5 nền kinh tế sẽ thay đổi thế giới

163

Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Congo, Indonesia, Kazakhstan là những nước được kỳ vọng tạo ra thay đổi lớn cho trật tự kinh tế thế giới ở tương lai gần. Nigeria là một ứng viên tiềm năng cho nhóm này.

20 năm sau sự sụp đổ của liên minh Xô Viết, nhóm quốc gia nghèo Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil đã dần nổi nên và trở thành các cường quốc kinh tế, xoá bỏ những định kiến kéo dài hàng thế kỷ về khoảng cách giữa nhóm nước này với cường quốc số một – Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc-quốc gia từng nghèo nhất thế giới nay đã sắp ngang ngửa Mỹ về quy mô kinh tế.

Trật tự thế giới đang thay đổi. Vậy những nước nào có triển vọng bứt phá? Dưới đây là danh sách 5 nền kinh tế mới nổi đầy tiềm lực, được dự đoán là sẽ lớn mạnh trong tương lai không xa. Ngoài ra danh sách còn bổ sung thêm Nigeria – quốc gia thứ 6 được đánh giá là có nhiều tiềm năng.

1. Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ

Tháng 1/2012, khi viện nghiên cứu Brookings Institude của Mỹ xếp hạng 10 thành phố phát triển nhanh nhất thế giới thì Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 3, trên Hàng Châu của Trung Quốc.

Với thể chế dân chủ và nền văn hoá thương mại hùng mạnh, các thành phố của nước này đang ngày càng thành công trong lĩnh vực tài chính, xây dựng và sẽ sớm trở thành những trung tâm xuất khẩu ra thị trường châu Âu.

Trong khi nền kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực đang suy thoái, thì tốc độ tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái vẫn đứng ở mức khá cao-11%, vượt qua cả Trung Quốc. Và một thế kỷ sau sự tan rã của đế chế Ottoman, đất nước này đang đổi mới chính sách ngoại giao cứng rắn của mình đối với Trung Đông và Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ đứng đầu nhóm các quốc gia Hồi giáo khi những khu vực này phát triển.

2. Indonesia

Là một trong bốn quốc gia có lãnh thổ rộng nhất thế giới, với 238 triệu dân, nền kinh tế Indonesia đang phát triển nhanh chóng kể từ năm 2007.

Khác với Trung Quốc có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Indonesia chủ yếu phát triển nội thương và có khả năng chống chịu lớn trước ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ và châu Âu. Hiện Indonesia có mức nợ thấp và sở hữu nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hội tụ đủ ba yếu tố: mô hình các doanh nghiệp nhà nước theo kiểu Trung Quốc, bộ máy quản lý vững mạnh như Brazil và đi lên từ cái nghèo như Ấn Độ, Indonesia chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

3. Kazakhstan

Với nguồn tài nguyên giàu có, vị trí địa lý nằm giữa Nga và Trung Quốc, đất nước một thời gian bị gọi là “ao tù của thế giới” dường như nắm bắt mọi thuận lợi trước đà phát triển của châu Á.

Đặc biệt, sự rối loạn của khu vực Trung Đông khiến đất nước thưa dân khá ổn định về mặt chính trị này trở thành trung tâm năng lượng đầy tiềm năng. Tuy nhiên, chính phủ Kazakhstan vẫn đang khôn khéo đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phi năng lượng như giao thông vận tải hay y dược và tránh gây chú ý. Nhưng một khi châu Á phát triển thì Kazakhstan cũng không nằm ngoài đà tiến.

4. Cộng hoà dân chủ Congo

Tham nhũng và chiến tranh đã khiến cái tên “Congo” đồng nghĩa với “thảm hoạ”.Trong lúc còn đang xoay sở với nhiều vấn đề rối ren, nước này cũng nỗ lưc tận dụng những tiềm năng phát triển kinh tế to lớn của mình.

Ngành thương mại khoáng sản của Congo đang thúc đẩy quá trình đô thị hoá mạnh mẽ – một bước chuyển mình quan trọng, phát triển cơ sở hạ tầng và nền công nghiệp truyền thông non trẻ. Nếu quốc gia này có thể duy trì được sự ổn đinh về chính trị thì chỉ trong một vài năm tới, sự tăng trưởng nhanh chóng là điều có thể. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đang được chú trọng phát triển, đẩy mạnh tính cạnh tranh của nền nông nghiệp sẽ mang lại cho Cộng hoà dân chủ Congo sự tăng trưởng về lâu về dài.

5. Mexico

Trường hợp của Mexico thì không có gì mới mẻ. Đây là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới, tăng trưởng ở tốc độ vũ bão nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Cứ 3 trong 4 đôla thu về bởi ngành xuất khẩu là từ thị trường Mỹ, điều khiến Mexico hoàn toàn khác biệt so với những nước chủ yếu xuất khẩu vào thị trường châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ.

Thương mại của Mexico chủ yếu dựa trên ngành chế biến thực phẩm và nguồn tài nguyên thiên nhiên khiến cho quốc gia này có thể đứng vững trước những biến động của giá cả hàng hoá. Mới đây, dựa trên tỷ lệ thất nghiệp và mức tăng trưởng về thu nhập, chương trình Chính sách mẫu quốc Brookings đã kể tên Mexico City như một trong những thành phố có nền kinh tế vũ bão nhất thế giới.

Nigeria

Dù không nằm trong top 5, Nigeria vẫn được coi là quốc gia đầy tiềm năng bứt phá. Lẽ ra, quốc gia Tây Phi này phải đứng đầu danh sách do có dân số đông nhất châu Phi, trữ lượng dầu mỏ chỉ sau Libya. Tuy nhiên, con đường tiến tới top 5 nền kinh tế triển vọng của Nigeria bị tham nhũng, bạo loạn ngáng đường.

Dù nền kinh tế của Nigeria đang trên đà phát triển thì tỷ lệ đói nghèo vẫn lên tới 69% với các mức thu nhập không đồng đều và ảnh hưởng đến những bước tiến mới của đất nước. Tỷ lệ lạm phát dự kiến còn tăng, đè gánh nặng lên tầng lớp lao động. Hiện tại, việc khai thác, xuất khẩu dầu mỏ và sự lớn mạnh của ngành năng lượng vẫn chưa đủ để chống đỡ cho toàn bộ nền kinh tế nước này. Nigeria hội tụ đủ những ưu điểm để tăng trưởng kinh tế theo mô hình BRIC (mô hình các quốc gia mới nổi), và sẽ phát huy được hết những thế mạnh này trong tương lai không xa.

Tạ Linh (Theo Business Insider)

Nguồn Vnexpress