Cậu bé đánh giầy 10 năm đỗ đại học báo chí

205

Vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, khu vực gần Đài Truyền hình Hà Nội từ hơn một năm nay đã trở thành “lãnh địa” đánh giầy của em Nguyễn Văn Phúc, quê ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Phúc vừa đỗ vào Học viện Báo chí Tuyên truyền với số điểm 23 (cả điểm cộng).

Để theo đuổi việc học, cho đến hôm nay, Phúc nói, mình đã có thâm niên 10 năm kiếm sống bằng nghề đánh giầy.
Trong gia đình 5 chị em, không có ai được học lên cao sau khi tốt nghiệp cấp 3 như cậu con trai út này, vì đôi vai người mẹ không đủ sức gánh gồng nuôi con.

Bố là thương binh và qua đời năm Phúc 11 tuổi vì bệnh tiểu đường. Suốt những năm bố lâm bệnh nặng, kinh tế gia đình sa sút.

Khi bố qua đời, một mình mẹ với công việc đồng áng và làm nón vất vả. Trong khi 5 anh em của Phúc vẫn còn đang ăn học. Thêm vào đó, khoản nợ của gia đình vay để chữa bệnh đó đã lên đến gần 100 triệu đồng.

Phúc kể: “Một chị gái vừa học xong lớp 9 đã phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp mẹ. Và em bắt đầu làm quen với những hộp xi, bàn chải đánh giầy từ đó.”

– Vậy em đi đánh giầy từ năm lên lớp 6?

– Vâng ạ. Khi đó, chỉ có mẹ lo cho cả 5 anh em. Trong làng em, những đứa cùng trang lứa đi đánh giầy nhiều lắm.

– “Lãnh địa” của em ở đâu?

– Hồi đầu, bọn em chủ yếu “chiếm đóng” khu vực chợ Phùng Khoang – Hà Đông, nhất là khu đô thị Văn Quán, nơi có mấy quán cà phê. Khi lên cấp 3, em chuyển lên đường Nguyễn Chí Thanh, phố Nguyên Hồng và hơn một năm nay em chiếm chỗ này (đường Huỳnh Thúc Kháng). (Cười tươi).

– Những bạn đi đánh giày cùng em từ ngày đó bây giờ làm gì?

– Hầu hết, chúng nó đều lấy vợ, lấy chồng cả rồi chị ạ. Có đứa còn dẫn cả vợ, cả con đi đánh giày trên này nữa đấy.

“Con nhà lính, tính nhà nông, biết cảm thông, thích chia sẻ”

Đã kiếm sống trên vỉa hè suốt 10 năm nay, nhưng Phúc vẫn giữ cách nói năng lịch sự, nhã nhặn.

Đặc biệt, trong suốt cuộc trò chuyện, chàng trai 20 tuổi này luôn cười rất tươi và không chút e ngại chia sẻ về công việc của mình.
Phúc hóm hỉnh nói về phương châm sống: “Con nhà lính, tính nhà nông, biết cảm thông, thích chia sẻ.”

“Có lẽ, do em học khối C đấy! Học văn cũng là học làm người mà. Em rất thích đi chùa cùng mẹ và nghe giảng kinh Phật. Hơn nữa, khi đi làm nghề này, em đã tự nhủ phải luôn nhớ đến mục tiêu là học hành để có thể đến với một môi trường sống, môi trường giáo dục tốt hơn.”- Phúc cười tự tin.

– Đi đánh giày có ảnh hưởng đến việc học của em không?

– Khi còn học phổ thông, ngày nào em cũng đi. Tùy thuộc vào thời gian học mà em đi sáng hay chiều.

Em học ở trường làng nên áp lực học tập không cao lắm. Tuy thế, nhưng năm nào em cũng giữ được danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến đấy.

Khi lên đây ôn thi đại học, em chỉ đi đánh giày buổi sáng, mọi việc học đều dồn vào buổi chiều và tối.

Sở dĩ em kiên trì như thế vì không muốn giống như nhiều bạn ở quê. Hầu hết họ nghĩ “ngắn” lắm, chỉ thấy đi đánh giày một ngày kiếm được 50.000 hay 100.000 đồng là đủ, không cần nghĩ đến tương lai sẽ như thế nào.

-Đã bao giờ em bị những người lao động khác trên vỉa hè bắt nạt chưa?

– Ừm! Chưa đâu chị ạ. Nghiện hút cũng chưa bao giờ bắt nạt em cả, đánh giày thì có nhiều tiền đâu mà bắt nạt!

Nhưng, lần đầu tiên đến đường Huỳnh Thúc Kháng hành nghề, em bị một nhóm đánh giầy ở đây từ trước đánh cho một trận. May mà còn chạy được. Về nhà em ốm mất một tuần. Nhưng em không trả thù, cứ thế đi tiếp thì chúng nó không dám đánh nữa. Em ghét đánh nhau lắm, cờ bạc, thuốc lá cũng vậy.

– Một ngày em kiếm được bao nhiêu tiền từ việc này?

– Trung bình, một ngày em có thể kiếm được 50 nghìn. Có hôm nào mưa thì không được đồng nào. Còn hôm nào đắt khách, như hôm nay chẳng hạn, thì em được gần 100 nghìn cơ đấy!

– Mẹ nói gì khi em đi làm nghề này?

– Mẹ lo lắng vì sợ em sẽ sa vào cờ bạc hay nghiện hút như nhiều bạn khác. Nhưng lúc đó, em không đi thì chắc đã phải nghỉ học. Mẹ dặn dò, em là niềm hi vọng duy nhất và lớn nhất của mẹ, vì thế đã đi làm để có tiền ăn học thì không được chơi bời. Nhiều lần, nhất là khi học cấp 3, em chỉ muốn tập trung vào học nhưng vẫn quyết tâm đi. Em muốn tự lo cho mình và cho mẹ đỡ vất vả. Ngày trước, em đi chỉ đủ cho đóng góp và học hành. Bây giờ, em đã có thể tự lo cho mình gần như đầy đủ.

– Sắp tới nhập học, kế hoạch trang trải cho cuộc sống sinh viên của em như thế nào?

– Em vẫn sẽ tự lo cho mình. Em nghe nói học báo tốn lắm. Vì thế, trước mắt, em vẫn sẽ đi đánh giày để kiếm chút tiền mua máy ảnh, máy ghi âm.

Vào năm học, em sẽ tìm một công việc bán thời gian để trang trải việc ăn ở và sau đó là làm quen với nghề bằng cách cộng tác viết bài. Em không muốn mẹ hay anh chị lo cho việc ăn học. Em muốn tự mình trải nghiệm vất vả để hiểu cuộc sống và những thành quả của mình có ý nghĩa.

Đi đánh giày thực sự là một nghề có ý nghĩa và dạy em nhiều điều. Đánh giày cho em có tiền để sống, cho em biết cái khó, cái khổ và cả sự nhẫn nhịn để biết vươn lên, nhìn thấy tệ nạn xã hội mà tránh xa và gặp những người thành đạt để noi gương họ.
Trên vỉa hè, mọi thứ của cuộc sống đều diễn ra xung quanh mình mà! ( Cười rất tươi).

Những ngày gắn bó với vỉa hè đánh giày, đọng lại trong em là lòng tốt của cô chủ quán cà phê luôn sẵn lòng mời em một cốc nước khi khát, dành cho một chỗ làm thêm khi em trở thành sinh viên; là hai cô giáo luôn động viên và tặng em những quyển sách hay thay cho lời chúc em sẽ đỗ vào đại học.

Bây giờ, Phúc vẫn đánh giày trên phố và nuôi quyết tâm mới, sẽ trở thành một nhà báo giỏi trong tương lai.

 

Theo Vietnamnet