Hào hùng trang sử Điện Biên

32

“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. 70 năm đã qua kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/máu trộn bùn non…” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu” của những người lính năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. 

Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1. Ảnh: VÂN ANH (tỉnh Hòa Bình)

 

Hăng hái tham gia chiến dịch

Ở tuổi 92, sức khỏe đã giảm sút nhưng cựu chiến binh Đặng Ngọc Chỉnh (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) vẫn nhớ như in những năm tháng tuổi trẻ tình nguyện lên đường chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Quê ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, vừa tròn 21 tuổi, ông Chỉnh tình nguyện viết đơn vào quân ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36, Sư đoàn Bộ binh 308. Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3-1954), từ Lào, đơn vị của ông được điều về đánh đồn Bản Kéo. Để nhanh chóng chiếm được Bản Kéo, quân ta ngày đêm âm thầm đào công sự. Khi những mũi hào trận địa của ta đã sát hàng rào địch, pháo đồng loạt nã vào đồn, quân địch hoảng loạn ra hàng. Trận đó, đơn vị của ông Chỉnh thu được hàng nghìn vũ khí, quân trang, lương thực của địch.

Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ân cần thăm hỏi sức khỏe ông Đặng Ngọc Chỉnh.

 

Kém hơn ông Chỉnh 5 tuổi, ông Lê Minh Lộc (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) cũng có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ từ những ngày đầu. Cuối năm 1953, khoảng 1 tháng sau khi mẹ và chị gái bị địch sát hại ở quê nhà Hải Phòng, ông Lộc nói với cha: “Dù chết con cũng phải đánh được địch!”, rồi lên đường nhập ngũ. Làm liên lạc ở tỉnh Hòa Bình một thời gian ngắn, tháng 12-1953, ông Lộc nhận lệnh “hành quân đến Trần Đình” (mật danh chỉ Điện Biên Phủ) với nhiệm vụ vác đạn, cứu thương. Đường lên Điện Biên hồi đó rất gian nan. Ròng rã hàng tháng trời, đêm đi ngày nghỉ, riêng quân trang trên lưng mỗi người cũng trên dưới 30kg, nhưng tất cả đều phấn chấn, quyết tâm giành chiến thắng. Dọc đường hành quân, từng đoàn xe vận tải Monotoba (Liên Xô) nối đuôi nhau chở hàng ra chiến dịch. Dưới tán rừng, dân công hỏa tuyến vừa đi vừa khẽ hát bài “Vì nhân dân quên mình”, thúc giục nhanh bước tới Điện Biên… Sau đó, ông được đào tạo pháo thủ ngay tại mặt trận và trở thành pháo thủ số 2 pháo cao xạ 37mm ở Trung đoàn 367 (thuộc Đại đoàn 351), có nhiệm vụ bắt, bám sát mục tiêu trên không. Do địch thường dùng máy bay trinh sát chỉ điểm tọa độ để máy bay B24, B26 ném bom nên trận địa pháo của đơn vị ông Lộc phải di chuyển liên tục để giảm tổn thất. “Ban ngày, quân ta chiến đấu căng thẳng; ban đêm lại nắm chắc tay xẻng, đào đắp hầm hố, di chuyển vũ khí, thiết bị đến tờ mờ sáng. Hôm nay đánh địch ở trận địa này, ngày mai đánh địch ở trận địa khác; có khi di chuyển trận địa ngay trong ngày, khiến máy bay địch ở đâu cũng bị bắn rơi. Những chớp lửa sấm sét, những tiếng nổ long trời lở đất đã trở thành tiếng pháo mừng chiến thắng của quân ta và là nỗi khiếp đảm của quân Pháp”, ông Lộc nhớ lại.

Dân công vận tải lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Theo ông Lộc, ở chiến dịch Điện Biên Phủ, không chỉ yểm hộ bộ binh, pháo binh tiến công, pháo cao xạ của quân ta còn tích cực khống chế nhằm cắt đứt đường tăng viện, tiếp tế bằng máy bay của địch. Máy bay vận tải C119 của địch phải bay thật cao để thả hàng tiếp viện cho địch nhưng vẫn rơi sang phía quân ta, “tiếp tế” cho chiến sĩ Điện Biên đánh địch, từ xúc xích, giăm-bông, bánh bích quy, vũ khí, đạn dược… Tinh thần đánh địch của quân ta càng thêm hăng hái.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, để vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã huy động khoảng 261.000 dân công gánh gồng, thồ vác lương thực, vũ khí (đi dân công hỏa tuyến). Bà Lê Thị Quyền (92 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện nay sống ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) là một nhân chứng sống cho tinh thần “tất cả vì Điện Biên”. Bà Quyền hồi tưởng: “Nhiều gia đình ăn bắp non, khoai, sắn thay cơm, để dành gạo cho tiền tuyến. Ở Thanh Hóa, khí thế viết đơn tình nguyện đi bộ đội, xung phong đi dân công hỏa tuyến rất sục sôi. Đường từ Thanh Hóa lên Điện Biên, dân công hỏa tuyến không chỉ đối mặt với núi cao, vực thẳm, suối sâu, thác ghềnh, mà còn phải đối mặt với muỗi, vắt, côn trùng, bệnh sốt rét và cả máy bay địch bắn phá. Suốt chặng đường đều đi băng rừng để tránh bị địch phát hiện. Chúng tôi chỉ đi ban đêm, người trước buộc khăn trắng để người sau trông thấy, bám theo mà đi. Người nào bị sốt rét được đưa về tuyến sau, gạo được san ra cho những người còn khỏe gánh tiếp…”.

“Gan không núng, chí không mòn”

Với các chiến sĩ Điện Biên, những nắm cơm muối, bát canh rau rừng chia vội trong ngày nắng như thiêu như đốt hoặc trong đêm mưa tầm tã… đã trở thành kỷ niệm khó quên. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là những trận chiến ác liệt “máu trộn bùn non”. Đó là những ngày mưa, lòng chảo Điện Biên ngập nước tới bắp đùi, chiến sĩ ta hăng hái lội bùn xung trận, siết chặt vòng vây, khiến quân Pháp co cụm trong các cứ điểm.

Ông Lê Minh Lộc kể lại chuyện di chuyển trận địa pháo hồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cán bộ quân sự phường Vĩnh Hòa.

 

Đầu tháng 4-1954, bằng chiến thuật thọc sâu, chia cắt, đánh nhanh diệt gọn, đơn vị của ông Chỉnh đã chiếm được cứ điểm 106, rồi tiến đánh cứ điểm 206 (bảo vệ phía tây sân bay Mường Thanh). “Biết mất cứ điểm 206 là mất sân bay Mường Thanh nên địch cản phá điên cuồng, đạn bắn như vãi trấu. Anh em xung phong người trước ngã xuống, người sau lại tiến lên… Trong tình thế khó khăn đó, bộ đội ta đã sáng tạo quấn rơm thành những độn to và đẩy độn rơm ra trước chắn đạn rồi tập trung đào giao thông hào theo cách đào dũi. Nhờ vậy, quân ta giảm được thương vong, tiến sát cứ điểm của địch”, ông Chỉnh thuật lại. Quân ta vừa bao vây, vừa bắn tỉa nên địch thương vong nhiều, co cụm hết dưới hầm. Đêm 22-4-1954, quân ta nổ súng công đồn đánh cứ điểm. “Để bảo vệ quân ta, pháo binh yêu cầu bộ binh lui xa khoảng 50 – 60m, nhưng lúc này, thời gian là thắng lợi, nên chúng tôi kiên quyết không lùi, đề nghị cứ bắn pháo vào trận địa. Pháo ngừng là quân ta dùng bộc phá hất tung hàng rào dây thép cuối cùng của địch. Tiếng hô xung phong át tiếng đạn. Sau hơn 1 giờ công đồn, quân ta đã chiếm được cứ điểm 206”, ông Chỉnh kể. Chiến trường ác liệt, dù có giao thông hào, hầm trú ẩn nhưng không tránh được thương vong. Ngày 2-5-1954, khi đánh điểm 311B, cách hầm De Castries (Đờ Cát) 300m về phía tây, khi xung phong đột phá khẩu, ông Chỉnh bị trúng đạn vào đùi nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu và đã chiếm được điểm chốt. Nhưng vào trong hầm thì địch bất ngờ cho đại bác bắn trả, làm sập hầm, toàn bộ đất đá đè lên người. Rất may, ông được đồng đội bới đất đưa về hậu cứ cứu chữa. Do bị chấn thương vùng đầu và sức ép của đạn pháo, 9 ngày sau, mắt ông mới nhìn lại được bình thường.

Bộ đội kéo pháo lên Điện Biên.

 

Ở tuổi 93, ông Võ Đức Thi (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) vẫn nhớ những ngày làm y tá đội điều trị tiền phương thuộc Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày đó, chiến trường vừa ác liệt, vừa khó khăn thiếu thốn. Trang thiết bị y tế chỉ có bộ đồ mổ, thuốc gây tê, gây mê và một số loại thuốc thông dụng. Phòng mổ là một căn hầm chừng 10m2, vừa đủ đặt chiếc bàn mổ và có chỗ đứng cho kíp mổ 5 – 6 người. Bộ đội ta chiến đấu dưới giao thông hào nên toàn thân bê bết bùn đất, nếu gặp phải ngày mưa thì toàn thân như bị nhuộm bùn. Vì thế, mỗi khi thương binh được chuyển về, đầu tiên các y tá phải thay áo quần, làm vệ sinh. Việc cứu chữa thương binh diễn ra ngay trong hầm, dưới ánh đèn măng-sông hoặc đèn điện mà máy phát là một bình điện xe đạp quay bằng tay. “Khi có ca mổ, một đồng chí dân công dùng tay liên tục quay chiếc pê-đan xe đạp để bánh xe chuyển động, va chạm với trục quay của Dynamo xe đạp tạo ra dòng điện cảm ứng thắp sáng bóng đèn. Đồng chí này quay pê-đan mệt, đồng chí khác lập tức vào thay. Mổ xong, kíp mổ lại chạy ra giao thông hào hít thở một lát cho bớt ngộp… Kíp mổ thường xuyên thức suốt đêm, cứu sống được nhiều chiến sĩ”, ông Thi nhớ lại.

“Nốt trầm” sau bài ca chiến thắng

Sau nhiều trận đánh vào các cứ điểm ở Điện Biên Phủ, ngày 6-5-1954, quân ta tiêu diệt cứ điểm 316 phía tây sở chỉ huy tướng Đờ Cát. Đêm đó, quân ta dùng 1 tấn bộc phá TNT cho nổ tung đồi A1 khiến quân địch thêm hoang mang. Chiều 7-5-1954, tướng Đờ Cát dẫn quân ra hàng. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ hoàn toàn.

Ông Thi xem lại những hình ảnh khi thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ.

 

70 năm đã qua, ông Lộc vẫn chưa quên thời khắc lịch sử ấy: “Từ dưới các chiến hào, chúng tôi nhảy lên mặt đất hò reo, chứng kiến quân địch phất cờ trắng ra hàng. Có lính Pháp mặc áo rách ra hàng còn được mấy chiến sĩ to con của quân ta lựa đồ rộng đưa cho thay”. Còn ông Chỉnh nghe tin chiến thắng khi đang nằm trên giường bệnh, vội ngồi dậy hoan hô cùng các thương binh. “Đó là giây phút vui nhất cuộc đời tôi…”, ông Chỉnh bồi hồi.

Tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng.

 

Nhớ về Điện Biên, các cựu chiến binh không chỉ nhớ những chiến công oanh liệt, mà còn nhớ cả những mất mát, hy sinh của đồng đội. Biết bao người đã nằm xuống để viết nên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ông Lộc chùng giọng kể trong nỗi xúc động: “Khốc liệt lắm! Mâm pháo của tôi có 5 người, sau một tiếng nổ lớn, 3 đồng chí vừa nói chuyện đã không còn nhận ra thân thể. Đặt các anh vào hòm đạn rỗng, tôi và đồng đội còn lại rất buồn, sau một hồi mới trấn tĩnh lại và nghĩ: “Đồng đội đã hy sinh vì đất nước, mình càng phải quyết giành chiến thắng; không thể để các anh hy sinh vô ích!””. Còn ông Thi bùi ngùi nhớ lại: “Có một chiến sĩ trẻ bị thương ở chân làm đứt động mạch khoeo, dẫn tới thiếu máu chi cấp tính, bàn chân và cổ chân tím ngắt, hoại tử. Thời điểm đó, điều kiện y tế rất thiếu thốn, không thể nối mạch máu như bây giờ, chỉ còn cách gây tê tủy sống rồi đoạn chi để cứu tính mạng chiến sĩ. Lúc thực hiện, cả kíp mổ đều khóc, chiến sĩ đó cũng khóc vì biết sẽ không thể tiếp tục chiến đấu…”.

Trong câu chuyện của mình, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều bộc lộ niềm vinh dự, tự hào khi được góp mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vậy sau này, dù thực hiện nhiệm vụ nào, những chiến sĩ này vẫn giữ vững phẩm chất người lính Cụ Hồ; đồng thời luôn mong muốn thế hệ con cháu tiếp tục nỗ lực dựng xây đất nước phát triển.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13-3-1954 đến 7-5-1954 với 3 đợt tiến công. Quân ta đã lần lượt đánh chiếm, tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, sân bay Mường Thanh, đồi C1, đồi D1, đồi A1,… 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, quân ta chiếm sở chỉ huy của địch; tướng De Castries (Đờ Cát) cùng Bộ Tham mưu và toàn bộ binh lính ở khu trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch. Ngay trong đêm, quân ta tiếp tục truy quét quân địch ở phân khu Hồng Cúm không để địch chạy sang Lào. Đến 24 giờ ngày 7-5-1954, toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm bị bắt làm tù binh, trong đó có cả đại tá Lanlande – Chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Hồng Cúm.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch.

XUÂN THÀNH – THIỀU HOA – VĂN GIANG

 

https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/202405/hao-hung-trang-su-dien-bien-fb16ec6/