Xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam

185

“Cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Khẳng định việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

 

Tại Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức ngày 29/11 bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu kết luận quan trọng. Tạp chí Tuyên giáo trích đăng bài phát biểu quan trọng này.

Ngay từ khi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xác định mục tiêu lý tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là giá trị cơ bản, bao trùm để định hướng, dẫn dắt các hoạt động của cách mạng Việt Nam gắn liền hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi thời kỳ cách mạng. Trong kháng chiến chống xâm lược, cả nước hành quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ hòa bình để xây dựng và phát triển theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người khỏi sự áp bức, bóc lột về phương diện dân tộc, giai cấp và xã hội, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện và hoàn thiện nhân cách của mình. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn kết chặt chẽ, tác động lẫn nhau, trở thành quy luật cơ bản, nội dung cốt lõi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam và của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(1). Đây chính là những giá trị cốt lõi của quốc gia mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang phấn đấu thực hiện theo Di chúc của Người.

Tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(2). Đồng thời, Cương lĩnh cũng đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(3).

Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” có ý nghĩa quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra về “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”; ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021 tại Hà Nội.

 

Cương lĩnh chính là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia trong bối cảnh mới. Các giá trị này vừa thể hiện khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, vừa đáp ứng nhu cầu của dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nêu lên các giá trị cơ bản của Văn hóa Việt Nam là “nhân văn, dân chủ, tiến bộ(4); giá trị gia đình Việt Nam là “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc(5); chuẩn mực của con người Việt Nam là “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, tình nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính”(6).

Trên cơ sở những định hướng khái quát về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người được nêu trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn từng bước bổ sung, hoàn thiện nhận thức về các hệ giá trị. Thành tựu nghiên cứu của các đề tài khoa học trọng điểm cấp nhà nước về lý luận chính trị do Hội đồng Lý luận Trung ương quản lý cùng các chương trình nghiên cứu về văn hóa và con người do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và các đề tài khoa học của các ban đảng, các bộ, ngành, các học viện, các trường đại học, các địa phương trong thời gian qua đã góp phần làm phong phú, sâu sắc và toàn diện hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng, triển khai thực hiện các giá trị trên.

Những thành quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được chắt lọc, đúc kết trong các văn kiện của Đảng từ khóa VI đến khóa XIII; được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 03-NQ/TƯ, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thật tốt là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Có thể nói, đây là sự tổng kết, chắt lọc và khái quát hóa lý luận rất cô đọng, rõ ràng, cụ thể về các hệ giá trị con người, gia đình, văn hóa và hệ giá trị quốc gia – dân tộc đã được Đảng ta nêu ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng từ trước đến nay. Đồng thời, sự đúc kết này cũng xuất phát từ tổng kết thực tiễn tiến hành triển khai thực hiện các hệ giá trị này trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội và của toàn dân ta trong hơn 35 năm đổi mới. Các hệ giá trị này đã đóng vai trò định hướng, thống nhất ý chí và tình cảm chung của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện khát vọng chung của dân tộc để tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử vừa qua.

Quang cảnh Hội thảo.

 

Trong cuộc Hội thảo hôm nay, chúng ta đã được nghe các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo và quản lý trao đổi một cách hết sức cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, tiếp cận đa chiều, đa tầng về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, chúng ta đã thấy nhiều cấp ủy, chính quyền, Mặt trận ở các địa phương, bộ, ngành đã chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện các giá trị theo tinh thần định hướng của Tổng Bí thư phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, góp phần truyền cảm hứng và hành động vì một đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan tâm đến xây dựng phẩm chất nhân cách con người đã được chú trọng từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng xây dựng gia đình Việt Nam theo định hướng giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh đã từng bước được cải thiện. Các hoạt động xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã có những chuyển biến tích cực từ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tới sáng tạo các giá trị văn hóa mới theo các định hướng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.

 

Mục tiêu  tổng quát của Hội thảo là phát huy trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong cả nước để trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận, hướng đến làm rõ và thống nhất trong việc xác định các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhằm mục tiêu xây dựng đất nước ta phát triển bền vững, phồn vinh, hạnh phúc.

 

Đối với quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã tuyên bố với thế giới về đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; khẳng định Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào bảo vệ hòa bình trong khu vực và thế giới. Chúng ta luôn luôn thống nhất, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, các giai cấp, giai tầng khác nhau để thực hiện khát vọng của dân tộc. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường trong xây dựng và phát triển đất nước, nhấn mạnh nguồn lực nội sinh là quyết định, nguồn lực ngoại sinh đóng vai trò quan trọng, chúng ta thực hiện chủ trương phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để phát triển đất nước. Các định hướng giá trị dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đã từng bước được thể chế hóa thành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực để hiện thực hóa trong đời sống xã hội nhằm đem lại phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân.

Tuy vậy, gần 90 bài tham luận trong kỷ yếu cũng như từ các ý kiến phát biểu tham luận và các clip minh họa cho thấy, trong thời gian qua, việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện các hệ giá trị chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết cũng như lâu dài của quá trình phát triển đất nước. Nhiều vấn đề còn bất cập trong việc cụ thể hóa các hệ giá trị này cho phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Nhiều cấp ủy và chính quyền địa phương cũng như cán bộ, đảng viên chưa nhận thức sâu sắc và chưa có kế hoạch hành động để triển khai nghiên cứu thực hiện các hệ giá trị này. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý việc hiện thực hóa các hệ giá trị này còn chưa được quan tâm đúng tầm mức. Chưa phát huy được vai trò của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, sáng tạo và lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội. Hệ thống giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ giáo dục các hệ giá trị cho thanh thiếu niên để nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chưa phát huy được vai trò của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị – xã hội, đặc biệt là của Mặt trận Tổ quốc và sự tham gia của cộng đồng các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thi đua thực hiện các giá trị này…

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phát biểu của các vị đại biểu trong Hội thảo này, xin rút ra một số kết luận sau:

Thứ nhất, Hội thảo thống nhất cao khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Khẳng định việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.

Thứ hai, Hội thảo đã tập trung làm sâu sắc hơn vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các giá trị này trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia – dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác. Sự phân định ở đây về các hệ giá trị là tương đối vì các hệ giá trị này có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ và chuyển hóa lẫn nhau để tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, về nội dung của các hệ giá trị, từ nhiều bình diện khác nhau, các đại biểu tiếp tục phân tích làm rõ hơn các nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Về hệ giá trị con người Việt Nam, cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Nội dung của các hệ giá trị này vừa đảm bảo được tính khái quát, cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, vừa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân hiện nay.

Thứ tư, Hội nghị thống nhất ý kiến bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các hệ giá trị, cần xây dựng, ban hành và triển khai để hiện thực hóa các hệ giá trị này trong đời sống thực tiễn thông qua sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị – xã hội, của toàn thể nhân dân. Cần tạo ra một cuộc vận động lớn về xây dựng và thực hành các hệ giá trị Việt Nam gắn liền với phong trào Thi đua yêu nước và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phát huy vai trò của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị các cấp, các ngành, của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, của các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các cơ quan thông tin đại chúng trong việc khẳng định và lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo ra sự thống nhất và đồng thuận xã hội trong việc nghiên cứu, xây dựng và thực hành các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, cũng như sự trăn trở, suy nghĩ đóng góp ý kiến của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, yêu cầu về nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các giá trị đều phải giải quyết những vấn đề cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Hội thảo hôm nay đã thống nhất được những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong xây dựng các hệ giá trị và làm cơ sở cho quá trình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Từ những kết quả này, xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các phương tiện truyền thông đại chúng, các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật… cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; chắt lọc lan tỏa các nội dung tâm huyết mà đại biểu đã phát biểu và được sự đồng thuận, thống nhất rất cao trong Hội thảo hôm nay.

Hai là, trên cơ sở định hướng các hệ giá trị này, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, vừa tiến hành cụ thể hóa các hệ giá trị nêu trên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Kết quả Hội thảo hôm nay cần phải được triển khai đồng bộ và toàn diện, tuyên truyền và lan tỏa, tạo nên sự thống nhất cao trong các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, tạo nên đột phá để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Về hệ giá trị con người Việt Nam, cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

 

Ba là, trong quá trình triển khai thực hiện các hệ giá trị cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục hệ giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa – xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội, khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đặc biệt là với thanh thiếu niên, theo tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Bốn là, cấp ủy và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị nêu trên trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại. Phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn, phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong khi hiện thực hóa các hệ giá trị này.

 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

 

Năm là, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và công nghệ và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp để nghiên cứu, tham mưu để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị đã được nêu lên trong hội thảo này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan và đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị phối hợp để xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc./.

Nguyễn Trọng Nghĩa

Bí thư Trung ương Đảng,

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr. 512.

(2) (3) (4) (5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 70, 70, 75, 76, 77.

 

tuyengiao.vn