Người dân bán USD tại một ngân hàng ở TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm |
Các chuyên gia cũng cho rằng đây là dấu hiệu khá tích cực nhằm ổn định tỉ giá, giảm áp lực đôla hóa lên nền kinh tế trong thời gian tới.
Sẽ tăng dự trữ bắt buộc?
* Ông Võ Trí Thành Giữ VND hấp dẫn hơn Tất cả những giải pháp tổng thể của NH Nhà nước, trong đó có việc ban hành quy định mới về cho vay ngoại tệ nhằm làm giảm áp lực trên thị trường ngoại hối, hạn chế nhu cầu vay USD, từ đó kéo giảm LS USD. Hiện LS huy động VND đang cao, nếu tỉ giá ổn định thì việc giảm LS USD sẽ làm VND ngày càng hấp dẫn hơn. * Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM): Tỉ giá sẽ ổn định Việc thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ của NH Nhà nước từ tháng 5 là một trong chuỗi động thái nhằm thực hiện lộ trình chống đôla hóa nền kinh tế. Có thể thấy thay đổi cơ bản của quy định này là chỉ đáp ứng USD cho những đối tượng có nguồn tái tạo USD và hướng tới đây NH Nhà nước sẽ chuyển dần quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Quy định này tác động rất lớn đến thị trường: các NH phải giảm LS huy động USD vì đầu ra bị thu hẹp, LS huy động USD cao nhất tại nhiều NH đã xuống dưới 5%/năm. Tỉ giá cũng ổn định hơn, doanh nghiệp, người dân không còn lý do kỳ vọng tỉ giá sẽ tăng khi doanh nghiệp vay USD đến hạn trả nợ. |
Đầu tuần này hàng loạt NH lớn nhập cuộc giảm LS USD. Tại NH Sacombank, LS USD cao nhất cho các khoản gửi dưới 5.000 USD chỉ còn 4,66%/năm, kỳ hạn 2-3 tháng, trên 6 tháng LS cao nhất chỉ còn 4,26%/năm. Với các khoản gửi trên 300.000 USD, LS cao nhất chỉ còn 4,88%/năm, giảm 0,4%/năm so với trước đó.
Tương tự, tại NH Agribank, LS huy động USD cao nhất chỉ còn 5,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng. Trên 9 tháng LS giảm dần, đến 24 tháng LS chỉ còn 4,7%/năm. Từ đầu tháng 4, LS huy động USD tại NH Việt Á cao nhất còn 5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng. Trong khi đó, LS huy động USD cao nhất tại NH Quân đội là 5,5%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn cho biết có khả năng NH Nhà nước sẽ tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 1-2% và việc này đã được đưa ra bàn trong cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia vài tuần trước. Như vậy giá thành đồng vốn USD sẽ tăng và cửa cho vay sẽ bị thu hẹp đáng kể. Đó cũng là sức ép buộc các NH phải giảm bớt LS huy động USD.
Cũng theo các NH, việc chạy đua nâng LS huy động USD hai tháng trước chủ yếu để giải quyết thanh khoản. Nay nguồn vốn USD đã dồi dào nên NH giảm dần LS.
Bán USD, giữ VND
Trong buổi họp giữa NH Nhà nước và Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vấn đề ấn định trần LS huy động USD cũng được đưa ra bàn thảo. Theo một chuyên gia tài chính, mọi động thái của cơ quan quản lý đều hướng vào việc kéo LS huy động USD xuống mức hợp lý hơn. Như vậy chênh lệch quá lớn giữa LS VND và USD đủ kích thích doanh nghiệp xuất khẩu bán USD để giữ tiền đồng.
Một thuận lợi rất lớn là giá USD niêm yết và tại thị trường tự do không còn chênh lớn. Tính theo giá giao dịch ngày 7-4, tỉ giá tự do còn cao hơn khoảng 100 đồng/USD so với giá niêm yết. Nếu NH Nhà nước thực hiện tốt các biện pháp trên thì một lượng ngoại tệ rất lớn sẽ được hoán đổi ra tiền đồng, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn là cơ sở để ổn định tỉ giá.
Thực tế không chỉ doanh nghiệp mà chính NH cũng mạnh dạn bán USD. Chủ tịch hội đồng quản trị một NH tại Q.1, TP.HCM cho rằng thông qua những động thái của NH Nhà nước, các NH thấy trước được hướng đi của tỉ giá nên đẩy mạnh bán USD lấy VND để kinh doanh, vì LS VND tại thị trường liên NH lên đến 21-23%/năm. Cũng theo các NH, những ngày gần đây doanh nghiệp xuất khẩu không còn chần chừ mà đã đẩy mạnh bán USD cho NH.
Tới đây có khả năng NH Nhà nước sẽ giảm trạng thái ngoại hối của các NH từ mức dương 30% vốn điều lệ hiện nay xuống 20%, buộc các NH phải đẩy mạnh cung ứng ngoại tệ cho thị trường hoặc bán về cho NH Nhà nước nhằm tăng dự trữ quốc gia. Ước tính vốn điều lệ của các NH trên thị trường hiện nay không dưới 200.000 tỉ đồng, họ có thể nắm giữ tối đa 60.000 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ USD. Nếu giảm trạng thái ngoại hối xuống mức 20%, các NH sẽ phải bán ra khoảng 1 tỉ USD.
Siết cho vay ngoại tệ
Từ ngày 7-5, cửa cho vay ngoại tệ sẽ hẹp lại khi quy định mới về cho vay ngoại tệ có hiệu lực. Với quy định này, NH Nhà nước đã bỏ ba nhóm mục đích được phép vay ngoại tệ, đó là cho vay để trả nợ nước ngoài trước hạn, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và thực hiện các dự án xuất khẩu.
Chỉ còn hai đối tượng được vay ngoại tệ là nhà nhập khẩu được vay để thanh toán ra nước ngoài nhưng phải có nguồn trả nợ (từ sản xuất kinh doanh hoặc được người cho vay hay NH bán ngoại tệ để trả nợ).
Đối tượng được vay ngoại tệ khác là nhà xuất khẩu. Khi vay, doanh nghiệp xuất khẩu phải cam kết bán ngoại tệ vay được cho NH với tỉ giá giao ngay. NH Nhà nước quy định rõ bất cứ đối tượng nào nằm ngoài hai nhóm mục đích nói trên có nhu cầu vay vốn ngoại tệ từ NH cũng phải có văn bản chấp thuận của thống đốc NH Nhà nước.
Theo các NH, quy định này không chỉ thu hẹp đối tượng vay mà còn ràng buộc chặt chẽ các NH cho vay. Nếu doanh nghiệp không có nguồn ngoại tệ trả nợ thì chính NH phải cam kết bán ngoại tệ cho doanh nghiệp để trả nợ vào ngày đáo hạn.
“Thực chất cơ quan quản lý chỉ muốn cho vay với những đối tượng có khả năng tái tạo nguồn ngoại tệ, tránh gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ, tạo sức ép lên tỉ giá vào thời điểm doanh nghiệp đáo hạn khoản vay như thời gian qua” – tổng giám đốc một NH bình luận.
Dư nợ ngoại tệ sẽ giảm 28%
Trong cuộc họp giữa đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, NH Nhà nước và các doanh nghiệp, ông Trần Phương Bình – tổng giám đốc NH Đông Á – kiến nghị NH Nhà nước nên mạnh dạn ấn định trần LS huy động ngoại tệ tối đa là 5%/năm, sau đó giảm dần.
Tuy nhiên, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng phải cân nhắc vì sẽ ảnh hưởng đến kiều hối, chuyển tiền về của người không cư trú. Ông Giàu tính toán khi quy định mới về cho vay ngoại tệ được áp dụng, dư nợ ngoại tệ sẽ giảm khoảng 28% so với mức hiện nay. Như vậy các NH sẽ thừa vốn và buộc phải giảm LS USD.
Theo Tuổi Trẻ