Trước những ý “chê trách” tiến độ còn chậm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, với nguồn lực hạn chế của Việt Nam, chỉ trong một năm xử lý 39.000 tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn dự phòng tự có là “quá quyết liệt”.
Chiều 27/12, trao đổi với báo chí về kết quả điều hành 2012 và định hướng năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời về một trong những câu chuyện được xem là”nóng” và “rát” nhất của năm 2012: Nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng ngành ngân hàng đã làm hết sức có thể với vấn đề nợ xấu. Ảnh: Thanh Lan. |
Chưa đưa ra thống kê mới nhất về quy mô nợ xấu tính đến tháng 12, Thống đốc tiếp tục dẫn chứng số liệu đến tháng 10 là 8,82%. Trước ý kiến cho rằng việc xử lý các ngân hàng yếu kém như trong năm 2012 là “quá chậm” dẫn đến việc xử lý nợ xấu chậm trễ, Thống đốc trả lời nhận định trên “vừa đúng, vừa không đúng”. Theo ông, đúng là nợ xấu thì phải xử lý và thật nhanh nhưng cần phải cân nhắc trong bối cảnh của Việt Nam chứ không thể so sánh với mọi trường hợp khác. Người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ rằng, Việt Nam đã xử lý nợ xấu trong cảnh “cái khó bó cái khôn”.
“Lấy trường hợp ở Mỹ, họ bơm tiền ra mua đứt tất cả các khoản nợ, không cần biết nợ đó xấu hay tốt. Nhưng chỉ có Mỹ mới làm được như vậy thôi bởi họ mới có nguồn lực để làm còn Việt Nam thì lấy ở đâu? Tôi nghĩ trong môi trường của thế mà xử lý được như thời gian vừa qua thì không phải chậm mà là quá quyết liệt”, Thống đốc nói.
Một trong những biểu hiện để thấy rõ sự “quyết liệt” của nhà điều hành được Thống đốc chỉ ra là ở sự thay đổi về lợi nhuận, lương thưởng của chính bản thân ngành ngân hàng. “Chưa năm nào như năm nay, không có thông tin nào về ngân hàng lãi khủng. Nói cách khác, các ngân hàng cũng đã hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cùng xử lý nợ xấu. Mọi năm có thể chia nhau hàng tháng tiền thưởng Tết nhưng năm nay đã có nhiều ngân hàng tuyên bố không có tháng lương nào cả. Ngân hàng không chia cổ tức cũng là bình thường”, ông Bình lý giải. Người đứng đầu ngành cho rằng, nên nhìn nhận sự việc này là những chia sẻ và nỗ lực của ngành ngân hàng với nhiệm vụ xử lý nợ xấu của toàn nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình và hai Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình (ngoài cùng, trái) và Lê Minh Hưng. Ảnh: Thanh Lan |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng đến nay trích lập được khoảng 90.000 tỷ dự phòng rủi ro. “Coi như những gì hệ thống ngân hàng có thể làm được chúng tôi đã làm hết sức. Năm vừa rồi tôi luôn phải tuyên bố trước Quốc hội, Chính phủ rằng cần hiểu nợ xấu là của nền kinh tế. Bởi vậy, tại sao chỉ có ngân hàng mà cần có cả hệ thống chính trị”, ông Bình trần tình.
Để chứng minh nợ xấu đã được xử lý nhanh, vị “tư lệnh trưởng” của ngành ngân hàng cũng nhắc lại những số liệu ông từng nêu trong phiên họp Thường vụ hôm 13/11. “Đến tháng 10, những gì đã được làm là 252.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại – tương ứng 8% dư nợ tín dụng. Nếu không xử lý như vậy, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 8% nữa”, ông Bình giải thích.
Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho rằng các ngân hàng đã sẵn sàng hy sinh ngắn hạn trong việc giảm lợi nhuận để tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu. “Đến nay các ngân hàng đã tự xử lý được 39.000 tỷ nợ xấu. Khẳng định nội dung xử lý nợ xấu mà nhà điều hành đang làm là đúng đắn, người đứng đầu ngành thanh tra ngân hàng lấy dẫn chứng, 4 tháng đầu năm 2012, khi chưa có những quyết định, chỉ thị để cơ cấu nợ, khắc phục xử lý nợ xấu, tốc độ tăng của nợ xấu lên tới 8-9% mỗi tháng. Ngược lại, đến nay theo ông Nghĩa, nợ xấu chỉ tăng trung bình 3% một tháng.
Ông Nghĩa cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án Thành lập công ty quản lý tài sản. Theo ông, đề án thứ hai được cho là một công cụ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Về tiến trình xử lý các ngân hàng yếu kém – một trong những bước quan trọng để dọn “cục máu đông” nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay đã đảm bảo khả năng chi trả của 9 nhà băng này. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong 9 trường hợp thuộc diện cần tái cơ cấu, hiện chỉ còn duy nhất một ngân hàng vẫn chưa xây dựng xong phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa thông tin cụ thể danh tính nhà băng này.
Ngoài 9 nhà băng này, người đứng đầu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc đến tình trạng yếu kém của cả ngân hàng thương mại nhà nước. “Vẫn có những ngân hàng thương mại nhà nước có yếu kém lộ diện rõ ràng cần phải xử lý. Và chúng tôi cũng có phương án cụ thể, rõ ràng với ngân hàng này”, ông Nghĩa nói thêm.
Theo Vnexpress