‘Xăng tăng một đồng, người nghèo thiệt 2 đồng’

169

Theo tính toán của Tiến sĩ Võ Trí Thành và các đồng sự tại Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, người nghèo là đối tượng chịu thiệt thòi gấp đôi trong mỗi lần tăng giá điện, xăng dầu.

Lần điều chỉnh ngày 20/4 của Liên bộ Tài chính – Công Thương đã đưa giá xăng A92 lên mức cao kỷ lục 23.800 đồng một lít. Trao đổi với VnExpress.net đại diện Bộ Tài chính cho biết mức giá này, nếu được giữ đến hết năm, sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,364%. Trong đó, tác động ở vòng một (trực tiếp) là 0,104%, vòng 2 (gián tiếp lên các lĩnh vực sử dụng xăng dầu) là 0,26%.

Tuy vậy, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), để đánh giá một cách đầy đủ tác động của việc tăng giá các mặt hàng cơ bản lên đời sống, cần xét đến những đối tượng cụ thể. Lý do là cơ cấu chi tiêu của người có thu nhập thấp rất khác so với người có thu nhập cao.

Xăng tăng giá gây ảnh hướng đến người sống của người dân. Ảnh: Hoàng Hà

Theo tính toán của Tiến sĩ Thành và các đồng sự tại một công trình nghiên cứu sắp được công bố, mức thiệt thòi mà người nghèo phải chịu cao gấp đôi so với mức tăng giá của các mặt hàng cơ bản. “Điều đó tương đương với việc nếu tăng giá xăng, giá điện một đồng thì người nghèo phải nhận được thêm 2 đồng mới có thể duy trì mức sống cũ”, ông Thành cho biết.

Clip: Taxi, người tiêu dùng nói về tác động tăng giá xăng

Tại báo cáo gửi Chính phủ trước phiên họp thường kỳ cuối tháng 3, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia từng đề xuất Bộ Tài chính có thể chủ động tiếp tục tăng giá xăng lên mức ngang bằng giá cơ sở. Theo Ủy ban thì trong điều kiện lạm phát đang diễn biến thuận lợi thì việc tăng giá xăng sẽ không tác động nhiều đến CPI, trong khi lại giúp ngân sách giảm bớt gánh nặng bù lỗ.

Ủy ban này còn cho rằng việc điều chỉnh giá giúp Chính phủ có thêm dư địa điều hành, để khi giá thế giới giảm (được dự báo sớm xảy ra), có thể kết hợp việc hạ giá xăng dầu với tăng giá điện. Khi đó, tác động của việc điều chỉnh giá điện lên lạm phát sẽ được triệt tiêu.

Tuy vậy, nhận định về đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua, ông Thành cho rằng đây là việc “cực chẳng đã” sau một thời gian dài giá thế giới leo thang và diễn biến phức tạp, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu lỗ nặng. “Thực tế trước đợt điều chỉnh này đã có ý kiến cho rằng nên tăng ‘một phát’ lên ngang bằng giá thế giới, tức là khoảng 26.000 – 27.000 đồng một lít. Làm như vậy đến khi giá thế giới giảm, cơ quan điều hành cũng có thể giảm mạnh giá bán lẻ trong nước ”, ông nói.

Tiến sĩ Thành cũng cho biết phương án này sau đó không được chấp nhận bởi tác động xã hội nếu điều chỉnh “sốc” là rất lớn. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng diễn biến giá tiêu dùng những tháng gần đây khá “đẹp” để điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, mục tiêu giữ lạm phát ở một con số hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy vậy, một số chuyên gia kinh tế khác lại có quan điểm kém lạc quan hơn. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong quá khứ có nhiều ví dụ cho thấy điều chỉnh mạnh giá xăng dầu đã làm đột biến CPI: Tháng 7/2008, xăng tăng giá 4.500 đồng mỗi lít, CPI năm đó lên tới gần 23%. Tháng 2/2011, xăng tăng 2.900 đồng thì lạm phát cả năm cũng hơn 18%. “Chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, xăng dầu điều chỉnh tới 2 lần, tăng gần 14% thì chắc chắn CPI tháng 5 sẽ rất đáng ngại”, ông Long nhận định.

Lý giải những con số “đẹp” của CPI những tháng qua, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, chỉ số giá đã chịu tác động rất lớn từ “vụ bê bối” chất tạo nạc trong thịt lợn, khiến mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa giảm giá mạnh. “CPI đã đi phi quy luật vì có hiện tượng bất bình thường. Khi cung cầu ổn định, chắc chắn chỉ số giá sẽ có những biến động khi giá xăng dầu tăng”, ông Doanh nhận định.

Cũng theo 2 chuyên gia kinh tế này, việc CPI, cùng với nhiều chỉ số sản xuất, thương mại… giảm sút trong những tháng đầu năm cho thấy sức mua của người dân đang ở mức rất thấp. Trong điều kiện như vậy, việc cần làm không phải là tăng giá mà cần giảm gánh nặng tiêu dùng nếu như không muốn người dân phải tiếp tục thắt chặt hầu bao.

Về điều hành giá xăng dầu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lưu ý rằng việc mua bán xăng dầu trên thị trường quốc tế đều là các giao dịch tương lai – vốn giảm giá mạnh trong tuần qua sau khi những căng thẳng giữa Iran và phương Tây phần nào hạ nhiệt. “Giai đoạn trước, giá thế giới cao thì không thực hiện điều chỉnh. Nay giá nhập khẩu đã có lợi thì lại tăng giá bán trong nước. Điều hành như vậy khó có thể coi là hợp lý”, Tiến sĩ Doanh nhận định.

Doanh nghiệp ‘làm xiếc’ cơ cấu giá xăng

Nhật Minh – Hoàng Lan

Theo Vnexpress