PetroVietnam gần như vuột cơ hội mua lại phần tài sản BP tại Việt Nam sau khi hãng dầu khí Anh quốc đạt thỏa thuận bán cho đối tác Nga.
|
TNK-BP là liên doanh giữa Nga và hãng dầu khí Anh BP. Ảnh: Bloomberg |
Các hãng tin quốc tế cho hay, BP tuần qua đã công bố bán các tài sản của mình tại Việt Nam và Venezuela cho liên doanh TNK-BP với giá 1,8 tỷ USD, nhằm huy động nguồn lực trang trải chi phí xử lý thảm họa tràn dầu vịnh Mexico (Mỹ).
TNK-BP là Công ty dầu khí lớn thứ 3 của Nga, có một nửa sở hữu bởi BP và một nửa bởi Tổ hợp AAR (bao gồm các tập đoàn Alfa, Access và Renova). Liên doanh này hiện đóng góp một phần tư sản lượng hằng năm và một phần năm trữ lượng khai thác toàn thế giới của BP. Mua lại các dự án khai thác dầu khí tại Việt Nam và Venezuela, TNK-BP muốn tăng giá trị của mình bằng cách mở mang hoạt động ra ngoài biên giới nước Nga.
Về phía BP, cái lợi lớn nhất trong thương vụ này là được thanh toán bằng tiền mặt, bởi họ đang cần tiền để xử lý thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico (Mỹ). Theo phát ngôn viên BP Mark Salt, phía TNK-BP sẽ đặt cọc 1 tỷ USD trước 29/10, phần còn lại thanh toán trong nửa đầu năm 2011 khi hoàn tất hợp đồng.
Theo thống kê của Bloomberg, tính cả phần ở Việt Nam và Venezuela, đến nay BP đã thu được 11 tỷ USD nhờ việc bán tài sản trang trải cho vụ tràn dầu.
Tại Việt Nam, BP sẽ bàn giao cho TNK-BP 35% cổ phần trong lô 6.1 thuộc bể Nam Côn Sơn về phía Đông Nam thềm lục địa Việt Nam, nơi chứa các mỏ khí quan trọng như Lan Tây và Lan Đỏ. Ngoài ra, TNK-BP còn được nắm 32,7% cổ phần trong hệ thống đường ống vận chuyển và xử lý dầu khí Nam Côn Sơn cùng 33% cổ phần trong nhà máy điện Phú Mỹ 3.
Còn ở Venezuela, TNK-BP sẽ được quyền sở hữu 16,7% cổ phần BP nắm giữ trong PetroMonagas SA, 40% trong Petroperija SA và 26,7% cổ phần của Boqueron SA.
Tính chung tài sản mua lại của BP ở Venezuela và Việt Nam sẽ đóng góp thêm sản lượng khoảng 270 triệu thùng mỗi năm cho TNK-BP. Trong đó riêng phần ở Việt Nam đã cho ra 15.000 thùng mỗi ngày.
Tỷ phú Nga Mikhail Fridman, Tổng giám đốc TNK-BP coi trọng việc mua lại tài sản BP tại Việt Nam. Ảnh: Bloomberg
“Nhận thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga với Việt Nam và Venezuela, chúng tôi chắc chắn thương vụ này sẽ tạo ra giá trị khác biệt cho cả TNK-BP và đối tác ở hai nước”, tỷ phú Mikhail Fridman, Tổng giám đốc TNK- BP tuyên bố.
Sinh năm 1964, Fridman là một trong những tỷ phú trẻ nhất Nga. Theo bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới 2010 do Forbes công bố, Fridman đứng thứ 45 với số tài sản 12,7 tỷ USD. Tại Nga, ông là tỷ phú giàu thứ ba.
Việc mua lại phần tài sản BP tại Venezuela gần như không còn trở ngại gì, sau khi Nga và Venezula ký thỏa thuận hỗ trợ cho thương vụ này trong chuyến thăm điện Kremlin hôm 14/10 của Tổng thống Hugo Chavez.
Còn tại Việt Nam, theo hợp đồng, BP lẽ ra phải ưu tiên bán lại cho các đối tác cùng khai thác dự án trước khi tìm kiếm người mua bên ngoài. Tại lô 6.1, BP là nhà điều hành nhưng chỉ năm 35% cổ phần, đối tác Ấn Độ ONGC giữ 45% và phần còn lại thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).
Sau khi BP phát tín hiệu muốn bán các tài sản tại Việt Nam hồi giữa tháng 7, cả PetroVietnam và ONGC đều ngỏ ý muốn mua. PetroVietnam đã xin chủ trương Chính phủ để đàm phán với BP. ONGC thậm chí đã có những cuộc tiếp xúc cấp cao giữa doanh nghiệp và quan chức Ấn Độ.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 25/10, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PetroVietnam Đinh La Thăng cho biết vẫn chưa tiếp xúc, đàm phán với BP cho dù tập đoàn rất quan tâm tới số tài sản này.
“Về nguyên tắc, BP phải ưu tiên bán cho các đối tác trong liên doanh trước. Họ chưa đặt vấn đề và chưa đàm phán với PetroVietnam. Tuy nhiên, nếu đúng họ bán cho TNK-BP với giá như công bố, chúng tôi cũng không thể mua được”, ông Thăng nói.
Trong khi đó, TNK-BP tỏ ra lạc quan về triển vọng mua lại các dự án tại Việt Nam ngay đầu năm tới. Dow Jones dẫn các nguồn tin cho hay TNK-BP và BP đang tích cực đàm phán với Chính phủ Việt Nam và quan chức cấp cao PetroVietnam để sớm hoàn tất thương vụ.
BP Việt Nam hôm nay xác nhận thỏa thuận bán các tài sản thượng nguồn tại Việt Nam và Venezuela cho TNK-BP với tổng trị giá 1,8 tỷ USD đã được ký kết. Đây là một phần trong kế hoạch bán tài sản với tổng giá trị tới 30 tỷ USD mà Tập đoàn BP đã thông báo tháng 7 để giải quyết các vấn đề từ sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico.
“Tùy theo quy trình phê duyệt của chính phủ và các bênđối tác thứ 3 cũng như các điều kiện và quy định khác, các bên dự kiến sẽ hoàn thành việc mua bán trong nửa đầu năm 2011”, BP Việt Nam nhấn mạnh trong thông cáo gửi VnExpress.net sáng nay.
BP cho biết thỏa thuận này không ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh khác của hãng tại Việt Nam như sản xuất dầu nhờn và cung cấp dầu thô, cũng như các kinh doanh khác ở Venezuela.
BP hiện có khoảng 140 nhân viên tại Việt Nam và 35 nhân viên tại Venezuela. Công ty dự kiến phần lớn số nhân viên này sẽ được chuyển giao cho Công ty TNK-BP sau khi hoàn thành việc mua bán tài sản.
Song Linh
Nguồn VNEXPRESS