Những bài học quý từ công tác thông tin đối ngoại trong đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam

56

Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam thực sự đã trở thành cầu nối, quy tụ những nỗ lực của ngoại giao Đảng, Nhà nước với ngoại giao Nhân dân, triển khai hiệu quả việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó, tạo ra sức mạnh to lớn làm thay đổi hẳn sự chênh lệch giữa thế và lực của ta và đối phương.

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp)

 

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris) được ký kết sau một quá trình đàm phán gay go, căng thẳng, kéo dài gần 5 năm (1968 – 1973). Được mệnh danh là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất thế kỷ XX, điểm quyết chiến cốt lõi của hòa đàm Paris là sự đối đầu không cân sức giữa nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nền ngoại giao hùng mạnh, dày dặn kinh nghiệm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đồng thời, mặt trận thông tin truyền thông cũng chứng kiến cuộc đấu tranh với tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch giữa hai bên. Tuy nhiên, đồng hành cùng với những nỗ lực khôn khéo, tài trí trên bàn đàm phán của đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại cũng đã có những đóng góp rất quan trọng, góp phần tạo thêm thế và lực cho ta trong cuộc đọ sức marathon lịch sử.

Bước vào cuộc đàm phán, công tác thông tin tuyên truyền của ta đứng trước cả cơ hội và thách thức to lớn. Thuận lợi đầu tiên là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, mà trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ khi đoàn đàm phán chuẩn bị lên đường sang Paris, Bác dặn dò: “Các chú sang Pháp lần này sướng hơn Bác năm 1946 nhiều. Trong nhà chúng ta đang thắng, nhân dân thế giới hiểu ta, biết ta, ủng hộ ta mạnh hơn. Ta cũng đã biết “khôn” hơn. Cho nên các chú phải biết ung dung, khôn khéo, kiên trì”. Thuận lợi thứ hai là chính nghĩa đứng về phía chúng ta với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Đàm phán Paris diễn ra trong bối cảnh làn sóng giành độc lập của các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latinh có được những thắng lợi to lớn và trở thành xu thế không thể đảo ngược trên thế giới. Thuận lợi thứ ba là quân và dân ta có những thắng lợi thực sự to lớn trên chiến trường. Đặc biệt, chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không có giá trị vô giá. Thuận lợi thứ tư chính là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa và phong trào nhân dân đông đảo trên toàn thế giới. Đây là thuận lợi to lớn để công tác tuyên truyền được vang xa hơn, được lan tỏa rộng rãi trong bối cảnh ta còn rất hạn chế về phương tiện, lực lượng làm tuyên truyền đối ngoại. Ngay tại Pháp nói chung và Paris nói riêng, chúng ta có những người ủng hộ nhiệt thành. Báo chí Pháp giật tít: Việt Cộng (ám chỉ đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) đến đàm phán ở Paris như “một đội bóng thi đấu trên sân nhà”. Còn những người cộng sản Pháp thì ủng hộ hết lòng hai đoàn ta. Choisy le Roi, nơi đoàn ta ở, được coi như là vành đai đỏ của Paris. Thuận lợi thứ năm là thành phần đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được lựa chọn rất kỹ lưỡng với nhãn quan và tầm nhìn sâu sắc của Bộ Chính trị, mà đứng đầu là Bác Hồ. Đoàn gồm những đồng chí không chỉ vững vàng về bản lĩnh, giỏi công tác ngoại giao mà cũng rất thông thạo về công tác tuyên truyền, dân vận, ngoại giao nhân dân, với những tên tuổi như đồng chí Cố vấn Lê Đức Thọ, đồng chí Trưởng đoàn Xuân Thủy. Không những từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Xuân Thủy còn có bề dày làm công tác dân vận, báo chí. Một trong các phó trưởng đoàn là đồng chí Nguyễn Minh Vỹ cũng có nhiều năm làm công tác báo chí. Một số thành viên quan trọng khác trong đoàn như các đồng chí Hà Đăng, Lý Văn Sáu, Nguyễn Thành Lê… đều là những nhà báo dày dặn kinh nghiệm.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thách thức cũng rất lớn. Trước hết, chính là sự không cân sức trong so sánh lực lượng làm thông tin tuyên truyền. Ta phải đối mặt với nền thông tấn báo chí lớn của Mỹ và các nước Phương Tây, đứng đằng sau là một hệ thống tuyên truyền có đủ phương tiện hiện đại với mạng lưới lan tỏa rộng lớn hầu khắp thế giới (tất nhiên là bị hạn chế ở các nước XHCN). Trong khi đó, điều kiện của ta rất thiếu thốn, để vươn ra quốc tế hầu như chỉ có Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam ở miền Bắc, Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng ở miền Nam…., song mức độ lan tỏa cũng rất hạn chế. Thứ hai, mặc dù ta có những thuận lợi nhất định tại Pháp và Paris, song về cơ bản chúng ta vẫn hoạt động trên đất khách, giữa lòng của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Thứ ba, do thiếu thiết bị kỹ thuật tiên tiến, việc kết nối thông tin liên lạc giữa đoàn đàm phán và “Nhà” có những lúc chưa được kịp thời, đặc biệt là những khi rất cần thông tin từ “Nhà” để có đường hướng chủ động tuyên truyền, tổ chức họp báo, ra thông cáo để chiếm ưu thế thông tin. Đơn cử như khi Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II với quyết tâm đưa Hà Nội “về thời đồ đá”, giành ưu thế trên bàn đàm phán, đoàn ta rất mong chờ thông tin bắn rơi B-52 từ Hà Nội để kịp thời lên án, giành thế chủ động về tuyên truyền. Tuy nhiên, tin ở Hà Nội sang chậm hơn thông tin của hãng thông tấn AP đưa lại thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Vượt lên mọi khó khăn thách thức trong cuộc đối đầu không cân sức về truyền thông, chúng ta đã phát huy cao độ các thuận lợi, từ đó hóa giải thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua về sự chênh lệch lực lượng.

Về nội dung, chúng ta tập trung vào những thông điệp lớn mang tính thời sự, xu thế lớn của nhân loại: Khẳng định tính chính nghĩa, lẽ phải của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam; nêu cao khát vọng hòa bình, khắc họa sự ác liệt của chiến tranh, sự tàn bạo của bè lũ xâm lược; đồng thời nêu cao hình ảnh tốt đẹp, dũng cảm của con người Việt Nam trong lao động sản xuất cũng như chiến đấu. Đây là thông điệp xuyên suốt của Đảng ta, là chất keo gắn bó nhân dân trong nước, đoàn kết bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ hướng về Việt Nam, ủng hộ Việt Nam.

Một nội dung quan trọng luôn được kịp thời thông tin là diễn biến cuộc đàm phán. Điều quan trọng là, hàm chứa trong các thông tin về đàm phán là những thông điệp cơ bản được truyền tải một cách kiên trì, thuyết phục, lôi kéo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền đã tập trung đưa tin về hình hình chiến sự tại Việt Nam. Hình ảnh về chiến sự tại miền Nam; Mỹ ném bom miền Bắc và đặc biệt là tình hình khốc liệt tại Quảng Trị, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đã trở thành những huyền thoại lịch sử, bóc trần âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, để nhân dân thế giới hiểu được bản chất thực sự của cuộc chiến phi nghĩa, biết được sự tàn bạo, dã man của cuộc chiến tranh xâm lược không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn với cả những người lính Mỹ đang phải tham chiến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh về cuộc sống của nhân dân ở hai miền với nỗ lực trong học tập, lao động, chiến đấu bất chấp mọi khó khăn, thách thức, đã được truyền tải tới cộng đồng quốc tế. Chính báo chí quốc tế đã phải nhận xét rằng sự kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam càng tỏa sáng trong những thời điểm cam go nhất, bền bỉ đánh bại âm mưu muốn đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá của Mỹ.

Về phương thức tuyên truyền đối ngoại, mặc dù diễn ra trong điều kiện khó khăn về cả điều kiện và nguồn lực, lại được thực hiện ngay giữa lòng của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhưng công tác thông tin đối ngoại đã được tiến hành một cách linh hoạt, sáng tạo, tận dụng triệt để nhiều phương thức. Từ các bài phát biểu của Trưởng đoàn ta trong Hội nghị cho đến bản tin hằng ngày, thông cáo báo chí, diễn thuyết, mít tinh, gặp gỡ ở Paris và các tỉnh thành khác nhau của Pháp, ở châu Âu, ở Mỹ. Trong đó, thông qua hơn 500 cuộc họp báo và hơn 1.000 lần trả lời phỏng vấn, hình ảnh của Việt Nam, trong đó cụ thể là hai vị Trưởng đoàn – “nụ cười Xuân Thủy” và “Madame Bình” – đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với đội ngũ phóng viên, báo chí nước ngoài. Đơn cử như trong giai đoạn cuối tháng 8 và đầu tháng 9/1972, để tăng sức ép với Nixon trước bầu cử ở Mỹ, chúng ta một mặt chuẩn bị phương án mềm dẻo trong đàm phán, mặt khác đẩy mạnh công tác đấu tranh trong dư luận. Báo chí ở cả hai miền liên tục phê phán thái độ ngoan cố của Nixon hòng kéo dài chiến tranh không muốn giải quyết bằng thương lượng. Ngày 26/10/1972, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố “về tình hình cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam hiện nay” khẳng định lập trường của ta giữ đúng những lời cam kết và đòi Chính phủ Mỹ cũng phải giữ đúng những điều đã cam kết, ký bản Hiệp định đã thoả thuận vào ngày 31/10/1972. Đây là một đợt đấu tranh công khai có tiếng vang rất rộng. Rất nhiều cuộc họp báo đã được tổ chức ở Hà Nội, Paris và thủ đô của nhiều nước. Các hãng thông tấn báo chí, đài phát thanh các nước trong nhiều ngày liên tiếp đưa tin tức về việc này. Hãng UPI của Mỹ đưa tin rằng Bắc Việt Nam đã đưa quả bóng sang sân Mỹ. Hãng AFP của Pháp nhận xét: Nixon bị dồn vào chân tường… bị đặt vào tình thế nghiêm trọng phải lựa chọn giữa các khả năng: ký sớm Hiệp định, hoặc bỏ rơi Thiệu hoặc tiếp tục chiến tranh.

Về lực lượng, chúng ta có được sự ủng hộ của hệ thống thông tin các nước XHCN, đồng thời đã khéo léo vận động, thuyết phục bạn bè quốc tế ở Pháp, các nước châu Âu. Ở những địa bàn không thể triển khai trực tiếp, chúng ta đã vận động sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có các đồng chí Đảng Cộng sản Mỹ và nhân dân tiến bộ Mỹ. Theo đó, thông tin được triển khai rộng khắp trên các kênh từ ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao Nhân dân trên mọi lĩnh vực, mọi trận tuyến… , tạo nên sức lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ, lớn hơn rất nhiều so với thực lực truyền thông của ta. Thông qua công tác dư luận, báo chí, đồng bào trong nước có thêm niềm tin vào cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Những thông tin về quá trình đàm phán góp phần giúp đồng bào chiến sĩ ở hai miền Nam, Bắc vững tay súng, chắc tay sản xuất, lao động. Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ ta nhiệt thành trong cuộc đàm phán. Đối với nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa, trước hết là nhân dân Pháp, họ hiểu thêm về cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của chúng ta, tạo ra làn sóng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp – khi đó là một lực lượng chính trị mạnh trên chính trường – đã dành sự ủng hộ đặc biệt cho Việt Nam. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ về hậu cần, Báo Nhân dân (L’Humanité) – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp – cũng dành cho Việt Nam sự ủng hộ không điều kiện. Trong suốt quá trình đàm phán, báo đã tạo ra một diễn đàn thực sự cho các nhà đàm phán Việt Nam bằng việc đăng tải các tuyên bố của phía ta hằng tuần. Ngoài ra, việc gửi các bản tuyên bố, khiếu nại tới Đại sứ quán, Lãnh sự quán Mỹ, huy động sự ủng hộ quốc tế cũng được Đảng Cộng sản Pháp tích cực triển khai. Một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng là hội nghị tập hợp 27 đảng cộng sản và công nhân thế giới tại trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ngày 27/7/1972 để ủng hộ Việt Nam và yêu cầu Mỹ đàm phán nghiêm túc. Những cuộc tuần hành do Đảng Cộng sản Pháp kêu gọi cũng đã tạo sức ép không nhỏ đối với Đoàn đàm phán Mỹ ở Paris. Tại Pháp thời điểm đó, có tới 52 tổ chức thường xuyên tiến hành biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được kí kết

 

Trong triển khai thông tin, tuyên truyền, ta đặc biệt chú trọng tới việc phân loại từng đối tượng đặc thù: các nước xã hội chủ nghĩa để họ ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam; nhân dân tại các nước tư bản chủ nghĩa; chính giới các nước; phóng viên các hãng thông tấn quốc tế. Đối tượng thứ năm hết sức quan trọng, đó chính là nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước. Chính từ việc xác định đúng đối tượng, chất lượng thông tin được phát huy mạnh mẽ, chúng ta hình thành được mặt trận công luận thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Lực lượng làm công tác thông tin, đấu tranh tuyên truyền không chỉ là người Việt Nam mà còn là tổ chức, cá nhân nước ngoài yêu mến, cảm phục và vì hòa bình, tiến bộ. Ngay trong lòng nước Mỹ, phong trào Phụ nữ Đấu tranh cho hoà bình đã tổ chức đốt thẻ gọi quân dịch ở New York; cử người sang Canada gặp Đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nhiều thị trưởng gửi thư lên Tổng thống Nixon đòi đình chỉ gọi con em của họ sang Việt Nam. Các cuộc biểu tình chống chiến tranh liên tiếp diễn ra trước Lầu Năm Góc; trước nhà riêng của Nixon. Ngày 3/9/1972, 250 nhà tâm lý học Mỹ biểu tình trước Nhà Trắng tố cáo cuộc chiến tranh  tại Việt Nam là một sự điên rồ. Các hoạt động trên được các báo chí Mỹ đưa lên trang nhất.

Cuộc đối đầu lịch sử giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Henry Kissinger

 

Có thể khẳng định công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả đã củng cố thêm lợi thế đàm phán của đoàn ta. Ví dụ, nhờ công tác thông tin tuyên truyền kịp thời, chủ động với “cuộc chiến thông cáo báo chí” ngay tại Paris, khi kết thúc 12 ngày đêm không quân Mỹ ném bom Hà Nội vào cuối năm 1972, dư luận quốc tế đã tạo một áp lực rất lớn đối với phía Mỹ. Do vậy, khi ngồi vào bàn đàm phán, Henry Kissinger hoàn toàn yếu thế so với đồng chí Lê Đức Thọ. Lập trường rất kiên quyết, lời nói rất đanh thép của Cố vấn Lê Đức Thọ đã khiến Henry Kissinger – con sói già của nền ngoại giao Mỹ – hoàn toàn chịu trận. Từ sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, việc thống nhất văn bản, ký tắt rồi ký kết chính thức Hiệp định Paris về Việt Nam diễn ra nhanh chóng.

Thành công của công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại trong đàm phán Paris để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền của Lãnh đạo cấp cao; là bài học về việc gắn kết thông điệp của ta với nhu cầu quan tâm, lợi ích của bạn bè quốc tế; là việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt mọi phương thức thông tin để có được sự lan tỏa kịp thời, rộng rãi; là kinh nghiệm về việc vận động, thuyết phục tất cả các đối tượng quốc tế, biến thành lực lượng thông tin cho ta. Chính làn sóng công luận mạnh mẽ từ ngay trong lòng nước Mỹ và các nước phương Tây đã tạo ra áp lực dư luận to lớn đối với chính giới Mỹ, một mặt nâng vị thế của ta, mặt khác, làm giảm uy thế của đối phương. Đó chính là chiến thuật “đánh nở hoa trong lòng địch” trong công tác thông tin đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh.

Nhìn lại những nỗ lực, hy sinh không mệt mỏi của thế hệ cha anh của nửa thế kỷ trước trên mặt trận tuyên truyền không tiếng súng nhưng hết sức cam go, chúng ta tiếp tục phát huy những bài học lịch sử quý giá để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin đối ngoại, kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, góp phần vào việc triển khai thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

 

PGS. TS. Lê Hải Bình
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

 

tuyengiao.vn