Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư: ‘Kinh tế cuối năm vẫn khó khăn’

139

Trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng thay đổi nhân sự trong bộ máy Chính phủ không ảnh hưởng nhiều tới điều hành vĩ mô, song kinh tế 6 tháng tới vẫn rất khó khăn vì lạm phát, nhập siêu và lãi suất.

Bổ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng lạm phát năm nay khó dừng ở con số 15%. Ảnh: Nhật Minh
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng việc điều chỉnh mục tiêu lạm phát là cần thiết. Ảnh: Nhật Minh

– Các chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm như lạm phát và GDP đều thấp xa mục tiêu ban đầu mà Quốc hội đề ra và Chính phủ cũng nhiều lần phải điều chỉnh dự báo của mình. Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về dự báo và kế hoạch kinh tế, Bộ trưởng nhìn nhận thực tế này thế nào?

– Dự báo và kế hoạch kinh tế 2011 chúng tôi trình Quốc hội cuối năm ngoái dựa trên kết quả 9 tháng đầu năm 2010, khi nền kinh tế đang ổn định, các chỉ số đều tốt. Vì thế, Quốc hội xác định mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% và lạm phát 7%, thấp hơn tăng trưởng GDP.

Nhưng ngay sau khi Quốc hội họp xong, thế giới bắt đầu bất ổn. Diễn biến ở châu Phi và Trung Đông tác động xấu tới giá dầu mỏ, vốn là chỉ số quyết định các loại chi phí quan trọng khác như điện, năng lượng, vận tải và tác động tới mặt bằng chung của thế giới. Khủng hoảng nợ công châu Âu đặc biệt ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng toàn cầu vì thế không như chúng ta dự báo, giá cả biến động. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng.

Đánh giá tình hình như vậy, ngay tháng 2, chúng ta kịp thời điều chỉnh, trong đó mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 và tôi cho rằng nghị quyết này ban hành đúng lúc, nội dung phù hợp với tình hình và việc chỉ đạo, điều hành rất tích cực, mang lại kết quả bước đầu.

– Nhưng theo Bộ trưởng, kinh tế 6 tháng cuối năm phải đối mặt với những khó khăn nào?

– Có 3 vấn đề khiến kinh tế của chúng ta khó khăn. Nổi cộm nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhiều, đến tháng 6 này đã tăng 13,29% so với cuối năm ngoái. Tháng trước, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu và kiên định giữ CPI đến cuối năm tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.

Nhưng muốn đạt mục tiêu đó, 6 tháng cuối năm CPI chỉ được phép tăng chưa đầy 2%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng rất khó thực hiện. Phiên họp thường kỳ tháng 6, Bộ sẽ nêu khó khăn này với Chính phủ. Nhiều chuyên gia nghiên cứu của Bộ cho rằng con số khả quan nhất chúng ta có thể giữ được đến cuối năm là 17-18%. Có hai áp lực khiến chỉ số giá còn tăng cao, đó là xu thế tăng giá chung trên toàn thế giới và tỷ giá. Tỷ giá của chúng ta đã được giữ ổn định trong thời gian dài, nhưng giờ đang rục rịch tăng lên. Có ý kiến cho rằng từ nay đến cuối năm tỷ giá còn tăng nữa.

Lãi suất ngân hàng cũng là một vấn đề nổi cộm và ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất kinh doanh. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn khống chế lãi suất huy động VNĐ ở 14%. Nhưng chúng ta đều biết giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại không được như vậy. Lãi suất huy động VNĐ ở các ngân hàng thường bằng cách này cách khác đã ở 18-19%, lãi suất vay cộng thêm 4-5% nữa thành 22-24%. Chúng tôi cho rằng vấn đề này cần chú ý, bởi với những yếu kém của hệ thống ngân hàng hiện nay, để lãi suất giảm trong thời gian tới rất khó.

Vấn đề nổi cộm thứ ba chính là nhập siêu. Quốc hội cho phép nhập siêu không quá 18% kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ muốn đưa xuống dưới 16%. Nhưng thực tế 6 tháng đã hơn 18%. Tỷ lệ này sẽ đe dọa an toàn của cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, từ đó mà ảnh hưởng tới cân đối vĩ mô nói chung. Chúng ta vẫn nhập siêu lớn vì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thấp, hàng hóa bên ngoài tràn vào nhiều. Vì thiếu công nghiệp phụ trợ, chúng ta phải nhập nhiều nguyên phụ liệu và phụ kiện về sản xuất. Vì thế mà giá trị gia tăng thu được từ mỗi đồng xuất khẩu rất thấp. Điều này không chỉ xảy ra ở lĩnh vực dệt may, da giày, mà ngay cả ôtô, xe máy, hàng điện tử cũng vậy.

– Mới tháng 5 thôi, mục tiêu CPI đã được điều chỉnh lên 15%. Con số này được đưa ra dựa trên căn cứ nào mà giờ đây Bộ trưởng lại dự báo cuối năm phải ở mức 17-18%?

– Con số 15% được Chính phủ đưa ra dựa trên dự báo khá lạc quan, khi thấy hai tháng gần đây giá cả bắt đầu dịu lại và dự kiến tình hình cuối năm thế giới ổn định trở lại. Nhưng đến nay diễn biến lại khác. Theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá cả còn tăng từ nay đến tháng 9, sau đó có dịu lại đôi chút nhưng không đáng kể và tiếp tục tăng cao trở lại trong những tháng cuối năm.

Ngay cả 17-18% cũng là mức đặt ra để phấn đấu hết sức. Trong kỳ họp tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất mục tiêu này với Chính phủ. Mức tăng đó đã tính cả kế hoạch thả giá một số mặt hàng thiết yếu theo thị trường. Và dù sao nó vẫn tốt với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay. Năm 2008, GDP của chúng ta tăng 6,5% nhưng lạm phát tới 22%.

– Phải chăng quan điểm chống lạm phát của chúng ta đã thay đổi, khi mà tại kỳ họp tháng 5 Chính phủ nói không hy sinh tăng trưởng cho mục tiêu lạm phát?

– Mục tiêu số một vẫn là kiềm chế lạm phát, nhưng cần duy trì mức độ tăng trưởng hợp lý. Điều này ngay trong Nghị quyết 11 chúng ta đã nói rồi chứ không có gì thay đổi cả. Chúng ta luôn mong muốn một tốc độ tăng trưởng hợp lý, vào khoảng 6%. Đó là tỷ lệ tăng trưởng hợp lý để ổn định kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho đại bộ phận dân cư đặc biệt là người nghèo. Nếu không có tăng trưởng, thì thất nghiệp, đặc biệt là ở khu vực người nghèo sẽ tăng cao.

Tất nhiên, để có tốc độ tăng trưởng hợp lý cũng có nghĩa chúng ta phải chấp nhận lạm phát ở mức độ nhất định. Có người hỏi tôi có thể thắt chặt hơn nữa được không. Nhưng tôi thấy cố gắng của chúng ta hiện nay đã ở mức hợp lý nhất rồi và cân bằng nhất rồi.

– Theo Bộ trưởng, các biện pháp thắt chặt như hiện nay đến bao giờ bắt đầu có thể được nới lỏng?

– Tôi nghĩ rằng phải thắt chặt hết năm nay, thậm chí có thể phải chuyển sang cả năm tới. Vừa rồi khi chỉ đạo xây dựng kế hoạch cho 2012, Chính phủ và Thủ tướng vẫn nêu mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa họp bàn kế hoạch, ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu trong bộ cũng thống nhất như vậy, cho rằng không nên lấy mục tiêu tăng trưởng làm hàng đầu nữa, mà duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận định tình hình biển Đông chưa ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Ảnh: Nhật Minh
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận định tình hình biển Đông chưa ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Ảnh: Nhật Minh

– Ngoài những yếu tố nêu trên, theo Bộ trưởng, những bất ổn gần đây tại Biển Đông sẽ có thể ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là việc thăm dò – khai thác dầu khí?

– Thực tế Biển Đông luôn luôn diễn biến phức tạp và Việt Nam luôn lường trước và tìm mọi cách để không có bùng nổ. Còn về kinh tế thì hiện chưa có tác động gì lớn. Hoạt động thăm dò và khai thác dầu vẫn diễn ra bình thường. Sản lượng không hề giảm. Về lâu dài, nó sẽ phụ thuộc nhiều vào nỗ lực đàm phán và giải quyết vấn đề của các bên liên quan.

– Bộ máy nhân sự tại các bộ ngành sẽ có nhiều thay đổi vào cuối năm nay, sau khi Quốc hội cử ra Chính phủ mới. Theo Bộ trưởng quá trình này ảnh hưởng thế nào đến chất lượng điều hành kinh tế?

– Khi mà chúng ta làm tốt công tác tổ chức, sẽ không có biến động lớn. Ngay cả năm 2007, khi thay đổi từ nhiệm kỳ của Thủ tường Phan Văn Khải sang nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mọi việc diễn ra bình thường, thậm chí kinh tế năm đó vẫn tăng trưởng rất tốt.

Năm nay cũng sẽ như vậy vì các Bộ đều chuẩn bị chuyển giao kỹ càng. Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng như tôi vẫn đang điều hành những việc sẽ diễn ra trong tháng 7, tháng 8, vẫn chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ…

– Với kinh nghiệm của người 2 nhiệm kỳ giữ trọng trách đứng đầu cơ quan dự báo và lập kế hoạch cho nền kinh tế, ông lạc quan hay bi quan về tình hình 6 tháng cuối năm?

– Nói lạc quan hay không lúc này thật khó. Dĩ nhiên chúng ta phải lạc quan mới phát triển được, nếu không lạc quan sẽ đi vào tiêu cực. Tôi dự báo và hy vọng tình hình dần dần sẽ ổn định. Nhưng đánh giá chung từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn, thể hiện ở giá cả như tôi đã nói, nhập siêu, lãi suất ngân hàng, từ đó dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Vnexpress