Đến lượt EVN đòi tăng giá điện theo thị trường

150

Sau than và xăng dầu đến lượt Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị cần tăng giá bán theo thị trường. Thiếu vốn, thiếu nước, EVN dự báo miền Bắc sẽ thiếu điện trầm trọng trong năm nay.

Tại hội nghị tổng kết năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 10/1, ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, tình hình cung ứng điện trong năm nay sẽ rất căng thẳng. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo cả năm tăng khoảng 17,63%, riêng mùa khô 18,3%. Đến ngày 31/12/2010, mức nước các hồ thủy điện thấp hơn nhiều so với mức đầy hồ. Ước tính tổng lượng nước thiếu lên tới 12 tỷ m3 tương đương sản lượng thủy điện thiếu hụt là khoảng 3 tỷ kWh.

“Điện đang khó khăn, EVN đang phải sản xuất và mua điện từ các nguồn có giá cao, trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh là sức ép rất lớn. Để huy động được vốn, EVN kiến nghị cần thực hiện cơ chế giá theo thị trường”, ông Thành nói.

Ảnh: Hoàng Hà
Miền Bắc sẽ thiếu điện trầm trọng trong năm nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho rằng hiện giá điện đang quá thấp so với thị trường. Nếu không được điều chỉnh thì tổng công ty cũng như tập đoàn không thể cân đối được vốn. Theo ông Vinh, 10 tỉnh phía Bắc đang phải mua điện của Trung Quốc với giá 1.400 đồng mỗi kWh (đã tính thuế nhập khẩu và phí vận chuyển). Trong khi đó, công ty ông bán ra cho nhiều đơn vị với giá 750 đồng, chỉ bằng một nửa giá mua vào.

Theo vị tổng giám đốc này, 6 tháng đầu năm 2011, tình hình cung ứng điện sẽ rất khó khăn do ngành điện thiếu vốn nặng nề. Năm nay EVN cần 54.000 tỷ đồng chạy thử dầu FO, DO nhưng không biết lấy đâu ra số tiền trên vì bị ngân hàng “quay lưng”. Ông Vinh cho hay, năm 2010, công ty đã vay được 500 tỷ đồng từ ngân hàng để cải tạo mạng lưới điện cho 3.200 xã nhưng sau cơn lũ ở Nghệ An và Hà Tính thì “bay” luôn 400 tỷ đồng để lo sửa chữa lại mạng lưới điện.

“Khu vực miền Bắc sẽ thiếu điện trầm trọng trong năm 2011. Sắp tới điện sẽ thiếu cả công suất và sản lượng”, ông Vinh cảnh báo.

Để cải thiện tình hình khó khăn trên, ông Vinh đề xuất, cần thành lập ban chỉ đạo hoặc hội đồng phân phối điện do UBND tỉnh chủ trì dưới sự tham gia của Sở Công Thương nhằm thực hiện tiết kiệm điện. Ngoài ra ngân hàng cần cho vay ưu đãi đối với ngành điện.

Cùng nỗi lo trên, ông Nguyễn Hữu Á, Giám đốc Công ty nhiệt điện Cần Thơ cho hay, trong năm 2010, công ty ông lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong năm nay, dự kiến hai nhà máy Ô Môn và Cần Thơ sản xuất khoảng 2 tỷ kWh. Nhưng năm 2011, trước áp lực về giá dầu và tỷ giá đều tăng, công ty cần 2.000 tỷ đồng cho chi phí hoạt động mỗi tháng nhưng vấn đề vốn hiện rất căng thẳng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện cho rằng phí truyền tải điện của Việt Nam đang ở mức 0,32 cent mỗi kWh, trong khi các nước là 1 cent. Theo ông Hùng, trong năm 2011-2015, nhu cầu vốn của EVN lên tới 150.000 tỷ đồng, trong khi nợ đã lên tới 46.000 tỷ đồng. “Tôi nhìn ngành điện mà thấy xót xa vì thực tế điện đang bị mất cân đối, vận hành trong tình trạng quá tải”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Công Thương, Vũ Huy Hoàng cho biết, câu chuyện ngành điện là một trong 3 vấn đề quan trọng được Chính phủ quan tâm. Với giá điện và cơ chế như hiện nay, ngành điện sẽ khó khăn và kiến nghị về giá điện sẽ được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét. Vị Bộ trưởng này cũng đưa ra nghịch lý, dù ngành điện kêu thiếu nhưng các đơn vị sản xuất kinh doanh chưa biết sử dụng tiết kiệm dẫn đến lãng phí.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành công thương cũng nhắc nhở ngành điện cần có thái độ phù hợp trong việc cung ứng điện. “Cả nước ghi nhận khó khăn của ngành điện nhưng EVN cũng cần phải có cách ứng xử, hành vi lời nói phù hợp. Điều hành hay tiết giảm điện cần công khai minh bạch”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Theo Vnexpress