Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước giảm 0,26% trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2009, CPI có mức âm.
Với mức giảm 0,26% so với tháng 5, tính chung từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước chỉ tăng 2,52%, mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm 2011, mặt bằng giá hiện tại cũng chỉ tăng khoảng 6,9%.
Giá xăng dầu hạ nhiệt đã đóng góp lớn vào đà giảm của CPI. Ảnh: VGP |
Đóng góp lớn cho đà giảm của CPI tháng 6 là khu vực hàng ăn – dịch vụ ăn uống khi nhóm chiếm đến 40% trong rổ hàng hóa này giảm giá 0,23% (lương thực giảm 0,78%, thực phẩm giảm 0,31%, riêng ăn uống ngoài gia đình vẫn tăng 0,6%). Sự trầm lắng của thị trường bất động sản cũng như việc giảm liên tục giá xăng dầu cũng khiến chỉ số ở hai nhóm nhà ở – vật liệu xây dựng và giao thông lần lượt giảm 1,21% và 1,64%.
Hai nhóm mặt hàng khác cũng giảm giá trong tháng là bưu chính viễn thông (-0,02%) và văn hóa – giải trí – du lịch (-0,27%). Mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong tháng là may mặc – mũ nón – giày dép (0,62%), chủ yếu do yếu tố mùa vụ.
Trên thực tế thì việc nền kinh tế giảm phát trong tháng 6 đã được dự báo khi hầu hết tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… và nhiều địa phương khác đều công bố mức tăng CPI âm (lần lượt giảm 0,17%, 0,43%, 0,19% và 0,13%). Trong kinh tế học, giảm phát được định nghĩa là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục và thường xuất hiện khi kinh tế diễn biến xấu (suy thoái hoặc đình đốn).
Tuy không có trong rổ tính CPI nhưng 2 chỉ báo tiền tệ là vàng và đôla Mỹ cũng diễn biến trái chiều trong tháng 6. Trong khi giá vàng tiếp tục giảm khoảng 2,03% thì đôla Mỹ lại tăng giá khoảng 0,2% trong tháng 6.
Theo Vnexpress