Kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm đối với Hoàng Sa, Trường Sa

32

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng quy định trong Công ước của LHQ về Luật Biển.

 

Chiều 18/5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời báo chí về thông tin Trung Quốc gần đây đã mở phi pháp một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (nhà hàng này mở cửa kinh doanh vào cuối tháng 4 vừa qua),

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phó Phát ngôn nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này.

Đối với các thông tin về tàu nghiên cứu của Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó Phát ngôn khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

“Đối với các vụ việc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã, đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam,” Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Về thông tin phóng viên nêu rằng Philippines ngày 14/5 thông báo đã đặt các phao định hướng trong vùng biển thuộc Biển Đông, Phó Phát ngôn khẳng định rõ Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), có đóng góp tích cực cho việc duy trì, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo vietnamplus.vn