“Vừa rồi đi tiếp xúc, cử tri kêu lắm, mỗi chuyện tàu thủy lỗ. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, tiền hỗ trợ chẳng đáng bao nhiêu mà mãi chưa quyết được, đằng này hàng nghìn tỷ đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột”, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói.
Ông nhận định một đất nước nhiều biển nhiều cá như Việt Nam đương nhiên cần ngành hàng hải, đóng tàu, nhưng không thể đi nhanh, đi vội để vươn tới vị trí nhất nhì thế giới trong lĩnh vực này, bởi thực tế ngành đóng tàu vẫn chủ yếu gia công, sửa chữa. Do quản lý Nhà nước lỏng lẻo, thiếu giám sát nên đến khi thanh tra vào cuộc, người ta mới vỡ lẽ ra Vinalines thua lỗ và làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Cũng vì thiếu giám sát, nên khi bị phát hiện sai phạm, nguyên lãnh đạo Vinalines đã bỏ trốn.
“Vinalines thua lỗ, cựu chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa. Cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Vinalines đã ốm yếu như vậy nhưng lại phải cõng thêm Vinashin, sụp đổ là đương nhiên”, ông Thanh nói.
Vinalines từ chỗ báo lãi đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra con số lỗ hơn 1.600 tỷ đồng trong hai năm 2009-2010, cùng hàng chục triệu đôla thất thoát do sai phạm trong đầu tư và mua sắm. |
Tâm sự của vị đại biểu nổi tiếng trực ngôn làm nóng không khí thảo luận tại tổ chiều 24/5 về đề án tái cấu trúc nền kinh tế, một công trình bị chê là quá mông lung, chung chung và khó hiểu. Và cũng chính từ những sai phạm của Vinalines, các đại biểu càng có thêm cơ sở để nhận định rằng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần bắt đầu từ việc xem lại cơ chế quản lý, giám sát vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Mà nhìn rộng hơn, đó là câu chuyện định hướng lại vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.
“Câu chuyện xảy ra tại các tập đoàn nhà nước lớn như Vinashin và mới đây là Vinalines cho thấy cần xem lại vai trò của các doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến trao đổi với VnExpress. Theo bà, chủ trương doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo trong nền kinh tế đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn chiến tranh hay khi bị bế quan tỏa cảng do cấm vận từ bên ngoài. Nhưng khi nền kinh tế đang chuyển dần sang cơ chế thị trường và hội nhập, chủ trương đó cần xem lại.
Không phủ nhận vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong đảm bảo an ninh quốc gia và an sinh xã hội, nhưng bà Yến chỉ ra thực trạng đáng lo ngại là vai trò của các tập đoàn, tổng công ty đang ngày một giảm sút do tham nhũng, lãng phí, hiệu quả kinh tế thấp. Các nghiên cứu công bố thời quan gian cho thấy để làm ra một đồng lợi nhuận, các tập đoàn nhà nước cần tới 8-9 đồng vốn, cao gấp 2-3 lần các thành phần kinh tế khác.
“Nếu còn xác định doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nghĩa là vẫn tạo đặc quyền, đặc lợi, vẫn tạo ra vùng cấm dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước và không tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, chắc chắn còn nhiều Vinalines, Vinashin”, bà Yến không ngại bày tỏ quan điểm.
Theo đại biểu Phan Đình Trạc, cử tri không chỉ bức xúc về thua lỗ và sai phạm của Vinalines, mà còn lo lắng khi cơ chế quản lý, giám sát lạc hậu, không theo kịp thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông đề nghị dựa trên kết luận của thanh tra, cần làm rõ hơn bao nhiêu tiền sử dụng sai mục đích, bao nhiêu còn thu hồi được và bao nhiêu tiền đã mất, có như vậy mới quy được trách nhiệm để xử lý từng cá nhân, tổ chức.
“Từ sự việc Vinalines, tôi thấy nhân dân rất bức xúc về cách sử dụng vốn và tài sản nhà nước. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, cần sớm có một đạo luật riêng về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị.
Chính phủ là đại diện chủ sở hữu có quyền hạn cao nhất trong các tập đoàn. Nhưng với cơ chế hiện nay, Chính phủ lại chính là người chịu trách giám sát hoạt động và hiệu quả sử dụng vốn tại các tập đoàn. Trong khi đó, Quốc hội lại không thể “với xuống” để giám sát, dù những đồng vốn giao cho doanh nghiệp sử dụng cũng từ ngân sách, từ tiền đóng thuế của nhân dân mà ra.
“Cũng cần phải có cơ chế buộc các tập đoàn công khai, minh bạch hoạt động giống như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, để người dân và xã hội giám sát hoạt động của các tập đoàn”, ông Lịch nói thêm. Theo ông, chính vì thiếu công khai nên chỉ khi thanh tra vào cuộc người ta mới thấy chuyện đã rồi, mới biết các hoạt động đầu tư sai, sử dụng vốn kém hiệu quả, thậm chí tùy tiện.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội tuần này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết bộ Chính phủ sẽ đưa ra cơ chế giám sát tài chính mới, giúp cơ quan quản lý nắm sát thực trạng tài chính ở những doanh nghiệp đang sử dụng vốn nhà nước và từ đó sớm có những cảnh báo cần thiết, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Cơ chế này quy định 3 chủ thể giám sát, bao gồm doanh nghiệp (từ hội đồng thành viên, ban điều hành cho tới bộ phận kế toán), chủ sở hữu vốn nhà nước (gồm các bộ phận liên ngành, ủy ban tình thành, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) và thứ ba là cơ quan quản lý theo từng lĩnh vực. Vì vậy, theo Bộ trường Huệ, cơ chế mới cho phép giám sát bản thân doanh nghiệp và cả chủ sở hữu của nó. Đặc biệt, sẽ áp dụng cơ chế giám sát đặc biệt với những doanh nghiệp có vấn đề về tài chính, thua lỗ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vượt mức an toàn, báo cáo sai sự thật…
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng sẽ là chưa đủ nếu Chính phủ chỉ dừng ở quy chế giám sát này. Theo ông, việc quản lý, giám sát các tập đoàn tổng công ty nhà nước phải được thể chế hóa bằng một đạo luật, có như vậy mới đủ mạnh để đạt hiệu quả như mong muốn.
“Cơ quan nào ban hành điều lệ hoạt động của doanh nghiệp thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm giám sát. Nếu Chính phủ ban hành nghị định thành lập một tập đoàn, thì Quốc hội không có cơ chế để giám sát tập đoàn đó”, ông lo ngại.
Đại biểu Quốc hội bức xúc việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
“Vinalines sai phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn được đề bạt làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Cần phải làm rõ có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào khi bổ nhiệm” – Đại biểu Phan Đình Trạc.
“Trước khi có kết luận, thanh tra phải đi lại năm mười lượt. Yếu kém như thế nào thì lãnh đạo thừa biết rồi, nhưng vẫn bất chấp mà đề bạt. Phản cảm ghê gớm, phải giải thích kiểu gì đây?” – Đại biểu Nguyễn Bá Thanh.
“Đừng lấy cái ngày kết luận chính thức của thanh tra để so với ngày bổ nhiệm mà bảo rằng tôi bổ nhiệm trước khi thanh tra kết luận, cái đó là một sự chống chế không thuyết phục. Tôi cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng phải giải trình trách nhiệm về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Và tôi tin rằng nhiều đại biểu sẽ chất vấn về việc đó” – Đại biểu Theo Vnexpress