ cán bộ, chiến sỹ ANVT Khánh Hoà, CANDVT Khánh Hoà và nay là BĐBP tỉnh Khánh Hoà đã dày công vun đắp, thể hiện phẩm chất sáng ngời, cao đẹp về ý chí kiên cường, bất khuất, chịu đựng khó khăn gian khổ, xả thân hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những trang sử hào hùng kết tinh bằng mồ hôi, xương máu, khí phách anh hùng, ý chí quyết chiến quyết thắng của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ. Đó là chặng đường thuỷ chung trọn vẹn nghĩa Đảng- tình dân, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Đó là hình ảnh cao đẹp của người “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sỹ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh” hết lòng vì hạnh phúc và bình yên của nhân dân, để lại những tình cảm thân thương, quý trọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh Khánh Hoà luôn trân trọng và nguyện sẽ đoàn kết, sáng tạo, phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng BĐBP trong thời kỳ mới, nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, xứng danh là đội vệ binh quốc gia tận trung với Đảng, Tổ quốc, tận hiếu với nhân dân.