Standard Chatered cho rằng cắt giảm lãi suất quá nhanh của Việt Nam có thể gây lo ngại về độ tín nhiệm, vì vậy Ngân hàng Nhà nước nên thận trọng hơn khi giảm lãi suất trong năm 2013.
Nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra những dự báo về toàn cảnh kinh tế Việt Nam trong năm 2013, bao gồm các vấn đề tài chính, chính sách và toàn cảnh thị trường. Theo đó, Standard Chartered dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi khiêm tốn ở mức 5,5% trong năm 2013 sau khi giảm xuống mức 5% – mức thấp nhất kể từ năm 2000. Lạm phát theo tính toán của tổ chức này trong năm tới vào khoảng 7%.
Ngân hàng đến từ Anh quốc kỳ vọng lãi suất cơ bản năm 2013 sẽ vào khoảng 10% do lạm phát vẫn còn ở mức cao. “Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất ổn định trong suốt năm 2013 và thận trọng với rủi ro lạm phát sẽ lại tăng trên mức dự đoán”, báo cáo của Standard Chattered cho hay.
Lãi suất kỳ hạn dài đã được dỡ “trần” kể từ tháng 6. Ảnh: Thanh Lan. |
Từ đầu năm đến nay, lãi suất đã 4 lần giảm, tổng cộng 5 điểm phần trăm. Theo báo cáo này, việc cắt giảm lãi suất quá nhanh gây nên lo ngại về độ tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, Standard Chatterd cho rằng: “Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong năm 2013 để đạt được mục tiêu lạm phát (dưới 8%) và xây dựng lại dự trữ ngoại hối trong trường hợp không có rủi ro lớn về giảm dự trữ nào phát sinh”.
Báo cáo của Standard Chartered dự báo tỷ giá sẽ ổn định quanh 21.000 đồng trong năm sau. Tuy nhiên, điểm yếu đối với tiền đồng là nợ xấu trong các ngân hàng và độ tin cậy của chính sách thấp. “Tỷ lệ nợ xấu cao chỉ có thể trở thành nguy hiểm cho tiền đồng khi những khoản nợ xấu này leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng, đánh mạnh vào niềm tin vào hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam”, Standard Chattered khuyến cáo.
Theo quan điểm của nhóm phân tích, tín dụng tăng trưởng thấp và nợ xấu là hai vấn đề đáng chú ý nhất trong ngành ngân hàng của Việt Nam. Về việc tín dụng tăng chậm lại gần đây, thay vì nhìn nhận một cách u ám, tổ chức này lại cho rằng đây có thể là tín hiệu đầu tiên của việc các doanh nghiệp đang giảm đòn bẩy nợ. Việc này nếu được duy trì có thể giúp cải thiện sức khỏe ngành tài chính.
Ở vấn đề thứ hai, nợ xấu, ngân hàng này cho rằng Việt Nam vẫn chưa thông tin chi tiết về kế hoạch để xử lý và đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 3% đến cuối năm 2015 như cam kết của Ngân hàng Nhà nước. Báo cáo của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng tỷ lệ nợ xấu hiện nay là 8,8% – gần gấp đôi so với mức 4,47% “tự kiểm điểm” của các nhà băng. Trong khi đó, có những đồn đoán và ý kiến cho rằng tỷ lệ này có thể trên 10-15%.
Cũng trong báo cáo này, Standard Chatterd thúc giục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước vì họ cho rằng, đây là một cách để giải quyết nợ xấu khi phần lớn nợ xấu liên quan đến nhóm này. Theo ngân hàng này, nếu cải cách thành công sẽ tăng mức độ tín nhiệm của Chính phủ trên thị trường. Còn ngược lại, nếu việc này thất bại sẽ kéo theo quá trình tái cấu trúc trở nên khó khăn hơn và xếp hạng tín nhiệm có thể sẽ tiếp tục bị hạ bậc.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, nhóm công tác tài chính đến từ các ngân hàng ngoại như Standard Chattered, HSBC, CitiBank cũng vẫn tỏ ra lạc quan đối với vấn đề nợ xấu củaViệt Nam. Nhóm công tác này cho rằng kể cả với mức nợ xấu gấp đôi con số 8,8% mà Ngân hàng Nhà nước công bố – nợ xấu vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Vấn đề quan trọng, theo nhóm công tác ngân hàng là phải xác định được ai sẽ chịu phí tổn cho các khoản nợ xấu đó: “Nhà nước, chủ ngân hàng hoặc một sự kết hợp giữa hai bên”, nhóm này gợi ý.
Theo Vnexpress