Cần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về quyền riêng tư và sử dụng mạng xã hội an toàn, tuân thủ pháp luật

556

Hiện nay, còn tồn tại hiện tượng nhiều học sinh, sinh viên vẫn vô tư chia sẻ những nội dung ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Nguyên nhân vì sao và cần làm gì để người trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn, tuân thủ pháp luật?

Nhận thức còn chưa đầy đủ

Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, nhưng vẫn còn xuất hiện những hành vi xúc phạm cá nhân và tổ chức trên mạng xã hội.

 

Thực trạng này là do nhận thức, ý thức chấp hành luật của người tham gia mạng xã hội chưa đầy đủ. Nó giống như việc chúng ta thường có thói quen chỉ dùng mà ít khi đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.

Bên cạnh đó, việc thi hành luật gặp nhiều khó khăn bởi quy mô rộng lớn và tính toàn cầu của mạng xã hội.

Thêm vào đó, nguyên nhân đặc biệt là do người tham gia mạng xã hội chưa hiểu đúng về quyền tự do ngôn luận hoặc cố tính hiểu sai, lợi dụng tự do ngôn luận để phát biểu, chia sẻ những ý kiến, quan điểm không phù hợp với quy định của pháp luật, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, lợi ích của người khác.

Tự do ngôn luận là quyền của mỗi cá nhân được tự do tìm kiếm, trình bày, chia sẻ những thông tin, ý kiến, ý tưởng, quan điểm. Tuy nhiên, cần đặt tự do ngôn luận trong mối quan hệ giữa quyền cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.

Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, chẳng hạn như xúc phạm, đe dọa, gây hại đến người khác, hoặc lan truyền thông tin sai lệch, thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia…

Tự trang bị hành trang

Để trở thành công dân sử dụng mạng xã hội tích cực, đóng góp vào công tác xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, chúng ta cần trang bị cho bản thân những kiến thức và kỹ năng nhất định.

Thứ nhất là kiến thức về an ninh mạng. Chúng ta cần hiểu rõ những nguy cơ, rủi ro liên quan đến sử dụng mạng xã hội, chẳng hạn như lừa đảo, virus, phần mềm độc hại để có những biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Thứ hai là luôn kiểm tra thông tin, tư duy phản biện khi dùng mạng xã hội. Cần nâng cao ý thức kiểm chứng tính xác thực của thông tin thông qua các nguồn tin chính thống, chuẩn mực, không vội vàng kết luận, chia sẻ, bình luận hay tranh cãi những thông tin khi không hiểu rõ và chưa được kiểm chứng.

Thứ ba là nhận thức rõ về quyền riêng tư, luôn giữ tinh thần tôn trọng, tích cực. Chúng ta cần hiểu và tôn trọng quyền riêng tư của bản thân và người khác trên mạng xã hội; không tham bạo lực mạng xã hội; luôn trao đổi trên tinh thần tôn trọng, xây dựng; biết báo cáo các hành vi xâm phạm, quấy rối hoặc lạm dụng trên mạng xã hội và hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực mạng xã hội.

Học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn trong số người dùng mạng xã hội. Vì vậy, rất cần nâng cao nhận thức và tư duy sử dụng mạng xã hội của học sinh, sinh viên, sao cho an toàn, tuân thủ pháp luật.

Theo đó, chúng ta cần thường xuyên cập nhật nội dung giảng dạy, đưa vào chương trình đào tạo chính khóa hoặc ngoại khóa các kiến thức về Luật An ninh mạng 2018, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội 2021, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng và các văn bản quy định khác có liên quan.

Muốn vậy, cần có những tài liệu giảng dạy chuẩn mực, tin cậy để phục vụ cho công tác giảng dạy, chẳng hạn như tập bài giảng, giáo trình, video hướng dẫn…

Hoặc thông qua một kênh khác, thường xuyên tổ chức các chuyên đề, sự kiện, cuộc thi có nội dung gắn với an toàn an ninh mạng xã hội, giúp truyền thông đến học sinh, sinh viên.

Chúng ta cần thiết lập các nhân vật truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên về việc sử dụng mạng xã hội an toàn, tuân thủ pháp luật. Đó có thể là những đại sứ truyền thông, chẳng hạn như nghệ sĩ, nhà văn, thầy cô giáo, hoặc những người có tầm ảnh hưởng.

 

THS. TRẦN XUÂN TIẾN

Trường Đại học Văn Hiến

 

HSV