‘Tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng’

107

Để tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, bộ trưởng, Chính phủ cho rằng cần phải xác định cho rõ vị trí của Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng… và các vị này cần có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước nhân dân.

Trao đổi với báo chí sáng 17/5 về kết quả lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên cho hay, với hàng triệu ý kiến góp ý, Ban chỉ đạo đã cân nhắc rất kỹ để tổng hợp thành báo cáo dài hơn 100 trang. Báo cáo đã được chuyển tới Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp với 8 nhóm vấn đề kiến nghị.

Theo ông Hoàng Thế Liên, nhiều vấn đề đã được ban soạn thảo tiếp thu và làm cho chất lượng bản dự thảo tốt hơn trước. Một trong các nội dung được tiếp thu là kiến nghị nêu trong chương 7 về tổ chức Chính phủ. Với những vấn đề chưa được tiếp thu, Chính phủ sẽ tiếp tục thuyết phục ban soạn thảo.

Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên. Ảnh: N.Hưng.

Chính phủ đề xuất phải xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước, tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, bộ trưởng; cụ thể hóa mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các thiết chế hiến định độc lập.

Theo ông Liên, để tăng cường trách nhiệm cá nhân thì phải xác định cho rõ vị trí của Thủ tướng, Phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ. “Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước nhân dân, và các bộ trưởng cũng vậy”, ông Liên cho hay.

Để tăng cường vai trò của cơ quan hành pháp, ông Liên cho biết, Chính phủ kiến nghị cần cho phép thiết chế này được có một vị trí độc lập nhất định để có thể thực hiện linh hoạt quyền điều hành, đối phó với các tình huống.

“Chính phủ tha thiết mong muốn khi đã ghi nhận quyền hành pháp thì không nên ghi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc vì quy định về quyền hành pháp đã bao hàm điều này”, ông Liên nêu tổng hợp kiến nghị từ phía Chính phủ.

Đóng góp cho chương 1 về chế độ chính trị, Chính phủ tán thành với việc ghi nhận tại điều 4 về vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Đồng thời, kiến nghị tập trung vào quy định về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo.

Chính phủ cũng đề nghị không quy định yếu tố nền tảng của quyền lực nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức mà kế thừa các quy định của Hiến pháp 1946; cần ghi nhận và đảm bảo thực thi quyền lập hiến của nhân dân, hoàn thiện các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp.

Với các quy định về quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Chính phủ kiến nghị ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện bằng Hiến pháp và luật, đồng thời cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.

Theo Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức trên 28.000 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt góp ý của tập thể, cá nhân.

Liên quan đến nội dung về chế độ kinh tế, đa số ý kiến tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường. Theo đó, trong mọi trường hợp nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi sẽ được bồi thường theo giá thị trường. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế – xã hội”.