Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng việc sắp xếp, giải thể ngân hàng phải đặc biệt lưu ý tới quyền lợi người dân, song Nhà nước cũng không thể đứng ra bao bọc hết tài sản xấu của cả hệ thống.
Ông trao đổi với VnExpress.net bên hành lang Quốc hội chiều 25/10, hai ngày trước phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội mà tái cơ cấu ngân hàng là một trong những chủ đề trọng tâm.
Ông Cao Sĩ Kiêm từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2 nhiệm kỳ, từ tháng 6/1989 đến tháng 10/1997. Ảnh: Nhật Minh |
– Tái cơ cấu ngân hàng là cần thiết, nhưng quan trọng là cách làm và lộ trình triển khai như thế nào. Từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông có gợi ý gì?
– Chúng ta cần chuẩn bị rất công phu trước khi tiến hành tái cơ cấu. Trước hết phải đánh giá thực trạng, để phân loại xem ngân hàng nào khỏe mạnh, ngân hàng nào yếu kém. Với các ngân hàng yếu kém, cần phân tích anh ta yếu kém về cái gì, công nghệ, trình độ quản lý, nhân lực hay thanh khoản, chất lượng tín dụng. Khi đã phân tích một cách toàn diện, thấu đáo, chúng ta mới xây dựng hệ thống giải pháp để xử lý, anh yếu đến đâu tôi hỗ trợ đến đó.
Trong trường hợp đã hỗ trợ mà không vực lên được, chúng ta mới tính tới chuyện sắp xếp lại. Ngay cả khi sắp xếp lại, cũng không cào bằng, tiến hành đại trà. Tùy thực trạng của từng ngân hàng mà chúng ta xem xét gọi vốn bên ngoài, nhà nước mua lại hay cho sáp nhập, giải thể. Tất cả các giải pháp đó phải triển khai trong một lộ trình hợp lý, đảm bảo tính hệ thống cao, vì nếu sắp xếp mà để đổ vỡ hệ thống là không được. Việc sắp xếp cũng phải làm sao để không chỉ mỗi ngân hàng đó mạnh mà cả hệ thống phải mạnh lên. Chúng ta cũng không thể vội vàng, làm ngay bây giờ sẽ rối, mà có khi là anh tốt không giữ lại đi giữ anh xấu thì rất nguy hiểm.
– Trong các giải pháp nêu trên, giải pháp nào hiệu quả và phù hợp với tình hình Việt Nam?
– Với bối cảnh của Việt Nam hiện nay phải dùng phối hợp tất cả các biện pháp đó. Hệ thống ngân hàng Việt Nam anh to anh nhỏ khác nhau, và ngân hàng to cũng có vấn đề của ngân hàng to, anh nhỏ cũng có vấn đề của anh nhỏ. Không nên cứng nhắc một mô hình tái cơ cấu để áp dụng với mọi loại ngân hàng. Cần theo bệnh của từng ngân hàng mà sắp xếp, xử lý cho hợp lý.
– Nếu phải dùng tới biện pháp đau đớn nhất là giải thể ngân hàng, theo ông cần lưu ý điều gì?
– Sắp xếp lại ngân hàng bao giờ cũng phải tính tới quyền lợi của người dân. Tiền gửi của người ta, tiền góp vốn của người ta không được để bị xâm phạm. Đấy là điều rất lưu ý. Tuy nhiên, Nhà nước không thể dùng ngân sách để trang trải hết được. Người gửi tiền đã có bảo hiểm tiền gửi bù đắp một phần nếu ngân hàng không đủ khả năng chi trả.
Chúng ta cũng có thể nghĩ tới biện pháp mua lại nếu ngân hàng đó quá yếu kém, chứ không nhất thiết phải giải thể. Tất nhiên không phải mua tất, Nhà nước không thể bỏ tiền ra bao hết các ngân hàng yếu kém. Ngân hàng anh giá trị 10 đồng, nhưng tôi đánh giá anh còn nợ nần và làm thất thoát 8 đồng, nên tôi chỉ bỏ ra 2 đồng để mua. Sau khi chi 2 đồng để mua, Nhà nước có thể giao lại cho ngân hàng khác quản lý.
– Ngay cả trong trường hợp mua chọn lọc như vậy, ngân sách hiện nay có đáp ứng được không khi mà bối cảnh nợ công đang gia tăng?
– Vốn Nhà nước ở đây không nhất thiết là phải trích từ ngân sách. Ngân hàng Nhà nước có một lượng dự trữ rất lớn hay còn gọi là quỹ bảo toàn vốn. Số này đủ để đem ra dùng tái cơ cấu ngân hàng, vì như tôi nói chúng ta không phải mua nhiều, và có khi mua rồi chúng ta lại bán ngay cho đơn vị khác có nhu cầu, thậm chí có lãi.
– Nguyên bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá mới đây đặt vấn đề tại sao chúng ta cho ra đời những doanh nghiệp yếu kém để rồi giờ đây phải bàn cách xử lý nó. Theo ông, câu chuyện tương tự với ngành ngân hàng nên nhìn như thế nào khi mà cách đây 4-5 năm đã nở rộ phong trào thành lập mới hoặc nâng cấp ngân hàng?
– Đúng là 4-5 năm trước chúng ta có chủ trương cho thành lập ngân hàng, hoặc chuyển đổi ngân hàng nông thôn quy mô vốn và mạng lưới nhỏ thành ngân hàng đô thị với số vốn lớn hơn và phạm vi phục vụ lớn hơn. Lúc đó nền kinh tế đang thịnh hành, khả năng phát triển đang cao, nên chúng ta dự báo tương đối lạc quan và để quá trình thành lập, chuyển đổi ngân hàng diễn ra rất nhanh.
Nhưng chúng ta không thể lường trước được tình hình kinh tế thế giới suy giảm thế này và cũng không thể nhìn thấy những bất ổn vĩ mô nội tại bộc lộ nhanh thế này. Phải thừa nhận khả năng dự báo của chúng ta còn hạn chế. Giờ đây, khi điều kiện quản lý yếu, thanh khoản yếu thì dưới tác động của tình hình thế giới, những yếu kém nội tại bắt đầu bộc lộ ngay, nhất là ở những ngân hàng nhỏ năng lực kém.
– Kinh tế Việt Nam từng trải qua những lần đổ vỡ, giải thể hợp tác xã tín dụng, và chính ông khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước những năm 1990 đã phải đi giải quyết chuyện đó. Vậy tại sao ngành ngân hàng không rút ra bài học kinh nghiệm cho mình?
– Nhìn chung khâu dự báo và khả năng quản lý của chúng ta còn nhiều vấn đề. Nhưng nó cũng phụ thuộc nhiều vào tư duy của người quản lý đương thời. Và nếu người quản lý ngành đoán không trúng thì Nhà nước, nền kinh tế và người dân phải chịu hậu quả.
Theo Vnexpress