Hoạt động thiện nguyện đã ăn vào máu của chàng thanh niên 31 tuổi. Ở độ tuổi này, nhiều người đã ổn định gia thế, nhưng anh vẫn đang rong ruổi khắp nơi để gieo yêu thương đến những mảnh đời khó khăn, kém may mắn trong xã hội.
Đào Văn Vĩnh mê làm tình nguyện, dành cả thanh xuân để đi và cho đi
Đó là Đào Văn Vĩnh, quê ở xã Bình Trung, H.Thăng Bình (Quảng Nam). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghèo ở mảnh đất miền Trung đầy khắc nghiệt, mẹ mất từ khi Vĩnh mới 9 tuổi, 10 năm sau ba cũng bỏ lại 4 chị em mà đi theo mẹ. “Lúc đó anh em tôi rơi vào cảnh bơ vơ, lạc lõng, chị gái phải bươn chải đi làm sớm để chăm lo cho các em”, Vĩnh bồi hồi kể lại.
Hạnh phúc khi được đi và cho đi
Là con trai duy nhất trong nhà nên Vĩnh trở thành trụ cột gia đình khi mới 19 tuổi đã cùng chị chăm lo cho 2 đứa em gái, anh thấu hiểu được cái khó, cái khổ của cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Vì vậy anh ấp ủ ước mơ sau này sẽ làm “sứ giả”, gắn kết giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn như mình và năm 20 tuổi, Vĩnh bắt đầu thực hiện ước mơ ấy. Ban đầu anh tham gia với tư cách là tình nguyện viên hỗ trợ các chương trình thiện nguyện, sau đó anh tự tổ chức chương trình để giúp đỡ người dân khó khăn.
Suốt hơn 10 năm hoạt động vì cộng đồng, anh Vĩnh đi khắp nơi từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên miền ngược, chàng thanh niên 31 tuổi với trái tim tử tế, luôn tràn đầy nhiệt huyết để lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.
“Hoạt động chính hiện tại là bữa cơm 0 đồng gửi tặng bà con có thu nhập thấp tại TP.Đà Nẵng vào trưa thứ ba và tối thứ sáu hằng tuần. Đều đặn mỗi tháng tôi tổ chức đi nấu những bữa ăn và tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; nấu ăn, tặng quà cho các em nhỏ ở bệnh viện nhi, các cụ già neo đơn; hỗ trợ tiền và quà hằng tháng cho một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…”, anh Vĩnh chia sẻ. Tuy vậy, chàng trai này chỉ khiêm tốn cho rằng giúp người chứ chưa làm được điều gì quá lớn lao.
Các bữa ăn hay hỗ trợ hằng tháng cho một số hoàn cảnh khó khăn, anh tự chi tiền túi. “Việc gì nằm trong khả năng của mình thì tự làm chứ không kêu gọi ai cả, chỉ những trường hợp cần nhiều kinh phí thì mới cần sự chung tay”, anh Vĩnh nói.
Vì làm thiện nguyện đã ăn vào trong máu nên đi tới đâu “bệnh nghề nghiệp” lại theo tới đó. Đơn cử, đợt này vào TP.HCM có công việc, nhưng khi nhìn thấy những người vô gia cư lang thang ở ngoài đường, chàng thanh niên này đã cố gắng liên hệ tìm chỗ để nấu những phần ăn gửi tặng cho họ. Rồi khi thấy những người phải nằm “màn trời chiếu đất”, anh cũng tìm mua chiếu gửi tặng họ trước khi về lại Đà Nẵng để mọi người có chỗ ngủ tươm tất hơn. Và dĩ nhiên việc làm này chỉ bộc phát chứ anh Vĩnh không có dự định trước. Bên cạnh đó, anh còn tranh thủ ghé xuống Bến Tre để thăm hỏi và tặng quà cho các em nhỏ ở mái ấm Đức Quang, các cụ già ở xã An Thuận, H.Thạnh Phú (Bến Tre). Chàng thanh niên này sống chỉ biết đi và cho đi.
Không ngại khó, chẳng ngại khổ…
Là con trai nhưng anh Vĩnh lại thích việc bếp núc, anh bảo vì nấu ăn tặng cho bà con nhiều lần thành ra quen tay chứ không qua một lớp học nào cả. Vĩnh kể: “Có những hôm trời lạnh run nhưng tôi vẫn thức sớm để đi chợ, chịu khó một chút nhưng đổi lại được nhìn thấy nụ cười của mọi người khi đón nhận phần ăn, tôi rất hạnh phúc”.
Mặc dù đã ngoài 30, nhưng chàng thanh niên này vẫn chưa nghĩ tới việc lập gia đình, vì có lẽ thời gian của anh đã dành hết cho cộng đồng, do đó ai nói anh lo chuyện bao đồng, anh đều mặc kệ và bỏ ngoài tai. “Mỗi một địa điểm, vùng đất mà tôi đặt chân tới là những mảnh đời, câu chuyện đọng lại trong lòng. Có lẽ chính điều đó đã thôi thúc tôi tiếp tục làm, tiếp tục cho đi”, Vĩnh cho hay. Công việc hiện tại của anh cũng không gò bó quá nhiều, anh muốn làm tự do để có thời gian giúp đỡ mọi người. “Tôi có thể bán trái cây, tự làm đồ ăn để bán, nhận nấu đám, nấu tiệc…; việc gì cũng làm miễn là không trái với đạo đức, không vi phạm pháp luật”, chàng trai chia sẻ.
https://thanhgiong.vn/moi-tuan-mot-cau-chuyen-dep-chang-trai-nghien-lo-chuyen-bao-dong-50359.html