Phản bác luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước”

284

Cho đến nay, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã được tiến hành hơn 36 năm, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Một trong những nguyên nhân của những thành tựu đó là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tuy nhiên, gần đây các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước”. Cần thiết phải nhận diện đúng bản chất của luận điệu này để tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

BẢN CHẤT CỦA NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những luận điệu thường thấy của các thế lực thù địch nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây là trọng tâm, là mũi nhọn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” với âm mưu cơ bản và lâu dài là tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, chính trị nhằm chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Đây là một âm mưu nguy hiểm, thâm độc liên quan trực tiếp đến uy tín cũng như sự tồn vong của Đảng, của chế độ nên được các thế lực thù địch ráo riết thực hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam, chúng tung ra luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử”(1) trên nhiều diễn đàn khác nhau bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Ở góc độ khác, có thế lực còn khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để công kích Đảng ta, đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền lãnh đạo trưc tiếp, toàn diện của Đảng. Gần đây, một số phần tử cơ hội chính trị còn rêu rao rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn còn là một nước chậm phát triển. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do “Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”(2). Chúng còn vu cáo rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tuy có đạt được một số kết quả trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng hiện đường lối lãnh đạo của Đảng đã không còn phù hợp nữa nên không thể có thành công được!

Trong những dịp Đảng, Quốc hội xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về dự thảo các văn kiện, nghị quyết, luật…, các hoạt động chống phá lại càng quyết liệt và tinh vi hơn. Dưới hình thức “Thư ngỏ”, nhiều thế lực thù địch bao gồm các lực lượng phản động ở nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị trong nước đã gửi “tâm thư” kêu gọi Đảng ta phải thay đổi để “cứu vớt” đất nước Những luận điệu này đã lộ rõ bản chất của những kẻ có mưu đồ chống phá – đó là cố tình lờ đi những thành quả không thể phủ nhận của công cuộc đổi mới của Việt Nam và vin vào những hạn chế, khuyết điểm để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Có thể nhận thấy rõ mưu đồ của các thế lực thù địch khi đưa ra luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước” là nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam hiện nay. Căn nguyên của luận điệu này được chúng đưa ra là do Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng và các thế lực thù địch luôn rêu rao rao rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã “lỗi thời”, “không còn phù hợp” với thực tiễn hiện nay. Do đó, có thể nhận thấy rõ cái trước mắt là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng cội rễ sâu xa là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin với tính cách là nền tảng tư tưởng, là “kim chỉ nam” cho mọi chủ trương, đường lối và hoạt động của Đảng. Vì thế, đây là một thủ đoạn chống phá Đảng kiểu “rượu cũ bình mới” nên không thể xem thường!

LUẬN CỨ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời và trực tiếp lãnh đạo đất nước 93 năm, cả trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. 93 năm – một chặng đường gần một thế kỷ và có đủ thời gian để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự phát triển của cả một dân tộc.

Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân mất tự do, chịu cảnh lầm than, nô lệ. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng mình khỏi thân phận nô lệ nhờ thành công của cuộc cách mạng tháng Tám (năm 1945) và giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1954) và chống Mỹ (năm 1975). Những thành tựu to lớn đó đã làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, được cả thế giới ghi nhận và nhân dân Việt Nam trân trọng, khắc ghi.

 

Trong bối cảnh đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, khủng hoảng toàn diện trên tất cả các mặt, đời sống nhân dân đói nghèo, thiếu thốn, lại thêm Mỹ và phương Tây áp đặt cấm vận kinh tế trong một thời gian dài, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo cả dân tộc bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”(3). Những thành tựu đó không phải tự nhiên mà có và cũng không phải dễ dàng có được. Đó chính là kết quả của quá trình nhận thức về tính tất yếu của đổi mới đất nước, đồng thời, xuất phát từ sự thôi thúc của bản thân Đảng ta với mong muốn ngày càng mang lại sự phát triển phồn vinh cho đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Những thành tựu đó là bằng chứng thuyết phục để khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – một đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước; đồng thời cũng làm cho nhân dân ngày càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận để Đảng trở thành một lực lượng xã hội duy nhất lãnh đạo toàn xã hội. Do đó, không thể cố tình lờ đi những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam qua hơn 36 đổi mới để cáo buộc rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lãnh đạo, chỉ khiến đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, kém phát triển. Vì vậy, những kẻ lấy danh nghĩa là “con dân đất Việt”, lấy hình thức viết “tâm thư”, “thư ngỏ” để kêu gọi Đảng phải từ bỏ Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cố tình chống phá Đảng, chống phá chế độ ta.

Từ việc tổng kết quá trình lãnh đạo của Đảng trong suốt hơn 93 năm nói chung và trong thời kỳ đổi mới nói riêng, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm rất quan trọng. Đó là: “Đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(4). Tại Đại hội XIII, khi tổng kết kết quả 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng ta cũng khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(5). Đây là những nhận định khách quan, phản ánh đậm nét vai trò to lớn, không thể phủ nhận của Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong suốt thời gian qua. Do đó, luận điệu cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước” hoặc là do nhận thức thiển cận (số này không nhiều), hoặc là cố tình lờ đi, phủ nhận (trường hợp này là đa số) vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam với công cuộc đổi mới đất nước. Do đó, mỗi chúng ta cần phải cảnh giác trước những luận điệu đó, đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác trên tất cả mọi mặt trận.

Trong những năm tiếp theo, công cuộc đổi mới đất nước sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nếu mỗi chúng ta luôn hiểu và vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ là góp phần củng cố, gia tăng thêm sức mạnh cho Đảng, để Đảng ta tiếp tục là người lãnh đạo, dẫn dắt cả dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

TS. Lê Thị Chiên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(1) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2007, tr.51.

(2) Vũ Văn Hiền (Chủ biên): Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2020, t.1, tr. 151.

(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.33.

(4) (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.26, 104.

 

https://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/phan-bac-luan-dieu-dang-cong-san-viet-nam-da-het-vai-tro-lich-su-khong-con-du-kha-nang-lanh-dao-dat-nuoc-143224