Trang chủ Tuyên truyền - Giáo dục Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914...

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 / 1-1-2024): Cho con đổi huân chương lấy cây súng

42

Năm 3 tuổi, tôi phải theo mẹ vào ở nhà tù của quân ngụy Sài Gòn. Nhìn thấy cảnh bọn cai ngục tra tấn các cô, các chú, các bác (trong đó có mẹ tôi) vô cùng dã man, tự dưng hình thành trong tôi lòng căm thù. Vì vậy khi ở trong tù, được sự hướng dẫn của mẹ, tôi đã làm liên lạc cho những người bạn của mẹ và khi ra tù tôi tham gia cách mạng. Từ năm 1962 (8 tuổi) tôi đã làm liên lạc cho đội công tác xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam). Năm 1964, xã tôi và cả vùng B huyện Đại Lộc được giải phóng, với địa thế thuận lợi, quê tôi thành căn cứ cách mạng cho huyện và tỉnh.

Cuối năm 1965, quân Mỹ sau khi chiếm Đà Nẵng-Chu Lai, chúng lập tức tung quân tiến vào vùng B huyện Đại Lộc. Trước khi quân Mỹ đến, ở quê tôi, các cô, các chú, các bác bàn bạc ghê lắm về cách đánh Mỹ, tôi ở đội du kích bí mật, bản thân tôi đã chuẩn bị khá nhiều lựu đạn lấy từ quân ngụy đi càn quét trước đây và một khẩu súng tự chế.

Từ cuối năm 1965-1966, nhiều lần Mỹ đưa quân càn vào làng tôi, tôi đã tìm cách lấy được của chúng 1 khẩu súng ngắn (Colt 12) và 1 khẩu Garand (Garăng) M2 cho du kích. Tôi đã sử dụng lựu đạn, súng ngắn trực tiếp tiêu diệt 5 tên Mỹ, làm bị thương 3 tên khác. Với thành tích đó, tháng 6-1966, tôi được đi dự Hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm chiến tranh du kích của Quân khu 5. Sau đó là đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Liên khu 5 và được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, được cử theo đoàn của Liên khu 5 vào báo cáo cách đánh Mỹ với Trung ương Cục miền Nam vào cuối năm 1966.

Đoàn Liên khu 5 có 20 người do đồng chí Nguyễn Năng dẫn đầu, tôi không nhớ hết từng người, nhưng đoàn chia làm 2 khối. Khối 1 báo cáo với Trung ương về cách đánh địch của bộ đội chủ lực, khối 2 báo cáo về cách đánh của du kích và bộ đội địa phương. Tôi thuộc khối 2, do chị Nguyễn Thị Tính, Huyện đội Điện Bàn (Quảng Nam) làm Trưởng khối, đồng chí Châu Sa, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 70, người trực tiếp chỉ huy trận đánh Mỹ đầu tiên ở Núi Thành làm Phó khối. Khối chúng tôi có 7 người, bây giờ tôi không nhớ hết tên, chỉ nhớ trong 7 người có một người quê ở Quảng Ngãi, một người quê ở Bình Định; riêng quê ở Quảng Nam có đồng chí Trần Kỳ, Xã đội trưởng xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn; đồng chí Trần Khương, Biệt động Đà Nẵng; đồng chí Ba Búa, du kích xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5-7-1967). Ảnh tư liệu 

 

Khoảng tháng 11-1966, khối 2 xuất phát từ Trà My (Quảng Nam) đi bộ là chủ yếu, có một số đoạn được thồ bằng xe đạp, có lúc được đi xe ngựa ở phía Tây các tỉnh miền Trung vừa được giải phóng, sau 22 ngày chúng tôi tới Trung ương Cục miền Nam. Tới nơi, chúng tôi biết khối 1 đã đến trước và báo cáo với Trung ương Cục miền Nam về kinh nghiệm đánh Mỹ xong. Chúng tôi được thông báo nghỉ ngơi và sáng hôm sau sẽ bắt đầu báo cáo. Thời gian chúng tôi báo cáo là hai ngày, tôi và anh Trần Kỳ sẽ báo cáo vào buổi sáng đầu tiên, tôi hồi hộp nên cứ nhẩm đi, nhẩm lại những nội dung báo cáo. Tôi đã quen kể lại việc đã làm không cần giấy tờ chuẩn bị sẵn, nhưng lần này Quân khu yêu cầu tôi đọc báo cáo do tuyên huấn Quân khu chép lại theo lời kể của tôi. Bài báo cáo rất dài, nên tôi khó nhớ, khó diễn đạt. Sau đó được chị Nguyễn Thị Tính đồng ý, tôi sẽ kể đúng như tôi đã trình bày tại Quân khu 5.

Ngay bữa cơm chiều, khi chúng tôi vừa tới Trung ương Cục miền Nam thì đã được bác Trường Sơn đến thăm và ăn cơm cùng. Ấn tượng đầu tiên tôi gặp bác là một người không cao, không béo và hơi sạm đen nhưng tác phong rất gần gũi. Bác xưng bác và gọi tôi bằng con. Nhưng tôi quen gọi là chú xưng con với mọi người, dù biết bác lớn tuổi hơn ba mẹ tôi nhưng tôi vẫn gọi bác bằng chú. Tôi nghĩ, sau này mình sẽ phải thay đổi cách xưng hô cho đúng. Trong lúc tôi đang suy nghĩ thì bác xưng chú và gọi tôi là con. Bác ôm tôi và ân cần hỏi “Chú không nghĩ là cháu nhỏ thế này mà dám lấy súng Mỹ, giết được Mỹ và đi bộ từ miền Trung vào tận đây. Thương cháu quá, cháu có đau chân không? Đi đường có được ăn no không? Vào đây các chú cho ăn bù nghe”.

Tôi lễ phép thưa với bác từng câu hỏi. Đến khi vào bữa ăn, bác cho tôi ngồi bên cạnh, bác gắp thức ăn cho tôi và mọi người, bác hỏi rất kỹ về gia đình tôi, ai còn, ai mất… Bác rất xúc động khi nghe tôi kể cảnh địch tra tấn mẹ tôi trong tù ngay trước mặt tôi, bác bất ngờ khi tôi đã học hết lớp 5 (vì ở trong tù tôi đã học xong chương trình tiểu học do các chú dạy, ra tù vì nhỏ tuổi nên tôi phải học lại từ lớp Nhì rồi tiếp tục học hết lớp 5).

Tôi rất quý bác Trường Sơn và rất gần gũi với bác, ăn xong tôi xin phép được xem khẩu súng ngắn của bác, đó là khẩu súng K54 có dây đeo qua vai rất đẹp. Buổi sáng đầu tiên ở Trung ương Cục miền Nam, tôi được lên báo cáo, tôi nói chậm rãi một mạch từ việc lấy khẩu súng ngắn đầu tiên, rồi lấy khẩu súng tiểu liên Garăng M2, đến ném lựu đạn, cài lựu đạn vào lưng Mỹ và dùng súng tự tạo diệt Mỹ. Bác Trường Sơn nghe rất chăm chú, sau đó bác hỏi tôi rất nhiều nhưng bất ngờ là bác không hỏi nội dung liên quan đến việc đánh Mỹ của tôi, mà bác hỏi Mỹ vào làng thường làm gì? Dừng lại nghỉ nó có cởi quân trang vũ khí ra không? Ban đêm nó ngủ và gác thế nào? Khi có lính Mỹ chết, bị thương nó chuyển đi bằng cách nào? Thái độ của tụi Mỹ khi bạn nó bị ta diệt…

Sau này tôi mới biết, bác hỏi tất cả điều đó là đúc kết kinh nghiệm và cách đánh Mỹ để chỉ đạo cho toàn quân đánh Mỹ. Khi anh Châu Sa kể về trận đánh Núi Thành, bác còn hỏi kỹ hơn, đặc biệt bác hỏi đi hỏi lại nếu bộ đội ta bám sát nó có đánh được không? Hay hỏa lực nó mạnh ta chỉ cần bắn tỉa, đánh mìn có tiêu hao sinh lực chúng được không? Buổi cuối cùng của ngày thứ 2, khối của tôi báo cáo xong, bác kết luận và có một câu nói của bác khiến tôi nhớ mãi. Bác nói: “Qua nhiều đoàn báo cáo, đặc biệt các đồng chí Khu 5 thấy rõ ta bám gần Mỹ để đánh thì ta ít bị tổn thất và hiệu quả chiến đấu cao hơn, nên có thể nói “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” là tốt nhất”.

Kết thúc buổi gặp mặt, tôi bất ngờ được bác tặng chiếc hộp rất đẹp có Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, vì bác biết trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Liên khu 5 tôi được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì nhưng chỉ nhận giấy chứng nhận nhỏ và một cuống huân chương chứ chưa nhận huân chương. Với suy nghĩ của trẻ con, tôi thưa:

– Dạ con thưa chú, cho con đổi huân chương này lấy cây súng ngắn của chú và ít kíp nổ điện được không?

Thoáng chút trầm ngâm rồi bác hỏi:

– Vì sao vậy con?

– Vì huân chương về không biết để đâu, mang theo cả hộp này thì không gọn gàng, khó chạy, đem về nhà ngụy nó thấy được thì giết cả nhà, con xin cây súng và kíp điện về sẽ diệt được nhiều Mỹ hơn.

Bác Trường Sơn nói với chị Nguyễn Thị Tính:

– Các cô chú vận động nhân dân và các cháu đánh giặc tạo ra vùng du kích bao vây Mỹ xứng đáng cho điểm 10, nhưng tôi trừ một điểm, còn điểm 9 thôi, vì không nói hết cho các cháu ý nghĩa của khen thưởng vinh dự thế nào?

Chị Tính lúng túng rồi nói:

– Thưa anh! Chúng em nhận khuyết điểm ạ!

Bác Trường Sơn cười rất hiền từ, rồi nhẹ nhàng:

– Tôi nói vui thôi, chứ khuyết điểm cái chi với cháu mới có 12 tuổi!

Rồi bác xoa đầu tôi:

– Con giỏi lắm, lúc nào cũng nghĩ đến đánh giặc, đúng là giặc đến nhà ai cũng phải nghĩ cách đánh giặc, tuổi của con lẽ ra phải cắp sách đến trường, thằng Mỹ làm khổ các con! Con cứ mang hộp huân chương về, chú sẽ cho con súng và kíp nổ điện.

Tôi vui mừng cả đêm không ngủ được, chỉ mong trời sáng để được nhận súng và kíp nổ.

Sáng hôm sau, bác Trường Sơn đã tặng tôi một khẩu súng K59 còn nhỏ hơn khẩu súng K54 của bác và 1 hộp 50 kíp điện số 8, chị Tính và anh Châu Sa mỗi người cũng được tặng một khẩu K59. Các anh còn lại mỗi người được tặng một khẩu tiểu liên K50 cải tiến bắn đạn Carbine và chúng tôi chia tay bác Trường Sơn, chia tay Trung ương Cục miền Nam ra về. Trước khi đoàn đi, bác Trường Sơn còn kéo tôi vào lòng, cho tôi một gói kẹo Nuga và một hộp Polivitamin bọc đường.

Ra về, tôi vẫn mãi nhớ bác Trường Sơn, chỉ mong có ngày lại được kể chuyện đánh Mỹ với bác. Và tôi không hề biết bác Trường Sơn là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Mãi ngày 6-7-1967, tôi được đi dự Đại hội du kích chiến tranh tỉnh Quảng Đà, cả đại hội bàng hoàng khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần, đại hội dừng một buổi vào ngày 8-7-1967 để làm lễ truy điệu. Khi đọc tiểu sử, nghe đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bí danh Trường Sơn và nhìn di ảnh, tôi mới biết bác Trường Sơn mình từng gặp chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thương tiếc bác Trường Sơn, tôi khóc nức nở giữa lễ truy điệu bác.

Khẩu súng bác tặng, tôi luôn mang theo bên mình qua nhiều trận đánh (năm 2005, tôi gửi khẩu súng tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). Riêng hộp kíp điện vô cùng hiệu quả, đặc biệt trong trận phục kích ở làng Khánh Vân vào tháng 3-1969, tôi đã cài 10 kíp vào 10 quả đạn pháo 105mm bị lép, bố trí dọc đường hành quân của đại đội thủy quân lục chiến Mỹ từ đồn Giao Thủy cơ động lên, cả 10 quả đạn pháo 105mm nổ làm hiệu lệnh cho bộ đội ta nổ súng, góp phần diệt gần hết đại đội Mỹ, tiêu diệt tại chỗ 80 tên, ta thu 20 khẩu súng, 1 máy PRC25.

Cuộc gặp của bác Trường Sơn (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) với tôi tuy không dài nhưng đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, rất nhiều ấn tượng, giúp tôi mãi mãi ghi nhớ về một người lãnh đạo cấp cao bình dị, cao quý; thôi thúc, khích lệ tôi phấn đấu xứng đáng là người con, người cháu của bác Trường Sơn; luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Thượng tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân VÕ TIẾN TRUNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng

 

qdnd.vn