Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Hữu nghị, hợp tác và hướng đến tầm cao mới

136

Trong điện mừng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập “tầm cao mới” trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc:

 

“Tôi luôn luôn hết sức coi trọng và sẵn sàng cùng đồng chí tiếp tục dành sự quan tâm cao độ, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hai bên quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới”.

 

Về tổng thể, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế ổn định và tích cực. Lãnh đạo hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

 

Nền tảng vững chắc

Nhìn lại, ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc như một mốc son quan trọng. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong chặng đường 72 năm, hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.

 

Hơn 7 thập niên qua, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

 

Ðặc biệt, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng.

 

Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

 

Tháng 12/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. Sau đó, hai bên đã thoả thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (tinh thần “4 tốt”).

 

Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 5/2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 1/2017. Chuyến thăm đã góp phần tăng cường tin cậy lẫn nhau, củng cố hơn nữa tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

 

Không ngừng được củng cố và vun đắp

Trong bối cảnh môi trường hợp tác toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột và đại dịch, những cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt đã giúp thúc đẩy tăng cường tin cậy chính trị.

 

Về hợp tác trên kênh Đảng, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương. Dù điều kiện đi lại còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hai bên vẫn duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao.

 

Từ năm 2020 đến nay, Tổng Bí thư hai Đảng 4 lần điện đàm (1/2020, 09/2020, 2/2021, 9/2021); hằng năm, hai Tổng Bí thư gửi quà và thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của hai dân tộc và nhân dịp sinh nhật của nhau; gửi thư chúc mừng nhân dịp lễ quan trọng của hai nước.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình (5/2021); Thủ tướng Chính phủ hai bên 3 lần điện đàm (6/2021, 1/2022 và 9/2022); Chủ tịch Quốc hội hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại (6/2021).

 

Những hoạt động này góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và đảm bảo chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định. Tại các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, đặc biệt là dịp Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021), hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương cũng duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên dưới nhiều hình thức linh hoạt.

 

Hai bên đã triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Đảng giai đoạn 2017-2020. Tháng 4 vừa qua, hai bên đã ký kết Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025.

 

Hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý đất nước, tính đến nay, hai bên đã tổ chức được 16 cuộc Hội thảo lý luận.

 

Hợp tác trên kênh Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả, thực chất. Quan hệ giữa các ngành như ngoại giao, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. Hai bên đã thành lập Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-rung Quốc (11/2006), đến nay đã tiến hành 14 phiên họp, đạt nhiều hiệu quả thiết thực, trong hai phiên gần đây nhất, hai bên đã khắc phục khó khăn do dịch bệnh, tổ chức thành công theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội (9/2021) và Nam Ninh (7/2022).

 

Thời gian qua, quan hệ giữa các địa phương của hai nước, nhất là các tỉnh/khu biên giới, được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và có nhiều tiến triển tích cực. Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang và Quảng Ninh (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được tổ chức luân phiên hàng năm (đến nay đã tổ chức được 7 cuộc); Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đã tổ chức được 2 cuộc.

 

Các hoạt động này góp phần tăng cường tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc nói chung và các tỉnh/khu biên giới nói riêng, thúc đẩy giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

 

Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Trung Quốc tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tại diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc.

 

Về giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

 

Đến nay, hai bên đã tổ chức 3 cuộc Liên hoan Thanh niên Việt Nam-Trung Quốc (vào các năm 2010, 2013: phía Trung Quốc mời 3.000 thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc; năm 2016: Việt Nam mời 1.000 thanh niên Trung Quốc sang Việt Nam); tổ chức được 19 cuộc “Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam-Trung Quốc” (quy mô 100 người/bên cử đoàn) bằng hình thức trực tiếp; năm 2021 và 2022, hai bên đã tổ chức giao lưu, gặp gỡ hữu nghị thanh niên hai nước bằng hình thức trực tuyến; và nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác thanh niên giữa các địa phương hai nước, nhất là các địa phương biên giới.

 

Ngoài ra, hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung, giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc… Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

 

Như vậy, những thành quả trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hơn 7 thập kỷ qua là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. Với quyết tâm của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, chắc chắn tình hữu nghị và quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ không ngừng phát triển hơn nữa.