Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN

158

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Phnom Penh, Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông.

Hôm 9.7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) khai mạc với sức nóng từ biển Đông. “Tất cả các nước đều lên tiếng về vấn đề này”, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nói với phóng viên sau phiên họp hẹp kéo dài hơn dự kiến.


Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 2 từ phải sang) cùng các quan chức và lãnh đạo tại hội nghị – Ảnh: AFP

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông. Ông nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” và mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Điều này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với EEZ, thềm lục địa và trái với tinh thần Tuyên bố chung các bên về biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002. Các hành động này cũng gây phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở khu vực.

Vì thế, ông Phạm Bình Minh kêu gọi ASEAN cần thể hiện vai trò chủ đạo, trách nhiệm và tinh thần xây dựng trong xử lý các vấn đề là lợi ích chung của khu vực; tạo môi trường cho các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Trước khi họp kín, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã gặp song phương với Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario. Một nguồn tin cho Thanh Niên biết ông Del Rosario cũng phát biểu mạnh mẽ về vấn đề biển Đông trong cuộc họp hẹp chiều qua.

Trong diễn văn khai mạc AMM 45, thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen nhấn mạnh: “Duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực là không thể thiếu đối với sự thịnh vượng của ASEAN. Chúng ta cần đặt nặng việc thực hiện DOC, tiến tới hoàn thiện bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC)”. Về tiến trình đi đến COC, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Kao Kim Houn cho biết: “Các ngoại trưởng ASEAN chiều nay đã thống nhất rằng quan chức cấp cao (SOM) ASEAN và Trung Quốc từ nay sẽ thảo luận với nhau về COC”.

Cũng trong sáng qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân phát biểu: “Khi điều kiện chín muồi, Trung Quốc sẽ thảo luận với ASEAN về việc hình thành COC”. Ông còn “thòng” thêm: “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng COC không nhằm giải quyết tranh chấp, mà nhằm xây dựng lòng tin và đẩy mạnh hợp tác”. Lập trường mập mờ của Trung Quốc khiến một số phóng viên quan ngại về thiện chí của nước này trong việc thúc đẩy sự ra đời của COC. Có phóng viên đặt vấn đề rằng ASEAN nên tự soạn thảo COC, sau đó trao cho Trung Quốc để thống nhất hoàn thiện – như mong muốn mà Hội nghị cấp cao ASEAN 2011 tại Bali (Indonesia) nêu ra – có thể giúp rút ngắn thời gian đi đến COC. Tuy nhiên, người đại diện Campuchia cho rằng cần để Trung Quốc tham gia vào quá trình soạn thảo COC.

Vấn đề biển Đông được nhận định sẽ là chủ đề nóng trong các cuộc họp giữa ngoại trưởng ASEAN với người đồng cấp Trung Quốc và với ngoại trưởng các nước trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Thượng đỉnh Đông Á (EAS) trong những ngày tới. Hôm qua các ngoại trưởng ASEAN cũng quyết định tạm hoãn việc thông qua 3 văn kiện về Khu vực ASEAN phi vũ khí hạt nhân đến tháng 11 năm nay, do 4 trong số 5 cường quốc hạt nhân đối tác có “một số do dự”.

 

Bắc Kinh có nhiều hành động đáng ngờ

Ngày 9.7, tờ China Daily đưa tin Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã điều đội tàu hộ tống từ tỉnh Chiết Giang tới vịnh Aden để thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển. Trong chuyến đi này, đội tàu trên trải qua 4 ngày “thực hiện các khóa tập huấn đặc biệt trên biển Đông và “TP.Tam Sa”, mà Trung Quốc lập ra, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Trong một diễn biến liên quan, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 8.7 đưa tin 4 tàu hải giám của nước này vừa trở về TP.Quảng Châu sau khi hoàn thành “sứ mệnh 13 ngày” trên biển Đông. Trước đó, 4 tàu này cũng tổ chức tập huấn trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cũng trong ngày 8.7, chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo sẽ tiến hành đợt khảo sát sinh vật kéo dài một tháng ở các đảo trên biển Đông nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm cụ thể, theo Tân Hoa xã.

Văn Khoa

Theo Tuổi Trẻ