‘Xin’ ý kiến trẻ em để sửa luật

202

Theo kế hoạch, vào ngày 8 – 9/8 tới, Bộ Lao động – thương binh và xã hội sẽ ‘xin’ ý kiến trẻ em để sửa luật.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 và 2011, vào ngày 8 – 9/8 tới đây, tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2013 với chủ đề “Trẻ em tham gia góp ý sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

Đây sẽ là dịp để đại diện trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề có liên quan đến trẻ em và để các cơ quan xây dựng pháp luật, chính sách lấy ý kiến trẻ em.

Diễn đàn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tổ chức UNICEF, UNODC, SAVE THE CHILDREN, PLAN, WORLD VISION, CHILDFUND và Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức.

'Xin' ý kiến trẻ em để sửa luật
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội muốn nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18  


Dự kiến 180 em độ tuổi từ 10 – 16 của 29 tỉnh, thành phố và trẻ em của làng trẻ SOS sẽ tham dự diễn đàn này. Sẽ có 6 vấn đề chính được thảo luận, lấy ý kiến bao gồm: An toàn tính mạng cho trẻ và vui chơi, giải trí cho trẻ; các biện pháp phòng chống bạo lực tinh thần, ngược đãi, sao nhãng trẻ em.

Các biện pháp phòng chống tình trạng tảo hôn, và lao động trẻ em; trẻ em vi phạm pháp luật; các biện pháp đảm bảo quyền tham gia của trẻ em; đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV và giải pháp ngăn ngừa trẻ em bỏ học.

Sao nhãng trẻ có thể sẽ bị phạt

'Xin' ý kiến trẻ em để sửa luật
TS. Nguyễn Hải Hữu – Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) – Ảnh: Minh Quân 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News về những điểm mới tại diễn đàn lần này, TS. Nguyễn Hải Hữu – Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay: “Luật mới chỉ đề cập tới bạo lực về tinh thần, thể chất, lạm dụng tình dục chứ chưa có chế tài xử phạt hành vi sao nhãng trẻ em.

Ở các nước phát triển trên thế giới, họ đã áp dụng luật về vấn đề này rồi, còn Việt Nam thì chưa đề cập tới. Sao nhãng ở đây tức là việc không chú ý, quan tâm, chăm sóc các nhu cầu về mọi mặt, từ mặt thể chất tới tinh thần, vật chất, tình cảm, xã hội… của trẻ.

Làm tổn hại những vấn đề liên quan tới sự phát triển của trẻ em cũng bị xem là sao nhãng trẻ. Thậm chí có nước còn phạt cả người có hành vi làm ngơ, không giám sát để đảm bảo giảm thiểu những gì gây hại tới thể chất, tinh thần của trẻ. Theo chúng tôi, nên đưa điều này vào luật”.

Bộ muốn nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18

Ngoài ra, ông Hải Hữu cho biết: “Hiện chưa có ai quyết độ tuổi nào là trẻ em, nhưng theo dự thảo, chúng tôi định nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18.

85% trên tổng số các địa phương đề cập tới nội dung này (có 44/63 tỉnh, thành phố đề cập) đều đồng ý là nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18. Còn theo văn bản báo cáo của 12 bộ ngành, cả 12 bộ đều đồng ý. Như vậy, có thể thấy, sự đồng thuận rất cao”.

Nói về lý do nâng độ tuổi của trẻ em, ông Hữu giải thích, thứ nhất theo khuôn khổ chung của quốc tế, người ta đều lấy độ tuổi dưới 18. Thứ hai, dưới 18 là độ tuổi vẫn còn đi học. Khi đó, các em vẫn đang học phổ thông trung học mà theo quy định, người ta khuyến khích việc cho trẻ em đi học.

Thứ ba, nó liên quan tới sự phát triển của trẻ em về mặt thể chất, tinh thần. Dù thời nay xã hội đã phát triển hơn, nhưng sự chín chắn về mặt tri thức, nhân cách của trẻ chưa thật đầy đủ nên nếu nâng độ tuổi lên dưới 18 sẽ tạo điều kiện để chúng ta bảo vệ trẻ em tốt hơn.

 
 
Càng ngày dinh dưỡng càng tốt, tâm sinh lý, thể chất của chúng ta cũng phát triển nhanh hơn. Không giảm thì thôi còn tăng làm gì?”  
 
Chị Nguyễn Thị Mai (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
 

“Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất ở ASEAN, thứ 4 ở châu Á và thứ 11 trên thế giới còn chưa nâng độ tuổi pháp lý trẻ em lên 18”, ông Hữu nhấn mạnh.

Đương nhiên, nếu được Quốc hội thông qua, sự thay đổi lớn này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các lĩnh vực khác trong xã hội. Chính vì thế, đề xuất này đang “gây bão” trong dư luận.

Thừa nhận điều này, ông Hữu nói: “Đương nhiên, việc sửa đổi này sẽ liên quan tới nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, với đoàn thanh niên, theo luật, thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi thì được nhận.

Luật trẻ em nêu rõ, trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Nếu thay đổi độ tuổi trẻ em, nhiều người sẽ hỏi là 16 tuổi thì được xem là thanh niên hay trẻ em? Nhiều người cũng thắc mắc, nếu thay đổi độ tuổi trẻ em có ảnh hưởng gì tới các chính sách hay không?”.

Lý giải những thắc mắc này, ông Hữu phân tích, luật thanh niên cũng có một câu thế này: Những người dưới 18 tuổi vẫn được thực hiện quyền của trẻ em theo quy định của công ước quốc tế. Như vậy, dù ở độ tuổi thanh niên, nhưng họ vẫn sẽ được hưởng quyền của trẻ em. Điều này giúp gạt bỏ mọi mâu thuẫn giữa luật trẻ em và luật thanh niên.

Về các chính sách an sinh xã hội, trẻ em được hưởng trợ cấp xã hội, được hỗ trợ về giáo dục và bảo hiểm y tế… Ba nhóm chính sách này sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất tới ngân sách nếu thay đổi độ tuổi trẻ em, những chính sách khác tạm chưa bàn đến.

Nếu Quốc hội thông qua việc tăng độ tuổi, dự kiến chúng ta sẽ có thêm hơn 3 triệu trẻ em. Việc thay đổi độ tuổi trẻ em sẽ không gây biến động, ảnh hưởng gì đối với vùng dân tộc thiểu số vì về cơ bản, những đối tượng này đã được thụ hưởng rồi. Con số 3 triệu tăng thêm chủ yếu là trẻ em nghèo chưa được hưởng trợ cấp xã hội.

Không chỉ thế, người khuyết tật dù là trẻ em cũng đã được hưởng trợ cấp riêng nên theo tính toán, tỷ lệ hưởng trợ cấp xã hội dự kiến chỉ tăng 5% so với trước, không đáng kể.

“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là trưởng ban biên tập, đề xuất dự thảo này nên chắc chắn chúng tôi đồng ý với đề xuất trên đầu tiên”, ông Hữu một lần nữa khẳng định.

Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn trước những lời giải thích được cho là chưa thỏa đáng của ông Hữu.

Chị Nguyễn Thị Mai (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Càng ngày dinh dưỡng càng tốt, tâm sinh lý, thể chất của chúng ta cũng phát triển nhanh hơn. Không giảm thì thôi còn tăng làm gì?”.

Sau diễn đàn, các khuyến nghị và thông điệp của trẻ sẽ được gửi tới các cơ quan, các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc vì trẻ em để họ đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của trẻ.