Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa công bố số vốn điều lệ mới là 16.858 tỷ đồng, tăng 11,1% so với trước và duy trì vị trí ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai tại Việt Nam.
Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa công bố hoàn tất đợt chào bán cổ phần riêng lẻ cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các quỹ đầu tư cấp vốn của IFC. Thặng dư vốn sau đợt chào bán này là 1.854 tỷ đồng, giúp đưa vốn tự có cấp một Vietinbank lên 18.712 tỷ đồng.
Số vốn điều lệ mới của Vietinbank, 16.858 tỷ đồng, hiện cao thứ nhì trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam và dẫn đầu trong khối các ngân hàng cổ phần.
Trước đó, ngày 25/1 VietinBank và các bên IFC đã ký các hợp đồng đầu tư liên quan đến giao dịch bán cổ phần và vay nợ thứ cấp giữa các bên. Ngày 10/3, IFC và Quỹ đầu tư cấp vốn IFC đã chuyển đủ tiền đặt mua toàn bộ số cổ phần theo hợp đồng.
Vietinbank đặt mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng ngay năm nay.
Vốn điều lệ hiện tại của Vietinbank chỉ thấp hơn Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank, hiện là 20.708 tỷ đồng).
Hai đại gia khác là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – vốn hơn 13.000 tỷ đồng) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, với số vốn 14.374 tỷ đồng). Vietcombank đã được Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thêm 33% lên mức trên 17.000 tỷ đồng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Còn BIDV cũng đặt kế hoạch đẩy mạnh công tác cổ phần hóa để nâng vốn điều lệ lên 18.000-19.000 tỷ đồng.
Vietinbank và Vietcombank đều đã cổ phần hóa và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Tuy nhiên, do tỷ lệ sở hữu của nhà nước trong hai ngân hàng này vẫn rất lớn (trên 90%) nên cả hai vẫn được xếp vào diện ngân hàng quốc doanh, tương tự như BIDV và Agribank.
Theo Vnexpress