Văn miếu Diên Khánh

398

Văn miếu Diên Khánh tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, với tổng diện tích 1.500m2, thuộc Tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. Khi khởi dựng, Văn miếu có các công trình kiến trúc: miếu Chính và miếu Khải Thánh, được lợp bằng cỏ tranh.

 

 

Văn miếu là nơi thờ Đức Khổng Tử, người sáng lập Nho Giáo và những bậc hiền triết là học trò của Ngài; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, tôn vinh những người đỗ đạt thành danh trong các kỳ khoa bảng.

Nho học hình thành ở Trung Quốc cổ đại, thịnh hành ở các nước Đông Á và Việt Nam. Ở nước ta, thời kỳ Lý – Trần chỉ có Văn Miếu Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long, đến thế kỷ XV bắt đầu có Văn miếu ở các địa phương. Cùng với sự phát triển đất nước, thời Nguyễn mới thực sự là thời kỳ cực thịnh của loại hình Văn miếu. Trong giai đoạn này, cùng với sự ra đời của Văn miếu tại các dinh trấn trong cả nước, Văn miếu của trấn Bình Hòa ra đời đã thăng trầm cùng lịch sử và tồn tại đến ngày nay.

Trong hệ thống di tích Văn miếu cả nước, Khánh Hòa vẫn tự hào còn bảo tồn và phát huy giá trị những di tích Nho học, đó là Văn miếu Diên Khánh, Văn chỉ Ninh Hòa và Văn chỉ Vĩnh Xương. Trong đó, hai văn chỉ đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và Văn miếu được xếp hạng di tích quốc gia.

* Lịch sử hình thành Văn miếu Diên Khánh:
Văn Thánh đầu tiên ở Khánh Hòa được xây dựng vào năm nào? Qui mô như thế nào? Hiện nay, chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào ghi rõ. Tuy nhiên, trong “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định, ở phần trạm Hòa Mỹ (phần chữ Hán) có đoạn nêu: “Nhị thập tầm chí Toàn Thạnh cự dịch, lưỡng bàn khô, thổ hữu cư dân trù mật, tây biên bát thập tầm tiền triều ký lục dinh dinh tại thử, nhất bách cửu thập tầm chí cựu Văn Thánh miếu, Kim miếu di kiến tại Diên Khánh thành phụng tự[1].

Như vậy, trước khi vua Gia Long lên ngôi (năm 1802), ở dinh Thái Khang đã có Văn miếu hàng tỉnh đặt tại xã Phước An, gần lỵ sở dinh Thái Khang, sau này là Văn chỉ Ninh Hòa, thôn Phước Lý, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa.
Năm 1793, Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) đã cho xây Thành Diên Khánh thuộc địa phận hai xã Phú Mỹ và Trường Thạnh, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh, dinh Bình Khang, giao cho Nguyễn Văn Thành trấn thủ. Sau đó, ông cho dời lỵ sở của dinh cũ từ xã Phước Đa, huyện Quảng Phước, phủ Bình Khang về Thành Diên Khánh và đây trở thành trung tâm chính trị, quân sự của dinh Bình Khang. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Văn Miếu: ở xã Phú Lộc, phía Tây tỉnh thành, dựng năm Gia Long thứ 2 (1803), trùng tu năm Tự Đức thứ 2 (1849)”. Như vậy, Văn miếu Diên Khánh được dựng năm 1803. Văn miếu Diên Khánh còn có các tên gọi khác: Văn miếu Trấn Bình Hòa; Văn miếu Khánh Hòa; Văn thánh miếu Khánh Hòa.

Năm 1948, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân Pháp thấy được vị trí quan trọng của địa thế Văn miếu, chúng đóng quân nơi đây và có ý định xây dựng thành một đồn binh. Không để cho địch lợi dụng, các hào lão đã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Việc tế tự ở Văn miếu tạm thời chuyển dời về Văn chỉ huyện Vĩnh Xương, để thuận tiện cho việc cúng tế cũng như sinh hoạt của các thân hào, nhân sĩ, trí thức.

Sau đó, nhận thấy Văn chỉ Vĩnh Xương quy mô nhỏ, chật hẹp, nên các thân hào, nhân sĩ, trí thức và nhà giáo trong Văn hội đã quyên góp tiền xây dựng Văn miếu Khánh Hòa tại Phước Hải, để làm nơi dạy học. Văn miếu có kết cấu bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói tây[2], kết cấu có sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống với kiến trúc phương Tây.

Năm 1958, Văn chỉ Diên Khánh ở Gò Sòng, Phước Tuy, xã Diên Phước bị hư hỏng, xuống cấp, không người trông nom hương khói, nên các cụ trong Văn hội như: Hoành Sơn Phan Duy Tuần, Qua Phong Nguyễn Trọng Tố, Nguyễn Tấn xin phép chính quyền cho chuyển phần cơ sở vật chất còn lại của Văn chỉ Diên Khánh tại Phước Tuy về dựng lại trên đất Văn miếu Diên Khánh xưa để tu bổ, phục dựng và đặt tên là Văn miếu Diên Khánh. Điều này thể hiện rõ tại Công văn số 688/DK/HC ngày 03/11/1958 của Quận trưởng quận Diên Khánh – Trần Bá Lộc gửi ông đại diện xã Diên Thủy tại Phú Lộc:“giao lại cho Hội Văn chỉ Diên Khánh những bất động sản của miếu Văn Thánh cũ”. Trong đó có đoạn nêu: “Để xúc tiến công việc trùng tu Miếu Văn Thánh cũ, yêu cầu ông giao lại cho Hội đồng Văn chỉ Diên Khánh những bất động sản của miếu ấy gồm có đất, nền Miếu cũ, cùng những di sản khác nếu có…”. Từ đây, Văn miếu Diên Khánh được các cụ trong Văn hội duy trì nghi lễ cúng tế, hương khói hàng năm.

 

 

* Kiến trúc Văn miếu:
Văn miếu Diên Khánh tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, với tổng diện tích 1.500m2, thuộc Tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. Khi khởi dựng, Văn miếu có các công trình kiến trúc: miếu Chính và miếu Khải Thánh, được lợp bằng cỏ tranh.

 

Năm 1849, Văn miếu được tu bổ hệ mái, thay mái tranh bằng mái ngói và dựng thêm Tả vu, Hữu vu, Khải miếu, Quan cư, Từ miếu…với qui mô rất bề thế, vững chắc. Năm 1959, Văn miếu được xây dựng lại trên nền cũ ở thôn Phú Lộc, nhưng quy mô nhỏ hơn, bao gồm: Nghi môn ngoại và tường thành, nghi môn nội, nhà bia (Thạch Bi đình), sân miếu, cột cờ, nhà Đông, nhà Tây (Tả Vu – Hữu Vu), Bái đường, Chánh tẩm. Về cơ bản kết cấu gian Chánh tẩm và Bái đường đưa từ Văn chỉ Phước Điền chuyển về, xây dựng thêm Tả vu, Hữu vu theo kiểu nhà cấp bốn ba gian. Tường vách xây bằng gạch thẻ, không có chái. Mái lợp ngói âm dương, sau này trùng tu thay bằng ngói tây; hệ cửa gỗ đóng theo kiểu ván bưng, thay kiểu thượng song hạ bản cổ xưa; không phục dựng lại Khải miếu, Quan cư và Từ miếu.

Năm 2008, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nguồn ngân sách của tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tu bổ Văn miếu Diên Khánh về kết cấu giữ như kiến trúc từ năm 1959.

 

* Lễ hội ở Văn Miếu Diên Khánh
Văn Miếu Diên Khánh thờ Khổng Tử, Tứ phối (4 vị học trò giỏi được Khổng Tử thương yêu nhất và được phối thờ cùng Ngài là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cấp, Mạnh Kha), Thập Triết (10 vị hiền triết có công với Nho giáo là Mẫn Tử Khiên, Tử Trương, Tể Dư, Nhiễm Hữu, Ngôn Yển, Nhiễm Canh, Nhiễm Ung, Trọng Do, Bốc Thượng và Đoan Mộc Tử)…

Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, Văn miếu Diên Khánh là một trong sáu cơ sở thờ tự của tỉnh Khánh Hòa được liệt vào lệ “Quốc tế”. Do chính quyền phong kiến tổ chức tế lễ: Một viên chức hàm Chánh cửu phẩm được giao trông coi, trực thuộc quản lý của quan Đốc học. Phụ giúp ông có 4 lễ sanh lo phần nghi lễ và 30 miếu phu được chọn lựa kỹ lưỡng. Các miếu phu được “miễn diêu” tức không phải tham gia những công sưu tạp dịch khác. Được chọn làm miếu phu hầu hết là dân Trường Lạc, còn trạm phu phần đông là dân các làng Phước Thạnh và Phú Lộc.
Hàng năm, Ban quản lý di tích đều tổ chức lễ Thánh Đán ( kỷ niệm ngày sinh 27/8 âm lịch) và Thánh Húy (ngày giỗ 18/4 âm lịch) của đức Khổng Tử.

 

Từ năm 2004 đến nay, Văn miếu Diên Khánh duy trì lễ phát thưởng, trao học bổng “Khuyến học, khuyến tài” cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi của huyện Diên Khánh và tỉnh Khánh Hoà vào lễ “Thánh húy”, nguồn kinh phí được Ban quản lý vận động từ các nhà hảo tâm, của Hội khuyến học tỉnh Khánh Hòa và Hội khuyến học huyện Diên Khánh.

Di tích Văn miếu Diên Khánh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia tại quyết định số 04/1998/QĐ – BVHTT ngày 15/10/1998.

—————————-

 

[1] tạm dịch: “20 tầm đến trạm Toàn Thạnh cũ, hai bên đất khô, dân cư trù mật, qua hướng tây 80 tầm là nơi lỵ sở dinh ký lục của tiền triều, đi 191 tầm đến miếu Văn Thánh cũ, nay miếu này đã được chuyển đến thờ tại thành Diên Khánh.”
[2] hiện nay nằm trong trụ sở UBND phường Phước Hải, Tp. Nha Trang

 

Nguồn: http://ditichkhanhhoa.org.vn/vi-vn/noi-dung/id/4596/VAN-MIEU-DIEN-KHANH