Lần họp cuối cùng, Kissinger ngỡ ngàng khi đoàn Việt Nam không ra cổng đón mà còn bị cố vấn Lê Đức Thọ mắng xối xả: “Chính các ông, không phải ai khác đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ”.
Cuộc đấu tranh về ngoại giao tại Paris giữa bốn bên Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa diễn ra đồng thời với cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự. Thắng lợi về quân sự ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện trên bàn ngoại giao. Chính vì vậy, sau thất bại của “đòn quyết định” dùng B52 tấn công miền Bắc Việt Nam, Mỹ đã phải gửi công hàm đề nghị nối lại đàm phán Paris sau khi trì hoãn thống nhất nội dung.
Ông Hà Đăng, thành viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kể, ở Paris, đoàn đàm phán cũng theo dõi được chuyện bắn rơi B52 như thế nào, ở đâu. Đến khi nghe nói “trận Điện Biên Phủ trên không” thì tất cả mọi người đều sung sướng. “Như vậy là mình đã chiến thắng, chúng tôi tin tưởng và mong chờ ngày họp lại, cố vấn Lê Đức Thọ sẽ sang”, ông Đăng kể.
Đúng là cố vấn trở lại Pháp sau đó. Ngày 13/1, cuộc gặp riêng cuối cùng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn tổng thống Mỹ Kissinger tại Paris. Theo ông Đăng, đoàn của Việt Nam đến sớm, đoàn Mỹ đến đúng giờ. Nơi hẹn là ngôi biệt thự có sân to để được mấy chiếc xe hơi. Những lần trước, khi còn đang đàm phán với nhau, với tư cách là chủ thì theo phong tục Việt Nam ra đón khách, mọi người đứng ngoài cổng, bắt tay mời đoàn Mỹ vào phòng họp.
Cố vấn Lê Đức Thọ (người giơ tay). Ảnh tư liệu. |
“Nhưng lần này báo chí tập trung sẵn sàng chụp ảnh ngoài cổng vẫn không thấy đoàn Việt Nam ra. Đúng giờ hẹn, đoàn Kissinger đến thì người gác ra mở cổng. Ông ta không thấy có người ra đón nên ngỡ ngàng, vào phòng thì bị cố vấn Lê Đức Thọ chỉ trích túi bụi. Bọn tôi ở trên gác nghe rất sướng”, ông Hà Đăng kể.
Ông Phùng Khắc Tư, phóng viên báo Phòng không Không quân thì cho hay, ngày 4/2/1973, ông xuống tiểu đoàn 77 tên lửa để đón cố vấn Lê Đức Thọ đến thăm. Lúc đó, tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn thay mặt các chiến sĩ chúc mừng chiến thắng của cố vấn từ hội nghị Paris trở về, ông đa xua tay nói: “Không, không phải tôi mà chính các đồng chí. Bởi vậy, sau khi vừa xuống máy bay tôi đã đề nghị được đến thăm một trận địa tên lửa. Chính các đồng chí đã cho tôi sức mạnh và sự kiên quyết trước kẻ thù trên bàn hội nghị”.
Cố vấn kể, sau khi hội nghị Paris được nối lại vào ngày 8/1, Kissinger và phái đoàn Mỹ vừa ngồi vào bàn hội nghị thì cố vấn nói thẳng: “Các ông đã kiếm cớ thương lượng bị gián đoạn để dùng B52 đánh vào Hà Nội, đúng hôm tôi vừa trở về. Hành động của các ông lúc đó thật trắng trợn và rất thô bạo. Chính các ông không phải ai khác đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ”.
Kissinger lúc đó rất lúng túng và phân bua: “Đó không phải là trách nhiệm của tôi. Việc ném bom B52 xuống Hà Nội không phải là lỗi của tôi”. Nhưng cố vấn Lê Đức Thọ tức giận, đập tay xuống bàn và nói: “Hơn 10 năm Mỹ đã dùng bạo lực để khuất phục Việt Nam, nhưng các ông không rút ra được bài học nào từ thất bại đó. Thật là ngu xuẩn, thật là ngu xuẩn, ngu xuẩn”.
Lúc đó người phiên dịch không dám dịch những từ cuối của cố vấn Lê Đức Thọ, nhưng thành viên trong phái đoàn Mỹ không những đã dịch nốt mà còn nhấn mạnh từ cuối: “Stupid, stupid, stupid”. Lúc đó, cố vấn Kissinger rất lúng túng và đề nghị: “Xin mời ông giảm âm lượng và không nên dùng những từ như vừa rồi, vì ở ngoài kia còn bao nhiêu người theo dõi”.
Cố vấn đáp luôn: “Những từ đó tôi đã dùng hết sức kiềm chế, còn báo Mỹ, người Mỹ còn dùng những từ khắc nghiệt hơn nhiều về hành động này”. Với khí thế chiến thắng, cố vấn kể, ông đã không đồng ý khi Kissinger đặt điều kiện đòi Việt Nam phải trả hết tù binh ngay sau khi ký hiệp định và phía ngụy quyền trả sau 60 ngày. Kissinger đã phải nhượng bộ.
Trong câu chuyện, thỉnh thoảng cố vấn Lê Đức Thọ lại nói với những người lính tên lửa: “Cảm ơn các đồng chí đã cho tôi đập bàn và cho tôi nói. Không có chiến thắng của các đồng chí trên mặt trận quân sự thì sẽ không có chiến thắng ở mặt trận ngoại giao. Các đồng chí đã bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội và chính cái đó buộc Mỹ ký hiệp định ngày 27/1/1973”.
Ông Lý Văn Sáu (phải) tại một buổi họp báo. Ảnh tư liệu. |
Đoàn Việt Nam không chỉ khôn khéo, cương quyết trên bàn đàm phán mà thông tin trao đổi với báo chí nước ngoài cũng rất rõ ràng. Ông Lý Văn Sáu, người phát ngôn của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris cho biết, để cho người ta hiểu được thế nào là miền Bắc, miền Nam, đường mòn Hồ Chí Minh… cũng rất phức tạp. Đoàn Việt Nam phải nói để cho báo chí hiểu, từ hiểu mới viết đúng được.
Lần họp báo đầu tiên sau phiên họp bốn bên, một nhà báo Mỹ đã đưa ra một bức ảnh bản đồ nước Việt Nam và nói: “Các ông là Việt cộng, các ông vỗ ngực nói giải phóng 2/3 miền Nam Việt Nam, ông chỉ cho tôi xem vùng giải phóng của các ông ở đâu”. Lúc này, ông Sáu nghĩ, vùng giải phóng của mình đang bị tấn công tới tấp, mà chủ yếu là rừng núi, còn đồng bằng chỉ có “tấm lòng giải phóng”.
“Tôi trả lời là ông hãy về hỏi Bộ tư lệnh Mỹ ngày hôm nay ném bom ở đâu, nơi bị ném bom chính là vùng giải phóng của tôi”, ông Sáu kể và cho hay lúc đó phòng họp vỗ tay rào rào.
Đến phiên họp báo sau khi ký hiệp định Paris, có mấy nhà báo Mỹ hỏi “Bây giờ, qua mấy năm đấu tranh, chúng ta đã quen biết nhau, ông muốn nhắc nhở chúng tôi điều gì?”. Ông Sáu nói: “Đừng quên Việt Nam, nhớ Việt Nam để đừng sai phạm một lần nữa ở Việt Nam”.
Các mốc lịch sử quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris: Năm 1968: Năm 1969: Năm 1970: Năm 1972: Năm 1973: |
Theo Vnexpress