Các nước lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

124

Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và nhiều nước khác đồng loạt lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm của Liên Hợp Quốc, đồng thời sẽ cùng thảo luận phương pháp đối phó.

Phát thanh viên của đài truyền hình quốc gia Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa đã thành công vào sáng nay. Ảnh: AFP

Hàn Quốc lên án vụ phóng tên lửa Triều Tiên là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và đe dọa đến sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như hòa bình của thế giới.

“Chính phủ chúng tôi cùng cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án, Triều Tiên đã bất chấp những cảnh báo và yêu cầu hủy vụ phóng, để tiến hành những hành động khiêu khích”, AFP dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-hwan nói.

Tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn hàng đầu và kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) họp khẩn để thảo luận về những tác động của vụ phóng.

Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc Tsuneo Nishida cũng yêu cầu HĐBA nhóm họp ngay hôm nay để đối phó với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, hôm nay cũng lên án vụ phóng tên lửa. “Bình Nhưỡng nên tuân thủ các nghị quyết có liên quan của Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu Triều tiên không tiến hành bất cứ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và dừng tất cả các hoạt động liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo”, hãng tin Xinhua cho hay.

“Tất cả các bên có liên quan cần tỉnh táo và kiềm chế để tránh làm ngọn lửa cháy to hơn để tranh cho tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Nhiều năm qua, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn trì trệ trong sự hiểu nhầm, mất niềm tin và thù oán. Cách khả thi duy nhất bây giờ là bắt đầu xây dựng niềm tin”, hãng tin nhà nước Trung Quốc tiếp lời. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cho rằng Triều Tiên “có quyền khám phá không gian một cách hòa bình”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng lên án tương tự đối với hành động của Triều Tiên. Ông cho rằng đây thật sự là một điều đáng tiếc vì Triều Tiên đã thách thức cả lời kêu gọi thống nhất và mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Nga bày tỏ “sự lấy làm tiếc” về vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên và cảnh báo hành động này không giúp ích gì cho sự ổn định của khu vực.

HĐBA sẽ nhóm họp cuối ngày hôm nay theo lời kêu gọi từ Nhật Bản và Mỹ để thảo luận về vấn đề trên.

Australia cũng lên án vụ phóng tên lửa Triều Tiên và kêu gọi sự ứng phó nhanh và mạnh từ HĐBA. Thủ tướng Julia Gillard mô tả đây là một động thái khiêu khích và vô trách nhiệm, đe dọa đến sự ổn định và an ninh của châu Á-Thái Bình dương.

“Đây là một ví dụ gây thất vọng nữa của Triều Tiên về việc chọn con đường quân sự và cô lập trong khi người dân đang phải đấu tranh để nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà nói.

Bà Gillard cho hay Australia sẽ bày tỏ sự quan ngại trực tiếp đến chính phủ Triều Tiên và kêu gọi nước này dừng các hành động khiêu khích. “Australia yêu cầu HĐBA nhóm họp khẩn cấp và đối phó mạnh tay”, bà nói.

Đại sứ Mỹ tại Australia Jeff Bleich cho rằng những hành động của Triều Tiên mang tính chất đối đầu và gây ra những vấn đề nghiêm trọng. “Họ đang đùa với lửa”, ông cảnh báo tại Canberra. “Tôi tin rằng Mỹ sẽ lên án hành động này và chắc chắn sẽ tham vấn với các nuwocs trong khu vực để đưa ra biện pháp xử lý thích hợp”.

Hãng Kyodo tuần trước đưa tin các cuộc họp sơ bộ giữa các nhà ngoại giao trong và ngoài HĐBA đã bắt đầu, tập trung thảo luận về hành động chống lại Triều Tiên. Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí yêu cầu HĐBA tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên lên ngang bằng Iran, Asahi Shimbun cho hay. Các biện pháp này sẽ bao gồm tăng danh sách các cơ quan tài chính, tổ chức và cá nhận bị đóng băng tài sản.

Anh hôm nay cũng bày tỏ rằng nước này “quan ngại” về vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên và tuyên bố sẽ triệu tập đại sứ của nước này tại Anh lên Bộ Ngoại giao.

“Tôi lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hôm nay”, Ngoại trưởng William Hague nói trong một thông báo. “Tôi quan ngại thực tế rằng Triều Tiên đã ưu tiên việc phóng tên lửa hơn là cải thiện đời sống của người dân. Chúng tôi sẽ triệu đại sự Triều Tiên tại Anh đến văn phòng Bộ Ngoại giao”.

Ông Hague cho rằng vụ phóng vi phạm các nghị quyết 1718 và 1874 của Liên Hợp Quốc về thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo và cảnh báo động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Anh sẽ tham vấn các nước trong Liên Hợp Quốc để đưa ra các đối phó. “Triều Tiên cần phải kiềm chế các hành động khiêu khích và tiến tới phi hạt nhân hóa, xây dựng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”, ông nói.

Một quan chức Mỹ cho biết nước này đã “lưu ý” đến vụ phóng trên, đang theo dõi tiếp tình hình và sẽ đưa ra bình luận chính thức sau.

Bình Nhưỡng hôm nay đã phóng tên lửa mang vệ tinh, bất chấp những đe dọa trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tên lửa được phóng lên từ trung tâm vệ tinh Sohae lúc 9h51 giờ địa phương.

Hàn Quốc cho biết tên lửa đã đi theo đúng đường bay dự kiến ban đầu. Nhật Bản cho biết tên lửa bay qua quần đảo Okinawa nhưng nước này không ra lệnh phá hủy.

Một phát thanh viên của truyền hình Triều Tiên tuyên bố dõng dạc và hùng hồn trong một bản tin đặc biệt rằng tên lửa đã đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công.

Theo Vnexpress