Tăng cường đoàn kết giữa đồng bào tôn giáo và đồng bào không tôn giáo

786
Theo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào theo tôn giáo, đồng bào không theo tôn giáo, đồng bào theo các tôn giáo khác nhau đều là dân tộc Việt Nam mà thiếu gắn bó thì sẽ làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc suy yếu. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố, tăng cường đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo phải được quan tâm thường xuyên và dựa trên những yêu cầu, nguyên tắc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo phải trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc và vì mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Trong thực tiễn lịch sử Việt Nam điều này đã được khẳng định rất rõ. Chính sự đoàn kết ấy đã tạo nên sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi thù trong, giặc ngoài, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, xây dựng một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Trong giai đoạn mới, Đảng ta xác định khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung và sự đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau nói riêng là động lực chủ yếu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng bào theo tôn giáo, đồng bào không theo tôn giáo và cả hệ thống chính trị đều phải có trách nhiệm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo phải tôn trọng lẫn nhau, tin cậy ở nhau để chung sức, chung lòng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội ở các địa phương, nhất là vùng đồng bào tôn giáo, theo chức năng nhiệm vụ của mình phải ra sức củng cố, tăng cường mối đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo cùng nhau phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Một quan điểm, lập trường rõ ràng nữa của Đảng và Nhà nước ta là, đi đôi với thực hiện đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với những hành động lợi dụng vấn đề “tôn giáo” gây chia rẽ mất đoàn kết, làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo nói riêng. Trong mọi trường hợp cần phân biệt rõ ràng đâu là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, tôn giáo, đâu là vấn đề các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ, chống phá để có thái độ, hành động đúng đắn.
Có thể khẳng định rằng, đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo là nguyên tắc trọng tâm, xuyên suốt và nhất quán trong quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua là hết sức to lớn, không những chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận. Đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố rất quan trọng là đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, cũng như đồng bào theo các tôn giáo khác nhau luôn gắn bó trên nền tảng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta.
Thực tiễn đã chứng minh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, theo lời kêu gọi yêu nước của Bác Hồ thời kỳ chống thực dân Pháp, nhờ chính sách đại đoàn kết dân tộc, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo đã đồng sức, đồng lòng đứng lên đưa dân tộc ta thoát ra khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đồng bào theo tôn giáo cũng như đồng bào không theo tôn giáo đều vì mục tiêu chung là thống nhất đất nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mà thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là kết quả sinh động nhất của sự đoàn kết gắn bó đó. Sau chiến tranh, đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo tiếp tục kề vai, sát cánh vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Đặc biệt là thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, mục tiêu chung của xã hội chúng ta là làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu này luôn luôn gắn với lợi ích của mỗi cá nhân, của cả người theo tôn giáo, không theo tôn giáo và của cả dân tộc. Do vậy, mọi người dân đất Việt ai ai cũng sẵn sàng gạt bỏ mọi sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng… để chung lòng, chung sức vì mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.
Những năm gần đây, đồng bào theo các tôn giáo, đồng bào không theo tôn giáo đã đoàn kết tích cực tham gia có hiệu quả vào nhiều hoạt động, nhiều cuộc vận động như xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Đặc biệt là cùng với Mặt trận Tổ quốc tham gia hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhiều chương trình góp phần xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội… Các tổ chức tôn giáo đã có nhiều cách làm sáng tạo tuyên truyền, vận động các tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đạo Công giáo có đường hướng hành đạo “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc”, “Kính Chúa yêu nước”; đạo Tin lành có phương châm hành đạo như “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”; Phật giáo có “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; “Nước vinh đạo sáng” của đạo Cao Đài… Đó có thể xem như chất keo kết dính đồng bào tôn giáo với đồng bào không tôn giáo và giữa các tôn giáo với nhau. Có thể thấy rằng, người Việt Nam dù là dân tộc nào, dù tôn giáo hay không tôn giáo, theo tôn giáo này hay tôn giáo khác… trong sâu thẳm lòng mình vẫn ấp ủ niềm tự hào về nguồn gốc con cháu Lạc Hồng. Và ai ai cũng ước mong đất nước mình ngày cường thịnh, non sông mình ngày càng đẹp tươi, đời sống đồng bào mình ngày càng ấm no, hạnh phúc, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít nơi này, nơi kia, người này, người khác chưa hiểu rõ và thực hiện chưa tốt chính sách tôn giáo trước hết là chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết người có tôn giáo với nhau, đoàn kết người khác tôn giáo với nhau, đoàn kết người có tôn giáo với người không tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Không ít người, trong đó có cả chức sắc tôn giáo không gương mẫu trong thực hiện chính sách. Đặc biệt, một số đối tượng đã lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị. Các thế lực thù địch âm mưu sử dụng tôn giáo để kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đồng bào tôn giáo, không tôn giáo và giữa các tôn giáo với nhau hòng chống lại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vì vậy, trong tình hình mới chúng ta cần tăng cường giáo dục, động viên các tín đồ gắn bó đồng hành cùng dân tộc, làm tròn nghĩa vụ công dân, đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo mà Đảng ta đã xác định, có nhiều nội dung cần bàn. Nhưng vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính chiến lược lâu dài và phải tiến hành thường xuyên, đồng bộ là phải làm cho toàn Đảng, toàn dân nói chung, các tín đồ, chức sắc tôn giáo nói riêng hiểu rõ và thực hiện đúng quan điểm, tư tưởng, chính sách tôn giáo của Đảng ta. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của công dân; nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Mọi công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục phải làm cho mọi người dân, các chức sắc và tín đồ tôn giáo nhận thức rõ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Giải quyết được hai việc ấy, trước mắt sẽ tăng sức đề kháng cho quần chúng nhân dân nói chung và đồng bào giáo dân nói riêng. Khi quần chúng nhận thức đúng vấn đề, họ sẽ nâng cao cảnh giác, xác định rõ trách nhiệm trong phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch./.
huongsenviet