Phương pháp luận duy vật biện chứng là phương pháp cơ bản nhất trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Hồ Chí Minh, là “chìa khoá” để Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh mới, việc vận dụng đúng phương pháp này theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ góp phần đổi mới tư duy lý luận, nâng cao năng lực thực tiễn trong toàn Đảng, cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin “bằng những kết luận mới rút ra trong thực tiễn sinh động”(1). Đây chính là tiền đề quan trọng, quyết định những sáng tạo lý luận của Người, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng…”(2).
Việc nhận thức sâu sắc phương pháp sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh là một trong những vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khẳng định sức sống trường tồn, bất diệt của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN LÀ “KIM CHỈ NAM CHO HÀNH ĐỘNG, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ KINH THÁNH”(3)
Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình sang phương Tây tìm đường cứu nước. Quá trình hoạt động cách mạng, Người có dịp khảo nghiệm nhiều học thuyết khác nhau song đều cương quyết từ chối vì nó không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin và tìm thấy ở đó chân lý cứu nước đúng đắn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(5). Sự thông tuệ về tri thức, nhãn quan chính trị đặc biệt, tư duy độc lập, sáng tạo đã giúp Người hiểu rằng: trên thế giới không có “con đường cách mạng vô sản” định sẵn cho Việt Nam mà phải vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin vào thực tiễn, hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn. Tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người cộng sản, Người đề ra phương châm học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng vào giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra, chứ không phải là thuộc làu từng câu, từng chữ rồi lắp ghép một cách máy móc. Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đưa ra kết luận quan trọng: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”(6). Khẳng định trên có phần khác với nhận thức của nhiều đảng viên cộng sản quốc tế, vì rõ ràng châu Âu là quê hương của chủ nghĩa Mác – Lênin, nơi đó có phong trào công nhân phát triển ở trình độ tự giác cao. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu, xem xét thực tiễn các nước châu Á, Người đã chỉ ra những tiền đề về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội mà nhờ đó chủ nghĩa xã hội (CNXH) có thể dễ dàng thâm nhập hơn châu Âu.
Tháng 9/1924, mặc dù còn rất trẻ cả về tuổi đời và tuổi đảng nhưng Nguyễn Ái Quốc đã tỏ rõ bản lĩnh phi thường và trí tuệ thiên tài khi đặt vấn đề: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(7). Theo Người, “xem xét lại chủ nghĩa Mác” không phải là hành động “xét lại” chủ nghĩa Mác như các phần tử phản động từng quy kết mà là làm cho chủ nghĩa ấy đứng vững trên mảnh đất hiện thực Việt Nam. Đó càng không phải là sự đối lập giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin mà là sự sáng tạo lý luận của Người trên nền tảng thế giới quan duy vật và phương pháp luật biện chứng mác xít, lênin nít.
“CHỦ NGHĨA DÂN TỘC BẢN XỨ” LÀ “TƯ LIỆU MÀ MÁC Ở THỜI MÌNH KHÔNG THỂ CÓ ĐƯỢC”
Với vốn hiểu biết lịch sử dân tộc sâu rộng, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra nguồn sức mạnh nội sinh, vô địch để cứu nước chính là chủ nghĩa dân tộc: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(8). “Chủ nghĩa dân tộc” hay “chủ nghĩa dân tộc bản xứ”(9) được Nguyễn Ái Quốc nhắc đến chính là “chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc” chứ không phải là chủ nghĩa dân tộc vị kỷ hay chủ nghĩa dân tộc sô vanh như các phần tử phản động, xét lại từng xuyên tạc. Chủ nghĩa yêu nước có sức mạnh vô địch, “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(10). Thực tiễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các khuynh hướng cứu nước khác nhau ở Việt Nam đã giương cao ngọn cờ yêu nước song tất cả đều thất bại. Sự thất bại đó đã chứng minh một thực tế, chủ nghĩa yêu nước trong thời đại mới muốn phát huy được sức mạnh cần phải có một lý luận cách mạng khoa học dẫn đường và một giai cấp cách mạng tiên phong lãnh đạo. Do đó, theo Nguyễn Ái Quốc, để cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi thì con đường duy nhất đúng là: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(11). “Nhân danh Quốc tế Cộng sản” ở đây chính là đưa cách mạng Việt Nam đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản, với hạt nhân cốt lõi là phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải là thủ đoạn chính trị để dụ dỗ, lôi kéo quần chúng hay thủ thuật “đánh lận con đen” nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản quốc tế như các phần tử phản động bóp méo, xuyên tạc.
Tuy nhiên, giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong điều kiện thực tiễn một nước thuộc địa, nửa phong kiến như Việt Nam là nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ. C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp và nhiệm vụ giải phóng giai cấp, coi đây là điều kiện tiên quyết để giải phóng con người, giải phóng xã hội. Lập luận như vậy hoàn toàn không sai, là vì: 1) Tại các nước châu Âu, mâu thuẫn cơ bản của xã hội là mâu thuẫn giữa hai giai cấp đối kháng: tư sản với vô sản. 2) Về cơ bản, ở châu Âu, vấn đề dân tộc đã được giải quyết trong cách mạng tư sản. 3) Vào thời của C.Mác, hệ thống thuộc địa đã có, nhưng các cuộc đấu tranh giành độc lập chưa phát triển mạnh. Nguyễn Ái Quốc đã giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin.
“Phương pháp tư tưởng tổng quát của Cụ Hồ, dĩ nhiên là duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Nhưng về phương pháp tư tưởng có cái gì đặc sắc của Cụ Hồ không? Có thể nào nói đến phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh khi mà Cụ chưa hề nói đến phương pháp luận? Cụ chưa hề nói đến phương pháp luận, nhưng trong hoạt động chính trị, văn hóa của Cụ, người nghiên cứu dường như trong thấy một lề lối có thể gọi là chữ phương pháp luận, phương pháp tư tưởng”. (Trần Văn Giàu: Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Viện Hồ Chí Minh, H, 1996, t.2, tr.49). |
LẤY CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN “LÀM CỐT”(12) CHỨ KHÔNG PHẢI “ÁP DỤNG MỘT CÁCH MÁY MÓC”(13)
Ngay sau khi giác ngộ lý luận Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào quá trình vận động thành lập Đảng. Theo công thức của V.I.Lênin, muốn thành lập đảng cộng sản phải kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc vận dụng công thức này không thể có kết quả vì giai cấp công nhân Việt Nam quá nhỏ yếu, cả về số lượng và chất lượng, lại đang chịu cảnh “một cổ hai tròng” áp bức. Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra một lực lượng xã hội to lớn, có đủ khả năng hấp thụ chủ nghĩa Mác – Lênin đó là tầng lớp thanh niên Việt Nam yêu nước. Vì vậy, ngay khi về tới Quảng Châu, Trung Quốc, Người đã bắt tay vào cải tổ “Tâm Tâm Xã” – một tổ chức của thanh niên Việt Nam yêu nước thành tổ chức cách mạng lấy tên là “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Người trực tiếp biên soạn bài giảng và lên lớp. Các khóa huấn luyện của Hội đã góp phần đào tạo ra những “con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản)”(14) sẽ là hạt nhân nòng cốt để tổ chức ra Đảng. Để chuyển hoá những thanh niên cách mạng trở thành những chiến sĩ cộng sản thực thụ, Nguyễn Ái Quốc đã đưa họ về nước thông qua phong trào “Vô sản hóa” nhằm mục đích giác ngộ bản chất giai cấp công nhân và tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin. Ngày 3/2/1930, bằng uy tín và ảnh hưởng đặc biệt của mình, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là phương thức “gián tiếp” để tổ chức ra Đảng, phản ánh tính đặc thù về quy luật ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong những cống hiến sáng tạo bậc nhất của Nguyễn Ái Quốc trên hành trình vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin.
Mặt khác, bằng việc đề ra “Cương lĩnh chính trị đầu tiên” (3/2/1930), Nguyễn Ái Quốc đã góp phần bổ sung làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác – Lênin trên nhiều phương diện, nhất là vấn đề xác định lực lượng cách mạng. Căn cứ vào tính chất xã hội và đặc điểm các giai cấp, Người đã phát hiện ra công thức đặc biệt để xác định lực lượng cách mạng, đó là: lấy tinh thần yêu nước là “mẫu số chung, là điểm tương đồng”; lấy “mức độ bị áp bức” làm thước đo ý chí cách mạng. Người chỉ rõ: “Vì bị áp bức mà sinh ra Kách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng Kách mệnh càng bền, chí Kách mệnh càng quyết”(15). Theo đó, tất cả mọi người dân Việt Nam không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính… miễn là có tinh thần yêu nước thì đều là lực lượng cách mạng, trong đó nòng cốt của cách mạng là khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là chiến thắng vĩ đại đầu tiên trong hành trình vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng ta. Thắng lợi ấy là bằng chứng không thể chối cãi nhằm phản bác luận điệu “xét lại lịch sử” khi cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chẳng qua chỉ là “sự ăn may”. Bởi vì, “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(16). Tuy nhiên, ngay sau khi cách mạng thành công, nền độc lập của đất nước đứng trước tình thế hiểm nghèo “Ngàn cân treo sợi tóc” tiếp tục đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin. Để chống “giặc đói”, Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và phong trào “Hũ gạo cứu đói”. Để giảm bớt áp lực cho tài chính Quốc gia, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đặt ra “Quỹ độc lập” và kêu gọi nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ vàng” ủng hộ Chính phủ. Để xoá nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, Chính phủ đã phát động phong trào “Bình dân học vụ”. Để cứu nguy dân tộc trước hoạ ngoại xâm, Chính phủ đã thực hiện sách lược “Hoà để tiến”… Những sách lược trên đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, từng bước phân hoá kẻ thù, chủ động kéo dài thời gian hoà hoãn, góp phần tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để rồi làm nên thắng lợi bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tuy nhiên, giành, giữ chính quyền đã khó, xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) còn khó hơn nhiều. Bởi vì, Việt Nam đi lên CNXH “từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(17). Từ đặc điểm đó, Hồ Chí Minh cho rằng: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”(18). Do vậy, theo Người, để xây dựng thành công CNXH không thể rập khuôn theo mô hình của Liên Xô mà mấu chốt nhất là: “phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo… dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”(19). Bằng việc phác thảo mô hình CNXH ở Việt Nam, xác định đặc điểm, tính chất, nhiệm vụ, bước đi, biện pháp quá độ lên CNXH…, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng chế độ mới đạt được những thành tựu to lớn. Miền Bắc trở thành hậu phương lớn vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ lịch sử “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”.
LUÔN KIÊN ĐỊNH VẬN DỤNG SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC -LÊNIN TRƯỚC MỌI KHÓ KHĂN, THỬ THÁCH
Những tư tưởng sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc ban đầu đã không được Quốc tế Cộng sản thừa nhận. “Cương lĩnh chính trị đầu tiên” đã phác thảo con đường cách mạng Việt Nam nhưng đã bị quy kết là trái với quan điểm của Quốc tế Cộng sản trên nhiều vấn đề: tên Đảng, vấn đề lực lượng cách mạng… Nguyễn Ái Quốc bị quy kết, phê phán kịch liệt là người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Hậu quả là trong suốt thời gian 8 năm (1931-1938), Nguyễn Ái Quốc không được phân công bất cứ nhiệm vụ gì trong Quốc tế Cộng sản.
Năm 1938, trước yêu cầu tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa phát xít, những quan điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản thừa nhận và chấp thuận về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Ngày 28/1/1941, Người đặt chân về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ngày 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định “thay đổi chiến lược” bằng việc đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Những quyết sách đúng đắn của Hội nghị là tiền đề dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những bước phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây dựng CNXH, bản lĩnh kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin được thể hiện ở tư duy độc lập, sáng tạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta trong xác định đường lối tiến hành đồng thời vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ, nhân dân ở miền Nam. Rõ ràng, trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn từ tình trạng “Chiến tranh lạnh” giữa 2 siêu cường là Mỹ và Liên Xô, trong “sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em”(20), tư duy độc lập, sáng tạo đã giúp Hồ Chí Minh và Đảng ta đề ra chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp.
Ngày nay, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước thu được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(21). Đây là những lý lẽ và minh chứng đanh thép, không thể chối cãi nhằm phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục kế thừa và phát huy bài học kinh nghiêm quý báu: “kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(22). Trong đó, đổi mới lý luận phải trở thành nhu cầu tự thân, là yêu cầu sống còn, nhiệm vụ then chốt của Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm thành công của sự nghiệp đổi mới. Trong giai đoạn cách mạng mới, “Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành cùng thực tiễn”(23). Do đó, học tập phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là “chìa khóa” góp phần đẩy mạnh đổi mới tư duy lý luận và nâng cao năng lực thực tiễn trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(24)./.
Hồ Chí Minh không phải là người sáng tạo ra phương pháp luận duy vật biện chứng mới, mà là người đã vận dụng phương pháp luận đó theo những cách thức sáng tạo độc đáo, đạt hiệu quả cao nhằm giải quyết những nhiệm vụ lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. |
Nguyễn Trung Thành
Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng
(1) (13) (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.11, tr.95, 95, 92.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.88.
(3) (10) (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.120, 38, 25.
(4) Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, t.1, tr.30.
(5) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.30, 411.
(6) (7) (8) (9) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.47, 510, 511, 513, 513.
(12) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289, 288.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.14.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.391.
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.613.
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021 t.II, tr.322.
(22) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Sđd, t.I, tr.26.
(23) (24) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022 tr.273, 279.
https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/bo-sung-co-so-lich-su-cho-chu-nghia-mac-lenin-phuong-phap-luan-duy-vat-bien-chung-cua-ho-chi-minh-144692