Khai mạc Ngày đổi mới sáng tạo mở 2023

22

Sáng 25/10/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững ̣(MSD) – United Way Việt Nam, Làng Sáng tạo Mở Xã hội TECHFEST 2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Đổi mới sáng tạo Mở và doanh nhân công nghệ (OITI) đã tổ chức lễ Khai mạc Ngày đổi mới sáng tạo mở 2023 (Open Innovation Day), với chủ đề “TechTraverse 2023 – Nơi công nghệ gặp gỡ ngành công nghiệp”.

Sự kiện thu hút quan tâm của đại diện cơ quan nhà nước, viện, trường, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp trong nước và quốc tế… nhằm kết nối cung, cầu công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, địa phương kết nối với quốc tế.

Theo báo cáo Đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Report) 2023 do Tập đoàn hàng đầu châu Âu về chuyển đổi số Sopra Steria phát hành, kết quả khảo sát 1.648 công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp tại 10 nước châu Âu cho thấy, 72% doanh nghiệp đang hợp tác triển khai dự án đổi mới sáng tạo mở với doanh nghiệp khởi nghiệp, 67% đánh giá hoạt động hợp tác là nhiệm vụ quan trọng với chiến lược phát triển của tổ chức.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2023 do Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Venture công bố chỉ ra, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế. Do đó, tại Việt Nam, các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thông qua đầu tư tài chính hoặc các hình thức khác.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết, thông qua các hoạt động tại sự kiện giúp cộng đồng khởi nghiệp cập nhật xu hướng quốc tế về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cũng như cơ hội thách thức cho các bạn trẻ. Ngày đổi mới sáng tạo mở cũng là nơi cộng đồng khởi nghiệp tìm kiếm sự hỗ trợ, gắn kết cùng các tập đoàn lớn đưa ra những giải pháp mới giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo cho hoạt động sản xuất, dịch vụ…

Theo ông Phạm Hồng Quất, nhiều tổ chức, doanh nhân nước ngoài đánh giá Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi nhiều tập đoàn nước ngoài xem đây là điểm đầu tư, sản xuất trong các ngành công nghiệp mới. Do đó, cộng đồng khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ liên kết với các tổ chức quốc tế, tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo. Ông mong muốn lãnh đạo địa phương, các vườn ươm, cơ sở đào tạo… khai thác nhiều nhất có thể tại sự kiện này, kết nối kinh doanh, đầu tư cho tăng trưởng xanh, bền vững.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn nỗ lực trong việc xây dựng chiến lược, định hướng phát triển mô hình đổi mới sáng tạo mở, thu hút các đối tác trong nước và quốc tế tham gia xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của tập đoàn, liên kết với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế. Từ năm 2020, Tập đoàn Qualcomm đã đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tiên phong công bố Thử thách Đổi mới sáng tạo cùng Qualcomm (QVIC). Trong 3 năm, Qualcomm đã hỗ trợ cho 29 doanh nghiệp khởi nghiệp giải các bài toán trong nhiều lĩnh vực như 5G, IoT, robot và máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện bằng cách sử dụng các nền tảng và công nghệ di động tiên tiến của Qualcomm Technologies. Qualcomm chia sẻ công nghệ, phòng lab, kinh nghiệm và hỗ trợ cả tài chính, đào tạo về khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm. Từ QVIC, các doanh nghiệp khởi nghiệp như Phenika Mass, tMonitor, MiSmart… đã phát triển được nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Sungsup Ra, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao Việt Nam với nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nhiều năm qua. Điều này cũng tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn đa dạng hóa trong phát triển các lĩnh vực công nghệ từ kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo là giải pháp tốt cho sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam, nằm trong xu hướng chung của toàn cầu. Lãnh đạo ADB cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Ông mong muốn Việt Nam có những định hướng phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo mở, kết nối mở với các hệ sinh thái trên toàn cầu.

Trong hai ngày diễn ra sự kiện (từ 25 – 26/10/2023), các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ về xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, logistic, thương mại điện tử, kinh tế biển, nông nghiệp, công nghệ thực phẩm…

P.A.T (Tổng hợp)

Trích nguồn “Cục Thông tin KH&CN Quốc gia”