Sự lãnh đạo và quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phản ánh ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam. Thực hiện quyền lãnh đạo đối với Nhà nước, xã hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân là mệnh lệnh của lịch sử, là phẩm chất, văn hóa của Đảng; đồng thời, cũng là trách nhiệm của Đảng. Dù các thế lực phản động, thù địch có cố tình xuyên tạc ra sao thì các nội dung trên là sự thực không thể phủ nhận.
Dân tộc Việt Nam chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng – một sự thật lịch sử không thể phủ nhận
Để giải phóng mình khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân, tại sao dân tộc Việt Nam không chọn một tổ chức chính trị nào khác, mà chọn Đảng Cộng sản Việt Nam? Phải chăng đó chỉ là ý chí chủ quan của một bộ phận người yêu nước Việt Nam như điều mà các thế lực thù địch vẫn đang xuyên tạc?! Những người hiểu biết cơ sở lịch sử và pháp lý sẽ đáp trả rằng: Không! Dứt khoát không phải như vậy. Sự lựa chọn đó là của dân tộc Việt Nam, một sự lựa chọn tất yếu khách quan mang tính quy luật lịch sử.
Sự thực là, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã xuất hiện những ngọn cờ cứu nước, cứu dân, những đảng phái khác nhau, song những ngọn cờ ấy, những đảng phái ấy không đủ sức đảm đương sứ mệnh giải phóng dân tộc.
Tháng 9-1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sau khi hoàn thành giai đoạn vũ trang xâm lược, chúng đặt nền cai trị hà khắc ở Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa… Từ một nước phong kiến độc lập, có chủ quyền, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nước Việt Nam mất độc lập, nhân dân Việt Nam trở thành nô lệ.
Vì lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, một bộ phận phong kiến Việt Nam đã đứng lên giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp, ròng rã gần 40 năm (1858 – 1896), vẫn không chống được chủ nghĩa thực dân – một kẻ thù mới của dân tộc, có trình độ phát triển về phương thức sản xuất hơn hẳn. Phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, tiếp đến là Phan Đình Phùng lãnh đạo, kéo dài đến cuối thế kỷ XIX thì lụi tắt. Đầu năm 1896, những tiếng súng cuối cùng của phong trào Cần Vương chấm dứt, cũng là tín hiệu kết thúc sứ mệnh lịch sử của giai cấp phong kiến Việt Nam trong thời đại mới.
Các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi, song có hạn chế lớn trong xác định mục tiêu, kẻ thù và phương thức đấu tranh. Tiêu biểu như: Phan Bội Châu xác định chống đế quốc nhằm giành độc lập và thiết lập nền quân chủ lập hiến ở Việt Nam (dựa vào Nhật để chống Pháp, dẫn đến không thành công); Phan Châu Trinh tập trung chống phong kiến (dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, coi đó như là điều kiện tiên quyết để giành độc lập, cũng đi đến thất bại)…
Trong công cuộc giải phóng dân tộc, những thập niên đầu thế kỷ XX, đã có nhiều đảng phái đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội từng nỗ lực trên vũ đài chính trị, như Nghĩa hưng (1907); Lập hiến (1923); Việt Nam nghĩa đoàn; Đảng Thanh niên; Đảng An Nam độc lập (1927), Việt Nam Quốc dân Đảng (1927)…; kể cả một số đảng của những kẻ tay sai cho đế quốc, như Đại Việt quốc gia xã hội Đảng, Đại Việt quốc dân Đảng trong những năm 40 của thế kỷ trước; hay các đảng phản động, như Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)… cũng cố thực hiện mưu đồ chính trị. Thế nhưng, sự thực là, các đảng phái đó không được dân tộc Việt Nam lựa chọn giữ quyền lãnh đạo.
Tiếp tục truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm, các phong trào chống thực dân Pháp đã diễn ra quyết liệt, liên tục, trên các vùng lãnh thổ Việt Nam, hướng tới mục tiêu đánh đổ chế độ thuộc địa, giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào cứu nước lần lượt thất bại. Thực tế thất bại của các phong trào đó cho thấy sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản trước nhiệm vụ lịch sử đặt ra. Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đứng trước sự khủng hoảng sâu sắc về đường lối, thiếu lý luận cách mạng tiên tiến dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Lịch sử đặt cho dân tộc Việt Nam một câu hỏi mang tầm thời đại: Giải phóng dân tộc bằng con đường nào mới giành thắng lợi? Lực lượng nào đủ khả năng hoạch định đường lối và tổ chức thực hiện đường lối cứu nước, cứu dân? Câu hỏi đó vẫn chưa có lời giải trong suốt mấy thập niên đấu tranh. Đây chính là nhu cầu lịch sử và tất yếu phải có sự ra đời của lực lượng tiên phong.
Sự thực là, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là lời giải đúng cho công cuộc giải phóng dân tộc – bước ngoặt vĩ đại, chính thức chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Trước yêu cầu lịch sử, với hành trang là chủ nghĩa yêu nước, lòng yêu nước vô hạn và thương dân sâu sắc, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh) đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước; cuộc hành trình lịch sử ấy bắt đầu từ ngày 5-6-1911. Trên con đường vạn dặm, “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi”(1). So sánh các cuộc cách mạng, Người chỉ rõ, kết cục của các cuộc cách mạng tư sản là “cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”(2). Điều đó có nghĩa là, cách mạng Việt Nam khi đó quyết không chọn con đường cách mạng tư sản, không thể đặt nhiệm vụ ấy cho giai cấp tư sản.
Bằng tư duy mới, coi trọng khảo cứu thực tiễn, đối sánh, cùng với sự nhạy bén đặc biệt về chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã tìm và chọn được con đường giải phóng dân tộc triệt để nhất – con đường cách mạng vô sản, theo Cách mạng Tháng Mười Nga, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Trong Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc khẳng định dứt khoát: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). Nghiên cứu lý luận, đối chiếu với thực tiễn chính trị – xã hội, Người đi đến kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4). Tuân theo tính quy luật, để làm cách mạng vô sản thì điều kiện tiên quyết phải tổ chức ra Đảng Cộng sản.
Nhận thức được chân lý của thời đại, Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, về đội ngũ cán bộ ban đầu đã dẫn tới sự ra đời các tổ chức tiền thân của đảng cộng sản. Những năm 1929 – 1930, phong trào dân tộc theo xu hướng cộng sản thể hiện rõ sự thắng thế so với các xu thế khác, các tổ chức cộng sản cũng phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu cần có một đảng cộng sản duy nhất để tập trung sự lãnh đạo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc chủ động hợp nhất các tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, tiếp đến là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 – bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời vạch ngay một Cương lĩnh đúng, đưa cách mạng Việt Nam đi theo xu thế thời đại, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chính thức chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước ở Việt Nam, đảm nhận sứ mệnh mà các lực lượng trước đó không giải quyết được. “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”(5).
Đảng ra đời với đường lối đúng, đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, được toàn dân tin theo và ủng hộ. Đây là bước đầu quyết định, chứng tỏ cách mạng Việt Nam đã có một lực lượng lãnh đạo đủ uy tín, năng lực đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và kiến tạo đất nước, đáp ứng khát vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế của lịch sử.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 _Ảnh: Tư liệu
Lịch sử khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất đủ uy tín và năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi
Sự thực là, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đủ uy tín, năng lực lãnh đạo thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945).
Vừa mới ra đời, trong điều kiện chủ yếu phải hoạt động bí mật, trong 15 năm (1930 – 1945), tổ chức đảng bị thực dân đế quốc khủng bố, hệ thống tổ chức của Đảng hai lần phải xây dựng lại. Trong 15 năm ấy, Đảng chịu nhiều tổn thất, 4 đồng chí Tổng Bí thư của Đảng đã hy sinh, nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng vẫn kiên trung vì lợi ích dân tộc, không nhụt chí trước kẻ thù. Đường lối chiến lược vạch ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên và bổ sung ở Luận cương (tháng 10-1930) đã đáp ứng khát vọng giải phóng dân tộc. Đi theo ngọn cờ của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với sự kiện này, “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(6). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm thay đổi vận mệnh dân tộc, thay đổi thân phận của người dân Việt Nam, từ người nô lệ trở thành người làm chủ nước nhà.
Bình luận về ý nghĩa lịch sử và tác động của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến những bước tiến của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, nhà sử học người Pháp Charles Fourniau khẳng định: Cách mạng Tháng Tám “đã đem đến chiều sâu lịch sử của nó vào cuộc đấu tranh mà nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi từ 1945 đến 1975”(7).
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù có những tổ chức ra sức công kích, tranh giành quyền lãnh đạo, nhưng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn 1945 – 1954: Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, không bao lâu sau, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam, đánh dấu bằng việc chúng nổ súng ở Nam Bộ. Lúc này, ở Việt Nam, vừa có hoạt động của trên 30 vạn quân ngoại quốc (Nhật, Tưởng, Anh, Pháp), vừa có các đảng phái phản động, nhất là Việt Quốc, Việt Cách. Trước bối cảnh chính quyền còn non trẻ, Đảng vừa ra hoạt động công khai, nắm chính quyền cách mạng lại phải đối phó với vô vàn khó khăn, buộc phải rút vào hoạt động bí mật, nhưng vẫn giữ vững sự lãnh đạo đối với cách mạng. Trước 3 thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm), cách mạng Việt Nam rơi vào tình thế như “nghìn cân treo sợi tóc”. Được nhân dân tin tưởng, Đảng đã khéo vận dụng nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, đưa cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo trong những năm 1945 – 1946, vững tâm thế bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, với đường lối toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ (1945 – 1954) đã bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng ở miền Nam. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”(8).
Tại Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 năm tù đày”(9). Chỉ tính trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng trong cấp Trung ương, đã có 14 đồng chí bị thực dân Pháp bắn, chém, hoặc giết trong nhà tù. Bản lĩnh của Đảng sáng chói. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Đúng là: Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản, của các anh hùng, liệt sĩ chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do.
Giai đoạn 1954 – 1975: Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành “con đê” ngăn chặn “làn sóng đỏ” (tức sự phát triển của chủ nghĩa xã hội) sang Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã xâm lược miền Nam, chia cắt đất nước Việt Nam. Những năm 1965 – 1968 và 1972, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Việt Nam đã tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, đồng tâm hiệp lực, hướng về mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Đây là một điểm sáng tạo độc đáo của đường lối cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.
Sự thực là, sau 21 năm kháng chiến kiên cường, bất khuất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước. Chiến công ấy là “một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(10). Dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sự thật cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất khởi xướng, lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nâng tầm vị thế của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong hơn 10 năm 1975 – 1986, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng đã tìm tòi con đường thích hợp đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới; đồng thời, từng bước tháo gỡ khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội, hoạch định đường lối đổi mới toàn diện đất nước, tạo một bước ngoặt mới của cách mạng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Nêu cao trách nhiệm trước dân tộc, Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã xác định 4 nội dung trọng tâm cần đổi mới: “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”(11). Gần 40 năm đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay), trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, song với bản lĩnh chính trị vững vàng và quyết tâm đổi mới, kiên định mục tiêu mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã chọn, Đảng đã giữ vững vai trò lãnh đạo, đưa cách mạng vượt qua cơn chấn động của thời cuộc, nhất là khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở các nước Đông Âu và Liên Xô khủng hoảng và đi vào đổ vỡ. Thông qua đổi mới, Việt Nam đã phá thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam “tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”(12).
Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam đang đi vào chiều sâu, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt về sự lãnh đạo của Đảng, mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng. Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử ấy thể hiện ở chỗ: Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu năm 1989 GDP mới đạt 6,3 tỷ USD(13); năm 2000 là 40 tỷ USD(14), thì đến năm 2022 đạt 409 tỷ USD(15). Gần 40 năm đổi mới cũng là một chặng đường từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức. Đại hội XIII của Đảng khẳng định sự thật: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(16).
Qua gần 40 năm đổi mới, trong một thời gian không dài, trong những điều kiện rất khó khăn, phức tạp, những thành tựu ấy đã minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng. Đó cũng là cơ sở để khơi dậy khát vọng của nhân dân Việt Nam về một xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.
Niềm tin chiến thắng _Nguồn: nld.com.vn
Nhiều học giả, chính trị gia, chuyên gia quốc tế đã có đánh giá tốt về thành tựu công cuộc đổi mới của Việt Nam. Đồng chí Tề Kiến Quốc, Đại sứ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam khẳng định: “Với những thành tựu nổi bật, công cuộc đổi mới đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt đất nước…, có ảnh hưởng vượt tầm quốc gia, gây ấn tượng cho cả thế giới”(17). PGS, TS V.I. An-tô-sơ-chen-cô, Phó Giám đốc Trung tâm Việt Nam học thuộc Đại học quốc gia Mát-xcơ-va, Liên bang Nga, nhận xét: “Mười lăm năm trong tiến trình hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam là một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, nhưng nhân dân Việt Nam đã làm được những việc phi thường. Thắng lợi của công cuộc đổi mới đã chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam không phải chỉ là một dân tộc kiên cường bất khuất, giỏi chống giặc ngoại xâm mà còn có đủ tài trí để xây dựng và phát triển đất nước”(18). GS, TS Cho Jae Hyun, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng được đường lối chính trị đúng – một đường lối thể hiện sự kiên định về chiến lược; sự sắc sảo, mềm dẻo về sách lược; sự phong phú, sáng tạo và linh hoạt về phương pháp cách mạng… Việc Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận sự tồn tại của sản xuất hàng hóa và thị trường thực sự là một bước đổi mới tư duy. Điều này cũng cho thấy rằng, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng được Việt Nam vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của mình… Công cuộc đổi mới ở Việt Nam là một chiến lược rất đúng đắn”(19).
Tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam – lực lượng duy nhất lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam còn được đấu tranh bảo vệ bằng cơ sở pháp lý. Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đã trở thành yêu cầu khách quan trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, được khẳng định trong tiến trình xây dựng Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay.
Hiến pháp đầu tiên của đất nước Việt Nam hiện đại (năm 1946) ghi rõ: Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng. Lời nói đầu Hiến pháp năm 1959 khẳng định: Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới; Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang. Hiến pháp năm 1980 hiến định: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lê-nin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Hiến pháp năm 1992 tiếp tục hiến định: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đến Hiến pháp năm 2013, Khoản 1, Điều 4 khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Khoản 2, Điều 4 bổ sung nội dung mới, thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Cả hai chiều quan hệ: Đảng với nhân dân và nhân dân với Đảng được xác định một cách biện chứng, bản chất là giải quyết mối quan hệ giữa lực lượng cầm quyền và cơ sở xã hội của nó.
Từ lịch sử đến hiện tại, vai trò lãnh đạo và trọng trách của Đảng đã được khẳng định trong Hiến pháp – luật cơ bản của Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất, ghi nhận địa vị pháp lý của đảng cầm quyền và được pháp luật bảo vệ. Đây là cơ sở pháp lý tối thượng, phản ánh ý chí, nguyện vọng và quyền lực thực sự của nhân dân Việt Nam; là kết quả vận động tất yếu khách quan của lịch sử. Những cơ sở lịch sử và pháp lý đó góp phần cung cấp luận cứ chủ yếu, cần được nắm vững và sử dụng hiệu quả trong đấu tranh bảo vệ tính chính danh, chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới./.
TS TRẦN VĂN RẠNG
Thượng tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
——————
(1) Chế Lan Viên: “Người đi tìm hình của nước”, Chế Lan Viên: Toàn tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002, t. 1, tr. 253
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 296
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289, 30
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 406
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 25
(7) Xem: Charles Fourniau: “Những cội nguồn của Cách mạng Tháng Tám”, in trong sách Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 70 – 71
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 410, 401
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 5 – 6
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 124
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 23
(13) “GDP của Việt Nam tăng gấp 30 lần kể từ năm 1989”, Tạp chí điện tử Viettimes, ngày 3-9-2015, http://viettimes.vn/gdp-cua-viet-nam-tang-gap-30-lan-ke-tu-nam-1989-post9124.html
(14) Thùy Lê: “Chủ động thiết kế mô hình tăng trưởng mới để phát triển bền vững hơn”, Báo Kiểm toán điện tử, ngày 7-12-2020, http://baokiemtoan.vn/chu-dong-thiet-ke-mo-hinh-tang-truong-moi-de-phat-trien-ben-vung-hon-9658.html
(15) “Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022”, Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, ngày 29-12-2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 322
(17) Tề Kiến Quốc: “Công cuộc đổi mới, con đường phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam”, in trong sách Việt Nam trong thế kỷ XX, Sđd, tr. 106
(18) V.I. An-tô-sơ-chen-cô: “Công cuộc đối mới ở Việt Nam (từ góc nhìn của các nhà Việt Nam học Nga)”, in trong sách Việt Nam trong thế kỷ XX, Sđd, tr. 115
(19) Cho Jae Hyun: “Công cuộc đổi mới: Một chiến lược đúng đắn?”, in trong sách Việt Nam trong thế kỷ XX, Sđd, tr. 529 – 530