Hài hòa giữa bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể

88

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được khai thác, phát huy giá trị phục vụ cho phát triển du lịch, điển hình như: Ca trù, hát văn, hát then, xòe Thái, cồng chiêng Tây Nguyên… Đây được xem là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn tình trạng khai thác, phát huy giá trị không đúng cách nguy cơ làm sai lệch di sản, đặc biệt là di sản gắn với hoạt động tâm linh. Bởi vậy cần sớm có những giải pháp chấn chỉnh cũng như tăng cường nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ đó có cách thức ứng xử phù hợp.

Nghi lễ kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể liên quốc gia.

 

Gần đây việc Cục Di sản văn hóa gửi công văn đề nghị chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.

Nguyên do trước đó, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Kết nối với Việt Nam (Engaging With Vietnam) với chủ đề “Sống cùng di sản, Tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và thế giới” đã diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên sân khấu. Hội thảo được tổ chức bởi Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức Engaging With Vietnam, Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế).

Cục Di sản văn hóa cho rằng đây là hoạt động làm sai lệch di sản khi đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản. Hoạt động trình diễn hầu đồng và trang phục hầu đồng trên sân khấu cũng được cho là vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tập tục, kiêng kỵ của di sản.

Tiếp đó, cuối tháng 8/2023, vấn đề bảo tồn, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ một lần nữa “chiếm sóng” Hội nghị – Hội thảo – Tập huấn đánh giá công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Nhiều nhà nghiên cứu, các thanh đồng (người thực hành di sản) bày tỏ lo ngại về vấn đề sân khấu hóa, sai lệch di sản. Thực tế hiện nay, dư luận có hai quan điểm chủ đạo về vấn đề này: Thứ nhất, việc bảo vệ di sản là cần thiết, trong đó, không thể “sân khấu hóa”, đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ra khỏi không gian “thiêng”, tức các đền, phủ. Thứ hai, di sản văn hóa phi vật thể nói chung, trong đó có hầu đồng, hát văn (những yếu tố của tín ngưỡng thờ Mẫu) là nguồn lực quan trọng để khai thác, phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong hoạt động du lịch.

Trước hết phải thừa nhận rằng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là hai mặt tất yếu của một vấn đề. Trong đó, việc khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể là một nhu cầu, một đòi hỏi tất yếu của cuộc sống để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong các lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn, du lịch văn hóa, thiết kế, thời trang…

Thực tế những năm qua, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được các địa phương đẩy mạnh khai thác để phát triển du lịch. Tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… từ lâu đã hình thành những đội văn nghệ cộng đồng, chuyên biểu diễn xòe Thái phục vụ khách du lịch, tạo nên thương hiệu văn hóa cho vùng Tây Bắc. Ở các tỉnh có đông người dân tộc Tày, Nùng, hát then-đàn tính cũng trở thành biểu tượng văn hóa, thường xuyên xuất hiện trên sân khấu, tham gia vào các tour du lịch văn hóa.

Tương tự là những màn trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Đối với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đạo diễn Việt Tú đã khai thác và xây dựng vở diễn Tứ phủ nổi tiếng. Trên đất Tổ Phú Thọ, hát xoan cũng đã trở thành một sản phẩm du lịch.

Tuy nhiên, cùng là di sản văn hóa phi vật thể, tính chất của các loại di sản văn hóa phi vật thể khác nhau. Từ góc độ niềm tin của cộng đồng thì có thể phân ra hai loại hình: Di sản văn hóa phi vật thể gắn với tâm linh, tín ngưỡng (có tính thiêng) và di sản thế tục. Một số di sản có sự đan xen giữa hai loại hình này, thí dụ như quan họ vừa là sinh hoạt cộng đồng, vừa có hình thức hát thờ để dâng lên các vị thần thánh.

Nếu như cộng đồng đã quen với các loại hình di sản có tính thế tục (hoặc chủ yếu là thế tục) như ca trù, quan họ, múa rối nước… “lên sân khấu” thì việc những di sản gắn với tín ngưỡng, tâm linh hoặc là một phần của các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh được trình diễn ngoài không gian của di sản lại gây ra phản ứng trái chiều.

Về mặt nguyên tắc, bất kỳ di sản văn hóa phi vật thể cũng cần được “sống” trong chính môi trường của nó. Thí dụ như quan họ Bắc Ninh cần tồn tại dưới hình thức những lối “chơi” quan họ của người Bắc Ninh-Kinh Bắc. Múa rối nước cần biểu diễn trong chính không gian của ao làng.

Điều này càng quan trọng hơn với những di sản văn hóa phi vật thể gắn với tín ngưỡng, tâm linh. Việc tách rời không gian đền, phủ sẽ mất đi “tính thiêng”, ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng. Chẳng hạn khi kết thúc các màn hầu đồng, các cung văn luôn hát câu “Xe loan thánh giá hồi cung”.

Cung ở đây được hiểu là thế giới, là không gian tâm linh của những vị thánh trong các giá hầu đồng. Việc lên sân khấu khiến câu hát này trở nên không có ý nghĩa. Do đó, việc nhắc nhở của Cục Di sản Văn hóa là cần thiết, nhất là ngăn chặn tình trạng “lạm phát” hát văn, “ở đâu cũng hầu đồng” như đã từng xảy ra.

Song thực tế không thể vì những yếu tố này mà chúng ta lãng phí những nguồn lực di sản trong phát triển công nghiệp văn hóa. Từ những tranh luận quanh hầu đồng, cần có giải pháp có tính bao quát cho những di sản có “tính thiêng” khác, để những nghệ sĩ, nghệ nhân yên tâm khai thác phát huy giá trị di sản mà không bị lên án là sai lạc, biến dạng di sản.

Để hiểu rõ vấn đề này, thiết nghĩ cần nhắc lại một khái niệm cơ bản về di sản văn hóa. Bất cứ di sản nào cũng là nguồn lực, nguồn tài nguyên để phát triển công nghiệp văn hóa. Là tài nguyên, cho nên việc khai thác cần đi kèm với việc “chế biến”, hiểu đơn giản đó chính là quá trình tiếp nhận, sáng tạo để di sản văn hóa trở thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn lại quan điểm của UNESCO qua Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) mà Việt Nam chính thức tham gia từ năm 2005. Công ước 2003 nêu rõ quan điểm “di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi”, và “các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”.

Từ quan điểm này, bảo tồn di sản không phải là một cánh cửa “đóng kín”. Di sản có thể “tái tạo”, “tái sinh” làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa nếu được sự đồng thuận của cộng đồng cư dân sở hữu di sản.

Với trường hợp điển hình như trong các di sản có “tính thiêng” là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đây là một tổng hòa của nhiều thành tố khác nhau, từ niềm tin của cộng đồng, nghi thức tâm linh cho đến yếu tố nghệ thuật gồm: trang trí không gian, trang phục, vũ đạo, âm nhạc…

Trên nền của những yếu tố đó, người nghệ sĩ có thể khai thác và sáng tạo miễn là các sáng tạo không đi ngược lại các quan niệm, các giá trị văn hóa, tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt nói chung. Các sản phẩm ấy cũng cần được nhận diện từ “nguyên liệu” là các yếu tố của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tương tự, then vốn là hoạt động tín ngưỡng lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Ông then, bà then – những người thực hành di sản chính là những thầy cúng, đóng vai trò như cầu nối giữa con người với thế giới siêu nhiên. Thời gian gần đây, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ trên cơ sở những làn điệu cổ truyền đã sáng tác ra những bài hát mới, trong đó nhiều bài hát ca ngợi cảnh sắc quê hương, bài hát về tình yêu đôi lứa, hay về chính những phong tục, tập quán của đồng bào Tày – Nùng.

Nếu thực hiện giải pháp này, việc lên sân khấu hay phục vụ du lịch chắc chắn không gây phản ứng từ phía cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu cũng như những người thực hành di sản. Các sản phẩm này sẽ còn tạo ấn tượng hơn nếu được kết hợp giới thiệu, so sánh với những yếu tố nguyên gốc của di sản. Việc trình diễn sản phẩm công nghiệp văn hóa được khai thác từ tài nguyên di sản sẽ có tác dụng tích cực đối với quảng bá di sản.

Việc thực hành di sản trong không gian vốn có của nó sẽ đem lại những giá trị trọn vẹn nhất. Nhưng vấn đề trình diễn di sản ở một không gian khác cũng không nên áp dụng một cách máy móc, ngay cả với những di sản có “tính thiêng” nếu việc làm đó đem lại lợi ích tích cực cho di sản và được cộng đồng chấp nhận. Nghi lễ kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) là một thí dụ.

Theo truyền thống, nghi lễ chỉ diễn ra trong khuôn khổ lễ hội vào mồng 3/3 âm lịch hằng năm, gắn với niềm tin của người dân về mùa màng về làm ăn. Cùng với một số loại hình kéo co tại các địa phương khác ở nước ta cũng như ở Hàn Quốc, Philippines và Campuchia, nghi lễ kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ là di sản văn hóa phi vật thể liên quốc gia được UNESCO ghi danh.

Đáng chú ý, người dân phường Thạch Bàn đã đem kéo co ngồi trình diễn ở nhiều không gian khác nhau, gồm cả những chuyến xuất ngoại để giao lưu văn hóa. Như vậy, việc di sản không được tách rời không gian vốn có của nó không phải là điều bất biến, nếu như có sự chấp thuận của cộng đồng là chủ thể di sản. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Công ước 2003 khi đề cao vai trò chủ thể di sản.

Từ đây cho thấy, cần nhìn nhận việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách linh hoạt. Di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra những sản phẩm công nghiệp văn hóa hấp dẫn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua đó góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh quốc gia, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.

 

NDO