Thị trường năm qua vẫn ghi nhận một gia đình có tài sản vượt mốc 1 tỷ USD và phần lớn thành viên trong Top 30 đều giàu lên bất chấp khó khăn chung. Danh sách năm nay cũng chào đón sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới.
Tiếp nối danh sách 100 người giàu nhất và 50 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán, VnExpress.net tiếp tục gửi tới bạn đọc số liệu thống kê về 30 gia đình có tài sản lớn nhất, tính theo giá trị cổ phiếu hữu của các thành viên. So với năm 2011, đa số gia đình trong Top 30 đều “giàu lên” trên sàn chứng khoán, khi có tới 70% các gia đình có giá trị cổ phiếu sở hữu tăng so với năm ngoái. Tổng tài sản chứng khoán của 30 gia đình, do đó đạt tới con số gần 55.587 tỷ đồng sau phiên giao dịch cuối cùng của năm 2012, tương đương hơn 2,67 tỷ USD và tăng hơn 300 triệu USD so với năm ngoái.
Gia đình ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục giàu nhất trên sàn chứng khoán. Ảnh: Anh Tuấn |
Gần một nửa trong số 2,67 tỷ USD này thuộc về các ông bà chủ của Tập đoàn VINGROUP, khi cùng với vợ Phạm Thu Hương và 3 chị em vợ đang sở hữu tổng cộng gần 282,2 triệu cổ phiếu VIC, tương đương tài sản gần 22.576 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Nhà họ Phạm, nhờ đó, tiếp tục giữ được ngôi vị là gia đình giàu có nhất trên sàn chứng khoán trong năm thứ 5 liên tiếp.
Nếu như vị trí thứ 2 và thứ 4 không bị xáo trộn trong năm nay khi các thành viên của gia đình Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai – Đoàn Nguyên Đức và Chủ tịch Masan – Nguyễn Đăng Quang vẫn lần lượt giữ thứ hạng này với tổng tài sản tương đương hơn 5.745 tỷ và 2.221 tỷ đồng, thì vị trí thứ 3 lại chứng kiến sự thăng hạng nhanh chóng của các đại diện Tập đoàn Hòa Phát. Tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm ngoái, Chủ tịch Trần Đình Long cùng vợ (và một số ít cổ phần đang đứng tên mẹ ông), đã tăng 4 bậc trong danh sách năm nay.
Gia đình từng giữ vị trí thứ 3 này trong năm 2011 là 2 chị em ông Đặng Thành Tâm và Đặng Thị Hoàng Yến chuyển xuống xếp vị trí thứ 6, với tài sản giảm hơn 900 tỷ đồng trong 12 tháng qua. Sự sụt giảm tương tự cũng được ghi nhận ở một số đại gia gặp nhiều sóng gió trên thương trường trong năm qua như gia đình ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Hùng Huy tại ACB hay nữ doanh nhân địa ốc – Nguyễn Thị Như Loan tại Quốc Cường Gia Lai.
Tuy vậy, sóng gió của năm 2012 cũng là cơ hội để nhiều gương mặt mới xuất hiện trong danh sách các gia đình giàu nhất trên sàn chứng khoán. Tiêu biểu là trường hợp của đại gia Trầm Bê khi vụ thâu tóm tại Sacombank đã giúp ông và các thành viên khác trong gia đình sở hữu khối tài sản chứng khoán hơn 1.434 tỷ đồng và xếp vị trí thứ 11 trong danh sách ngay trong năm đầu tiên góp mặt.
Vụ thâu tóm Sacombank đã đưa gia đình ông Trầm Bê trở thành những triệu phú chứng khoán. |
Tương tự là câu chuyện của các đại gia “đất cảng” khi việc niêm yết cổ phiếu HHS trong năm 2012 đã đưa 2 cha con ông Đỗ Hữu Hạ – Đỗ Hữu Hậu và các cổ đông khác trong gia đình tại Tập đoàn Hoàng Huy (Hải Phòng) vào danh sách 30 gia đình giàu nhất trên sàn chứng khoán. Hiện tài sản chứng khoán của gia đình này đang tương đương gần 656 tỷ đồng và xếp thứ 17 trong danh sách.
Danh sách 30 gia đình triệu phú trên sàn chứng khoán chào đón 6 thành viên mới, chưa từng xuất hiện hoặc vắng bóng nhiều năm trong danh sách. Gia đình có nhiều thành viên sở hữu cổ phiếu nhất là 12 người (gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch PNJ) và ít nhất là 2 thành viên (có 3 trường hợp). Đứng ở vị trí thứ 30 trong danh sách là gia đình đang sở hữu tài sản chứng khoán hơn 290 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm ngoái.
Là năm thứ 5 liên tiếp công bố danh sách 30 gia đình giàu nhất trên sàn chứng khoán, xếp hạng năm nay tiếp tục được xây dựng trên cơ sở tổng hợp số liệu, thông tin công bố của hơn 700 doanh nghiệp niêm yết tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp VnExpress.net nhận được sự hỗ trợ từ đối tác cung cấp dữ liệu là Công ty chứng khoán VNDIRECT.
VnExpress.net