Sáng 31-3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển (1653 – 2023). Hội thảo do các ông: Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Xuân Dũng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Nguyễn Đắc Tài – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì. Dự hội thảo có hơn 200 đại biểu bao gồm các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, doanh nhân…
Hình ảnh chương trình biểu diễn nghệ thuật “Xứ Trầm tỏa hương”
Ảnh: AN NGUYỄN
Tiềm năng, lợi thế đặc biệt
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã điểm lại lịch sử 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh đến vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa cùng bản sắc văn hóa độc đáo của xứ Trầm Hương. Đặc biệt, các chuyên gia đều khẳng định, Khánh Hòa có tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn và khác biệt. Tỉnh có đường bờ biển dài 385km (dài nhất trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam), có nhiều vịnh đẹp, nước sâu có điều kiện phát triển cảng biển mang tầm quốc tế. Biển Khánh Hòa chứa đựng nhiều tài nguyên, khoáng sản quý giá… Không chỉ có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Khánh Hòa còn là nơi giao thoa của văn hóa Tây Nguyên và văn hóa biển đảo, văn hóa Chăm… rất thuận lợi để phát triển du lịch.
Các lãnh đạo chủ trì hội thảo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo đánh giá, Khánh Hòa có lợi thế vượt trội về tiềm năng phát triển kinh tế biển, như: Gần đường hàng hải quốc tế cắt qua Biển Đông; vùng biển, đảo và vùng ven biển Khánh Hòa giàu đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn cao, đa dạng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, bao gồm cả cảnh quan biển, đảo – tiền đề cho phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là du lịch biển, cảng biển, đánh cá, nuôi hải sản… Đồng thời, Khánh Hòa còn có vị thế địa chiến lược trọng yếu của huyện đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh… “Bởi vậy, khai thác, sử dụng biển, đảo để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm an ninh – quốc phòng trên biển trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông đã được tỉnh Khánh Hòa đặt vào vị trí ưu tiên xuyên suốt, mang tầm vóc chiến lược” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo.
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bứt phá
Thời gian qua, sự phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để Khánh Hòa có thể phát triển xứng tầm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Cần phải thấy được vai trò của Khánh Hòa trong sự phát triển của cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cũng như cả nước. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài cho Khánh Hòa cất cánh, tạo cực tăng trưởng mang tính lan tỏa cho cả vùng” – ông Thiên nhấn mạnh.
Tiếp cận từ góc độ “Khai thác giá trị tài nguyên, môi trường biển, đảo và phát triển kinh tế bền vững”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi lại cho rằng, để phát huy được lợi thế, tỉnh cần chú trọng xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ khu vực và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển đất nước. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực; rà soát, bố trí lại không gian phát triển và bảo tồn để bảo đảm tính liên kết và giảm thiểu xung đột lợi ích trong phát triển kinh tế biển; chú trọng đào tạo và hỗ trợ cho con em ngư dân và người lao động trên biển có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng tại hội thảo, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh, Khánh Hòa cần phát triển kinh tế theo xu hướng công nghệ số. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế biển, bao gồm: Du lịch biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, công nghiệp tàu biển. Theo đó, tỉnh cần tập trung vào xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các nước có công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Khánh Hòa cần phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển dịch vụ logistics và tăng cường kết nối với các địa phương trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Trong định hướng phát triển, Khánh Hòa phải đầu tư cho những khu vực, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, nhưng cũng phải quan tâm những khu vực còn khó khăn để tạo sự phát triển đồng đều hơn, tránh sự chênh lệch quá xa giữa thành phố với nông thôn và miền núi.
Thành phố Nha Trang nhìn từ phía biển. Ảnh: VĨNH THÀNH
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội lưu ý: “Bản sắc văn hóa đặc biệt nhất của Khánh Hòa là sự hài hòa; thiên nhiên hài hòa, con người hài hòa… Đây là tài sản vô giá của tỉnh trong hội nhập và phát triển. Trong quá trình phát triển sắp tới, Khánh Hòa phải giữ được nét đặc sắc này, không đánh đổi văn hóa để phát triển, coi đây là nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện các quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội…”.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Khắc Toàn đã đánh giá rất cao chất lượng các tham luận, những ý kiến đóng góp cho hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia. “11 tham luận được trình bày tại hội thảo và 3 tham luận được biên tập trong tài liệu của 14 học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành đã cung cấp cho hội thảo góc nhìn đa chiều, khoa học, làm cho hình ảnh Khánh Hòa qua 370 năm xây dựng và phát triển càng thêm rõ nét, đẹp tươi và xán lạn” – ông Nguyễn Khắc Toàn bày tỏ.
https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202303/khanh-hoa-tiem-nang-va-khat-vong-8278345/