TT – Thuế nhập khẩu bằng 0, hàng nhập vào không cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không cần kiểm tra dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích… là những lý do chính khiến nhiều mặt hàng nông sản từ Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào VN.
Gừng nhập từ Trung Quốc được chuyển về chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM) – Ảnh: B.H. |
Tại thị trường TP.HCM, hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào VN như: khoai tây, cà rốt, cải bắp, cải thảo, hành, bí đỏ, xà lách… tập trung chủ yếu về chợ đầu mối ở khu vực Q.8, Q.Thủ Đức, Q.Gò Vấp… sau đó được chuyển vào chợ bán lẻ, phân phối trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm… khắp thành phố, thậm chí về các khu vực lân cận.
Các nhà nhập khẩu cho biết những mặt hàng này có giá nhập khẩu chỉ 3.000-5.000 đồng/kg (trong đó đã bao gồm 750 đồng phí vận chuyển/kg hàng hóa từ phía Trung Quốc vào VN).
Hưởng ưu đãi…
Buông lỏng quy định thông tin xuất xứ Theo ghi nhận tại chợ đầu mối và các điểm bán lẻ hàng nông sản tại TP.HCM, xuất xứ hàng nông sản chỉ được ghi trên các thùng giấy lớn hoặc dán nhãn trên hộp xốp. Khi theo tiểu thương về chợ bán lẻ, thậm chí một số mặt hàng ở siêu thị đều không được ghi xuất xứ. Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết theo quy định về ghi nhãn hàng hóa, hàng nông sản nhập khẩu cũng bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Hoạt động kiểm tra tình hình thực hiện quy định này được thực hiện tại chợ đầu mối. Trong khi đó, người tiêu dùng lại đi mua nông sản thực phẩm ở chợ bán lẻ, không biết đâu là hàng nội, đâu là hàng ngoại. |
Theo cam kết khi tham gia Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), hầu hết mặt hàng rau, quả tươi từ Trung Quốc nhập khẩu vào VN hiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Trong khi đó, rau củ quả tươi cũng là mặt hàng thuộc diện không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Chính vì vậy, các nhà nhập khẩu đang tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan để đưa hàng nông sản Trung Quốc vào VN. Hầu hết các lô hàng đều có C/O form E (giấy chứng minh xuất xứ) nên đương nhiên được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Ông Trần Vũ Hoàng, Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cho biết các mặt hàng rau quả Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai rất nhiều. Do được hưởng thuế 0% nên hầu hết đều mở tờ khai nhập khẩu, không cần phải gom hàng bằng đường biên mậu (giới hạn 2 triệu đồng/người) như những mặt hàng phải chịu thuế khác.
Thực tế, lộ trình giảm thuế của Chương trình thu hoạch sớm thuộc ACFTA, VN đã tham gia cắt giảm, đưa thuế suất thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ Trung Quốc về 0% từ năm 2006 (lộ trình thực hiện từ 2004-2008). Và đến nay, lượng hàng nông sản vào VN đang tăng nhanh theo từng năm.
Chưa một lô hàng nào bị chặn lại
Trong khi thuế nhập khẩu không còn khả năng bảo vệ nông sản trong nước, thì khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản ngoại lại đang bị bỏ lơ.
Anh Dũng, chủ sạp nông sản tại chợ đầu mối Bình Điền, Q.8, TP.HCM, người trực tiếp nhập hành, tỏi, cà rốt… từ Trung Quốc về qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cho biết: “Chưa bao giờ nhà xuất khẩu phía Trung Quốc cung cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi thông quan hàng, hải quan cửa khẩu cũng không yêu cầu giấy này. Hàng về cửa khẩu có kiểm tra nhưng chỉ làm sâu bệnh, không kiểm tra dư lượng hóa chất nên chưa lô hàng nào của chúng tôi bị chặn lại”.
Theo chân một lô táo, lê Trung Quốc nhập về qua cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM) mới thấy các mặt hàng trái cây, nông sản ngoại nhập đang vào VN quá dễ dàng. Lô hàng này của tiểu thương Mười Hồng – một đầu mối nhập khẩu trái cây Trung Quốc – tập kết về chợ Tam Bình (Thủ Đức).
Khi hàng cập cảng, chủ hàng cũng đăng ký với cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đơn vị này ra cảng lấy mẫu kiểm tra sâu bệnh rồi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Về quy trình thông quan hàng qua cửa khẩu, anh Nguyễn Văn Mười, một tiểu thương chuyên nhập khẩu trái cây về TP.HCM, cho biết hàng về tới cửa khẩu sẽ đăng ký với cơ quan kiểm dịch thực vật.
Song song sẽ mở tờ khai hải quan. Hồ sơ gồm: tờ khai, hợp đồng mua – bán hàng hóa, bản kê số lượng, chủng loại, tờ khai trị giá lô hàng, C/O và giấy chứng nhận kiểm dịch. Hoàn toàn không có yêu cầu về giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà xuất khẩu. Từ khi đăng ký kiểm dịch đến khi hàng hóa được thông quan chỉ mất 2-3 giờ, trong đó khâu kiểm dịch chỉ vỏn vẹn 30 phút. Nhân viên kiểm dịch lấy khoảng 2kg mẫu.
Việc kiểm tra gần như chỉ được thực hiện về mặt ngoại quan, nhìn qua kính lúp để xem có bị dịch bệnh hay không. Không thực hiện bất kỳ một xét nghiệm, phân tích hóa chất, hay tồn dư chất bảo quản, bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản.
Do thiếu nhân lực (!?)
Nhiều chuyên gia cho rằng chính việc bỏ qua khâu kiểm tra dư lượng hóa chất trong nông sản nhập khẩu đã dẫn đến cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng không biết các sản phẩm rau, củ, quả đang nhập vào VN có những chất gì và ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao.
Ông Nguyễn Văn Ngã, chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II (Cục Bảo vệ thực vật), thừa nhận hiện mới có quy trình kiểm tra dịch hại nông nghiệp, tức là những dịch bệnh trên nông sản nhập khẩu có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nước, còn việc phân tích độc hại đối với người tiêu dùng trong nước thì đang bị bỏ ngỏ do thiếu nhân lực và trang thiết bị.
Tuy nhiên, một cán bộ quản lý của Bộ NN&PTNT cho biết thêm ngay cả công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu của VN cũng làm rất lỏng lẻo, làm cho có lệ.
Ông này cho biết thông thường nếu nước ngoài muốn xuất khẩu một loại rau quả mới vào VN, cơ quan chức năng của họ phải gửi thông báo cho phía VN. Tùy mặt hàng mà cơ quan chức năng VN sẽ yêu cầu nước xuất khẩu đánh giá nguy cơ dịch hại và các biện pháp xử lý nguy cơ đó. Nếu cần thiết sẽ có đoàn kiểm tra sang tận nơi khảo sát vùng trồng. Chỉ khi cơ quan chức năng VN đồng ý thì mới cho phép nhập khẩu loại nông sản đó.
Tuy nhiên, hầu như các loại rau quả nhập khẩu đều không thực hiện theo quy trình này. “Doanh nghiệp muốn nhập khẩu chỉ cần có đơn xin nhập là được thông qua”, vị cán bộ này cho biết. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Bộ NN&PTNT mới đang soạn thảo thông tư hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với rau, củ, quả nhập khẩu.
Theo Tuoitre Online